Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

Tầm nhìn hẹp

Tầm nhìn hẹp theo nghĩa đen là khả năng tiếp nhận các hình ảnh, sự vật ở một giới hạn bởi thị trường của mắt mà không đầy đủ toàn bộ những sự vật xung quanh mình. Người bị cận thị có thể chỉ nhìn thấy những vật ở gần, loài người nói chung thì không thể nhìn mọi vật xung quanh mình bởi vì giới hạn ở 180 độ về phía mắt hướng tới. Trong cơn mưa cũng không thể nhìn được mọi vật ở xa. Do đó tầm nhìn hẹp ở nghĩa đen có thể do tính chủ quan hoặc do yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, "tầm nhìn hẹp" trên Wikipedia tiếng Việt trên thực tế thì lại ít được sử dụng ở nghĩa đen mà được dùng nhiều ở nghĩa bóng. Trong entry này thì tôi không cố gắng giải thích hoặc phân tích về mặt ý nghĩa, mà chỉ nêu một số suy nghĩ của tôi về tầm nhìn hẹp mà thôi.

Và, vẫn lưu ý rằng đây là blog cá nhân, nên những ý dưới đây là của cá nhân, nó có thể chưa được chấp nhận rộng rãi hoặc là kết quả của một sự nghiên cứu kỹ lưỡng nào.

Tầm nhìn hẹp trên Wikipedia tiếng Việt

Ý tưởng viết entry này có lẽ tôi đã ấp ủ từ khá lâu trước đây khi muốn viết một phần giải thích cho tiêu bản "Tầm nhìn hẹp" trên một số mục từ ở Wikipedia tiếng Việt[7]. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tiêu bản khá lạ kỳ có nội dung sau[6]:

Và chính tiêu bản này đã khiến tôi phải suy nghĩ về nó, tức là phải tìm cách trả lời câu hỏi "Thế nào là tầm nhìn hẹp?".

Với mỗi một tiêu bản ở Wikipedia thì đều có các phần hướng dẫn giải thích về cách dùng cho tiêu bản đó. Tuy nhiên do các lý do nào đó mà ở đây không có phần hướng dẫn hoặc giải thích về nó. Chính do đó mà sau này đã có một thành viên của Wikipedia tiếng Việt - anh lehuynhmic đã viết một mục từ có tên "Tầm nhìn hẹp"[1], tuy nhiên do những đặc điểm riêng biệt của Wikipedia là cần có các dẫn chứng nên hiện nay mục từ này vẫn còn đặt ở trạng thái nghi ngờ (xung quanh các bất đồng về mục từ này và hàng loạt mục từ khác nữa đã có nhiều bất đồng nên có lẽ hiện nay thành viên này đã không còn có viết cho Wikipedia tiếng Việt). Mục từ này nếu có đủ các dẫn chứng thì có thể phù hợp và là nguồn tham khảo chính cho entry này của tôi, tuy nhiên chúng cũng như một ý kiến cá nhân nên ý nghĩa của nó dù tồn tại trên một bộ "bách khoa toàn thư" nhưng về giá trị tra cứu cũng tương đương như entry này - bởi không có nguồn tham khảo, công bố trên các báo chí chính thống, có uy tín.

Trong các cuộc tranh luận xung quanh mục từ này và hàng loạt mục từ khác nữa mà thành viên Lehuynhmic đã khởi tạo thì nhiều thành viên khác của Wikipedia đã cố gắng tìm các phiên bản tiếng Anh cho mục từ này - có nghĩa rằng tìm một định nghĩa về "tầm nhìn hẹp" ở tầm cỡ nghiên cứu quốc tế. Tuy nhiên thực sự thì cũng chưa ai tìm ra được - bởi có thể khái niệm này chưa tồn tại, chưa được viết trên Wikipedia tiếng Anh hoặc đã tồn tại một dạng tương đương nhưng được những nhà nghiên cứu chuyên môn dịch ra bởi một cụm từ khác chứ không phải là "tầm nhìn hẹp".

