Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

Tầm nhìn hẹp

Tầm nhìn hẹp theo nghĩa đen là khả năng tiếp nhận các hình ảnh, sự vật ở một giới hạn bởi thị trường của mắt mà không đầy đủ toàn bộ những sự vật xung quanh mình. Người bị cận thị có thể chỉ nhìn thấy những vật ở gần, loài người nói chung thì không thể nhìn mọi vật xung quanh mình bởi vì giới hạn ở 180 độ về phía mắt hướng tới. Trong cơn mưa cũng không thể nhìn được mọi vật ở xa. Do đó tầm nhìn hẹp ở nghĩa đen có thể do tính chủ quan hoặc do yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, "tầm nhìn hẹp" trên Wikipedia tiếng Việt trên thực tế thì lại ít được sử dụng ở nghĩa đen mà được dùng nhiều ở nghĩa bóng. Trong entry này thì tôi không cố gắng giải thích hoặc phân tích về mặt ý nghĩa, mà chỉ nêu một số suy nghĩ của tôi về tầm nhìn hẹp mà thôi.

Và, vẫn lưu ý rằng đây là blog cá nhân, nên những ý dưới đây là của cá nhân, nó có thể chưa được chấp nhận rộng rãi hoặc là kết quả của một sự nghiên cứu kỹ lưỡng nào.

Tầm nhìn hẹp trên Wikipedia tiếng Việt

Ý tưởng viết entry này có lẽ tôi đã ấp ủ từ khá lâu trước đây khi muốn viết một phần giải thích cho tiêu bản "Tầm nhìn hẹp" trên một số mục từ ở Wikipedia tiếng Việt[7]. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tiêu bản khá lạ kỳ có nội dung sau[6]:

Và chính tiêu bản này đã khiến tôi phải suy nghĩ về nó, tức là phải tìm cách trả lời câu hỏi "Thế nào là tầm nhìn hẹp?".

Với mỗi một tiêu bản ở Wikipedia thì đều có các phần hướng dẫn giải thích về cách dùng cho tiêu bản đó. Tuy nhiên do các lý do nào đó mà ở đây không có phần hướng dẫn hoặc giải thích về nó. Chính do đó mà sau này đã có một thành viên của Wikipedia tiếng Việt - anh lehuynhmic đã viết một mục từ có tên "Tầm nhìn hẹp"[1], tuy nhiên do những đặc điểm riêng biệt của Wikipedia là cần có các dẫn chứng nên hiện nay mục từ này vẫn còn đặt ở trạng thái nghi ngờ (xung quanh các bất đồng về mục từ này và hàng loạt mục từ khác nữa đã có nhiều bất đồng nên có lẽ hiện nay thành viên này đã không còn có viết cho Wikipedia tiếng Việt). Mục từ này nếu có đủ các dẫn chứng thì có thể phù hợp và là nguồn tham khảo chính cho entry này của tôi, tuy nhiên chúng cũng như một ý kiến cá nhân nên ý nghĩa của nó dù tồn tại trên một bộ "bách khoa toàn thư" nhưng về giá trị tra cứu cũng tương đương như entry này - bởi không có nguồn tham khảo, công bố trên các báo chí chính thống, có uy tín.

Trong các cuộc tranh luận xung quanh mục từ này và hàng loạt mục từ khác nữa mà thành viên Lehuynhmic đã khởi tạo thì nhiều thành viên khác của Wikipedia đã cố gắng tìm các phiên bản tiếng Anh cho mục từ này - có nghĩa rằng tìm một định nghĩa về "tầm nhìn hẹp" ở tầm cỡ nghiên cứu quốc tế. Tuy nhiên thực sự thì cũng chưa ai tìm ra được - bởi có thể khái niệm này chưa tồn tại, chưa được viết trên Wikipedia tiếng Anh hoặc đã tồn tại một dạng tương đương nhưng được những nhà nghiên cứu chuyên môn dịch ra bởi một cụm từ khác chứ không phải là "tầm nhìn hẹp".

"Tầm nhìn hẹp" đã được sử dụng thế nào

Không khó khăn lắm khi mà ta tìm kiếm bằng máy tìm kiếm của Google cụm từ "tầm nhìn hẹp" (có cả dấu nháy kép), tuy kết quả tìm kiếm có thể có nhiều từ khác không liên quan nhưng đa phần những trang đầu sẽ cho ta thấy từ này được dùng như thế nào ở các website trên Internet. Ở đây, tôi thấy một số bài báo đăng trên các báo còn sử dụng nó trong các tiêu đề của mình[2][3][4], hoặc những tiêu đề tương tự.

Như vậy thì tầm nhìn hẹp được hiểu như thế nào? Chắc là bạn có thể tự hiểu được thông qua một số bài viết ở phần chú thích trên (2, 3, 4). Tôi có thể cũng như bạn, không là nhà chuyên môn về ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, triết học để có thể định nghĩa thấu đáo về nó mang tính chính thống như viết một mục từ cho từ điển Bách khoa toàn thư được.

Và, trong entry này, tôi chỉ muốn phát biểu các nhận thức cá nhân của tôi về tầm nhìn hẹp để mong có thể giúp bạn có hiểu hơn và phòng tránh nó trong cuộc sống, học tập, nghiên cứu cũng như trong công việc của mình, hy vọng rằng những điều đó phần nào sẽ giúp ích cho dân tộc của chúng ta.

Nhận thức của tôi về tầm nhìn hẹp

Và đây là phần chính mà tôi muốn nói, nhưng cũng cảnh báo lại một lần nữa rằng: Đây chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi.

Một ví dụ đầu tiên mà tôi gặp được là các mục từ trên Wikipedia tiếng Việt: Giữa tên mục từ và nội dung của mục từ. Vì rằng các mục từ được hoàn chỉnh bởi rất nhiều người nên có thể hiện nay chúng đã được lấp đầy hoặc hạn chế trở trở thành "tầm nhìn hẹp" theo thời gian nên tôi lấy các ví dụ không cụ thể về chúng thế này.

Ví dụ về một mục từ trên Wikipedia:

Giả sử một người nào đó lập một mục từ có tên "Máy tính" và bắt đầu viết về những chiếc máy tính cá nhân để bàn theo dòng máy được phát triển bởi Intel-IBM đang thông dụng hiện nay. Giả sử bài viết này rất hoàn hảo, đầy đủ - có nghĩa là nó có nói từ lịch sử phát triển, quá trình phát triển và toàn bộ những gì liên quan đến nó.

Vậy thì mục từ này chắc chắn sẽ không bao giờ bị đặt tiêu bản "Tầm nhìn hẹp"? Không nó vẫn bị coi là tầm nhìn hẹp như thường, bởi vì chúng đã chỉ nói về một loại máy tính mà không nói đến các loại máy tính khác. Ví dụ ở đây còn các loại máy trạm, máy chủ theo cấu trúc khác (chẳng hạn của Apple chẳng hạn) hoặc ngay như một cách nói quen thuộc của người Việt Nam khi gọi giản tiện chiếc máy tính bỏ túi cho các phép cộng trừ nhân chia của học sinh cũng gọi là máy tính. Đó chỉ là các ví dụ đơn giải để dễ nhận ra, nhưng trên thực tế thì viết đầy đủ về máy tính cùng các thứ liên quan của nó thì cần phải viết rất nhiều và liệt kê ra mọi trường hợp.

Ảnhh hưởng của tầm nhìn hẹp

Tôi nghĩ rằng: Tầm nhìn hẹp không phải chỉ xảy ra đối với việc phải phát ngôn hoặc đưa một bài viết lên mặt báo hay trên một entry của blog...mà nó còn thể hiện ở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống mỗi con người.

Mỗi một con người, cho dù có học tập tốt đến đâu, đọc nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không thể lường được những gì còn lại khi nhận thức một vấn đề nếu không chịu tìm hiểu thêm kiến thức để bổ sung cho mình. Điều đó chắc đúng khi mà khoa học công nghệ đang đổi thay từng ngày, tinh thần con người luôn luôn muốn vượt lên những gì nhỏ hẹp của thể xác. Một ví dụ của bản thân: Khi mà vài năm trước đây rất thành thạo về phần cứng máy tính, bẵng một thời gian không để ý đến chúng nữa thì quay lại xem báo chí đã thấy những thứ gì mình biết đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.

Trong đời sống, khi nhìn nhận các vật dụng hàng ngày sử dụng với một sự nhận thức chưa đủ về chúng hoặc là nhận thức sai lầm sẽ khiến cho ta không khai thác hết khả năng của nó - cũng như làm thiệt hại cho ta. Một ví dụ đơn giản: Nếu chúng ta chỉ coi chiếc xe máy là vật dụng đi lại, không biết thay dầu nhớt nó định kỳ, không bảo dưỡng định kỳ và cứ điều khiển xe theo thói quen của mình thì chúng làm cho ta tốn kém về nhiên liệu, tiền sửa chữa hoặc thậm chí gây nguy hại cả cho sức khoẻ (chẳng hạn như lốp quá mòn không thay, chỉ cần tác động nhỏ sẽ dẫn đến nổ lốp - nếu đang đi nhanh thì thật là tai hoạ).

Trong kinh doanh, tầm nhìn hẹp khiến cho cá nhân, doanh nghiệp đó bị thiệt thòi, thua lỗ. Có vẻ như điều này xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Tôi nhìn thấy nhiều ý tưởng rất chủ quan và cũng nhìn nhận thấy nhiều phương thức kinh doanh mà thoảng qua đã nhận thấy người khởi xướng ra nó có một khả năng nhận thức còn non kém.

Trong quản lý, điều hành: Tầm nhìn hẹp gây ra những hậu quả và ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế (và nhiều lĩnh vực khác trong phạm vi quản lý). Điều này đã được rất nhiều người nói đến ở một phạm vi quản lý rộng. Với một tầm quản lý cấp doanh nghiệp nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển, lợi ích kinh tế....hoặc nhỏ hơn là tâm lý nhân viên, hiệu suẩt làm việc và điều kiện xuất phát các ý tưởng mới phục vụ cho công việc.

Trong các nhận thức và phát biểu cá nhân trước các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đơn giản hơn là chỉ trên các website cá nhân, diễn đàn, hoặc các blog cá nhân thì thường hay gặp các phát biểu mang tính tầm nhìn hẹp. Ví dụ một ông nhà văn, viết văn rất tốt, có nhiều tác phẩm được in ra và dịch ra trong và ngoài nước, không thấy ai chê được, được coi là một nhà văn có tiếng. Nếu bỗng dưng nổi hứng nói về chính trị với những định hướng phát triển đất nước bằng chỉ một bài viết với một số cái gạch đầu dòng - thì có chắc chắn rằng ông ta khó có thể tránh khỏi tầm nhìn hẹp nếu không nghiên cứu kỹ về chính trị-xã hội trước đó. Tầm nhìn hẹp được giải thích ở đây là toàn bộ các mặt khác mà nó ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước đó mà việc giải quyết chỉ một vài cái gạch đầu dòng cũng là một khó khăn thách thức rất lớn. Ví dụ như tôi phát biểu một câu thế này: "Cần nâng cao ý thức học thật, làm thật ở mỗi con người thì mới mong đất nước phát triển được" đơn giản quá phải không. Nhưng làm được điều đó thì lại cần đến rất nhiều nỗ lực từ gia đình đến xã hội, kết hợp nhiều nghành, mất nhiều nhiều tỷ đồng và sau nhiều năm mới thành hiện thực được. Sự ảnh hưởng của các phát biểu này có thể mang tính phê phán, phản biện để giúp xã hội nhìn nhận lại chính mình, phát hiện ra tầm nhìn hẹp của mình nhưng cũng phần nào gây lên các suy nghĩ lệch lạc cho xã hội.

Khắc phục "Tầm nhìn hẹp"

Cách để không bao giờ bị gọi là "tầm nhìn hẹp" là không nói gì, không viết gì - như một người câm điếc. Nhưng đây là sự tiêu cực, chúng ta không nên theo điều này.

Còn lại là vẫn phải tư duy, học, nhận xét và đánh giá và hạn chế tầm nhìn hẹp trong mỗi công việc của mình thì mỗi người đều phải tự vận động, suy nghĩ, tìm tòi kiến thức sẵn có qua những gì dễ lấy nhất là Internet. Thực tình thì tôi thấm thía phần đầu của khẩu hiệu của anh Lê Trung Nghĩa khi anh nói "Internet và Phần mềm Tự do Nguồn mở là 2 yếu tố chính sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới này!"[5]. Dễ thấy phần đầu này chắc chắn đúng: Internet đã khiến cho chúng ta có rất nhiều kiến thức và hầu như là có thể tìm kiếm được mọi vấn đề ở nhiều chiều khác nhau, giúp cho ta khỏi bị tầm nhìn hẹp.

Internet có thể cho ta nhiều thông tin hơn những gì chúng ta nghĩ (tất nhiên là trừ các thông tin quá tầm thường - chẳng hạn một ai đó muốn xem Internet nói gì về người ấy khi mà họ không thực sự nổi trội, hoặc các thông tin quá cụ thể về một vấn đề mang tính nhỏ lẻ). Nếu như không có thông tin bằng tiếng Việt thì cố gắng tìm nó bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, và các thứ tiếng khác nữa...chắc là sẽ thấy.

Dễ nhận ra rằng "tầm nhìn hẹp" thường có một chút gắn bó với "cái tôi" trong mỗi con người. Cái tôi khiến cho người ta không chịu chấp nhận những điều mới, những tri thức mới và những sự phê phán, phản biện - vì luôn coi mình là nhất. Để khắc phục điều này thì chúng ta nên tự nhận xét về chính mình khi nhận thức một vấn đề, sau đó tự tìm hiểu xem những người khác đã nhận thức vấn đề đó như thế nào. Sau vài lần so sánh thì chúng ta tự nhận ra mình nhìn rộng hay nhìn hẹp. Cách này cũng có thể thực hiện một cách hiểu quả hơn như sau: Đưa ra các ý kiến cá nhân lên blog và mời một vài người có vẻ am hiểu lĩnh vực đó nhận xét giúp - cũng giúp cho chũng ta nhận thức tốt hơn và biết được những gì còn hổng, còn thiếu trong kiến thức của mình.

Các vấn đề còn lại như các quyết sách trong công việc, các ý tưởng kinh doanh...thì tôi nghĩ rằng có thể thực hiện được theo các cách sau:

  • Vạch ra toàn bộ các mặt ưu điểm, nhược điểm theo ý mình.
  • Cố gắng đặt địa vị vào người khác để nhìn ra nhược điểm khác nữa.
  • Nhờ những người khác cho ý kiến, nhận xét, phân tích ưu nhược điểm.
  • Xem xét mức độ ảnh hưởng và tác động đến các vấn đề khác nữa liên quan.
  • Tổng hợp ý kiến để quyết định. Điều chỉnh, xây dựng lại kế hoạch và tiếp tục lặp lại các bước trên cho đến khi cảm thấy chúng đạt yêu cầu, hạn chế nhược điểm.

Thực ra thì các gạch đầu dòng ở trên là kinh nghiệm của tôi, (nó không tuân theo một nguyên tắc nào hoặc được sao chép ý tưởng ở đâu ra - hoặc nó sẽ có ở đâu đó tiếp nhận vào tôi mà tôi quên mất tiếp nhận từ đâu), nhưng tôi tin rằng cách này khá hiệu quả trong một số công việc của mình.

Với việc phòng tránh sự nhìn nhận một chiều tại các bài viết, entry trên blog thì tốt nhất nên giới hạn lại chủ đề định nói để có thể cho người đọc biết rằng giới hạn mà bài viết chỉ có phạm vi đến đâu. Đây là điều mà nhiều người đã thực hiện, và tôi cũng áp dụng điều này - chính do đó mà thường định nghĩa lại vấn đề theo cách hiểu của mình để mà viết một entry về nó. Những cách này khiến cho người đọc luôn cảm nhận được giới hạn hoặc nhược điểm của bài viết - nhằm tránh nhân rộng cái nhìn hẹp của mình sang người khác củng hiểu hẹp như mình sau khi đọc.

