Tôi nghĩ rằng đây là một tấm gương lớn về tinh thần cho chính tôi và cho nhiều người có tinh thần dân tộc cao, nên đã tìm tài liệu, dẫn chứng để viết bài này.
Nguyễn Xuân Minh và Wikipedia tiếng Việt
"Chào bạn, tôi tên là Nguyễn Xuân Minh. Tôi là sinh viên Mỹ gốc Việt tại Đại học Stanford ở Ca Li, Hoa Kỳ. Tôi là một trong những người đã thành lập dự án này vào cuối năm 2003, và tôi làm hành chính viên (bureaucrat) ở đây từ đầu năm 2005"[1] Nguyễn Xuân Minh đã giới thiệu như thế một cách đầy tự hào trên trang thành viên của mình tại Wikipedia tiếng Việt.
Con đường đến với Wikipedia của Minh hết sức bất ngờ, đó là một lần vô tình biết tra một thông tin bằng máy tìm kiếm Google, kết quả lại dẫn đến một mục từ trên Wikipedia, Minh đã nhận ra rằng Wikipedia cho phép sửa đổi nội dung các mục từ ở đó, sau này Minh kể lại rằng "Lần đầu tiên tôi đến Wikipedia bằng tiếng Anh khi tìm kiếm trên mạng Google về thứ tự truyền quyền tổng thống của Mỹ (United States presidential line of succession). Khi nhìn thấy nút 'sửa' tôi đã mừng run lên vì không nghĩ là mình có thể chỉnh sửa một bộ bách khoa thư lớn đến vậy"[2],[3]
Đó là phiên bản tiếng Anh, còn bản tiếng Việt thì Minh biết đến vào đầu năm 2003. Xuất phát có lẽ từ một liên kết đến trang phiên bản tiếng Việt của một mục từ trên Wikipedia tiếng Anh, tuy nhiên mục từ này chỉ có vài thông tin sơ sài và một câu kêu gọi những người nói tiếng Việt bắt đầu dự án cùng vài liên kết đến những bài viết về thành phố Việt Nam. Trước trang chủ của phiên bản tiếng Việt còn rất sơ sài về nội dung và giao diện đơn giản, Minh đã bắt đầu viết một thiết kế mới[4].
Người Việt học tiếng Việt
Những điều trên đã khiến tôi rất cảm phục Nguyễn Xuân Minh, tuy nhiên tôi càng cảm phục hơn nữa khi mà Minh đã học được tiếng Việt để có thể tự hào viết lên cái tên của mình những dấu đầy đủ nhất.
Minh không phải là một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, gia đình của Minh đã chuyển sang Hoa Kỳ định cư từ thập kỷ 1970 nên sau khoảng hơn chục năm mới sinh ra Minh[1]. Với một đứa trẻ sinh ra ở một nước có ngôn ngữ chính là tiếng Anh thì việc con người ấy nói tiếng Anh như một thứ ngôn ngữ chính là điều không khó hiểu.
Minh kể, bắt đầu dùng tên riêng của mình bằng tiếng Việt có dấu từ năm lớp 5. “Hồi đó tất cả mọi người mà tôi quen đều không có dấu trên tên. Sau nhiều ngày “vọc” máy tính, tôi phát hiện có cách để hiện ra dấu. Từ đó tôi bắt đầu viết tên mình có dấu trong các bài tập nộp cho giáo viên. Sau đó có lẽ vài bạn gốc Việt khác trong lớp cũng làm theo. Lúc đầu chỉ là cho vui, nhưng giờ việc gõ tên có dấu đã trở thành thói quen của tôi”.
Trong khi trước đây và hiện nay thì đa số người Việt tại Hoa Kỳ thường bỏ dấu ra khỏi tên mình trong các văn bản thì Minh vẫn trung thành với câu giới thiệu “I am Minh Nguyễn” (Tôi là Nguyễn Xuân Minh) trên các trang web mà Minh tham gia. Minh còn tỉ mỉ kèm theo cách hướng dẫn phát âm để đảm bảo người khác phải đọc đúng họ Nguyễn. Trên blog của mình, Minh viết: "My name’s Minh Nguyen, though I style myself Minh Nguyễn, with all the wonderful diacritics" điều này càng thể hiện sự tự hào về cách viết có dấu đầy đủ cái tên của mình trong tiếng Việt.
Minh đã phải khó khăn lắm với trình độ tiếng Việt trung bình của mình trong thời gian đầu đến với Wikipedia tiếng Việt. “Bởi vậy mà tôi rất biết ơn mọi người vì đã chịu đựng và sửa lỗi ngữ pháp cho tôi trong suốt mấy năm qua”. Việc xây dựng Wikipedia những ngày đầu buộc Minh phải dịch rất nhiều tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhờ vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, vốn từ vựng của Minh đã tăng lên thấy rõ.