"Tầm nhìn hẹp" đã được sử dụng thế nào

Không khó khăn lắm khi mà ta tìm kiếm bằng máy tìm kiếm của Google cụm từ "tầm nhìn hẹp" (có cả dấu nháy kép), tuy kết quả tìm kiếm có thể có nhiều từ khác không liên quan nhưng đa phần những trang đầu sẽ cho ta thấy từ này được dùng như thế nào ở các website trên Internet. Ở đây, tôi thấy một số bài báo đăng trên các báo còn sử dụng nó trong các tiêu đề của mình[2][3][4], hoặc những tiêu đề tương tự.

Như vậy thì tầm nhìn hẹp được hiểu như thế nào? Chắc là bạn có thể tự hiểu được thông qua một số bài viết ở phần chú thích trên (2, 3, 4). Tôi có thể cũng như bạn, không là nhà chuyên môn về ngôn ngữ, kinh tế, chính trị, triết học để có thể định nghĩa thấu đáo về nó mang tính chính thống như viết một mục từ cho từ điển Bách khoa toàn thư được.

Và, trong entry này, tôi chỉ muốn phát biểu các nhận thức cá nhân của tôi về tầm nhìn hẹp để mong có thể giúp bạn có hiểu hơn và phòng tránh nó trong cuộc sống, học tập, nghiên cứu cũng như trong công việc của mình, hy vọng rằng những điều đó phần nào sẽ giúp ích cho dân tộc của chúng ta.

Nhận thức của tôi về tầm nhìn hẹp

Và đây là phần chính mà tôi muốn nói, nhưng cũng cảnh báo lại một lần nữa rằng: Đây chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi.

Một ví dụ đầu tiên mà tôi gặp được là các mục từ trên Wikipedia tiếng Việt: Giữa tên mục từ và nội dung của mục từ. Vì rằng các mục từ được hoàn chỉnh bởi rất nhiều người nên có thể hiện nay chúng đã được lấp đầy hoặc hạn chế trở trở thành "tầm nhìn hẹp" theo thời gian nên tôi lấy các ví dụ không cụ thể về chúng thế này.

Ví dụ về một mục từ trên Wikipedia:

Giả sử một người nào đó lập một mục từ có tên "Máy tính" và bắt đầu viết về những chiếc máy tính cá nhân để bàn theo dòng máy được phát triển bởi Intel-IBM đang thông dụng hiện nay. Giả sử bài viết này rất hoàn hảo, đầy đủ - có nghĩa là nó có nói từ lịch sử phát triển, quá trình phát triển và toàn bộ những gì liên quan đến nó.

Vậy thì mục từ này chắc chắn sẽ không bao giờ bị đặt tiêu bản "Tầm nhìn hẹp"? Không nó vẫn bị coi là tầm nhìn hẹp như thường, bởi vì chúng đã chỉ nói về một loại máy tính mà không nói đến các loại máy tính khác. Ví dụ ở đây còn các loại máy trạm, máy chủ theo cấu trúc khác (chẳng hạn của Apple chẳng hạn) hoặc ngay như một cách nói quen thuộc của người Việt Nam khi gọi giản tiện chiếc máy tính bỏ túi cho các phép cộng trừ nhân chia của học sinh cũng gọi là máy tính. Đó chỉ là các ví dụ đơn giải để dễ nhận ra, nhưng trên thực tế thì viết đầy đủ về máy tính cùng các thứ liên quan của nó thì cần phải viết rất nhiều và liệt kê ra mọi trường hợp.

Ảnhh hưởng của tầm nhìn hẹp

Tôi nghĩ rằng: Tầm nhìn hẹp không phải chỉ xảy ra đối với việc phải phát ngôn hoặc đưa một bài viết lên mặt báo hay trên một entry của blog...mà nó còn thể hiện ở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống mỗi con người.

Mỗi một con người, cho dù có học tập tốt đến đâu, đọc nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không thể lường được những gì còn lại khi nhận thức một vấn đề nếu không chịu tìm hiểu thêm kiến thức để bổ sung cho mình. Điều đó chắc đúng khi mà khoa học công nghệ đang đổi thay từng ngày, tinh thần con người luôn luôn muốn vượt lên những gì nhỏ hẹp của thể xác. Một ví dụ của bản thân: Khi mà vài năm trước đây rất thành thạo về phần cứng máy tính, bẵng một thời gian không để ý đến chúng nữa thì quay lại xem báo chí đã thấy những thứ gì mình biết đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.