Ở Wikipedia, để tránh tầm nhìn hẹp thì người ta đã phải tách ra thành từng mục từ nhỏ để có thể viết chúng một cách đầy đủ hơn, và tránh được hiểu rằng "tầm nhìn hẹp". Một trong các phương pháp hạn chế sự đánh giá ở các mục từ trên Wikipedia là sự xuất hiện của các tiêu bản: "Sơ khai" (mục từ vẫn đang ở dạng sơ khai), "Đang viết" (mục từ này đang được hoàn thiện dần)...hoặc các tiêu bản khác có ý nghĩa cảnh báo rằng mục từ này đang trong quá trình hoàn thiện để tránh người sử dụng mất lòng tin, đồng thời cũng cảnh báo về giá trị xác thực của nó (thường gặp là các tiêu bản "cần dẫn chứng", "thiếu nguồn gốc"...).

Cố tình có "tầm nhìn hẹp"?

Trên thực tế thì có nhiều người dù nhìn nhận một vấn đề ở một cách rộng hơn nhưng họ lại thực hiện ý tưởng/dự án sản xuất kinh doanh, viết hoặc phát ngôn như thể chỉ có một tầm nhìn hẹp vậy.

Một người thừa biết rằng thực hiện một dự án, một hình thức kinh doanh sẽ thua lỗ nhưng họ vẫn cứ làm bởi điều này có thể có các tác động tốt cho các mục tiêu cao hơn, lợi nhuận hơn. Tầm nhìn hẹp ở đây là sự đánh giá của người khác mà có thể đơn thuần chưa nhận ra các giá trị mang lại. Nếu ở hướng tích cực này thì bản chất vẫn không phải là tầm nhìn hẹp. Tuy nhiên, nếu không phục vụ cho những chiến lược dài hơi hơn mà thực hiện theo cách gây thua thiệt, không có lợi nhận thì rất có thể rằng điều này đã làm lợi cho một số người thực hiện dự án hay phương thức kinh doanh đó (hoặc còn gọi là tạo ra để tham nhũng).

Bởi vì có hai chiều nhận định như vậy nên có thể gây khó khăn khi nhận xét chính xác được cho hành động "cố tình theo tầm nhìn hẹp" là đang thực hiện theo chiều nào. Với các tầm nhìn hẹp kiểu này thì cần có những nhìn nhận và phán đoán có cơ sở để có thể kết luận cụ thể. Tôi lấy một ví dụ: Giả sử một công ty cố gắng sản xuất và bán ra một sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ hơn rất nhiều so với giá sản phẩm tương đương trên thị trường, sau một thời gian thì công ty này lỗ lớn. Tuy nhiên, thương hiệu của công ty này phát triển rất nhanh, được biết đến rộng rãi. Nếu như dừng lại ở đây (mà quá trình sản xuất đó mang lợi cho một số người trong công ty như trong khâu đầu tư, mua nguyên liệu sản xuất...) thì đó có thể bị đánh giá là tầm nhìn hẹp trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu dựa vào thương hiệu đó mà tiếp tục sản xuất với một vài thay đổi nhỏ trong chất lượng, làm giảm tiêu hao, sử dụng các nguyên liệu rẻ hơn...để tạo ra lợi nhuận cao - thì lại được coi là có chiến lược kinh doanh tốt. Những thua lỗ ban đầu được người ta lý giải bằng các lý do khác nhau, chẳng hạn: nhằm đánh lừa và rối trí các nhà sản xuất cùng mặt hàng khiến họ điều chỉnh cho hướng như mong muốn trong chiến lược phát triển của mình.

Biến nhiều tầm nhìn hẹp thành một tầm nhìn rộng

Nếu như một vấn đề được giả sử là có 36 chiều khác nhau về cách nhìn nhận. Mỗi người (hoặc mỗi bài viết, mỗi phát biểu) lại có một cách nhìn khác nhau về nó thì sao? Các phát biểu đứng riêng lẻ sẽ trở thành các phát biểu có tầm nhìn hẹp. Giả sử ta tập hợp lại 36 phát biểu đó cùng vào một chỗ thì sao? có thể hy vọng rằng chúng cung cấp cho ta toàn bộ vấn đề - tức là chúng ta đã có thể hiều thấu đáo vấn đề từ nhiều góc nhìn khác nhau đó.

Những diễn đàn (forum) mang tính chuyên nghiệp thường thực hiện điều này. Có thể một người đầu tiên viết một bài khơi mào, những người tham gia sẽ có các ý kiến khác nhau về vấn đề đó, nó trở thành một nơi mà biến nhiều tầm nhìn hẹp thành một chủ đề tương đối hoàn chỉnh.

Có nhiều nơi trên thế giới đã có các diễn đàn như vậy, nhưng tiếc rằng chúng ta cũng có nhiều diễn đàn nhưng lại mang tính chất khác, mà có khi làm sai đi khái niệm diễn đàn, khiến chúng ta coi diễn đàn là một thứ gì đó rất tầm thường. Nếu như mỗi một tờ báo đều cho phép phát biểu ý kiến một cách có kiểm duyệt (tránh các ý kiến không là ý kiến, chỉ mang tính đặt dấu ấn cá nhân là chính, hoặc vài câu vô nghĩa kiểu như: hay thật, vỗ tay...) thì đó là nơi có thể phản biện lại bài viết, góp ý cho bài viết thêm hoàn thiện. Tương tự như vậy thì forum và các blog chuyên nghiệp cũng nên làm như thế.

...Ví dụ cuối cùng

Tôi lấy một ví dụ cuối cùng về "tầm nhìn hẹp". Đó là: Entry này đang thể hiện một "tầm nhìn hẹp" về một vấn đề! bởi tôi biết rằng, để phân tích kỹ lưỡng về nó có lẽ cần đọc thêm nhiều và viết thêm rất nhiều nữa.

Chú thích:

1^. Tầm nhìn hẹp, mục từ trên Wikipedia tiếng Việt, do thành viên Lehuynhmic (vì Trang thành viên đã không còn tồn tại, nên tôi lấy theo trang thảo luận thành viên) đóng góp chính.

2^. Tầm nhìn hẹp, Minh Hà đăng trên Người lao động, 22/6/2008 (một bài báo sử dụng cụm từ này làm tiêu đề) - Chú ý: khi đọc huỷ lệnh in trên máy tính nội bộ của bạn.

3^. Hạn chế xe để chống ô nhiễm: Tầm nhìn hẹp!, Thảo luận trên Việt Nam Net, 14/9/2007.

4^. Bởi một tầm nhìn quá hẹp, Vương Trí Nhàn trên Người đại biểu nhân dân, 21/5/2007.

5^. Blog của anh Lê Trung Nghĩa - một blogger hết mình vì sự phát triển của phần mềm tự do mã nguồn mở với độc giả của mình.

6^. Tiêu bản:Tầm nhìn hẹp, được sử dụng trên Wikipedia tiếng Việt. Lưu ý phần chữ màu đỏ là liên kết dẫn đến một phần hướng dẫn có tên "Wikipedia:Tránh tầm nhìn một chiều" chưa được viết. Các hướng dẫn, quy định ở Wikipedia thường được bắt đầu bằng từ "Wikipedia" ở đầu để nhằm tránh nhầm lẫn với các mục từ chính. Tiêu bản này cho đến ngày đưa entry này lên blog của tôi lần đầu thì không bị khoá, ai cũng có thể sửa đổi được.

7^. Thể loại:Tầm nhìn hẹp, trên Wikipedia tiếng Việt. Trang này liệt kê toàn bộ các bài viết được gắn tiêu bản "Tầm nhìn hẹp".

Tr Minh Linh (29/6/2008)

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2008

Trong tôi: CON vs NGƯỜI

Trong tôi luôn có hai thứ: CON và NGƯỜI, chúng luôn cắn xé nhau, chẳng để tôi yên chút nào, có lẽ chỉ trừ lúc tôi đi ngủ.

CON thì đầy thú tính của một con vật hoang sơ, nó mong muốn thoả mãn tất cả những lỗ hổng đi vào cơ thể tôi: Mắt để nhìn những thứ đẹp đẽ mà nó thích. Mũi để ngửi những mùi hương của một con khác giới, hay những mùi rượu thơm. Miệng để nói những gì nó thích, cũng để đưa những thức ăn khoái khẩu cho cái dạ dày. Tai để nghe những lời khen và phỉnh nịnh...(còn hai thứ nữa thì NGƯỜI nó ngăn ghê quá, không viết được ra). CON thì rất ghét NGƯỜI. Nó điều khiển tôi đến với những thứ tầm thường.

NGƯỜI thì như một đứa trẻ thơ, nó thấy mọi thứ thật đáng yêu, nó thích văn thơ, thích nghe nhạc, suy ngẫm, lý tưởng...và nó thấy mọi thứ đều rất tươi đẹp. NGƯỜI thì rất ghét CON. Nó luôn thúc dục tôi đến với những sự vĩ đại.

***

CON và NGƯỜI luôn hục hặc với nhau, cãi nhau, đánh nhau, cắn xé nhau khiến tôi phát ốm về chúng. Suốt ngày, CON và NGƯỜI không để tôi yên một chút nào. Có lúc tôi than ầm lên: "Khổ khổ khổ, chết đi cho xong!, cho chúng mày đỡ cãi nhau, nhức đầu quá!"

Thế nhưng chúng vẫn chẳng bao giờ để cho tôi yên. Có lẽ, chúng muốn cho tôi chết đi chăng? Có lần, tôi cũng thử hỏi hai thằng về điều này, hai thằng đều rất sợ bởi tôi chết đi thì chúng cũng chết theo, chẳng thằng nào còn được cãi nhau với thằng nào nữa bởi chúng sẽ xa nhau mãi mãi - một thằng xuống địa ngục, một thằng lên thiên đường.

***

Thế nhưng rồi thì chúng vẫn thế, vẫn cắn xé nhau.

Có hôm tôi ốm, CON đay nghiến NGƯỜI: Thấy chưa, mày làm tao khổ đấy, dở hơi, bày đặt. Đang nhiên thì bày ra cái trò viết blog, lại còn đòi tự viết mà không chép phéng ở đâu cho xong chuyện. Thằng NGƯỜI nói: Chẳng hiểu gì cả, tao chép thì mày cũng chẳng mở mày mở mặt được ra đâu. CON lại bảo: Mày làm như mỗi mày là NGƯỜI chắc. NGƯỜI đáp lại: Phe tao ít, phe mày nhiều, nên phải cố thôi.

Lúc tôi ăn, CON luôn thích tôi ăn và tìm đủ các món ngon chứa đầy chất béo khoái khẩu. NGƯỜI thì ngăn cản, chỉ cho tôi cái bụng đang căng dần, chảy xệ, hướng tôi đến với những đĩa rau xanh.

Lúc tôi uống: CON cố gắng nốc thật nhiều những hương vị tuyệt vời của rượu, bia, cà phê. NGƯỜI thì cố gắng giải thích rằng đó là những chất kích thích chẳng có lợi gì cho cơ thể, lại còn gây mệt mỏi.

Lúc tôi say: CON lén vào blog của tôi viết tùm lum, NGƯỜI xoá béng trước khi post những đoạn nó cho rằng không phù hợp với tất cả mọi người.

Lúc tôi đối diện với một người khác giới với mình hoặc xem một chương trình thi hoa hậu trên TV: CON luôn hướng tôi nhìn vào những chỗ nó thích thú, NGƯỜi luôn chỉ cho tôi vẻ đẹp của tạo hoá.

Lúc tôi làm việc, thỉnh thoảng CON bắt tôi phải ra lệnh, trịnh trượng hay quát tháo đối với những người phải phụ thuộc vào mình, NGƯỜI thì luôn nhắc nhở và phát âm ra những lời hoà nhã, vui vẻ, cảm tình.

Mỗi 22h tối, khi mà tôi bắt đầu viết cho blog, CON luôn tìm cớ mệt mỏi để nó được đi nghỉ, NGƯỜI cố gắng khích lệ tôi.

...

***

Thỉnh thoảng, lúc tôi đứng cạnh một người khác giới trong một điều kiện thích hợp: CON thì luôn muốn phát âm ra những tiếng vuốt ve, mơn trớn và muốn điều khiển cái tay nó làm một hành động theo bản năng của nó để phát tín hiệu. NGƯỜI thì huýt còi ầm ĩ, nó cố gắng tìm đủ mọi cách để ngăn lại, kể cả xuất một đoạn hình ảnh hình dung về những sự đổ vỡ. Thường thì những lúc như vậy NGƯỜI thắng!

Mỗi đêm thứ Sáu, CON kêu những tiếng kêu ghê rợn, cả cơ thể thực hiện những hành động lạ kỳ. NGƯỜI thì trốn tít trên mấy tầng mây vì sợ những hành động kỳ quặc và mấy thứ tiếng ghê rợn đó. Có lẽ lúc đó thì chỉ còn CON nên nó thắng!.

***

NGƯỜI thì điều khiển trái tim và khối óc tôi.

CON thì có tất cả những gì còn lại, và một phần của khối óc.

Tôi chẳng nghiêng về bên nào bởi thấy cả hai nói đều có lý, nhưng có lẽ rằng có trái tim và phần nhiều của khối óc - CON nhất định thắng thế!

...

Tr Minh Linh (27/6/2008)

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2008

Tình yêu qua IM

Nó là bạn tôi, một thằng bạn học cùng đại học, cùng ở chung phòng trong KTX. Giờ thì nó cũng đã khá thành công trên cong đường công danh của mình. Thỉnh thoảng cũng có gặp nhau hoặc điện thoại cho nhau, tôi thường trêu nó: "Còn yêu online em nào qua mạng nữa không", nó cười hềnh hệch "Sau vụ đó, tao cũng có kết một em nữa, nhưng mà có tỉnh táo hơn. Cũng vẫn thế!".

***

Đó là thủa sinh viên, chúng tôi đều là người đam mê với máy tính và Internet. Cũng phải nói rằng kết nối Internet thời ấy là rất khó khăn, sinh viên như chúng tôi chỉ có đường là thuê truy cập tại các cửa hàng Internet công cộng. Tốc độ kết nối Internet hồi ấy hoàn toàn là quay số (dail-up) mà có lẽ nhiều người ngày nay không thể hình dung ra nó chậm như thế nào.

Tôi thì thích kết nối vào các diễn đàn, tham gia các hộp thư trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về máy tính, còn thằng bạn tôi thì lại có sở thích tốn ít băng thông hơn tôi - đó là chat. Có lần tôi hỏi:

- Chat thì có gì hay mà mày mê vậy?

- Hay lắm - nó nhìn tôi vẻ ngạc nhiên - chưa chat bao giờ à? thế lên net làm gì?

Tôi bảo vào forum, nó cười ầm. Tôi cũng cười ầm lên vào nó vì cái trò chat vô bổ đó thì không hiểu rằng có lợi lộc gì. Cãi nhau một hồi rồi thôi.

***

Tuy học cùng phòng, nhưng mỗi đứa một lớp nên thời gian học sáng/chiều là khác nhau. Một buổi cùng rủ nhau đi thuê máy vào mạng, ngồi cạnh nhau, nó thì thào vào tai tôi: "Này, mày thấy em ngồi ở góc kia không?" Tôi nhìn theo hướng hẩy đầu của nó, quả nhiên là một cô nàng rất quyến rũ. Nhưng để làm gì, ngắm à. Nó bảo, để tao chat với em ấy cho mà xem.

Rồi nó đứng dậy đi vệ sinh, lát sau quay lại, đã thấy nó hí hoáy gõ gõ, chat chat...Tôi không quên hỏi nó, nhưng nó ra hiệu im lặng.

Trên đường về, tôi không quên hỏi nó "Thế nào, có chat được không?" nó vênh mặt "Được chứ, nhìn em có vẻ kiêu kỳ vậy nhưng chat dịu dàng lắm, lại còn e thẹn nữa chứ". Tôi ngạc nhiên hết sức vì Internet lại còn có cách nào đó mà chỉ nhìn thấy nhau thôi mà đã có thể chat được với nhau rồi, bèn hỏi nó thì nó đáp: "Lúc tao giải vờ đi vệ sinh là ngó sau lưng em ấy xem nick là gì, rồi tao về add nick vào, thế là chat được thôi". Bái phục nó thật! thế mà mình không nghĩ ra.

