Biết máy tính, và biết Windows
Trong chương trình học tập của mình, tôi được dạy một môn học về lập trình Pascal, mọi thứ diễn ra bình thường như các môn học khác cho đến một hôm lớp chúng tôi có tiết thực hành. Được báo trước chuẩn bị đĩa mềm, mỗi đứa đi mua một chiếc đĩa to bằng cái đĩa ăn hàng ngày, vỏ nó mềm mềm đến nỗi uốn nắn được, giá thì chẳng rẻ chút nào. Mua xong rồi để đó, ngắm nghía nó và chờ đợi đến ngày được đi thực hành máy tính. Cảm giác là chờ đợi, háo hức như sắp được bay lên vũ trụ vậy.
Trong ký túc có mấy thằng được đi thực hành trước, chúng tôi xúm xít quanh bọn nó để hỏi han. Nó bảo: Đĩa đã có phần mềm chưa? Chưa! Thế thì đợi đấy, đừng có hòng được làm. Ơ, thế thầy bảo tao mua đĩa, thì đã mua rồi còn gì. Cấm cãi!. Rồi chúng tôi thấy sợ hãi. Thế biết phím nào với phím nào chưa? Chưa. Thế thì chỉ có mà bị ăn chửi. Chết, chúng tôi lại càng sợ hãi. Chúng nó bảo, thấy X ở đấy ghê lắm.
Đến giờ G, không phải, mà sớm hơn giờ G khoảng một tiếng, chúng tôi tập trung ở tầng 3 nhà C1, chẳng nhớ rõ là phòng nào, nhưng nó thuộc cầu thang phía bên phải nếu nhìn từ phía đường Đại Cồ Việt vào. Vì là đến sớm nên chưa đến lượt được vào thực hành, thế là mấy thằng sinh viên (trong ký túc xá là nhiều) đến sớm cứ thò cổ qua hai lớp kính (còn một cái hành lang nữa) để nhìn vào. Thấy mấy thầy đang có vẻ mắng mỏ một cậu, lại thấy sợ thêm, nhưng lại thấy một cậu đeo kính gõ gõ bên cái màn hình xanh lè, lại thấy thích thích. (Cái cảm giác vừa sợ, vừa thích này về sau này tôi cũng gặp một lần, đó là lần chúng tôi đi bắn đạn thật ở Yên Sở. Lúc đầu thằng nào cũng sợ, nhưng đi đến gần thì thấy súng nổ lẹt đẹt - mà nó không ùng oành như tưởng tượng, nên lại thấy thích thích, thằng nào cũng chỉ mong đến lượt hàng mình vào bắn. Tôi lúc đó lại là lớp trưởng (cũng làm một kỳ, thay Tuệ nghỉ học). Thầy bảo: Lớp cậu còn lâu, mà cậu thì tôi xếp bắn cuối cùng, cậu cầm cái cờ với còn này canh ở đầu kia, không cho dân đi vào nơi bắn. Hic, cụt hứng, lại còn sợ thằng nào nó ngắm chim, tên bay đạn lạc vào đúng mình thì toi - Vì chuyện này thấy vui vui nên ké đoạn này vào đây)
Cũng đến lúc bọn trước lục đục đi ra, lớp mình đi vào thì thấy một thầy quát "Ai cho các anh vào", mấy thằng chưng hửng ra ngoài. Rồi đến lúc bọn kia ra hết, qua giờ giải lao giữa tiết, một thầy ra bảo: "Các bạn đã có đủ đĩa mềm chưa?" cả bọn nhao nhao, có đủ. Rồi thầy mời vào, chúng tôi ùa vào, học được vài điều từ bọn đi trước, tôi tìm tránh một cái máy mà chúng nó bảo hỏng bàn phím.
Những chiếc máy tính cổ lỗ sĩ, màn hình 14" đây rồi, nhìn chúng cũ nhưng lại mới đối với chúng tôi. Bàn phím long lay như răng bà lão, bấm mãi mới được. Rồi cũng vẫn phải chờ, chờ các thầy tạo đĩa boot và copy mấy tập tin chạy DOS và Pascal, chờ hướng dẫn từng ly từng tí một trong những giọng gắt ngỏng. Cuối cùng.. là cả một buổi chúng tôi mới làm được hiển thị lên màn hình dòng chữ "Hello word". Hồi đó gõ một chữ là lại phải tìm xem chúng nằm ở đâu trên bàn phím "Quái, rõ ràng là nó phải có chữ P mà hình như cái bàn phím này không có".