Trong đời sống, khi nhìn nhận các vật dụng hàng ngày sử dụng với một sự nhận thức chưa đủ về chúng hoặc là nhận thức sai lầm sẽ khiến cho ta không khai thác hết khả năng của nó - cũng như làm thiệt hại cho ta. Một ví dụ đơn giản: Nếu chúng ta chỉ coi chiếc xe máy là vật dụng đi lại, không biết thay dầu nhớt nó định kỳ, không bảo dưỡng định kỳ và cứ điều khiển xe theo thói quen của mình thì chúng làm cho ta tốn kém về nhiên liệu, tiền sửa chữa hoặc thậm chí gây nguy hại cả cho sức khoẻ (chẳng hạn như lốp quá mòn không thay, chỉ cần tác động nhỏ sẽ dẫn đến nổ lốp - nếu đang đi nhanh thì thật là tai hoạ).

Trong kinh doanh, tầm nhìn hẹp khiến cho cá nhân, doanh nghiệp đó bị thiệt thòi, thua lỗ. Có vẻ như điều này xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Tôi nhìn thấy nhiều ý tưởng rất chủ quan và cũng nhìn nhận thấy nhiều phương thức kinh doanh mà thoảng qua đã nhận thấy người khởi xướng ra nó có một khả năng nhận thức còn non kém.

Trong quản lý, điều hành: Tầm nhìn hẹp gây ra những hậu quả và ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế (và nhiều lĩnh vực khác trong phạm vi quản lý). Điều này đã được rất nhiều người nói đến ở một phạm vi quản lý rộng. Với một tầm quản lý cấp doanh nghiệp nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển, lợi ích kinh tế....hoặc nhỏ hơn là tâm lý nhân viên, hiệu suẩt làm việc và điều kiện xuất phát các ý tưởng mới phục vụ cho công việc.

Trong các nhận thức và phát biểu cá nhân trước các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đơn giản hơn là chỉ trên các website cá nhân, diễn đàn, hoặc các blog cá nhân thì thường hay gặp các phát biểu mang tính tầm nhìn hẹp. Ví dụ một ông nhà văn, viết văn rất tốt, có nhiều tác phẩm được in ra và dịch ra trong và ngoài nước, không thấy ai chê được, được coi là một nhà văn có tiếng. Nếu bỗng dưng nổi hứng nói về chính trị với những định hướng phát triển đất nước bằng chỉ một bài viết với một số cái gạch đầu dòng - thì có chắc chắn rằng ông ta khó có thể tránh khỏi tầm nhìn hẹp nếu không nghiên cứu kỹ về chính trị-xã hội trước đó. Tầm nhìn hẹp được giải thích ở đây là toàn bộ các mặt khác mà nó ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước đó mà việc giải quyết chỉ một vài cái gạch đầu dòng cũng là một khó khăn thách thức rất lớn. Ví dụ như tôi phát biểu một câu thế này: "Cần nâng cao ý thức học thật, làm thật ở mỗi con người thì mới mong đất nước phát triển được" đơn giản quá phải không. Nhưng làm được điều đó thì lại cần đến rất nhiều nỗ lực từ gia đình đến xã hội, kết hợp nhiều nghành, mất nhiều nhiều tỷ đồng và sau nhiều năm mới thành hiện thực được. Sự ảnh hưởng của các phát biểu này có thể mang tính phê phán, phản biện để giúp xã hội nhìn nhận lại chính mình, phát hiện ra tầm nhìn hẹp của mình nhưng cũng phần nào gây lên các suy nghĩ lệch lạc cho xã hội.

Khắc phục "Tầm nhìn hẹp"

Cách để không bao giờ bị gọi là "tầm nhìn hẹp" là không nói gì, không viết gì - như một người câm điếc. Nhưng đây là sự tiêu cực, chúng ta không nên theo điều này.