***

Thời gian sau đó thì tôi bị tra tấn bởi những tâm sự của nó về em bé "xinh như mộng, nết na như Tấm". Khổ. Nó nói thì nói, tôi cứ ừ hữ cho qua chuyện. Rồi tôi cũng thấy nó bắt đầu hay đứng ra hành lang ký túc cho muỗi cắn mỗi đêm trăng, cũng thấy mượn truyện hay mấy cuốn báo cũ của tôi để đọc. Gớm, lạ gì cái thằng mồm mép này cơ chứ, ngữ nó thì biết gì về văn học. Có hôm tôi hỏi đểu "Đọc truyện đó mày thấy thấy thế nào", hay "Bài thơ đó có hay không, mày cảm thấy gì?". Nó chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Chắc là yêu rồi. Nhớ rồi. Nhớ em ở quán chat rồi!

Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi thấy nó rủ tôi đi...uống bia. Lạ kỳ, cái thằng này thì ngoài chat ra nó chẳng còn thích cái gì nữa, thế mà lại rủ tôi đi uống bia. Tôi cũng lẽo đẽo đi theo nó đến quán bia. Vừa ngồi xuống, nó thềo thào "Tan rồi...vỡ rồi" rồi uống bia như khát nước, lạc luộc lại cắn cả vỏ.

Biết ngay mà. Mấy cái tình yêu qua mạng này thì không sớm thì muộn cũng vỡ thôi. Tôi đắc chí vì đã nhiều lần khuyên nhủ nó nhưng cứ bỏ ngoài tai. Nhìn cái điệu bộ của nó tôi cố bấm bụng hỏi han sự tình ra làm sao.

Cũng sau mấy vại bia thì nó đã hăng hái kể lại sự tình: Sắp đến lễ tình nhân, quyết định tạo ra một "va chạm" nhỏ để lộ mặt. Nó đã tiến hành lập kế hoạch và tạo ra một kịch bản như trong phim: "Vô tình chạm vào nàng-nàng quay lại nhìn-bốn mắt nhìn nhau-như nhận ra nhau từ trong thế giới ảo bước sang thế giới thật-ôi, dù hình ảnh qua webcam có nhạt nhoà bao lần thì chàng và nàng cũng đã nhận ra nhau-họ buông rời bàn phím...."

- Rồi sao?... - tôi sốt ruột lắm vì cái kịch bản của thằng đạo diễn nửa mùa này.

- Sao quái gì, thực tế là: Tao cũng giả vờ đi vệ sinh, nhưng lúc ấy cuống quá nên đá vào ghế của nàng. Rồi nghe chửi té tát...từ nàng. Ôi, tình yêu của anh nó hót mới hay làm sao. Nhưng tao cũng cố nín nhịn, nhìn vào mắt nàng, nhìn vào web cam nhưng cũng nhìn vào màn hình. Trời ạ, nàng chat giỏi quá, đến sáu khung hội thoại bày khắp màn hình. Khung chat với tao vẫn còn đang nhấp nháy chưa trả lời.

***

Lần gặp trước, nó bảo kể lại chuyện tình thứ hai qua IM: "Giờ thì khôn lắm rồi, nhìn đàn bà như một lũ dại dột, cũng lừa được một em. Đi chơi mấy lần". Tôi hỏi "Thời điểm ấy mày lấy vợ chưa". "Rồi. Thằng đàn ông nào có vợ cũng có một sự hấp dẫn. Nhưng rồi thì vẫn tào lao thôi, vẫn thế. Tan vỡ như bong bóng xà phòng". Thấy tôi ngạc nhiên, nó kể: "Đối tác, làm marketing, chưa chồng, hôm thấy tên hay hay trên card visit thì chat thử, không ngờ nàng đáp ngay. Cũng lãng mạn vì phải bí mật, dấu vợ mà, lại càng thú vị. Nhưng nói chuyện thì nàng hay than thở, hay nói về công việc. Lần cuối gặp nàng có nhờ một việc của bên chỗ mình làm. Chán! Bye luôn!"

***

Tôi vừa nhắn tin cho nó: "Sáng mai, mày xem blog tao, có chuyện hay lắm" và bắt đầu chuẩn bị post bài.

_____

Tr Minh Linh (26/6/2008)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2008

Nguyễn Xuân Minh và Wikipedia tiếng Việt

Ít ai biết được rằng, bộ từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt hiện nay lại có công đóng góp, định hướng đầu tiên bởi một người gốc Việt, là con thế hệ thứ hai của một người Việt sống định cư ở nước ngoài. Đó là Nguyễn Xuân Minh, sinh năm 1987, hiện đang sống tại Loveland, Ohio, Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ rằng đây là một tấm gương lớn về tinh thần cho chính tôi và cho nhiều người có tinh thần dân tộc cao, nên đã tìm tài liệu, dẫn chứng để viết bài này.

Nguyễn Xuân Minh và Wikipedia tiếng Việt

"Chào bạn, tôi tên là Nguyễn Xuân Minh. Tôi là sinh viên Mỹ gốc Việt tại Đại học Stanford ở Ca Li, Hoa Kỳ. Tôi là một trong những người đã thành lập dự án này vào cuối năm 2003, và tôi làm hành chính viên (bureaucrat) ở đây từ đầu năm 2005"[1] Nguyễn Xuân Minh đã giới thiệu như thế một cách đầy tự hào trên trang thành viên của mình tại Wikipedia tiếng Việt.

Nguyễn Xuân Minh trong một chuyến dã ngoại ở công viên quốc gia Yosemite, bang California. Ảnh: Tuổi Trẻ.Con đường đến với Wikipedia của Minh hết sức bất ngờ, đó là một lần vô tình biết tra một thông tin bằng máy tìm kiếm Google, kết quả lại dẫn đến một mục từ trên Wikipedia, Minh đã nhận ra rằng Wikipedia cho phép sửa đổi nội dung các mục từ ở đó, sau này Minh kể lại rằng "Lần đầu tiên tôi đến Wikipedia bằng tiếng Anh khi tìm kiếm trên mạng Google về thứ tự truyền quyền tổng thống của Mỹ (United States presidential line of succession). Khi nhìn thấy nút 'sửa' tôi đã mừng run lên vì không nghĩ là mình có thể chỉnh sửa một bộ bách khoa thư lớn đến vậy"[2],[3]

Đó là phiên bản tiếng Anh, còn bản tiếng Việt thì Minh biết đến vào đầu năm 2003. Xuất phát có lẽ từ một liên kết đến trang phiên bản tiếng Việt của một mục từ trên Wikipedia tiếng Anh, tuy nhiên mục từ này chỉ có vài thông tin sơ sài và một câu kêu gọi những người nói tiếng Việt bắt đầu dự án cùng vài liên kết đến những bài viết về thành phố Việt Nam. Trước trang chủ của phiên bản tiếng Việt còn rất sơ sài về nội dung và giao diện đơn giản, Minh đã bắt đầu viết một thiết kế mới[4].

Người Việt học tiếng Việt

Những điều trên đã khiến tôi rất cảm phục Nguyễn Xuân Minh, tuy nhiên tôi càng cảm phục hơn nữa khi mà Minh đã học được tiếng Việt để có thể tự hào viết lên cái tên của mình những dấu đầy đủ nhất.

Minh không phải là một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, gia đình của Minh đã chuyển sang Hoa Kỳ định cư từ thập kỷ 1970 nên sau khoảng hơn chục năm mới sinh ra Minh[1]. Với một đứa trẻ sinh ra ở một nước có ngôn ngữ chính là tiếng Anh thì việc con người ấy nói tiếng Anh như một thứ ngôn ngữ chính là điều không khó hiểu.

Minh kể, bắt đầu dùng tên riêng của mình bằng tiếng Việt có dấu từ năm lớp 5. “Hồi đó tất cả mọi người mà tôi quen đều không có dấu trên tên. Sau nhiều ngày “vọc” máy tính, tôi phát hiện có cách để hiện ra dấu. Từ đó tôi bắt đầu viết tên mình có dấu trong các bài tập nộp cho giáo viên. Sau đó có lẽ vài bạn gốc Việt khác trong lớp cũng làm theo. Lúc đầu chỉ là cho vui, nhưng giờ việc gõ tên có dấu đã trở thành thói quen của tôi”.

Trong khi trước đây và hiện nay thì đa số người Việt tại Hoa Kỳ thường bỏ dấu ra khỏi tên mình trong các văn bản thì Minh vẫn trung thành với câu giới thiệu “I am Minh Nguyễn” (Tôi là Nguyễn Xuân Minh) trên các trang web mà Minh tham gia. Minh còn tỉ mỉ kèm theo cách hướng dẫn phát âm để đảm bảo người khác phải đọc đúng họ Nguyễn. Trên blog của mình, Minh viết: "My name’s Minh Nguyen, though I style myself Minh Nguyễn, with all the wonderful diacritics" điều này càng thể hiện sự tự hào về cách viết có dấu đầy đủ cái tên của mình trong tiếng Việt.

Minh đã phải khó khăn lắm với trình độ tiếng Việt trung bình của mình trong thời gian đầu đến với Wikipedia tiếng Việt. “Bởi vậy mà tôi rất biết ơn mọi người vì đã chịu đựng và sửa lỗi ngữ pháp cho tôi trong suốt mấy năm qua”. Việc xây dựng Wikipedia những ngày đầu buộc Minh phải dịch rất nhiều tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhờ vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, vốn từ vựng của Minh đã tăng lên thấy rõ.

Cho đến những ngày gần đây thì trình độ tiếng Việt của Minh đã khá lên thấy rõ, thể hiện rõ nét là Minh đã "dám" dịch một bài về ngôn ngữ học từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà khó có thể nhận ra rằng bài viết này là của một người gốc Việt thế hệ thứ hai dịch[6].

Tri thức vẫn tiếp diễn

Dựa vào các dòng tự thuật trên trang thành viên của mình thì Minh hiện vẫn tham gia rất nhiều các dự án học liệu mở khác bằng nhiều ngôn ngữ khác. Nguyễn Xuân Minh đã viết:

Hiện nay tôi đóng góp suốt cho Wikipedia bằng tiếng Việt (dự án này), với lại thường xuyên cho phiên bản tiếng Anh và Tây Ban Nha. Tôi là hành chính viên của Wiktionary tiếng Việt và quản lý của Wikibooks tiếng Việt và Wikisource đầu tiên. Tôi cũng có nhiều đóng góp tại Wiktionary tiếng Anh, Wikibooks tiếng Anh, Wikimedia Commons, và Wikimedia Meta-Wiki. Giống như dự án này, chuyện đây vẫn tiếp tục diễn ra.

Quả thật, khi mà mọi người đang chú ý vào Wikipedia thì các dự án tri thức mở khác như Wikibooks, Wikisource, Wiktionary bằng tiếng Việt....được ít người chú ý, nhưng tôi vẫn thấy thỉnh thoảng Minh lọ mọ cập nhật vào các dự án đó. Tôi biết được điều này vì nhìn các trạng thái "Thay đổi gần đây" của các dự án đó.

Còn tôi?

Tôi, người viết những dòng này, cảm thấy thật nhỏ bé trong một tấm thân già hơn Minh hơn chục tuổi. Chính vì thế nên tôi đã cố gắng truyền đạt lại những gì mình biết về khoa học, về tư duy, lối sống đến với mọi người.

Và hôm nay, tôi đã kể lại câu chuyện này về Nguyễn Xuân Minh...và tự xấu hổ với chính mình.

Chú thích

1^. Trang thành viên của Nguyễn Xuân Minh trên Wikipedia: tiếng Việt, tiếng Anh, và các ngôn ngữ khác nữa. Tại trang này có một số thông tin cá nhân do chính Nguyễn Xuân Minh tự thuật. Tôi cho rằng các thông tin trên trang này đã được các báo ở các nguồn dẫn phía dưới sử dụng cho bài báo của mình - bởi chúng khá giống (cũng như tôi đang viết về Nguyễn Xuân Minh theo cách không gặp mặt, mà chỉ ngồi ở nhà để tìm kiếm các thông tin qua Internet).

2^. Wiki Việt ngữ - giấc mơ pho tư liệu khổng lồ của người Việt, đăng trên VnExpress, tuy nhiên lưu ý rằng trong bài này có liên kết đến một bài viết về Từ điển bách khoa toàn thư mở là không chính xác. Một điểm lưu ý khác là các thông số về Wikipedia ở bài này là khác với thực tế bởi hiện tại số liệu thống kê đã thay đổi rất nhiều.

3^. Ở Wikipedia (các phiên bản ngôn ngữ khác nhau), hầu hết các mục từ đều cho phép các thành viên sửa chữa toàn bộ nhằm giúp cho chúng hoàn thiện hơn. Nút sửa này giống như bạn đang lập một blog ở Sky.vn mà sau khi đăng nhập bằng tài khoản của mình thì các đầu bài cũng xuất hiện nút sửa. Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng cách mở bất kỳ mục từ nào ở Wikipedia (trừ các mục từ đang có sự tranh luận về việc sửa đổi nội dung thì được tạm khoá, chỉ có sysop mới có quyền sửa đổi).

4^. Giấc mơ Việt trên Wikipedia, đăng trên VnExpress,

5^. Blog của Nguyễn Xuân Minh bằng tiếng Anh

6^. Giả thuyết Sapir-Whorf trên Wikipedia tiếng Việt, do Nguyễn Xuân Minh dịch chính, có một vài sửa đổi nhỏ nhưng không đáng kể. Lịch sử đóng góp của trang này đã thể hiện người dịch chính là Mxn (tên thành viên của Nguyễn Xuân Minh).

Tr Minh Linh (17/6/2008)

Khuyến mãi KAV trên PC World VN

Sản phẩm khuyến mại

Hôm trước, tôi chợt thấy một thẻ bản quyền 6 tháng cho sản phẩm phần mềm bảo mật Kaspersky Antivirus (do một công ty đại diện tại Việt Nam phát hành[1]) gắn trên một trang giới thiệu sản phẩm của tạp chí Thế Giới Vi Tính (PC World Việt Nam). Thẻ gắn dính vào trang báo bằng keo dán hai mặt giúp cho nó không rơi ra được khi vận chuyển, giao báo. Quả thật là bất ngờ trước chiêu thức khuyến mại này nên tôi viết một entry về nó.

Điều thú vị nhất là ở đây có một sự khuyến mại, có nghĩa rằng bạn được sử dụng sản phẩm một cách không mất chi phí trong thời gian khuyến mại đó được thực hiện giới hạn tại một số lượng hạn chế, mà ở đây là người đọc tạp chí PC World Việt Nam. Đây có lẽ rằng là một chi tiết nhỏ, nhưng cũng đáng để những người phát triển và cung cấp sản phẩm có thu phí lưu ý đến hình thức này.

Quả thực là thời điểm phát hành báo đã khoảng chục ngày so với thời điểm viết entry này, nhưng đến nay tôi cũng chưa bóc tem chiếc thẻ đó để có thể cài đặt phần mềm này thử nghiệm. Một phần rằng phần mềm đó đã chưa hấp dẫn tôi trong thời gian trước đây và một phần thì tôi cũng đang dùng một sản phẩm của hãng khác.

Điều chú ý của tôi là sản phẩm của Kaspersky Lab được bán ở Việt Nam có giá khá thấp so với thị trường quốc gia khác[2],[3], chính do đó thì nhận thấy đây là một chiến lược mở rộng thị trường của sản phẩm này vào một quốc gia được cho rằng có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao[4].

Qua một số thông tin trên báo chí thì tôi nhận thấy rằng hiện nay phần mềm của Kaspersky Lab đang sử dụng bất hợp pháp ở Việt Nam là khá nhiều, thậm trí người ta còn kinh doanh bán các phần mềm này khiến cho hãng phân phối các sản phẩm này ở Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi[5]. Phương thức khuyến mại miễn phí của Kaspersky Lab ở Việt Nam qua hình thức này là khá thông minh, chúng làm cho người sử dụng ý thức hơn về sử dụng phần mềm có bản quyền. Một mặt khác thì sự khuyến mại này lại nhằm có lợi cho cả hai bên: Bên trực tiếp có sản phẩm cần khuyến mại, và một bên là một tạp chí được cho rằng có uy tín trên lĩnh vực công nghệ thông tin bằng tiếng Việt ngay tại một trang báo giấy giới thiệu sản phẩm mới là chính phần mềm này[6].