Cho đến những ngày gần đây thì trình độ tiếng Việt của Minh đã khá lên thấy rõ, thể hiện rõ nét là Minh đã "dám" dịch một bài về ngôn ngữ học từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà khó có thể nhận ra rằng bài viết này là của một người gốc Việt thế hệ thứ hai dịch[6].
Tri thức vẫn tiếp diễn
Dựa vào các dòng tự thuật trên trang thành viên của mình thì Minh hiện vẫn tham gia rất nhiều các dự án học liệu mở khác bằng nhiều ngôn ngữ khác. Nguyễn Xuân Minh đã viết:
Hiện nay tôi đóng góp suốt cho Wikipedia bằng tiếng Việt (dự án này), với lại thường xuyên cho phiên bản tiếng Anh và Tây Ban Nha. Tôi là hành chính viên của Wiktionary tiếng Việt và quản lý của Wikibooks tiếng Việt và Wikisource đầu tiên. Tôi cũng có nhiều đóng góp tại Wiktionary tiếng Anh, Wikibooks tiếng Anh, Wikimedia Commons, và Wikimedia Meta-Wiki. Giống như dự án này, chuyện đây vẫn tiếp tục diễn ra.
Quả thật, khi mà mọi người đang chú ý vào Wikipedia thì các dự án tri thức mở khác như Wikibooks, Wikisource, Wiktionary bằng tiếng Việt....được ít người chú ý, nhưng tôi vẫn thấy thỉnh thoảng Minh lọ mọ cập nhật vào các dự án đó. Tôi biết được điều này vì nhìn các trạng thái "Thay đổi gần đây" của các dự án đó.
Còn tôi?
Tôi, người viết những dòng này, cảm thấy thật nhỏ bé trong một tấm thân già hơn Minh hơn chục tuổi. Chính vì thế nên tôi đã cố gắng truyền đạt lại những gì mình biết về khoa học, về tư duy, lối sống đến với mọi người.
Và hôm nay, tôi đã kể lại câu chuyện này về Nguyễn Xuân Minh...và tự xấu hổ với chính mình.
Chú thích
1^. Trang thành viên của Nguyễn Xuân Minh trên Wikipedia: tiếng Việt, tiếng Anh, và các ngôn ngữ khác nữa. Tại trang này có một số thông tin cá nhân do chính Nguyễn Xuân Minh tự thuật. Tôi cho rằng các thông tin trên trang này đã được các báo ở các nguồn dẫn phía dưới sử dụng cho bài báo của mình - bởi chúng khá giống (cũng như tôi đang viết về Nguyễn Xuân Minh theo cách không gặp mặt, mà chỉ ngồi ở nhà để tìm kiếm các thông tin qua Internet).
2^. Wiki Việt ngữ - giấc mơ pho tư liệu khổng lồ của người Việt, đăng trên VnExpress, tuy nhiên lưu ý rằng trong bài này có liên kết đến một bài viết về Từ điển bách khoa toàn thư mở là không chính xác. Một điểm lưu ý khác là các thông số về Wikipedia ở bài này là khác với thực tế bởi hiện tại số liệu thống kê đã thay đổi rất nhiều.
3^. Ở Wikipedia (các phiên bản ngôn ngữ khác nhau), hầu hết các mục từ đều cho phép các thành viên sửa chữa toàn bộ nhằm giúp cho chúng hoàn thiện hơn. Nút sửa này giống như bạn đang lập một blog ở Sky.vn mà sau khi đăng nhập bằng tài khoản của mình thì các đầu bài cũng xuất hiện nút sửa. Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách mở bất kỳ mục từ nào ở Wikipedia (trừ các mục từ đang có sự tranh luận về việc sửa đổi nội dung thì được tạm khoá, chỉ có sysop mới có quyền sửa đổi).
4^. Giấc mơ Việt trên Wikipedia, đăng trên VnExpress,
5^. Blog của Nguyễn Xuân Minh bằng tiếng Anh
6^. Giả thuyết Sapir-Whorf trên Wikipedia tiếng Việt, do Nguyễn Xuân Minh dịch chính, có một vài sửa đổi nhỏ nhưng không đáng kể. Lịch sử đóng góp của trang này đã thể hiện người dịch chính là Mxn (tên thành viên của Nguyễn Xuân Minh).
Tr Minh Linh (17/6/2008)
Một chàng trai đáng khâm phục. Mong sao sẽ ngày càng có nhiều người góp sức phổ biến tri thức cho cộng đồng giống như chàng trai Nguyễn Xuân Minh.
Trả lờiXóa