Còn lại là vẫn phải tư duy, học, nhận xét và đánh giá và hạn chế tầm nhìn hẹp trong mỗi công việc của mình thì mỗi người đều phải tự vận động, suy nghĩ, tìm tòi kiến thức sẵn có qua những gì dễ lấy nhất là Internet. Thực tình thì tôi thấm thía phần đầu của khẩu hiệu của anh Lê Trung Nghĩa khi anh nói "Internet và Phần mềm Tự do Nguồn mở là 2 yếu tố chính sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới này!"[5]. Dễ thấy phần đầu này chắc chắn đúng: Internet đã khiến cho chúng ta có rất nhiều kiến thức và hầu như là có thể tìm kiếm được mọi vấn đề ở nhiều chiều khác nhau, giúp cho ta khỏi bị tầm nhìn hẹp.

Internet có thể cho ta nhiều thông tin hơn những gì chúng ta nghĩ (tất nhiên là trừ các thông tin quá tầm thường - chẳng hạn một ai đó muốn xem Internet nói gì về người ấy khi mà họ không thực sự nổi trội, hoặc các thông tin quá cụ thể về một vấn đề mang tính nhỏ lẻ). Nếu như không có thông tin bằng tiếng Việt thì cố gắng tìm nó bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, và các thứ tiếng khác nữa...chắc là sẽ thấy.

Dễ nhận ra rằng "tầm nhìn hẹp" thường có một chút gắn bó với "cái tôi" trong mỗi con người. Cái tôi khiến cho người ta không chịu chấp nhận những điều mới, những tri thức mới và những sự phê phán, phản biện - vì luôn coi mình là nhất. Để khắc phục điều này thì chúng ta nên tự nhận xét về chính mình khi nhận thức một vấn đề, sau đó tự tìm hiểu xem những người khác đã nhận thức vấn đề đó như thế nào. Sau vài lần so sánh thì chúng ta tự nhận ra mình nhìn rộng hay nhìn hẹp. Cách này cũng có thể thực hiện một cách hiểu quả hơn như sau: Đưa ra các ý kiến cá nhân lên blog và mời một vài người có vẻ am hiểu lĩnh vực đó nhận xét giúp - cũng giúp cho chũng ta nhận thức tốt hơn và biết được những gì còn hổng, còn thiếu trong kiến thức của mình.

Các vấn đề còn lại như các quyết sách trong công việc, các ý tưởng kinh doanh...thì tôi nghĩ rằng có thể thực hiện được theo các cách sau:

  • Vạch ra toàn bộ các mặt ưu điểm, nhược điểm theo ý mình.
  • Cố gắng đặt địa vị vào người khác để nhìn ra nhược điểm khác nữa.
  • Nhờ những người khác cho ý kiến, nhận xét, phân tích ưu nhược điểm.
  • Xem xét mức độ ảnh hưởng và tác động đến các vấn đề khác nữa liên quan.
  • Tổng hợp ý kiến để quyết định. Điều chỉnh, xây dựng lại kế hoạch và tiếp tục lặp lại các bước trên cho đến khi cảm thấy chúng đạt yêu cầu, hạn chế nhược điểm.

Thực ra thì các gạch đầu dòng ở trên là kinh nghiệm của tôi, (nó không tuân theo một nguyên tắc nào hoặc được sao chép ý tưởng ở đâu ra - hoặc nó sẽ có ở đâu đó tiếp nhận vào tôi mà tôi quên mất tiếp nhận từ đâu), nhưng tôi tin rằng cách này khá hiệu quả trong một số công việc của mình.

Với việc phòng tránh sự nhìn nhận một chiều tại các bài viết, entry trên blog thì tốt nhất nên giới hạn lại chủ đề định nói để có thể cho người đọc biết rằng giới hạn mà bài viết chỉ có phạm vi đến đâu. Đây là điều mà nhiều người đã thực hiện, và tôi cũng áp dụng điều này - chính do đó mà thường định nghĩa lại vấn đề theo cách hiểu của mình để mà viết một entry về nó. Những cách này khiến cho người đọc luôn cảm nhận được giới hạn hoặc nhược điểm của bài viết - nhằm tránh nhân rộng cái nhìn hẹp của mình sang người khác củng hiểu hẹp như mình sau khi đọc.