Trên Internet hiện nay có nhiền phiên bản của Kaspersky Antivirus được bẻ khoá hoặc thực hiện các phương thức cập nhật cơ sở dữ liệu (một yếu tố rất quan trọng đối với các phần mềm diệt virus[9]) thì rõ ràng rằng nếu các thông tin này được phổ biến rộng rãi thì người sử dụng dễ có thể sử dụng các phần mềm bẻ khoá đó để có thể vẫn sử dụng mà không phải mua bản quyền. Đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến hãng phân phối thực hiện chiêu thức khuyến mại trên: Một phần nhắc nhở người sử dụng phần mềm có bản quyền sẽ được phép thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu nhiều lần trong ngày (24 lần/ngày theo như công bố của website của hãng tại Việt Nam), một phần đưa ra hình thức khuyến mãi trong (trong một phạm vi hẹp) để kích thích người sử dụng phần mềm này. Chắc rằng sau 6 tháng sử dụng với các tính năng bảo vệ các mối nguy hiểm trước Internet, virus máy tính, nếu người dùng thử thấy hữu hiệu với tính năng chỉ thực hiện được khi có bản quyền phần mềm này thì họ sẽ bỏ tiền mua bản quyền để tiếp tục sử dụng. Với một giá bán thấp, cùng sự quản cáo chỉ cần chi phí 16.000 đồng/tháng thì quả là hấp dẫn.

Quả thật, tôi hơi có tính cục bộ địa phương khi mà luôn lựa chọn các sản phẩm nội địa có cùng khả năng với phần mềm xuất xứ từ nước ngoài, tuy nhiên rõ ràng rằng hiệu quả và sự hấp dẫn của quảng cáo, cùng các danh hiệu mà nó đạt được ở tầm cỡ quốc tế nên chắc rằng nếu sử dụng phần mềm này sẽ lựa chọn sản phẩm của Kaspersky Lab. Liệu các sản phẩm tương đương của nội địa đã nổi tiếng trên thế giới và có các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại và thực hiện các biện pháp quảng bá không ồn ào được như sản phẩm này chưa?

Chắc là chưa, bởi có thể ai cũng hiểu rằng phần mềm có giá gần tương đương của Việt Nam hiện nay có thương mại thì chỉ còn Bkav Pro (tất nhiên trước đây phần mềm diệt virus D32 cũng nổi đình đám một thời, hơn hẳn so với Bkav thời đó và đi trước về xử lý 32bit, nhưng hiện nay do không thương mại nên tác giả ít cập nhật, ít chú ý và tự trở thành không nổi tiếng) cũng với các chiêu thức quảng bá trên báo chí, tổ chức giới thiệu sản phẩm[7], nhưng lại bị nhiều người sử dụng chê bai nó bởi đủ thứ ý kiến - kể cả nói rằng nó cũng đang vi phạm bản quyền[8] (BKIS cũng đã phản hồi về điều này[10])

***

Sau khi sử dụng khuyến mại, bạn có thể nâng cấp phiên bản đó lên Kaspersky Antivirus 2009 như hướng dẫn ở bài này.

Chú thích

1^. Trang chủ của Kaspersky Lab Việt Nam. do NTS làm đại diện phát hành.

2^. Giá bán của Kaspersky Internet Security trên Amazon, (thời điểm 25/6/2008)

3^. Giá bán của Kaspersky Internet Security ở Việt Nam. (thời điểm 25/6/2008)

4^. Không lộ trình thì…treo máy thật!, trên blog này, dẫn nguồn một bài báo nói đến thực trạng BQPM.

5^. Thị trường phần mềm diệt virus lậu: Hàng vạn khách hàng mắc “quả đắng”, (phần 1, phần 2)

6^. Sản phẩm mới>>Phần mềm>>Kaspersky Internet Security 7.0, đăng trên PC World Việt Nam số 188 (6/2008), trang 88-90; trang quảng cáo và khuyến mại: 89.

7^. BkavPro: Cạnh tranh bằng chất lượng của sản phẩm (29/04/08), trên website của BKIS

8^. BKAV vi phạm bản quyền phần mềm ?, đăng trên Thông tin Công nghệ, những ý kiến ở đây có thể mang tính chủ quan.

9^. Phần mềm diệt virus, trên blog này - nói về ý kiến chủ quan của tôi khi coi cơ sở dữ liệu của phần mềm diệt virus là rất quan trọng, 4/2008.

10^. BKAV Pro bị "tố" vi phạm bản quyền phần mềm?, bài trên Việt Nam Net, 09:40' 24/06/2008 (GMT+7) (có ý kiến của BKIS phản hồi)

Tr Minh Linh (25/6/2008)

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Quản lý RSS với Google Reader

Bài viết này đã được chuyển sang blog mới của tôi tại:

http://tman75hd.blogspot.com/2008/06/quan-ly-rss-voi-google-reader.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2008

RSS là gì

Bài viết này đã được chuyển sang blog mới của tôi tại địa chỉ: http://tman75hd.blogspot.com/2008/06/rss-la-gi.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

Bởi vì tôi muốn là người trí thức

Tôi sinh ra ở nông thôn, một vùng đất nghèo. Bố tôi là kỹ sư, còn mẹ của tôi là giáo viên. Họ có những tấm bằng đại học bọc bằng nỉ đỏ, có nhiều trang, nhìn rất đẹp...thế nên, tôi mong muốn được như bố mẹ tôi để có được cái bằng đó (thời ấy, những người họ hàng của gia đình tôi đều bảo rằng bố mẹ tôi đều là những người trí thức).

Chắc là lúc ấy tôi muốn làm người trí thức?.

***

Hồi nhỏ, ở thị trấn nơi tôi ở có một cái thư viện của quân đội trên đường tôi đi học. Mỗi lần đi qua tôi nhìn thấy người cầm sách vào, rồi lại cầm sách ra, tôi nhìn họ và thấy có vẻ gì đó rất...trí thức. Rồi tôi cũng đã đánh bạo vào trong thư viện đó, và thật may rằng tôi đã biết ai cũng có thể mượn sách ở đó nếu như có các giấy giới thiệu bảo lãnh. Về nhà, tôi nằng nặc đòi xin giấy giới thiệu của cơ quan mẹ tôi, và cuối cùng tôi cũng có một tấm thẻ thư viện cho trẻ em.

Trẻ em thì chỉ được mượn và trả sách vào thứ Năm hàng tuần, mỗi tuần chỉ được mượn ba cuốn, thế cũng là quá tốt. Tôi đã được đọc những cuốn sách rất đẹp và rất hay bắt đầu từ đó. Bắt đầu là các sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam, rồi đến các sách thiếu nhi của NXB Cầu Vồng được in ở nước ngoài rất đẹp. Loáng thoáng đến nay còn nhớ là đã đọc từ thư viện ấy những truyện: "Dế mèn phưu lưu ký", "Túp lều của bác Tôm", "Trên sa mạc và trong rừng thẳm"...

Rồi thì tôi cũng đọc hết sách của trẻ em. Tôi cố gắng thuyết phục cô giữ thư viện cho tôi đọc sách của "người lớn". Thật lạ kỳ, tôi đã được chấp nhận đổi sang Thẻ bạn đọc của người lớn mà không gặp khó khăn nào cả. Thẻ bạn đọc của người lớn thì có thể đọc bất kỳ lúc nào trong tuần, lại còn có thể mượn đến 5 cuốn một lần. Từ đó tôi được đọc các cuốn sách về khoa học, về vũ trụ của nước ngoài, hoặc ngay thỉnh thoảng còn mượn cả truyện và thơ của Puskin về đọc tạm khi sách khoa học bị người khác mượn hết...

Cô thủ thư có lần bảo tôi "Những cuốn sách này rất quý, cháu phải cẩn thận, mất không tìm đâu để đền được đâu, cháu cứ như những người trí thức khi mượn những cuốn như thế này". Tôi rất sung sướng khi nghe nhận xét như vậy.

Chắc là hồi ấy tôi muốn làm người trí thức?

***

Khi lớn lên, tôi cũng đọc được ở đâu đó rằng một người trí thức phải biết rất nhiều lĩnh vực, không biết sâu như chuyên môn chính của mỗi người được đào tạo, nhưng phải biết đến xã hội, văn học, nghệ thuật và tính cách của một con người. Cũng có lúc tôi thấy lối sống của những người nước ngoài tại các quốc gia tiến bộ, tôi thấy thật đáng khâm phục khi làm việc, giải trí và cảm nhận nghệ thuật.

Chính vì vậy, ngoài chuyên môn chính của mình, tôi đã cố gắng tìm hiểu về văn học, nghệ thuật hay nói một cách khác là kiến trúc thượng tầng của xã hội.

Về mặt văn học, thời gian học đại học trước đây, tôi thường lang thang tại những nơi bán sách cũ như ở Cầu Giấy, hoặc cả ở vỉa hè đường Giải Phóng, hoặc một hiệu sách cũ ở đường Bà Triệu (tất cả địa danh này ở Hà Nội), thật vui vì đã mua nhiều sách cũ về văn học với giá rẻ. Còn có lần, tôi may mắn vớ được một mớ báo Văn Nghệ còn nguyên vẹn, hoặc cả các tạp chí đóng quyển như Văn nghệ Quân đội nữa. Mua và để đó, rỗi lại đọc, rỗi lại đọc.

Để củng cố về mặt nghệ thuật, hội hoạ thì những lúc đi bộ lên Bờ Hồ, tôi thường hay ghé thăm các phòng triển lãm tranh nghệ thuật (thường vắng khách), và cố hiểu xem những bức tranh ấy vẽ gì theo cách hiểu của tôi: hiện thực? trừu tượng?...Về mặt âm nhạc thì cũng cố nghe một số chương trình âm nhạc giao hưởng/thính phòng và nhất là có một chương trình phân tích các tác phẩm kinh điển bằng lời. Quả thực là những thứ này rất khó hiểu, nhưng dần dần cũng quen quen và cảm được một phần nào đó khi nghe, chứ nó không lùng bùng như thời đầu tiên. May mắn là cũng có thể do có chút năng khiếu nào chăng nên gặp một bản nhạc quá quen thuộc bị đánh sai (ở phòng của người yêu tôi), tôi cũng có thể nhận ra (có thể là do nhớ theo kiểu "thuộc lòng" mà thôi).

Chắc là tôi muốn trở thành người trí thức?

***

Khi tôi đã lớn và đủ để hiểu biết nhiều kiến thức (trong giới hạn của mình), tôi bắt đầu tiếp nhận và chia sẻ những kiến thức.

Tôi nghĩ rằng mình là một mắt xích trong sự tiếp nhận và truyền bá các kiến thức, tiếp nhận và truyền bá sẽ được nhân lên với những người khác nữa, cứ thế nhân lên, nhân lên đến nhiều người. Không để các mắt xích bị đứt, cho dù có mệt mỏi về thể xác cũng như trong tinh thần.

Khi tôi thấy một bài báo hoặc một entry chưa đúng với suy nghĩ của tôi, tôi cố gắng tìm hiểu về nó, điều chỉnh nó trong những nhận thức của mình hoặc/và phát biểu lại về những suy nghĩ của mình về điều đó. Ở đây có thể là một bài báo hoặc chỉ là những entry (tôi bắt buộc phải dùng từ này, bởi vì nói là một "tập hợp nhiều chữ trong một mục ở blog" là một "bài viết" là điều có thể chưa đúng đối với sự khó tính của tôi về điều này) trên các blog.

Bởi vì tôi đọc được rằng: Người trí thức luôn mong muốn truyền bá đến tất cả mọi người những kiến thức khoa học cũng như kiến thức xã hội, những điều hay, lẽ phải mà mỗi con người cần có[1].

Phải chăng tôi đã tự nhận mình là người trí thức?

***

Bạn chưa có nhiều nhận thức về tri thức? Có thể bạn còn trẻ để có thể tiếp nhận được nhiều tri thức, nhưng nó sẽ dần đến với bạn.

Bạn chưa dám viết các entry theo đúng với tâm sự của mình, suy nghĩ của mình bởi vì sợ nó không hay? Có thể đó chỉ là những ý nghĩ của bạn mà thôi.

Hoặc là bạn không dám viết về những kiến thức mà bạn đã có bởi ngại rằng nó không đúng? Không sao, những người đọc nhiệt tình sẽ cố gắng trao đổi với bạn qua các comment, chỉ ngại rằng bạn sợ những sự trao đổi đó mà thôi. Tất cả phải tự điều chỉnh có phải không.

Và, bạn có thể bắt đầu tiếp nhận và viết ra những kiến thức đó cho mọi người. Tôi còn kém bạn nhiều bởi khi ở tuổi của bạn tôi đã không làm được những điều đó.

Có phải tôi xúi giục gì bạn không? Không. Bởi những người trí thức luôn mong muốn rằng có thêm nhiều người trí thức khác, cũng như một người Việt Nam luôn mong muốn rằng người Việt Nam sẽ tự học hỏi để vươn lên, để không hèn kém trước bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Cũng chắc chắn rằng tôi không nhận được lợi lộc gì khi mong muốn bạn học tập tốt, nhưng cả một dân tộc hay cả một thế hệ hiện tại và sau này sẽ luôn mong nhận được những kiến thức của bạn.

Phải chăng bạn cũng muốn trở thành người trí thức?

Chú thích

1^. Trí thức là ai, Nguyễn Quang A, đăng trên Vietnam Net.

Tr Minh Linh (19/6/2008)

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2008

Thư không gửi (thơ)

Tối thứ bảy

Anh một mình trong căn phòng hưu quạnh

Gió lạnh

Lạnh buốt trái tim

Lại một tối thứ bảy

Những cánh chim đã bay về nơi tổ ấm

Còn lại anh âm thầm

Ngồi viết những lá thư

Những lá thư

Viết vào tối thứ bảy

Nếu anh gửi

Em nhận được chắc chẳng đếm được đâu

Những tối thứ bảy thường chậm chạp - chẳng qua mau

Còn bao nhiêu lá thư không gửi?

Tr Minh Linh (năm 199?)

Thời điểm viết bài thơ này chắc rằng tôi viết vào một thứ bảy nào đó, cái "căn phòng hưu quạnh" ở đây là ký túc xá sinh viên. Mười hai người một phòng mà cứ đến tối thứ bảy là chúng nó đi mất hết, còn lại mỗi một mình tôi, thật buồn. Chúng nó đi đâu ư, đi chơi với người yêu chứ còn đi đâu nữa, thằng nào chưa có người yêu thì cũng lang thang xuống tầng một để mà chơi với mấy đứa con gái[1] (mà cứ nói thẳng ra là "cưa cẩm").

Cũng may là tôi đã có một nơi để mà gửi niềm nhớ nhung, tiếc rằng người ấy ở quá xa nên không thể đi đến được vào mỗi tối thứ bảy[2]. Còn lại một mình trong phòng, hoặc là viết thư, hoặc là viết linh tinh những dòng chữ này, những dòng tự coi là thơ này. Thư thì viết nhưng chẳng gửi, không những viết vào thứ bảy như thường lệ, mà lại viết vào cả những ngày bình thường, nên nó rất nhiều (sau này để tống tiễn thời điên cuồng cũng như uỷ mị ấy thì tôi cũng đốt hết). Sao lại không gửi, có lẽ rằng thời đó tôi chưa ngỏ lời thì phải, không rõ nữa, chắc là chưa, bởi vậy nên còn e ngại. Ngố quá chăng? chắc là thế.

Bọn đi "tìm tổ ấm" như trong lời thơ trên thì mãi mới về, chúng thường về sát nút giờ khoá cổng khoá cửa nên mình tôi càng buồn hơn. Chắc là viết vào mùa đông, bởi vì tôi thấy có "gió lạnh" ở đây (chẳng nhẽ mùa hè lại viết thế thì hơi dở nhở, nhỉ). Chắc vậy rồi, vì tôi thấy nó đối với bọn "đi tìm tổ ấm".

Thư mà không gửi, viết mà không đưa, thôi, cho rằng cái số mình nó thế, biết làm thế nào...thỉnh thoảng cóp nhặt lại viết lên blog vậy!