Bây giờ gõ bàn phím bằng hai tay, không cần nhìn bàn phím, gõ rất nhanh, nghĩ lại thời đó thấy thật ngớ ngẩn. Nhưng mà bắt đầu làm quen thì phải như thế, có ai sinh ra mà không học lại biết được đâu.
Từ lần đầu tiên biết máy tính là như thế, với một hệ điều hành DOS, rồi sau đó đến Windows 3.11 với sự diệu kỳ của con chuột có thể điều khiển hầu như tất cả. Windows 95 ra đời trước đó, nhưng mãi sau chúng tôi mới có điều kiện tiếp cận. Win98, Me, và sự hào hứng khi bản Windows 2000, đến giờ là XP.
Mày mò, học hỏi, đọc, truyền tay nhau những tài liệu photocopy cũ nát đã khiến tôi trải qua các hệ điều hành đó. Rồi trở lên thành thạo với nó, không phải là biết tất cả, nhưng cũng đủ dùng đối với một người sử dụng bình thường. Sau này, tất cả các sự học tập và truyền bá kiến thức của tôi cũng chỉ với họ Windows.
Định hướng Linux
Linux, là những gì khó hiểu nhất đối với tôi thời đó, mà cho đến tận gần đây. Những bài viết trên Wikipedia của tôi thường lé tránh đến những gì tôi chưa biết. Hầu như phần nhiều đều được gắn một cái biển "Sơ khai", có nghĩa rằng bài đó đang được hoàn thiện chứ chưa phải mức hoàn thiện (có một lúc nào đó, ở một bài nào đó tôi sẽ nói rõ hơn điều này).
Lần đầu tiên tôi biết được Linux là do một người bạn cùng lứa tuổi với em tôi học khoa Tin trường Tổng hợp hay Sư phạm gì đó trọ cùng nhà chủ với tôi. Nó cài đặt Linux như một sự bắt buộc của môn học nào đó. Tôi thấy nó gõ đủ thứ lệnh loằng ngoằng giống như là DOS, nhưng vừa làm vừa vò đầu bứt tai mà cũng không được công việc của nó. Có lần tôi đưa sang một đĩa mềm để nhờ copy một phần mềm gì đó, tôi thấy nó loay hoay hàng giờ mà vẫn không copy được.
Rồi thì cũng quên nhanh với Linux, bở vì với tôi ngày ấy không coi nó là một hệ điều hành, mà coi nó là một phần mềm chuyên ngành thì đúng hơn. Sau này khi cũng loáng thoáng thấy nhiều người nói tới Linux thì tôi chợt dạ nhớ ra nỗi ám ảnh của thằng bạn ngày xưa đã vò đầu bứt tai để sử dụng như thế nào. Rồi thì cũng thử tìm hiểu xem nó ra làm sao, cái chuỗi dữ liệu nói đến Unix, hệ điều hành dành cho máy chủ, tôi lại nghĩ "À, cái này dành cho máy chủ, chẳng cần thiết phải tìm hiểu thêm, cái này chỉ dành cho các quản trị mạng thôi".
Ngày càng nghe nói nhiều đến các hệ điều hành và phần mềm mã nguồn mở, tôi lại bắt đầu thử xem nó thế nào, nhưng kết quả vẫn thế, đọc một loạt thứ rối mù, trái với các tư duy thông thường của tôi với Windows. Nó lại làm tôi thất vọng để rồi chê bai "cái thời làm việc bằng chuột này mà cứ bắt đánh máy với lại nhớ hàng đống lệnh thì ai mà chịu nổi.
Khi tôi viết blog, động chạm nhiều đến các vấn đề sở hữu trí tuệ như một sự cổ xuý cho việc tôn trọng bản quyền. Tôi lại giật mình vì mình cũng chưa tôn trọng được bản quyền cho lắm khi mà hàng ngày vẫn phải sử dụng một số phần mềm chưa thực sự tôn trọng điều này. Với Windows thì vẫn có bản quyền bởi vì nó được bán kèm với máy tính, nhưng những gì còn lại, mặc dù không sử dụng nhiều, nhưng có một phần là không có bản quyền chính thức.
