Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

Nghĩ về danh ngôn

Tôi nghĩ, khéo chẳng bao giờ cần đọc danh ngôn, bởi vì mọi danh ngôn thì đã có sẵn trong mỗi con người.

...Nhưng mà, hình như là cũng không đúng lắm. Nhỉ.

(Lưu ý: Đây là các suy nghĩ của cá nhân tôi, không tham khảo bất kỳ nguồn tài liệu nào, và hoàn toàn chưa được kiểm chứng ở phạm vi rộng)

Tôi định nghĩa rằng: Danh ngôn là những lời đúc kết về một vấn đề nào đó một cách ngắn gọn, dễ truyền tải và dễ hiểu đối với người đọc nó, danh ngôn thường được xuất phát bởi một người có danh tiếng trong một lĩnh vực nào đó.

Vậy tất cả các danh ngôn đều đúng? đều là chân lý khiến ta học tập. Không, chắc rằng không phải như vậy, bởi vì tôi thấy có những câu danh ngôn mà đối với riêng tôi thì không thể chấp nhận được. Còn có những câu danh ngôn lại mang đầy tính hài hước, nhưng không vận dụng được và trong cuộc sống thực tế: Chẳng hạn một số vị danh nhân đã viết những câu bất hủ về vợ với một giọng châm biếm thì câu danh ngôn này thể hiện riêng quan điểm của danh nhân đó về riêng vấn đề "vợ", nhưng cũng có thể không đúng đối với tất cả những quan điểm của người khác đối với vợ của họ.

Đó không phải là điều tôi muốn nói. Xin tiếp tục với ý nghĩ của tôi về danh ngôn: Tôi đã nghĩ đến sự tiếp nhận một câu danh ngôn của người đọc nó.

Thấy rằng, sự tiếp nhận một nội dung của câu danh ngôn thì người đọc sẽ phân thành ba nhóm suy nghĩ: "chấp nhận", "còn nghi ngờ" "không chấp nhận" đối với nội dung vừa đọc. Tất nhiên, có thể sẽ có các trường hợp khác nữa: ví dụ: "nửa đúng-nửa sai", hoặc "cái này đúng, cái kia sai", hoặc một vài trường hợp khác mà tôi chưa hình dung ra. Nhưng, tôi nghĩ rằng trong các trường sử dụng vào các câu danh ngôn thì sẽ hiếm có các trường hợp còn lại, bởi vì các câu danh ngôn thì thường là ngắn và cô đọng lại cho một ý kiến định nêu.

Tạm chấp nhận có ba nhóm suy nghĩ như trên, tôi đi vào từng nhóm như sau.

1. Chấp nhận: Có nghĩa là người đọc hoàn toàn đồng ý với nội dung của câu danh ngôn. Đa số các câu danh ngôn được lưu truyền đến nay đều thuộc loại này. Đúng như vậy. Chẳng còn gì bàn cãi nữa nếu không nghĩ thêm một chút rằng tại sao lại như thế.

Ở đây, tôi cho rằng các câu danh ngôn được tồn tại đến hiện nay đều do sự chấp nhận của người đã tiếp tục lan truyền nó cho những người đương thời hoặc thế hệ sau dựa trên truyền miệng hoặc ghi vào sách vở, báo chí. Nếu như một câu danh ngôn không được chấp nhận thì có nghĩa là chúng sẽ bị loại bỏ ngay bởi người muốn lan truyền chúng trong những lần đầu tiên phát hiện ra, và chúng sẽ không còn tồn tại cho đến hiện nay.

Thật tiếc rằng đúng thời điểm để soạn bài này cho nó xuất hiện trên blog của mình lúc 00h hàng ngày thì tôi lại không kết nối được với Internet (bởi vì sự cố liên miên gần đây ở toàn địa phương tôi bởi một ISP tôi đang dùng) nên không thể tìm kiếm để có thể lấy một vài câu danh ngôn tiêu biểu thuộc dạng "chấp nhận" này. Tuy nhiên, tôi tạm lấy một câu để có thể lấy nó cho các ví dụ, phân tích của tôi trong sự suy nghĩ lần này:

"Thời gian là vàng"

Câu này thì tôi không hiểu được rằng do ai đã nói lần đầu tiên, nhưng có lẽ rằng nó đã được chấp nhận khá rộng rãi rồi. Chắc bạn cũng tin rằng điều đó là đúng.

2. Còn nghi ngờ: Người đọc danh ngôn còn nghi ngờ về câu danh ngôn đó có đúng hay là sai, hoặc chưa thể nào phân biệt được rằng câu đó đúng hay là không đúng theo ý họ. Nếu như đa số người đọc đều nghi ngờ như vậy thì nhiều khả năng là câu danh ngôn này nói về một vấn đề chưa được chấp nhận rộng rãi, có thể nó là vấn đề trừu tượng, có thể nó chỉ nói riêng cho một số người (chẳng hạn một câu danh ngôn chê bai việc kết hôn của một danh nhân thích sống độc thân) hoặc có thể nó không được dịch đúng sang tiếng bản địa để người đọc có thể hiểu thấu đáo về nó.