Chú thích

1^. Ký túc xá BK thì tầng 1 hoăc cả tầng 2 nữa luôn ưu tiên cho nữ sinh viên. Tầng này có rào chắn cẩn thận, quá 23h là khoá kín lại để "ngoại bất nhập, nội cũng bất nhập luôn" bởi vì nam sinh viên không thể vào được.

2^. Lênh đênh, Một bài hồi ký nói về tình yêu xa cách của tôi - 60 km.

Tr Minh Linh (16/6/2008)

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2008

CPU đa nhân

CPU đa nhân, CPU đa lõi (tiếng Anh: multi-core) là bộ vi xử lý trung tâm (Central Processing Unit) có nhiều đơn vị vi xử lý được tích hợp trên cùng một CPU vật lý duy nhất. Một cách khác, chúng giống như sự ghép nối nhiều CPU thông thường trước đây trở thành một CPU duy nhất.

CPU đa nhân nhân được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2001 bởi hãng IBM với loại CPU Power4 dành riêng cho các máy chủ. Bắt đầu từ đó các hãng sản xuất CPU khác bắt đầu chú ý đến thể loại CPU đa nhân và định hướng phát triển sản phẩm của mình theo theo thể loại này. Hai nhà sản xuất CPU cho máy tính cá nhân có thị phần lớn là AMD và Intel cũng có các phản ứng khác nhau: AMD đã bắt đầu có định hướng ngay cho CPU đa nhân, Intel còn dè dặt trong giai đoạn đầu, nhưng cũng bắt đầu vào cuộc. Kể từ đó có một sự cạnh tranh giữa hai hãng để chiếm lĩnh thị phần CPU máy tính trên phương diện đa nhân, hiệu năng xử lý và giá bán, sự cạnh tranh này vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm hiện nay và chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù phần thắng đang tạm nghiêng về các CPU của Intel.

Nhu cầu về xử lý đa nhiệm

Phân loại máy tính và chức năng

Không như nhiều người hiểu rằng máy tính chỉ đơn giản là những chiếc máy giống như họ đã biết và từng làm việc hàng ngày (hoặc một số rất ít người hiểu chúng như những chiếc máy tính cầm tay dùng cho các phép tính cộng trừ đơn giản dành cho học sinh), chúng đã được làm nhiều loại để phục vụ cho các nhu cầu của những người sử dụng khác nhau hoặc cho nhiều người sử dụng. Phần phân loại dưới đây sơ lược giúp bạn hiểu thêm về nghĩa rộng hơn của máy tính quen dùng:

  • Phần lớn các máy tính trên thế giới hiện nay thuộc thể loại máy tính cá nhân, một cách hiểu đơn giản là chúng dành cho một người sử dụng (cá nhân) và làm việc với chúng trong duy nhất một thời điểm. Máy tính cá nhân có thể thực hiện nhiều chương trình khác nhau ở các thời điểm khác nhau, chúng có thể được sử dụng rộng rãi bởi những người sử dụng ở văn phòng như một công cụ trợ giúp cho công việc, hoặc được sử dụng ngoài nơi làm việc (ở nhà) với mục đích chủ yếu cho giải trí, truy cập thông tin thông qua mạng Internet toàn cầu hoặc các nhu cầu riêng khác.
  • Phần ít hơn là các máy tính được thiết kế cho các kỹ sư, kỹ thuật viên, các nhà khoa học hoặc những người sử dụng văn phòng với các ứng dụng không thông thường để thực hiện các phần mềm đòi hỏi đến năng lực lớn hơn và sự ổn định, các máy này thường được gọi là máy trạm (workstation)[2].
  • Phần còn lại có số lượng ít nhất, được thiết kế riêng biệt chỉ để thực hiện một vài nhiệm vụ mà có thể không cần đến sự điều khiển của con người một cách liên tục theo thời gian: ví dụ các máy chủ để phục vụ các mục đích khác nhau trong một mạng nhỏ hoặc các mạng Internet rộng lớn.
  • Khác với các loại các máy tính được liệt kê ở trên là các loại máy tính chuyên dụng đặc biệt, chúng thường thiết kế riêng cho một mục đích, chỉ sử dụng một vài phần mềm chuyên dụng: ví dụ các máy tính công nghiệp hoặc các máy tính ở một dạng nhỏ hơn sử dụng hệ điều hành nhúng cho các mục đích khác. Trừ các máy tính trong những giai đoạn phát triển đầu tiên (thường chỉ thiết kế cho một vài chức năng) hoặc một số máy tính lớn phục vụ riêng biệt cho các mục đích khoa học ngày nay, các máy tính còn lại trong thời gian gần đây (được phân loại như trên) thường có thể dùng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Người sử dụng có thể cài đặt các phần mềm khác nhau (miễn là chúng tương thích với hệ điều hành cài đặt trên máy tính đó). Các máy chủ thường được cho rằng chỉ phục vụ chuyên cho một mục đích, cung cấp một loại dịch vụ nhưng cũng có thể chuyển đổi, thiết đặt lại để phục vụ cho các nhiệm vụ khác.

Nhu cầu xử lý đa nhiệm

Phần trên mới cho thấy tất cả các máy tính có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau, tuy nhiên trên thực tế các máy tính còn có thể dùng cho nhiều mục đích cho cùng một thời điểm.

  • Đối với máy tính cá nhân (cho văn phòng và gia đình), ví dụ một người sử dụng máy tính để soạn thảo một văn bản bằng tiếng Việt thì cũng đã có ít nhất hai phần mềm hoạt động: phần mềm soạn thảo văn bản và một phần mềm hỗ trợ bỏ dấu tiếng Việt nào đó. Trong ví dụ này nếu nói có hai phần mềm đồng thời hoạt động là chưa chính xác, bởi xét rộng ra thì đã có rất nhiều phần mềm đang hoạt động ở chế độ nền (background) trong hệ điều hành mà nhiều người sử dụng không nhận ra. Đối với các máy trạm với sự khác biệt chỉ ở các phần mềm chuyên dụng và đòi hỏi ổn định nên cũng tương tự đối với máy tính cá nhân.
  • Đối với các máy chủ thì ngay cả một số kỹ thuật viên hoặc người quản trị mạng cũng cho rằng chúng chỉ phục vụ một vài mục đích riêng biệt, tuy nhiên trên thực tế các máy chủ được kết hợp đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ nếu như chúng đủ mạnh. Thực tế ở mức sử dụng trong một mạng nhỏ thì đã có rất nhiều máy chủ đã được thiết đặt để cung cấp nhiều dịch vụ đồng thời.

Những nội dung cần xử lý đồng thời trên thực hiện trên một máy tính sử dụng một CPU đơn nhân có thể tuỳ thuộc vào mức độ cần xử lý của các ứng dụng, số ứng dụng hoạt động cùng một thời điểm mà người sử dụng có thể không nhận thấy khi sử dụng đồng thời các ứng dụng yêu cầu xử lý thấp (chẳng hạn chỉ soạn thảo văn bản kết hợp nghe nhạc số dạng nén) trên một máy tính có một dung lượng bộ nhớ RAM không quá thấp so với yêu cầu của hệ điều hành. Tuy nhiên với các ứng dụng cần nhiều đến xử lý như thực hiện một trong các nội dung: xử lý đồ hoạ, biên tập video, chơi game, nghe nhạc và kết hợp đồng thời với các ứng dụng thông thường (duyệt web, soạn thảo...) cùng với một phần mềm diệt virus bảo vệ trực tiếp thì người sử dụng sẽ cảm nhận rõ ràng về sự chậm chạp của hệ thống. Cùng số lượng và mức độ của các ứng dụng đó, nếu được xử lý trên một máy tính có hai CPU độc lập thì hệ thống sẽ thực hiện nhanh hơn và hiếm khi xảy ra các hiện tượng chậm chạp xử lý ứng dụng, lỗi hệ thống, treo máy...

Khi mà các hệ điều hành và các ứng dụng ngày nay đã chú tâm hơn nhiều đến giao diện, sự ổn định, khả năng bảo mật...để đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng máy tính thì càng đòi hỏi đến năng lực của CPU cần lớn lên. Nếu như các CPU thông dụng trong các máy tính cá nhân để bàn hiện nay có thể hoạt động tốt trên các hệ điều hành lỗi thời như Windows 95, Windows 98 khá nhanh và tốt thì đến các hệ điều hành Windows XP hiện tại cũng trở lên chậm chạm và có thể còn chậm hơn nữa nếu sử dụng hệ điều hành Windows Vista gần đây nhất của hãng Microsoft trong thời điểm đầu năm 2008.

Luồng xử lý của CPU

Nguyên lý làm việc của công nghệ siêu phân luồng của IntelCác CPU đã được hệ điều hành yêu cầu xử lý đồng thời các phần mềm một cách gián đoạn và xen kẽ nhau khi người sử dụng thực hiện đồng thời nhiều phần mềm (như trong các ví dụ nêu trên). Mỗi phần mềm nếu không đòi hỏi một sự xử lý liên tục thì chúng được đáp ứng từng phần. Đa số các phần mềm sử dụng trong văn phòng một cách thông thường nhất đều đã được xử lý như vậy. Ví dụ: khi bạn đang duyệt web và cùng soạn thảo một văn bản sẽ có các khoảng thời gian mà bạn phải đọc một trang web hoặc lúc bạn đang soạn thảo văn bản thì có nghĩa là trình duyệt web lúc đó có thể không cần thiết phải xử lý bởi chúng đã tải xuống (download) đủ thông tin để phục vụ hiển thị nội dung trang web đó. Đây chỉ là một ví dụ đơn giản với những ứng dụng đơn giản để cho thấy việc các CPU có thể phân tách để xử lý các nhiệm vụ một cách đồng thời.

Nếu như người sử dụng thực thi các phần mềm ứng dụng yêu cầu đến xử lý lớn một cách đồng đều thì dễ nhận thấy rằng hệ thống có thể trở lên chậm chạp bởi mỗi ứng dụng lại chỉ được xử lý lần lượt xen kẽ nhau. Nếu như có hai bộ xử lý đồng thời trong cùng một máy tính thì cả hai ứng dụng lớn này đều có thể thực hiện được tốt hơn hay không. Hoặc như có một CPU nhưng đồng thời đáp ứng yêu cầu của hai hoặc nhiều hơn các ứng dụng trong cùng một thời điểm thì có cải thiện được tốc độ làm việc chung của máy tính hay không ?

Hãy xem một ví dụ sau:

Nếu có một nhóm người chờ trước cổng một phòng khám da liễu, phòng chờ cách cửa vào một khoảng xa.

  • CPU đơn nhân, đơn luồng: giống như việc chỉ có một cửa vào, và trong đó có một bác sĩ chỉ khám lần lượt từng người với điều kiện mỗi người hết 10 phút, trong đó ưu tiên khám hết nữ giới sau đó mới đến lượt nam giới - thời gian khám hết nhóm người đó sẽ rất lâu và nam giới phải chờ lâu hơn mặc dù đến sớm.
  • CPU đơn nhân, đa luồng: giống như việc có một cửa, mỗi người khám 10 phút, khám xen kẽ cả nam giới và nữ giới. Giải quyết được việc người nào đến trước thì xong trước.
  • CPU đơn nhân, đa luồng, có công nghệ phân luồng ảo: Giống như có một cửa, ai khám xong trước thì ra trước (có thể dưới 10 phút), có hai bác sĩ phụ nhau chia theo từng công đoạn lúc này thời gian nhanh hơn nhiều cho việc khám tất cả nhóm người.
  • CPU đa nhân: Giống như phòng khám có hai cửa, trong đó có hai nhóm bác sĩ độc lập và đồng thời có thể khám hai người một thời điểm.
  • CPU có lượng cache L2 lớn hoặc có thêm cache L3: Tương đương với phòng chờ ở ngay cửa của phòng khám (người được yêu cầu vào khám đi vào nhanh hơn).

Qua ví dụ trên ta thấy rằng CPU có khả năng xử lý nhiều luồng, đa nhân, có công nghệ siêu phân luồng...thì sẽ xử lý công việc nhanh hơn. Đây là lúc mà người đọc có thể trả lời câu hỏi phía trên một cách tự tin rằng “có, nó cải thiện được tốc độ làm việc chung”.

Hình thức sử dụng nhiều CPU trên cùng một máy tính hoặc nhiều máy tính kết nối với nhau để trở thành một hệ thống máy tính lớn hơn để cùng thực hiện một nhiệm vụ hoặc đồng thời nhiều nhiệm vụ có liên quan đến nhau đã được áp dụng từ trước khi xuất hiện các CPU hai nhân. Các máy trạm hoặc máy chủ trước đây thường được gắn nhiều hơn một CPU trên cùng một bo mạch chủ để có thể thực hiện công việc tối ưu hơn, tốc độ nhanh hơn. Đây có thể là những lý do đầu tiên để các nhà sản xuất phần cứng bắt tay vào nghiên cứu để cho ra đời các CPU đa nhân sau này.

Cấu tạo vật lý của CPU đa nhân

Những CPU hai nhân đầu tiên được Intel và AMD sản xuất khi đặt hai nhân xử lý trong cùng một tấm đế[3]. Có nghĩa trong một CPU nhìn bề ngoài như một CPU thông thường nhưng bên trong nó chứa các phần mạch điện của cả hai CPU, điểm chung của nó là các chân cắm tiếp xúc với socket của bo mạch chủ. Nếu như chỉ nhìn hình dáng mà không nhìn vào các thông số trên vỏ CPU thì các loại CPU hai nhân này không khác so với các CPU đơn nhân sử dụng cùng loại socket.

Nhiều người có thể thắc mắc: Bên trong một CPU liệu có còn khoảng không gian trống nào không cho nhân thứ hai, thứ tư hoặc nhiều hơn nữa trong khi tấm đế của CPU vẫn giữ nguyên diện tích như vậy. Thực tế thì kích thước các nhân hiện tại của CPU đã rất nhỏ, phần đế của mỗi CPU có kích thước như hiện tại bởi chúng cần có các vị trí để có thể kết nối với các socket. Thông thường thì các ký hiệu của socket hiện nay có chứa ý nghĩa về số vị trí tiếp xúc giữa CPU và bo mạch chủ, nếu như một CPU hiện tại của Intel sử dụng socket T (LGA775) hay như AMD sử dụng socket 939 thì cũng có nghĩa rằng chúng có 775 hay 939 vị trí tiếp xúc. Với một số lượng kết nối nhiều như vậy thì các CPU nếu thiết kế tấm đế quá nhỏ sẽ không thể đáp ứng được sự kết nối giữa CPU với bo mạch chủ theo kiểu cắm để dễ dàng thay thế (nếu không muốn hàn chắc vào bo mạch chủ).

Thế hệ CPU đa nhân thông dụng đầu tiên

CPU hai nhân của Intel

Hãng Intel đã giới thiệu những CPU hai nhân Pentium Extreme Edition và Pentium D đầu tiên vào tháng 4 năm 2005 phát triển trên nền Pentium 4 Prescott. Thực chất sự ra đời của những CPU hai nhân đầu tiên này của Intel đã mong muốn giới thiệu ra thị trường càng nhanh càng tốt nên các CPU hai nhân đầu tiên: Pentium D, Pentium Extreme Edition (thường gọi tắt là Pentium EE) chứa trong lòng nó hai nhân của Pentium 4 mã Prescott[4]. Mỗi một nhân được giao tiếp với một đường khác nhau với chipset cầu bắc trên bo mạch chủ. Chính vì vậy mà các chipset của hãng Intel như i915, i925 hoặc các chipset của các hãng khác dành cho các CPU Pentium 4 thông thường không thể sử dụng cho CPU hai nhân Pentium D (hoặc Pentium Extreme Edition). Các chipset dòng i945, i955X, i975X cho dòng máy tính cá nhân để bàn và E7230 cho dòng máy trạm là những chipset đầu tiên hỗ trợ cho những CPU hai nhân này.