Ở Wikipedia, để tránh tầm nhìn hẹp thì người ta đã phải tách ra thành từng mục từ nhỏ để có thể viết chúng một cách đầy đủ hơn, và tránh được hiểu rằng "tầm nhìn hẹp". Một trong các phương pháp hạn chế sự đánh giá ở các mục từ trên Wikipedia là sự xuất hiện của các tiêu bản: "Sơ khai" (mục từ vẫn đang ở dạng sơ khai), "Đang viết" (mục từ này đang được hoàn thiện dần)...hoặc các tiêu bản khác có ý nghĩa cảnh báo rằng mục từ này đang trong quá trình hoàn thiện để tránh người sử dụng mất lòng tin, đồng thời cũng cảnh báo về giá trị xác thực của nó (thường gặp là các tiêu bản "cần dẫn chứng", "thiếu nguồn gốc"...).

Cố tình có "tầm nhìn hẹp"?

Trên thực tế thì có nhiều người dù nhìn nhận một vấn đề ở một cách rộng hơn nhưng họ lại thực hiện ý tưởng/dự án sản xuất kinh doanh, viết hoặc phát ngôn như thể chỉ có một tầm nhìn hẹp vậy.

Một người thừa biết rằng thực hiện một dự án, một hình thức kinh doanh sẽ thua lỗ nhưng họ vẫn cứ làm bởi điều này có thể có các tác động tốt cho các mục tiêu cao hơn, lợi nhuận hơn. Tầm nhìn hẹp ở đây là sự đánh giá của người khác mà có thể đơn thuần chưa nhận ra các giá trị mang lại. Nếu ở hướng tích cực này thì bản chất vẫn không phải là tầm nhìn hẹp. Tuy nhiên, nếu không phục vụ cho những chiến lược dài hơi hơn mà thực hiện theo cách gây thua thiệt, không có lợi nhận thì rất có thể rằng điều này đã làm lợi cho một số người thực hiện dự án hay phương thức kinh doanh đó (hoặc còn gọi là tạo ra để tham nhũng).

Bởi vì có hai chiều nhận định như vậy nên có thể gây khó khăn khi nhận xét chính xác được cho hành động "cố tình theo tầm nhìn hẹp" là đang thực hiện theo chiều nào. Với các tầm nhìn hẹp kiểu này thì cần có những nhìn nhận và phán đoán có cơ sở để có thể kết luận cụ thể. Tôi lấy một ví dụ: Giả sử một công ty cố gắng sản xuất và bán ra một sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ hơn rất nhiều so với giá sản phẩm tương đương trên thị trường, sau một thời gian thì công ty này lỗ lớn. Tuy nhiên, thương hiệu của công ty này phát triển rất nhanh, được biết đến rộng rãi. Nếu như dừng lại ở đây (mà quá trình sản xuất đó mang lợi cho một số người trong công ty như trong khâu đầu tư, mua nguyên liệu sản xuất...) thì đó có thể bị đánh giá là tầm nhìn hẹp trong sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu dựa vào thương hiệu đó mà tiếp tục sản xuất với một vài thay đổi nhỏ trong chất lượng, làm giảm tiêu hao, sử dụng các nguyên liệu rẻ hơn...để tạo ra lợi nhuận cao - thì lại được coi là có chiến lược kinh doanh tốt. Những thua lỗ ban đầu được người ta lý giải bằng các lý do khác nhau, chẳng hạn: nhằm đánh lừa và rối trí các nhà sản xuất cùng mặt hàng khiến họ điều chỉnh cho hướng như mong muốn trong chiến lược phát triển của mình.

Biến nhiều tầm nhìn hẹp thành một tầm nhìn rộng

Nếu như một vấn đề được giả sử là có 36 chiều khác nhau về cách nhìn nhận. Mỗi người (hoặc mỗi bài viết, mỗi phát biểu) lại có một cách nhìn khác nhau về nó thì sao? Các phát biểu đứng riêng lẻ sẽ trở thành các phát biểu có tầm nhìn hẹp. Giả sử ta tập hợp lại 36 phát biểu đó cùng vào một chỗ thì sao? có thể hy vọng rằng chúng cung cấp cho ta toàn bộ vấn đề - tức là chúng ta đã có thể hiều thấu đáo vấn đề từ nhiều góc nhìn khác nhau đó.