Trường hợp khác xảy ra là do sự chấp nhận của người đọc ngược lại với đa số những người khác nghĩ. Tôi lấy ví dụ như câu "Thời gian là vàng" đã được chấp nhận rất rộng rãi, nhưng chỉ vì người đọc cố gắng hiểu về mặt "ý nghĩa của chữ" chứ không hiểu về mặt "giá trị thực muốn truyền tải của chữ" thì có thể nghi ngờ rằng vàng không phải là một thứ kim loại đắt nhất, ví dụ có những thứ còn đắt hơn chẳng hạn. Hoặc là một trường hợp khác nữa: Người đọc chưa đủ tầm nhận thức để hiểu được điều muốn truyền tải của câu danh ngôn đó, nhưng lại có những hơi hướng lơ mơ hiểu về nó, nhận thức gần đúng về nó, nhưng lại chưa rõ ràng để công nhận nó có đúng hay không.

3. Không chấp nhận: Người đọc không thể chấp nhận câu danh ngôn đó. Nếu nhiều người cùng không chấp nhận thì có nghĩa là câu này chỉ nói về một vấn đề rất hẹp, rất nhỏ nhặt. Lỗi ở đây là sự truyền lại của những người đi trước đã lựa chọn một cách không tiêu biểu, hoặc là chỉ đúng với ý của họ.

Một trường hợp còn lại là sự không chấp nhận ở một nhóm nhỏ (cho dù câu này đã được chấp nhận rộng rãi ở số đông người đọc). Ví dụ câu: "Thời gian là vàng" sẽ khó có thể được chấp nhận bởi những kẻ ăn bám vào gia đình của họ để chơi bời trong những sàn nhảy, đua đòi xe đẹp và những sự hưởng thụ được coi là "thời thượng" (hoặc được đặt một cái tên mỹ miền là "sành điệu". Xin lỗi, tôi cũng chột dạ khi viết về điều này, bởi vì tôi cũng có một thời gian gần như vậy, tôi không muốn giải thích và bao biện cho điều đó ở đây, nhưng có thể cũng vì điều đó mà tôi đã viết những dòng này). Nhóm người này không coi "thời gian là vàng" mà coi nó là một thứ gì đó rẻ rúng hơn, chẳng hạn như là sắt, hoặc một thứ gì còn có giá bèo bọt hơn thế nữa.

***

Giờ là đến câu mà tôi nói ở đầu bài này "Khéo không cần phải đọc danh ngôn". Tại sao vậy?

Tôi nhận thấy rằng, việc tiếp nhận một câu danh ngôn là đúng chỉ xảy ra khi mà trong bản thân tôi đã chấp nhận điều đó. Có nghĩa là bản thân câu danh ngôn đó nó đã sẵn có trong tôi rồi, nhưng ở dạng nào mà thôi. Đối nghịch lại điều này: Nếu tôi không chấp nhận một câu danh ngôn nào đó thì có nghĩa rằng trong tôi không có bất kỳ một ý niệm nào về những điều mà câu danh ngôn đó muốn truyền tải.

Tại sao lại thế nhỉ. Qua ví dụ về sự tiếp nhận danh ngôn ở trên thì rõ ràng rằng tôi chấp nhận một câu danh ngôn nào thì tôi cũng sẽ có ba lựa chọn: hoặc là tin tưởng, hoặc là còn nghi ngờ và hoặc là không chấp nhận.

Nếu như tin tưởng thì có nghĩa rằng câu đó đã là chân lý, tôi đã đọc nó và tôi hiểu rằng nó đúng, không cần có bất kỳ một sự suy nghĩ, trăn trở gì nữa sau khi tôi đọc câu danh ngôn đó. Và như vậy, tôi sẽ không cần thiết phải ghi nó vào sổ tay, chép nó vào một chỗ nào đó, hoặc là viết nó thành một dòng chữ lớn và dán lên tường cho dễ nhìn.

Khi mà câu danh ngôn dường như đã có sẵn trong tôi, có nghĩa là tôi không cần đọc nó thì tôi đã có các suy nghĩ, hoặc là những gì tương tự như câu danh ngôn đó muốn truyền tải. Điều này có nghĩa là: Không cần đọc bất kỳ câu danh ngôn nào.

Qua ngày hôm nay, sau khi đọc bài này, bạn có thể nhận thấy rằng: Khi mà bạn đọc một câu danh ngôn nào đó mà cảm thấy nó đúng thì điều đó có nghĩa là bản thân bạn đã tiềm tàng chứa đựng những chân lý vĩ đại đó - điều mà các danh nhân nổi tiếng đã từng phát ngôn ra. Tôi nghĩ rằng nếu bạn chưa thành công thì có nghĩa rằng bạn đã chưa biết phát huy nó mà thôi.

Và đến lúc này thì tôi càng tin rằng bạn sẽ thành công, bởi vì bạn đã đọc đến dòng cuối cùng này mà không bỏ dở ở ngay từ những dòng đầu tiên.

Tr Minh Linh (01/6/2008)

(Tình trạng: Còn hoàn thiện thêm)

(Trong ngày hôm nay, tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh được chấp nhận thôi. Còn các trường hợp khác như "danh ngôn mang tính khơi gợi" sẽ mâu thuẫn với ý "không cần đọc danh ngôn" có lẽ rằng tôi lại phải trở lại trong tuần này cho hoàn thiện các suy nghĩ cá nhân của tôi trong bài này.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!