CPU Pentium D có các đặc tính dưới đây:

  • Tốc độ xử lý CPU từ 2,8 GHz đến 3,2 GHz
  • FSB: 800MHz
  • Mở rộng EM64T 64-bit
  • Hỗ trợ Execute Disable Bit
  • Sản xuất trên công nghệ 90 nm (nanomet)
  • Có 2 MB L2 cache (1 MB mỗi nhân riêng biệt và độc lập)
  • Sử dụng Socket T (LGA775)

Với những CPU có số hiệu 830 và 840 còn bao gồm công nghệ mới của Intel là: “EISS” (Enhanced Intel Speed Step), chúng có thể tự động thay đổi tốc độ làm việc của CPU theo nhu cầu xử lý của hệ thống để giảm công suất tiêu thụ. Phiên bản Pentium Extreme Edition 840 có tính năng giống như Pentium D, nhưng có một số khác biệt thêm như sau:

  • Hỗ trợ công nghệ Siêu phân luồng (HT Technology)[1]. Như vậy với mỗi nhân bên trong sẽ trở thành 2 nhân ảo (hệ điều hành sẽ nhận biết và sử dụng như có 4 nhân đồng thời). Không hỗ trợ công nghệ EISS.
  • Cho phép thay đổi hệ số nhân của CPU, điều này giúp các người sử dụng hiểu biết dễ dàng ép xung với CPU mà không phải thay đổi bus hệ thống. Đây là cách lý giải tại sao Pentium EE lại không hỗ trợ công nghệ EISS bởi công nghệ này mâu thuẫn với các hành động ép xung khi chúng tự động giảm hệ số nhân để giảm tốc độ làm việc của hệ thống khi nhu cầu xử lý thấp.

Bảng thông số CPU hai nhân thế hệ đầu tiên của hãng Intel: Pentium D và Pentium Extreme Edition.

CPU

Model Number

Tốc độ

Bus Speed

(Mhz)

Băng

thông

(GBps)

Hỗ trợ

HT ?

L2

Cache

Nhiệt

độ

max

Công

suất

tiêu thụ

max

Socket

Công

nghệ

sx

số

transistor

Pentium D

820

2,8 GHz

800

6,4

Không

2 MB

64,1 °C

95W

775

90 nm

230 triệu

Pentium D

820

2,8 GHz

800

6,4

Không

2 MB

64,1 °C

95 W

775

90 nm

230 triệu

Pentium D

830

3,0 GHz

800

6,4

Không

2 MB

69,8 °C

130 W

775

90 nm

230 triệu

Pentium D

830

3,0 GHz

800

6,4

Không

2 MB

69,8 °C

130 W

775

90 nm

230 triệu

Pentium D

840

3,2 GHz

800

6,4

Không

2 MB

69,8 °C

130 W

775

90 nm

230 triệu

Pentium D

840

3,2 GHz

800

6,4

Không

2 MB

69,8 °C

130 W

775

90 nm

230 triệu

Pentium Extreme Edition

840

3,2 GHz

800

6,4

2 MB

69,8 °C

130 W

775

90 nm

230 triệu

CPU hai nhân của AMD

Những CPU hai nhân của AMD được giới thiệu sau so với các CPU hai nhân của Intel. Trước khi các CPU đa nhân của AMD xuất hiện thì dòng sản phẩm Athlon 64 của AMD đã khá thành công, phiên bản Athlon 64 FX đã được tạp chí PC World Mỹ bình chọn giải thưởng “World Class 2004” dành cho sản phẩm xuất sắc nhất trong năm 2004[5]. AMD đã bắt đầu phát triển các CPU 64 bit bắt đầu từ năm 2003 trên nền cấu trúc 32 bit-x86 và đã được sử dụng rộng rãi trên các máy chủ, máy trạm và máy tính cá nhân để bàn. Vào tháng 5 năm 2005 những CPU Athlon 64 X2 hai nhân đầu tiên của AMD xuất hiện[6]. Althlon 64 X2 đã có hai loại theo từng mã riêng như sau:

  • Cache L2 dung lượng 1 MB (ứng với 512 KB cho mỗi nhân) ở mã: Manchester
  • Cache L2 dung lượng 2 MB (ứng với 1 MB cho mỗi nhân) ở mã: Toledo

Cùng với các đặc tính khác bao gồm:

  • Tốc độ xử lý thực tế CPU từ 2,2 GHz đến 2,4 GHz
  • Sản xuất trên công nghệ 90 nm (nanomet)
  • 1 GHz HyperTransport
  • Sử dụng Socket 939.

So sánh công nghệ

Mặc dù AMD không phải là hãng đầu tiên giới thiệu CPU hai nhân, nhưng cấu trúc của CPU hai nhân của AMD đã có nhiều tiến bộ hơn so với các CPU hai nhân ban đầu của Intel (Pentium D). Cấu tạo bên trong của AMD cho phép các nhân có thể trực tiếp liên kết với nhau mà không phải thông qua chipset cầu bắc. Để hạn chế nhược điểm này, Intel đã tăng FSB để gia tăng băng thông giữa CPU và chipset cầu bắc.

Tuy nhiên trong giai đoạn này thiết kế CPU đa nhân của AMD vẫn ưu thế hơn Intel ở các điểm sau:

  • Khác với sự thay đổi cấu trúc của Intel trong CPU hai nhân khiến cho khi nâng cấp hệ thống cần phải thay thế bo mạch chủ do các chipset cũ không hỗ trợ CPU hai nhân mới. Hệ thống của AMD có thể tương thích với hệ thống cũ, người sử dụng có thể cần nâng cấp BIOS để có thể tương thích với CPU hai nhân mới. Socket 939 cho Athlon 64 và Socket 940 cho Opteron vẫn giữ nguyên cho các CPU AMD hai nhân, cùng với các chipset cũ vẫn hỗ trợ bởi sự giao tiếp với CPU không trở thành hai dòng riêng biệt cho mỗi nhân. Đây là ưu điểm thứ nhất của CPU hai nhân AMD thế hệ đầu với Intel.
  • Khi thiết kế các CPU dòng Athlon 64/Opteron AMD đã có một sự chuẩn bị sẵn cho các thiết kế đa nhân theo định hướng ban đầu của AMD, nên khi các dòng CPU đa nhân ra đời chúng hoàn toàn thích ứng với các tính toán về nhiệt độ của CPU. Sự tác động về nhiệt độ khi tăng thêm một nhân đã ảnh hưởng không nhiều. Ví dụ đa số các CPU hai nhân Athlon 64 X2 của AMD chạy với tần số 2,2 GHz tiêu thụ công suất 89 W cũng bằng với với Athlon 64 đơn nhân hoạt động ở tần số 2,4 GHz. So sánh giữa một CPU hai nhân nóng nhất của AMD khi hoạt động ở tốc độ 2,2 đến 2,4 GHz tiêu thụ công suất 110 W với một CPU hai nhân của Intel như Pentium Extreme Edition tiêu thụ công suất 130W sẽ thấy một ưu điểm thứ hai của CPU hai nhân hãng AMD so với Intel.

Mặc dù tốc độ xử lý thực của các CPU hai nhân AMD thường thấp hơn CPU Intel, tuy nhiên một số kết quả kiểm tra, đánh giá hiệu năng bằng các phần mềm chuyên dụng (phần mềm benchmark) cho thấy hiệu năng của các CPU hai nhân hãng AMD cao hơn hiệu năng các CPU hai nhân của Intel ở những phiên bản đầu tiên[6]. Nhiều overclocker và người dùng thông thường từng sử dụng hai loại CPU của các hãng này cũng có nhận xét như vậy.

Các thế hệ kế tiếp

Trong CPU Dual-Core của Intel thì cache L2 dùng chungCác loại CPU đa nhân nêu trên chỉ ở giai đoạn đầu tiên phát triển của hai hãng chiếm thị phần lớn trên thị trường CPU cho PC. Hiện tại ở thời điểm viết bài thì Intel đã ra đời dòng CPU Core Duo, và Core 2 Duo sử dụng vi kiến trúc core[4] với nhiều ưu thế hơn hẳn so với dòng CPU hai nhân của hãng AMD. Không chỉ dừng lại ở hai nhân, hai hãng sản xuất này đang tiếp tục cho ra đời các loại CPU nhiều nhân hơn với các công nghệ mới[7][8] Core Duo và Core 2 Duo của Intel

Core 2 Due của Intel là các CPU được coi là hiệu quả trong năm 2008Core Duo là công nghệ tiếp theo của các CPU hai nhân đầu tiên (Pentium D, Pentium EE) của Intel sử dụng vi cấu trúc core[4] mang lại nhiều cải tiến hơn. CPU Core Duo được sản xuất không được bao lâu thì Intel đã chuyển sang sản xuất dòng Core 2 Duo với thêm các cải tiến mới mà được đánh giá là một bước ngoặt trong ngành chế tạo bộ vi xử lý[9][10]

Vi cấu trúc core có các cải tiến sau:

  • Mở rộng thực thi động (Wide Dynamic Execution): Đã được sử dụng ở các CPU thế hệ thứ 6 (Pentium Pro, Pentium II, Pentium III...) được cải tiến giúp tiên đoán nhanh và sâu, chính xác hơn.
  • Quản lý điện năng thông minh (Intelligent Power Capability) cho phép tắt các hệ thống con trong CPU khi không sử dụng đến để tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên chúng có thể ngay lập tức được kích hoạt để hoạt động trở lại khi có các yêu cầu về xử lý lớn và cần thiết đến chúng.
  • Mở rộng bộ nhớ đệm thông minh tiên tiến (Advanced Smart Cache) là một cải tiến đáng kể trong vi cấu trúc core, thay vì mỗi nhân sử dụng một cache riêng biệt trong cấu trúc của Pentium D thì nay Intel cải tiến để cả hai nhân đều có thể dụng chung cache L2 (xem hình). Các thế hệ CPU hai nhân đầu tiên của Intel sử dụng mỗi nhân một cache L2 riêng biệt, giữa các nhân và các cache không có một kết nối nào với nhau nên phải thông qua chipset cầu bắc, sự cải tiến mới giúp cho hiệu năng xử lý tăng lên do chúng có thể sử dụng chung chiếm nhiều hơn đối với các nhân phải thực thi xử lý nhiều hơn.
  • Truy xuất bộ nhớ thông minh (Smart Memory Access)
  • Tăng tốc phương tiện số tiên tiến (Advanced Digital Media Boost) giúp tăng tốc thực thi tập lệnh SEE (Streaming SIMD Extension), cho phép hỗ trợ các phép toán 128 bit, tức là gấp đôi so với các CPU cũ cùng hãng.

Ngay sau khi ra đời thì Core 2 Duo của Intel đã đánh bại đối thủ cạnh tranh truyền thống của mình là AMD. Cùng với lộ trình giảm giá các loại sản phẩm Pentium D, Core Duo, Intel đã lấy lại uy tín và dành lại thị phần của mình sau loạt sản phẩm CPU hai nhân thế hệ đầu yếu thế hơn so với các CPU hai nhân Althon 64 X2 của AMD[9]. Cho đến đầu năm 2008, AMD vẫn chưa có các bước cải tiến đáng kể nào để vượt lên so với Intel như thời kỳ CPU đa nhân đầu tiên dòng x86 xuất hiện. Athlon 64 X2 của AMD

AMD cũng đưa ra các chiến lược của mình để cạnh tranh với Intel trên cả hai phương diện, công nghệ và giá thành CPU. Trước khi cho ra dòng Phenom vào tháng 12 năm 2007, tháng 9 năm 2007 AMD đã tung ra thị trường sản phẩm CPU Black Edition như một bước đệm. CPU Black Edition bao gồm hai phiên bản Athlon 64 X2 6400+ sản xuất trên công nghệ 90 nm và Athlon 64 X2 5000+ trên công nghệ 65 nm.

Với công nghệ 65 nm, Althon 64 X2 5000+ có một số thay đổi:

  • Hoạt động với xung nhịp 2,6 GHz.
  • 256 KB cache L1, 1 MB cache L2 chia đều cho hai nhân.
  • Cho phép thay đổi hệ số nhân.

Thiết kế Athlon 64 X2 5000+ thay đổi cho phép người sử dụng dễ dàng ép xung chúng, theo AMD thì mức tiêu thụ công suất của CPU này chỉ đến 75 W khi ép xung ở 3,1 Ghz và 85 W khi ép xung ở 3,4 Ghz[11]. Trên thực tế thì nhóm Test Lab của tạp chí PC World Vietnam thử nghiệm ép xung với CPU này thì có thể ép xung ổn định ở mức 3,1 Ghz (tăng 16% so với thiết kế) ở điện áp 1,3 V[12]. CPU ba nhân

Có thể có CPU ba nhân hay không ? Thực tế ngoài CPU đơn nhân các hãng thường sản xuất loại đa nhân với số nhân là số chẵn, điều này dường như logic hơn khi mà thiết đặt các nhân có tính chất đối xứng ở một tấm đế hình vuông. Trên thực tế AMD đã có ý định thiết kế một CPU có ba nhân để tung ra thị trường vào đầu năm 2008 nhằm cạnh tranh với Intel khi giúp người sử dụng có nhiều lựa chọn hơn[13]. Điều thú vị là công bố này của AMD trước đúng một ngày trước diễn đàn những nhà phát triển Intel.

CPU ba nhân đầu tiên trên thế giới này có mã hiệu Toliman, chúng không phải là một thiết kế mới ba nhân trên một đế, mà là một CPU bốn nhân đã được cắt bớt đi một nhân. Nó sẽ tích hợp một điều khiển DDR2, giao diện Hypertransport 3.0, mỗi nhân sử dụng một cache L2 riêng biệt với 512 KB dung lượng. CPU cache L3 với dung lượng 2 MB. Cho đến thời điểm cuối năm 2007 thì AMD vẫn chưa công bố về xung nhịp, điện năng, giá cả...của CPU này.

CPU bốn nhân Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ, chỉ một thời gian ngắn, các hãng sản xuất CPU đã cho ra đời loại bốn nhân dành cho cả dòng máy tính cá nhân để bàn và các máy trạm, máy chủ[17][18]. Tuy hiện nay các phần mềm hỗ trợ chưa nhiều, đa phần người sử dụng còn chưa nâng cấp lên loại CPU hai nhân thì các hãng đã bắt đầu giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh và hấp dẫn người sử dụng[19]

Với sự ra đời của 6 bộ vi xử lý bốn nhân Quad-Core Xeon dòng 7300, cho đến thời điểm quý IV năm 2007, Intel đã hoàn chỉnh kế hoạch chuyển các CPU của mình sang vi kiến trúc core chỉ sau chưa đầy 15 tháng xuất hiện.[20] Hiện nay các nhà máy vệ tinh sản xuất CPU của Intel sẽ không còn sản xuất các loại CPU thế hệ cũ (Pentium D, Pentium EE), do vậy các sản phẩm này hoàn toàn chỉ còn lại dưới dạng tồn kho. Những CPU bốn nhân đầu tiên của Intel lại được ghép nối hai CPU hai nhân thành một CPU bốn nhân và AMD lại vẫn phát triển theo hướng bốn nhân độc lập.

Trong cuộc cạnh tranh giữa hai hãng sản xuất CPU cho máy tính cá nhân giữa hai hãng sản xuất hàng đầu Intel và AMD thì cho đến nay Intel đang tạm dẫn trước, bỏ rơi đối thủ AMD sau khi ứng dụng vi kiến trúc core và các loại CPU sau đó - đặc biệt là phát triển đến các dòng CPU bốn nhân[21]. Kết quả so sánh giữa các CPU của hai hãng trên phần mềm benchmark bằng PCMark 05 so sánh bốn loại CPU bốn nhân của cả hai hãng cho thấy với cùng cấp độ thì các cặp CPU của Intel có điểm số cao hơn so với cặp CPU của AMD[22]. Các kết quả thử nghiệm (trong thời điểm đầu năm 2008) cũng chưa cho thấy AMD có sự bứt phá như đã từng thành công với các loại CPU hai nhân thế hệ đầu tiên[23][24].

Cuối tháng 12 năm 2007, AMD giới thiệu nền tảng Spider[25] bao gồm: bộ xử lý bốn nhân AMD Phenom bộ xử lý đồ họa dòng ATI Radeon HD 3800 với hỗ trợ Microsoft DirectX 10.1, bộ chipset AMD 7-series và phần mềm AMD OverDriver. Nền tảng mới này của AMD được cho là hỗ trợ cho việc trải nghiệm hình ảnh ở mức tuyệt đối[26]. Nền tảng dựa trên tổng hợp các sản phẩm của cùng một hãng này có thể được coi là một hành động đáp trả cho nền tảng Centrino[27][28][29] cho máy tính xách tay của Intel mà trước đây AMD không thể nào đạt tiêu chuẩn (và đó có thể cũng là một trong các lý do để AMD quyết định mua lại ATI).