Những diễn đàn (forum) mang tính chuyên nghiệp thường thực hiện điều này. Có thể một người đầu tiên viết một bài khơi mào, những người tham gia sẽ có các ý kiến khác nhau về vấn đề đó, nó trở thành một nơi mà biến nhiều tầm nhìn hẹp thành một chủ đề tương đối hoàn chỉnh.

Có nhiều nơi trên thế giới đã có các diễn đàn như vậy, nhưng tiếc rằng chúng ta cũng có nhiều diễn đàn nhưng lại mang tính chất khác, mà có khi làm sai đi khái niệm diễn đàn, khiến chúng ta coi diễn đàn là một thứ gì đó rất tầm thường. Nếu như mỗi một tờ báo đều cho phép phát biểu ý kiến một cách có kiểm duyệt (tránh các ý kiến không là ý kiến, chỉ mang tính đặt dấu ấn cá nhân là chính, hoặc vài câu vô nghĩa kiểu như: hay thật, vỗ tay...) thì đó là nơi có thể phản biện lại bài viết, góp ý cho bài viết thêm hoàn thiện. Tương tự như vậy thì forum và các blog chuyên nghiệp cũng nên làm như thế.

...Ví dụ cuối cùng

Tôi lấy một ví dụ cuối cùng về "tầm nhìn hẹp". Đó là: Entry này đang thể hiện một "tầm nhìn hẹp" về một vấn đề! bởi tôi biết rằng, để phân tích kỹ lưỡng về nó có lẽ cần đọc thêm nhiều và viết thêm rất nhiều nữa.

Chú thích:

1^. Tầm nhìn hẹp, mục từ trên Wikipedia tiếng Việt, do thành viên Lehuynhmic (vì Trang thành viên đã không còn tồn tại, nên tôi lấy theo trang thảo luận thành viên) đóng góp chính.

2^. Tầm nhìn hẹp, Minh Hà đăng trên Người lao động, 22/6/2008 (một bài báo sử dụng cụm từ này làm tiêu đề) - Chú ý: khi đọc huỷ lệnh in trên máy tính nội bộ của bạn.

3^. Hạn chế xe để chống ô nhiễm: Tầm nhìn hẹp!, Thảo luận trên Việt Nam Net, 14/9/2007.

4^. Bởi một tầm nhìn quá hẹp, Vương Trí Nhàn trên Người đại biểu nhân dân, 21/5/2007.

5^. Blog của anh Lê Trung Nghĩa - một blogger hết mình vì sự phát triển của phần mềm tự do mã nguồn mở với độc giả của mình.

6^. Tiêu bản:Tầm nhìn hẹp, được sử dụng trên Wikipedia tiếng Việt. Lưu ý phần chữ màu đỏ là liên kết dẫn đến một phần hướng dẫn có tên "Wikipedia:Tránh tầm nhìn một chiều" chưa được viết. Các hướng dẫn, quy định ở Wikipedia thường được bắt đầu bằng từ "Wikipedia" ở đầu để nhằm tránh nhầm lẫn với các mục từ chính. Tiêu bản này cho đến ngày đưa entry này lên blog của tôi lần đầu thì không bị khoá, ai cũng có thể sửa đổi được.

7^. Thể loại:Tầm nhìn hẹp, trên Wikipedia tiếng Việt. Trang này liệt kê toàn bộ các bài viết được gắn tiêu bản "Tầm nhìn hẹp".

Tr Minh Linh (29/6/2008)

3 nhận xét:

  1. Nặc danh11:37 27/5/09

    Chào bạn!
    Tôi chính là Lehuynhmic trong Wikipedia nè.
    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề "tầm nhìn hẹp".

    Mong dc làm wen cùng bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, chào anh Lê Huỳnh! Cám ơn anh đã ghé thăm blog. Chúc anh luôn vui!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh07:55 1/12/11

    Chào bạn, mình đã đọc bài viết của bạn và cảm thấy rất hay. Cám ơn bạn rất nhiều về bài viết này, hi vọng trong thời gian tới sẽ được đọc thêm nhiều bài viết hay của bạn. Nhưng mà nói chung lại (giỡn thôi nhe), bài viết này cũng là một dạng tầm nhìn hẹp. ^^

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!