Cho đến cuối năm 2007, AMD đã đưa ra thị trường hai CPU bốn nhân dòng Phenom có số hiệu 9500 và 9600. Hai CPU này chỉ khác nhau ở tần số làm việc (tương ứng với 2,2 Ghz và 2,3 Ghz), còn lại các thông số như sau:

  • Công nghệ AMD64 Có
  • Simultaneous 32- & 64-bit computing Có
  • L1 Cache (Instruction + Data) mỗi nhân 128 KB (64 KB + 64 KB)
  • L2 Cache (512KB mỗi nhân) 2 MB
  • L3 Cache 2 MB
  • Công nghệ HyperTransport Công nghệ HyperTransport tới 3600MT/s full duplex, hoặc tới 14.4GB/s băng thông I/O Integrated DDR2 Memory Controller: có
  • Memory Controller Width 128-bit
  • Hỗ trợ loại RAM PC2-8500(DDR2-1066), PC2 6400(DDR2-800), PC2 5300(DDR2-667), PC2 4200(DDR2-533), và PC2 3200(DDR2-400) unbuffered memory
  • Băng thông bộ nhớ tới 12.8 GB/s (bộ nhớ kênh đôi) Total Processor-to-system Bandwidth (HyperTransport plus memory bandwidth) tới 27.2 GB/s
  • Công nghệ sản xuất 65 nm, SOI (silicon-on-insulator) Technology
  • Đế cắm socket AM2+ (940-pin) organic micro PGA
  • Công suất thiết kế 95 W
  • Kích thước đế CPU 285 mm2
  • Số transistor: 450 triệu

CPU tám nhân

Khi mà hai hãng AMD và Intel đang cạnh tranh nhau cung cấp các CPU cho nhiều loại máy tính thông dụng thì các hãng khác như Sun Microsystems cũng tập trung vào các sản phẩm CPU đa nhân dành cho thị trường máy chủ và thiết bị viễn thông (router, switch và các thiết bị hạ tầng viễn thông khác). Sun Microsystems giới thiệu CPU UltraSPARC T2 tên mã là Niagara II với 8 nhân mà theo như quảng cáo của họ rằng bộ xử lý này có khả năng dành cho những “hệ thống máy chủ trên một chip”.[30] Sun Microsystems trả lời những khách hàng phàn nàn về sự yếu kém trong thiết kế các CPU bằng một sản phẩm có thể đồng thời xử lý 64 tập lệnh trên 8 nhân với mỗi nhân có thể xử lý tám tập lệnh đồng thời, tức lài cải tiến gấp đôi số tập lệnh so với thế hệ Niagara I[31] Tuy nhiên ở các thử nghiệm cho thấy rằng CPU này không phải là mạnh nhất so với các CPU hàng đầu hiện nay ngay ở thời điểm quý III năm 2007.[32]

Hai hãng AMD và Intel chưa ra mắt các CPU 8 nhân của mình cho đến thời điểm đầu năm 2008, nhưng nhiều người vẫn cho rằng hai hãng này đang tích cực chuẩn bị cho nó. Trước đây thì có một số nhà phân tích nhận định rằng rất có thể AMD sẽ chạm đích trong cuộc đua thời điểm giới thiệu bộ xử lý 8 nhân so với Intel trong quá trình cạnh tranh giữa hai hãng[33] nhưng gần đây thì có thể do các tình hình phát triển của hãng tồi tệ đi trong năm 2008 mà AMD công bố sẽ không sản xuất CPU 8 nhân mà nhảy thẳng lên CPU 12 nhân.

CPU 12 nhân

Mặc dù chưa ra đời, nhưng có vẻ như AMD đã chuẩn bị cho việc sản xuất CPU dành cho các máy tính cá nhân với 12 nhân bên trong một đế vào khoảng thời gian tới. ...và nhiều nhân hơn nữa

Trước đây thì chỉ có các “siêu máy tính” hoặc các hệ thống máy tính lớn sử dụng nhiều CPU mới có khả năng xử lý mạnh mẽ với hàng nghìn tỷ phép tính mỗi giây. Người sử dụng máy tính cá nhân để bàn hiện nay có thể hoàn toàn chạm tới các tốc độ tính toán đó khi mà Intel đưa ra các CPU đa nhân trong tương lai. Hiện tại Intel đang thử nghiệm chế tạo các CPU có chứa đến 80 nhân nhưng chưa có kế hoạch tung chúng ra thị trường[34]

Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) còn công bố một CPU chứa đến 512 nhân có xung nhịp 500 Mhz với kích thước 17x17 mm với 300 triệu transistor, tiêu thụ công suất chỉ 60 W để phục vụ dự phòng cho các máy chủ[35]. Những điều này cho thấy rằng công nghệ CPU đa nhân trong tương lai sẽ rất có triển vọng.

Trở ngại lớn nhất của sự phát triển CPU đa nhân là các kích thước vật lý của các linh kiện chứa trong lòng nó. Kích thước transistor, tiết diện dây dẫn nội bộ là những thành phần cơ bản gây cản trở sự phát triển của các CPU đa nhân, mỗi hãng đều có các công nghệ sản xuất riêng để làm nhỏ kích thước của chúng. Những công nghệ mới gần đây đã có thể giúp tích hợp trên 2 tỷ transistor trong cùng một CPU.[36] Công nghệ chế tạo CPU đã tiến đến mức 32 nm (được công bố bởi Intel[37]) và còn tiếp tục nhỏ hơn nữa (tuy hiện nay nhiều hãng sản xuất vẫn mới áp dụng rộng rãi công nghệ 65 nm và chỉ một số CPU sản xuất trên công nghệ 45 nm).

Đa nhân và ứng dụng

Bản quyền phần mềm

Trước khi xuất hiện các CPU đa nhân thì có nhiều người sử dụng lo ngại rằng khi sử dụng một máy tính đa nhân thì các hãng viết hệ điều hành sẽ tăng giá bán các phiên bản hệ điều hành hoặc các phần mềm[38]. Những động thái lo ngại này không phải thiếu căn cứ bởi đã có những tiền lệ tương tự. Các phiên bản hệ điều hành cho các máy chủ thường được phân biệt sử dụng cho một hoặc nhiều hơn một CPU mà tuỳ theo số lượng CPU mà có giá bán khác nhau.

Tuy nhiên, hãng phần mềm Microsoft đã không yêu cầu người sử dụng trả thêm chi phí cho các hệ điều hành Windows các phiên bản được sử dụng các bộ xử lý đa nhân cho đến đầu năm 2008[39]. Cách tính số lượng CPU của hãng này vẫn tính trên số lượng CPU vật lý, như vậy cho dù một máy chủ sử dụng duy nhất một CPU có bốn nhân, tám nhân hay nhiều hơn nữa thì cũng chỉ phải trả chi phí cho hệ điều hành bằng mức như với một CPU đơn nhân.

Mặc dù các bộ xử lý đa nhân đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng đến nay chưa thấy các phần mềm thông dụng (phục vụ đa số người sử dụng hoặc chiếm thị phần tương đối) có sự chênh lệch nhau về giá bán giữa các phiên bản sử dụng cho CPU đơn nhân và đa nhân. Tuy nhiên, trong những thời gian kế tiếp có thể một số hãng phần mềm sẽ liên kết với nhau cùng tăng giá các phần mềm sử dụng trên những hệ thống máy tính sử dụng CPU đa nhân trong vòng một vài năm tới[40]. Có thể điều này sẽ trở thành tất yếu khi mà công nghệ CPU đa nhân phát triển đến mỗi một CPU vật lý chứa rất nhiều nhân trong nó, và các phần mềm được thiết kế tối ưu cho chúng. Tương thích với phần cứng

Trong mục CPU đa nhân thế hệ đầu tiên ta nhận thấy vấn đề tương thích của các CPU đa nhân với hệ thống phần cứng không hề đơn giản. Một số CPU đa nhân thế hệ đầu của AMD có thể tương thích với bo mạch chủ cũ dành cho các CPU một nhân trước khi chúng ra đời, các CPU đa nhân của Intel thì hoàn toàn không tương thích với các bo mạch chủ sử dụng chipset cũ nếu chúng không được thiết kế lại hoặc cho ra đời phiên bản khác.

Các thế hệ hai nhân, bốn nhân kế tiếp ra đời thì AMD không còn giữ được lợi thế về sự nâng cấp hệ thống mà không cần thay đổi bo mạch chủ nữa. Người sử dụng muốn nâng cấp lên CPU đa nhân cần phải thay thế nhiều thiết bị phần cứng khác để phù hợp với chúng.

  • Bo mạch chủ là thiết bị phải thay thế đầu tiên bởi các cấu trúc mới không còn được sự hỗ trợ của chipset thế hệ cũ.
  • Bộ nhớ RAM cũng có sự thay đổi khi thay thế sang loại CPU đa nhân, chúng thường là loại DDR2 thay thế cho thế hệ DDR đầu tiên để đáp ứng về tốc độ cho các thế hệ CPU mới. Thông thường thì người sử dụng CPU Intel luôn phải đối mặt với sự thay thế bo mạch chủ và RAM bởi sự phát triển CPU đa nhân của Intel luôn cần tăng tốc độ RAM do cấu trúc hiện thời của Intel có xu hướng tăng tốc độ bộ nhớ.
  • Nguồn máy tính cũng là thiết bị cần phải thay thế bởi các hệ thống mới thường sử dụng nguồn máy tính theo chuẩn ATX loại 24 chân ở phần cung cấp điện năng cho bo mạch chủ. Riêng phần cung cấp nguồn cho CPU trước đây thường sử dụng một kết nối 4 chân thì với các hệ thống mới có thể đòi hỏi kết nối 8 chân.
  • Bo mạch đồ hoạ phải thay đổi nếu hệ thống cũ sử dụng giao tiếp AGP. Toàn bộ các bo mạch chủ thế hệ mới đều sử dụng khe PCI Express X16. Nếu như không chơi game 3D mạnh hoặc thiết kế đồ hoạ thì người sử dụng có thể lựa chọn một bo mạch chủ được tích hợp sẵn chức năng đồ hoạ để giảm chi phí (tuy nhiên sự kết hợp CPU đa nhân với chức năng đồ hoạ tích hợp thường là một sự cọc cạch đối với người chơi game và xử lý đồ hoạ, chỉ có thể chấp nhận chúng như một bước đệm trước khi nâng cấp nên các bo mạch đồ hoạ rời trên một bo mạch chủ vừa tích hợp chức năng đồ hoạ trên bo mạch chủ, vừa có sẵn khe cắm PCI Express X16).

Đa nhân trên máy tính xách tay

Ngay từ khi các CPU hai nhân đầu tiên xuất hiện trên thị trường, các nhà sản xuất máy tính xách tay đã ứng dụng chúng trong các sản phẩm của mình. Những CPU đa nhân đầu tiên ở các máy tính xách tay đã cải thiện hiệu năng tăng khoảng 30% so với các CPU một nhân cùng tốc độ trong các thử nghiệm benchmark. Ngay các thế hệ CPU đa nhân kế tiếp ở các phiên bản CPU di động cũng không cải thiện được hiệu năng và khả năng tiết kiệm pin như một số nhà sản xuất CPU tuyên bố.

Bởi vì máy tính xách tay thường thiết kế cho các mục đích sử dụng di động với các ứng dụng không đòi hỏi nhiều năng lực CPU nên có vẻ chúng không cải thiện được tốc độ nhiều. Trừ các loại máy tính xách tay chuyên dụng cho game, xử lý đồ hoạ thì các dòng máy tính xách tay thông thường dành cho học sinh, sinh viên, doanh nhân đến thời điểm đầu năm 2008 vẫn chưa là một bước đột phá so với các dòng máy tính xách tay sử dụng CPU hai nhân của thế hệ đầu tiên.

Cho đến giữa năm 2008 thì phần lớn các máy tính xách tay theo cấu trúc IBM-PC đều được trang bị các CPU đa nhân để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Khai thác hiệu năng đa nhân

Đa nhân và phần mềm

CPU đa nhân đã ra đời nhưng hầu hết các phần mềm hiện nay đều chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho chúng[41]. Mặc dù hiểu một cách đơn giản thì các phần mềm vẫn hoạt động trơn chu trên các máy tính được trang bị CPU đa nhân, nhưng thực sự chúng còn có thể hoạt động tốt hơn nữa nếu khai thác được hết khả năng của đa nhân[42]. Hầu hết các phần mềm hiện tại đang được viết cho các CPU đơn luồng, mọi hành động xử lý của chúng đều do hệ điều hành phân phối đến các luồng trong CPU đa nhân. Các hãng phần mềm cũng có lý do để chưa vội vàng biên dịch lại chúng tối ưu với các CPU đa nhân bởi hiện tại (năm 2008) chưa phải tất cả các máy tính có thể sử dụng phần mềm đã được trang bị bộ xử lý đa nhân và chưa phải các bộ xử lý đa nhân đều hỗ trợ khả năng xử lý 64 bit (sẽ trở thành thông dụng về sau này). Mặt khác, việc chuyển đổi có thể cần phải xây dựng lại các thư viện lập trình sẵn có và cần có các khoản chi phí lớn. Vậy thì cách thức phát triển phần mềm truyền thống vẫn là một sự lựa chọn an toàn hơn với họ.[43]

Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng phần mềm đều chưa có động thái về hỗ trợ CPU đa nhân. Các phần mềm sử dụng cho máy chủ, máy trạm đã hỗ trợ xử lý đa luồng từ trước đây, bởi chúng ở một lĩnh vực riêng nên ít được người sử dụng máy tính thông thường biết đến[2]. Đối với máy tính cá nhân để bàn sẽ xuất hiện nhiều phần mềm hỗ trợ đa luồng hơn mà trước hết là từ những phần mềm cần đến khả năng xử lý lớn như: xử lý đồ hoạ, xử lý video...

Các trò chơi trên máy tính (game) 3D hiện nay cũng chưa được thiết kế tối ưu cho hoạt động với các CPU đa nhân, đích nhắm tới hiện nay của chúng thường là hỗ trợ DX10 và DX10.1 (với khả năng đồ hoạ tuyệt đẹp hỗ trợ trên Windows Vista[44]) nhiều hơn, do đó chúng vẫn thường chỉ chiếm một nhân khi xử lý ở CPU đa nhân[45].

Tương lai phần mềm vẫn sẽ phải phát triển theo hướng phù hợp với CPU đa nhân, nhất là với các phần mềm chiếm tài nguyên của CPU nhiều khi thực thi phần mềm đó. Đây là một định hướng tất yếu bởi khi sử dụng một phần mềm lớn, chúng chỉ chiếm một nhân trên CPU thì các nhân còn lại sẽ chỉ được sử dụng cho các phần mềm, dịch vụ chạy ở chế độ nền gây lãng phí năng lực xử lý trong khi có khả năng khai thác toàn bộ các nhân cùng hoạt động như vậy. Bạn hãy thử quan sát biểu đồ hoạt động thực tại của các nhân trong CPU khi sử dụng phần mềm chiếm nhiều tài nguyên sẽ nhận thấy sự lãng phí này.[45] Ngược lại với các phần mềm chiếm tài nguyên thấp có thể không nhất thiết phải viết lại phù hợp cho các CPU đa nhân bởi điều đó là không cần thiết khi chúng không thể chiếm đến trên 10% năng lực xử lý trên một nhân (ví dụ như các phần mềm trợ giúp bỏ dấu tiếng Việt trong soạn thảo văn bản chỉ yêu cầu xử lý thấp).

Đa nhân và hệ điều hành

Khác với phần mềm thì hệ điều hành cần thiết phải hỗ trợ các CPU đa nhân đa nhân và có thể tận dụng mọi công nghệ của CPU. Nếu như hệ điều hành không hỗ trợ các CPU đa nhân thì chúng chỉ nhận dạng duy nhất một bộ xử lý và có thể dẫn đến làm việc không ổn định. Hãy thử sử dụng hệ điều hành MS-DOS với các ứng dụng cũ sẽ nhận thấy chúng hoàn toàn có thể không phù hợp và hoạt động nhanh hơn đối với các CPU thế hệ trước đây bởi DOS và các hệ điều hành Windows 3.X thường phù hợp hơn với các CPU 16 bit.

Các hệ điều hành còn được sử dụng trong những năm 2008 thường hỗ trợ tốt đối với các CPU đa nhân bởi chúng có thể nhận dạng các CPU đa nhân và phân các luồng xử lý tới từng nhân để phân chia và cân bằng giữa các ứng dụng đơn luồng tới từng nhân của CPU. Để đạt được sự hỗ trợ đa nhân, người sử dụng có thể cần đến các bản nâng cấp hoàn chỉnh (service pack, thường viết tắt là SP và một con số chỉ thứ tự) hoặc các bản nâng cấp đơn lẻ. Ví dụ với Windows 2000 cần nâng cấp lên SP4, Windows XP cần SP2, đôi khi có các bản nâng cấp riêng lẻ dành riêng cho một vài loại CPU riêng biệt (ví dụ như cho dòng Core 2 Duo của Intel bằng bản KB936357-x86 ở Windows XP - SP2 của Microsoft).

Những hệ điều hành mới ra mắt gần đây dành cho máy tính cá nhân tất yếu phải hỗ trợ CPU đa nhân, ví dụ như Windows Vista của Microsoft. Chúng cũng có các phiên bản riêng dành cho những nhóm người sử dụng (người sử dụng ở gia đình, sử dụng trong doanh nghiệp...) và các phiên bản hỗ trợ xử lý 64 bit với giá bán khác nhau để tiết kiệm hơn cho từng đối tượng sử dụng.

Đối nghịch với đa nhân: Thị trường PC giá thấp

Khi mà các hãng sản xuất CPU có xu hướng phát triển các sản phẩm CPU đa nhân như một tất yếu trong lịch sử phát triển của máy tính thì vẫn còn một thị trường không kém sôi động cho các vi xử lý một nhân. Các bộ xử lý cho máy tính rẻ tiền vẫn còn trong vòng ngắm của các hãng sản xuất thiết bị phần cứng.

Cả hai hãng AMD và Intel vẫn có những kế hoạch sản xuất CPU cho các máy tính rẻ tiền, dành cho người thu nhập thấp (loại máy tính low-cost PC với giá dự định thấp hơn 350 USD). Hãng Intel với chiến lược “5 năm, một tỷ người” nhằm giúp thúc đẩy số người sử dụng Internet trong năm năm tới thêm một tỷ máy tính nữa kết nối được với mạng toàn cầu (hiện nay số lượng người sử dụng Internet trên thế giới ước tính là 1 tỷ người sau 30 năm phát triển). Những kế hoạch của Intel không phải là quá xa vời khi hãng này chuẩn bị tung ra bộ CPU Diamond View cùng với chipset đi kèm dưới dạng OEM với giá khoảng 30 USD với sức mạnh tương đương với CPU Pentium M mà hãng đã sản xuất trước đây. Mục tiêu của gói CPU-chipset này nhắm tới các máy tính xách tay giá rẻ và các thiết bị Internet di động (mobile Internet device) của Intel[46].

Các hãng khác hoặc các dự án khác cũng đã chú ý đến thị trường PC giá rẻ từ trước đó: Dự án “Mỗi trẻ em một máy tính” OLPC (One Laptop Per Child) cũng được khởi động đã lâu với giá thành dự định dưới 100 USD cũng đã dần hạ giá thành những chiếc máy tính xách tay theo dự án đạt mức giá dự định. Ngoài ra, các thương hiệu máy tính giá rẻ như Asus EEPC, Intel Classmate cũng đang được triển khai[46].

Ngoài các CPU phục vụ cho các máy tính cá nhân, máy chủ, máy trạm thì bộ vi xử lý nhúng lại là một thị trường còn lớn hơn nữa. Rất ít người sử dụng hiểu được rằng vi xử lý nhúng đã được sử dụng đến từng thiết bị gia dụng trong đời sống: từ những chiếc ti vi, máy giặt, máy phát đĩa CD/DVD, đầu thu truyền hình số, điện thoại di động...đều sử dụng các bộ vi xử lý nhúng. Chúng chỉ là các vi xử lý có tốc độ thấp và chưa cần thiết đến đa nhân nhưng theo thống kê những năm 2000 thì chúng chiếm đến 96% trên tổng số các vi xử lý nhúng[47], (cho đến nay chúng có thể còn lớn hơn nữa do sự phát triển của sản phẩm dân dụng luôn lớn hơn so với những chiếc PC).

Nhận thức của người sử dụng

Nhận thức về tốc độ xử lý

Chỉ có một số ít những người sử dụng máy tính có thể hiểu được đúng về các thể loại CPU cũng như về phần cứng máy tính nói chung để có thể nhận rõ các công nghệ trong các bộ xử lý cũng như các thành phần khác liên quan để một hệ thống có thể vận hành tối ưu nhất. Phần đông số người sử dụng còn lại thường cho rằng tốc độ xử lý của CPU là yếu tố hàng đầu để đánh giá mức độ “có chạy nhanh hay không” ở một máy tính. Chính vì vậy mà họ thường chọn một bộ xử lý có tốc độ cao mà không chú ý đến các yếu tố còn lại như công nghệ của bộ xử lý hoặc toàn bộ các thành phần khác để cấu thành lên một chiếc máy tính. Một số còn lựa chọn các CPU hoàn toàn dựa trên cảm tính, chẳng hạn chọn loại Celeron của Intel thay cho các bộ xử lý Pentium với một lập luận rất đơn giản là tốc độ cao và giá rẻ, hoặc chọn một CPU Pentium D thay vì chọn Core 2 Duo bởi chúng cũng gồm hai nhân và có tốc độ cao hơn. Đây là các nhận thức không đúng bởi hiệu năng thực tế mới là vấn đề đáng quan tâm nhất của các CPU. Các kết quả của quá trình benchmark[48] thường phản ánh đúng hơn các hiệu quả làm việc khi so sánh giữa các CPU.

Một số người sử dụng lại cho rằng hai nhân giúp cho tốc độ CPU được tăng gấp đôi. Ví dụ một CPU Core 2 Duo số hiệu E6420 có tốc độ 2,13 GHz (mỗi nhân) thì cả hai nhân sẽ hoạt động với tốc độ 4,26 GHz (tăng gấp đôi). Điều này cũng không đúng bởi cả hai nhân không đồng thời cùng xử lý một ứng dụng và hai nhân không gia tốc việc xử lý cùng một yêu cầu một cách nối tiếp nhau. Nhiều kết quả benchmark cho thấy hiệu năng của CPU hai nhân đối với các ứng dụng bình thường (không được viết lại cho các CPU đa nhân) tăng lên gấp đôi mà chúng chỉ tăng thêm hiệu năng khoảng 30%[49]. Nhiều ứng dụng nặng như các phần mềm xử lý đồ hoạ, biên tập video, game 3D chỉ hoạt động trên một nhân của CPU đa nhân[45].

Nhận thức về tên gọi

Một số người sử dụng lại nhận thức nhầm về thông số đặt tên của các CPU. Hai hãng sản xuất phần cứng gần đây đã thay đổi ký hiệu các CPU của họ theo các cách khác nhau.

  • Intel đặt tên các sản phẩm của mình bằng một con số thay vì chỉ để một số thông số chính về FSB và tốc độ xử lý. Ví dụ các CPU có số hiệu 830, 540, 640...các con số này thường làm người sử dụng so sánh giữa các con số để hiểu về năng lực của CPU, nhưng thực chất không phải như vậy bởi có các CPU có số hiệu thấp lại có hiệu năng cao hơn CPU có số hiệu cao.
  • AMD đặt tên theo các con số có một quy luật khác hơn mà được một số người cho rằng những thông số đó tương đương với hiệu năng của một CPU của hãng khác có cùng cấu trúc x86. Ví dụ 3800+, 4200+ nhằm hàm ý những CPU đó tương đương với một CPU của Intel có tốc độ xử lý 3800 Mhz, 4200 Mhz. Thực chất điều này chưa có cơ sở và cũng không được giải thích chính thức bởi có thể gây ra tranh cãi, kiện tụng giữa các hãng sản xuất.

Nâng cấp vội vàng

Trước sự ra đời ồ ạt của các bộ xử lý đa nhân trong hai năm gần đây, một số người sử dụng đã vội vã nâng cấp CPU cho dù những công việc thường ngày của họ ít cần đến xử lý đa luồng: chẳng hạn chỉ duyệt web đọc tin tức, soạn thảo văn bản, sử dụng với các bảng tính và chơi các game đơn giản hoặc các game thế hệ cũ, không cần xử lý 3D nhiều mà hệ thống cũ vẫn có thể đáp ứng được[50]. Trong trường hợp này tuy máy tính của họ cũng được cải thiện về tốc độ, tuy nhiên thời điểm đầu năm 2008 thì vẫn chưa phải là thời điểm nâng cấp hợp lý khi mà các hãng phần cứng đang cạnh tranh và sẽ xuất hiện nhiều thế hệ chipset mới mà chỉ chúng mới hỗ trợ các công nghệ CPU đa nhân sắp tới[51]. Những sự cạnh tranh như vậy luôn luôn thuận lợi hơn cho người sử dụng bởi có thể sở hữu những CPU đa nhân với giá thành hạ hơn trước[52][53][54].

Chú thích

Nhằm tránh phải xem các quảng cáo, một số trang liên kết ngoài dưới đây ở dạng “phiên bản trang web để in”, xin vui lòng huỷ bỏ lệnh in nếu chúng xuất hiện.

  1. Bộ xử lý đa nhân DE Kaleidoscope (13/11/2007)
  2. PC của bạn sẽ là workstation?. PC World VN (2004)
  3. Dual Processor hay Dual Core. ICTnews (27/3/2007)
  4. Intel Core vi kiến trúc hai nhân chung đệm. PC World VN
  5. Chip AMD Athlon 64 FX được bình chọn “Sản phẩm của năm”. VnExpress (08/06/2004)
  6. AMD chính thức định ngày phát hành Athlon 64. VnExpress (21/5/2005)
  7. Bộ xử lý - chưa hết hai đã lên bốn PC World VN
  8. Một số chi tiết về bộ vi xử lí tương lai của Intel là Penryn được tiết lộ. Tư vấn tin học toàn quốc (30/3/2007)
  9. Core 2 Duo tạo bước ngoặt của ngành chế tạo bộ vi xử lý. VietnamExpress (31/7/2006)
  10. Core 2 Duo tỏa sáng. VnMedia (20/9/2006)
  11. “Black Edition - đâu là giới hạn”. PCWorld VN (A-11/07-tr.54)
  12. Bộ xử lý bốn nhân - Mới nhất, mạnh mẽ nhất. PC World VN (183-01/2008)
  13. AMD đấu với Intel bằng chíp 3 lõi ? VnExpress (18/9/2007)
  14. All Intel® Xeon® processors 7000 sequence feature(tiếng Anh)
  15. All Intel® Xeon® processors 5000 sequence feature(tiếng Anh)
  16. All Intel® Xeon® processors 3000 sequence feature(tiếng Anh)
  17. Intel công bố vi xử lý 'hạng nặng' Core 2 Extreme QX6800. VnExpress (11/4/2007)
  18. Chip lõi tứ đầu tiên đạt tốc độ 3 GHz. VnExpress (14/8/2007)
  19. Chip 4 lõi bắt đầu cạnh tranh được với loại lõi kép. VnExpress (08/9/2007)
  20. Intel hoàn thành quá trình chuyển sang vi kiến trúc core. VnExpress (07/9/2007)
  21. AMD mong lặp lại lịch sử với chip lõi tứ đầu tiên VnExpress (11/9/2007)
  22. Intel “bỏ rơi” AMD trong cuộc đua chip 4 lõi. VnExpress (02/12/2006)
  23. Bộ xử lý bốn nhân - Mới nhất, mạnh mẽ nhất PCWorld VN (01/2008)
  24. Chip AMD nhanh nhất cũng không “đe dọa” được Intel VnExpress (03/01/2008)
  25. “SPIDER” platform. Trang giới thiệu của hãng AMD(tiếng Anh)
  26. AMD và Intel tiếp tục “kèn cựa” nhau. Lao Động (13/12/2007)
  27. Intel công bố thương hiệu công nghệ di động Centrino. VnExpress (09/01/2003)
  28. Công nghệ Intel Centrino Duo tăng lực 5 lần VnExpress (24/01/2007)
  29. Intel công bố thế hệ tiếp theo của Core 2 Duo tại VN VnExpress (09/05/2007)
  30. Niagara 2: Bộ xử lí 8 lõi của Sun. PCWorld VN (6/8/2007)
  31. Chip Niagara 2 thế hệ mới của Sun. VnMedia (24/8/2006)
  32. Sun tuyên bố: Chip 8 nhân Niagara II nhanh nhất thế giới! Vietnamnet (07/08/2007)
  33. Những gương mặt CPU mới. Thời báo Vi tính Sài Gòn (10/2/2007)
  34. Chip 80 lõi mở ra kỷ nguyên “siêu máy tính cá nhân”. VnExpress (12/2/2007)
  35. Nhật giới thiệu chip chứa 512 lõi. VnExpress (07/11/2006)
  36. Công nghệ chip vượt ngưỡng 2 tỷ bóng bán dẫn. Quản trị mạng (06/02/2008)
  37. Intel công bố chip 32 nm đầu tiên trên thế giới. VnExpress (19/9/2007)
  38. Sẽ bùng nổ máy tính chip lõi kép vào năm 2007. Việt Báo (30/4/2005)
  39. Chip lõi kép sẽ thống trị vào năm 2007. VnExpress (30/4/2005)
  40. Giá bản quyền phần mềm sẽ tăng gấp đôi Việt Báo (24/11/2004)
  41. Tổng quan chip lõi kép - Phần cứng đợi phần mềm. PC World VN (2006)
  42. CPU đa lõi: Hướng tới tương lai. VN Media (30/10/2007)
  43. Tám cách giúp tiết kiệm năng lượng cho một trung tâm dữ liệu. eec - VN
  44. DX10 góp thêm lý do nâng cấp lên Vista. VnExpress (12/3/2007)
  45. Bạn dễ dàng kiểm chứng điều này với Windows họ NT (NT, 2000, XP, Vista) bằng cách xem mức độ xử lý của từng nhân khi thực thi các phần mềm đó thông qua chức năng Task Manager, nếu như thấy rằng một nhân xử lý khác biệt nhiều so với nhân còn lại thì có nghĩa rằng phần mềm yêu cầu xử lý cao đó không hỗ trợ CPU đa nhân
  46. “Việt Nam trong chiến lược 5 năm, 1 tỷ người của Intel”. PCWorld VN (A-01/08, tr.32)
  47. Bộ vi xử lý nhúng. VnExpress (22/12/2000)
  48. Benchmark là một quá trình dùng phần mềm thực thi nhiều ứng dụng giải định khác nhau, kết quả về thời gian đáp ứng xong ứng dụng, tốc độ thực thi...để tổng hợp lại thành một con số dùng để so sánh các hệ thống phần cứng khác nhau để đánh giá chung
  49. Bộ xử lí Core 2 Duo di động: không nhanh hơn nhiều. PC World VN (2006)
  50. Chip lõi đơn vẫn dùng tốt trên PC phổ thông VnExpress (29/8/2007)
  51. Lõi kép-Năng lực nhân đôi. Số hoá (06/01/2006)
  52. Máy tính để bàn - Tăng lực bốn nhân. PC World VN
  53. Intel giảm giá chip lõi tứ 50%. VnExpress (28/7/2007)
  54. Intel giảm 40% chip lõi kép và lõi tứ. VnExpress (24/4/2007)

Tr Minh Linh (2007-2008)

(Bài này đã được tôi đưa lên Wikipedia tiếng Việt, nay lập blog riêng thì lấy về ^_^. Tôi chia sẻ bài viết này cho mọi mục đích và chịu trách nhiệm về tác quyền của sự chia sẻ này Lưu ý: Do quá trình copy về blog nên thiếu một số bảng, hình minh hoạ, tôi sẽ hoàn thiện trong thời gian tới!)