Ở một nơi nào đó, tôi đã từng bình luận rằng "Rồi sẽ đến lúc tình trạng dùng phần mềm vi phạm bản quyền cũng sẽ được thắt chặt lại một cách đúng nghĩa và triệt để, những hãng sản xuất phần mềm sẽ có các công cụ làm cho người dùng không thể dùng chùa được, cho dù đó là 3 năm, hay 5 năm tới thì việc này cũng sẽ xảy ra". Lúc đó hoặc là phải bỏ tiền ra mua các phần mềm, hoặc là chuyển hướng sang sử dụng các phần mềm mã nguồn mở với chi phí thấp cho các ứng dụng thông thường. Một người đã cho rằng "Cũng có thể rằng thời điểm đó mức lương của VN tăng cao đến mức mỗi hệ điều hành chỉ có giá bằng 1/20 của mức lương tôi nhận được nên tiếc gì không mua phần mềm bản quyền", nhưng tôi cho rằng điều này là quá lạc quan, không những thế, những người còn lại sẽ không thể nhận được mức lương đồng đều đến vậy để có thể tât cả dùng Windows - chẳng hạn những người nông dân thì họ có tiền để mua bản quyền hay không?
Nếu tương lai có người sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở thì có nghĩa là có những người cần sự giúp đỡ. Và cho dù tôi có nhiều tiền để thoải mái sử dụng hệ điều hành và các phần mềm tương thích với họ Windows thì vẫn có người cần sự giúp đỡ về hệ điều hành mã nguồn mở. Vậy thì tại sao ta không đi trước một bước, dùng hệ điều hành mã nguồn mở đi, để đến lúc đó thì khả năng đã thông thạo về nó, sẵn sàng có thể giúp đỡ mọi người vì nó? - Và điều lợi hơn với chính mình rằng: Sẽ không cần thiết cứ phải đi mua một vật gì đó để dùng khi mà đã có một vật khác gần như biếu không lại có tính năng tương đương.
Thử lần đầu tiên: Không cần cài đặt Linux
Mặc dù rối bời về những phân nhánh phức tạp của Linux, nhưng cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy một hình ảnh về sự phát triển/phân phối Linux theo các hướng khác nhau, hình ảnh này có thể cho thấy thời điểm bắt đầu, thời điểm ra đời các phiên bản Linux khác nhau để có một cái hình dung dễ hơn về hệ điều hành mã nguồn mở này. (lưu ý rằng hình có thể được phóng lớn để nhìn rõ hơn khi bạn tải hình ảnh này về). Tuy nhiên, hình ảnh này không phải là đầy đủ, và chúng cũng không nhắc đến một số phiên bản Linux được bản địa hoá (ví dụ Việt hoá bởi các các nhân và công ty ở trong nước cũng như các Việt kiều ở nước ngoài).
Thế thì cái gì dễ nhất để bắt đầu? Chắc chắn rằng tôi sẽ không thích một bản phân phối nào chỉ toàn sử dụng các dòng lệnh như nỗi ám ảnh trước đây của tôi (sau này sẽ cần đến nó, nhưng hiện tại thì chưa bởi vì tôi cần một sự thử nghiệm sử dụng trực quan nhất).
Trong quá trình tìm kiếm một bản Linux nào đó thuận lợi nhất cho tôi dùng thử thì tôi thấy có nói nhiều về Ubuntu, một phân nhánh phân phối trong cái gốc Linux chung và được dùng nhiều nhất trên thế giới, cũng thành công nhất[1], dễ sử dụng nên đã đã bắt đầu tìm cách thử dùng nó.
Việc dùng thử mà không cần cài đặt sẽ phần nào cho phép người sử dụng nhận thấy hệ điều hành này có phù hợp với cấu hình máy tính của mình hay không, giao diện của nó có quen thuộc hay không. Đa phần là sẽ phù hợp vì phiên bản mới nhất đã hỗ trợ nhiều loại phần cứng máy tính hơn. Có điều, có thể bạn không được hưởng các hiệu ứng đồ hoạ của Ubuntu bởi vì việc chạy thử trên CD đã không cho phép cài đặt và bật hiệu ứng đồ hoạ, còn lại rất tốt: sẵn sàng kết nối Internet, sẵn sàng một phần mềm để chat tương thích với tất cả các nick của Yahoo!, MSN, ...
Ngày đầu tiên tôi sử dụng Ubuntu được bắt đầu vào ngày nghỉ lễ của Việt Nam, bởi vì tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thời gian để sửa chữa nếu như có một điều gì đó bất ổn xảy ra trong quá trình thử sử dụng và cài đặt hệ điều hành này. Tôi đã tải bản đó về dưới dạng một tập tin iso, có nghĩa là chúng dùng để ghi ra thành một đĩa CD của hệ điều hành này. Cái hay nhất của nó là tính năng cho phép người sử dụng dùng thử nó trước khi cài đặt chính thức. Chỉ cần đặt đĩa CD-ROM chứa Ubuntu vào khay đĩa CD/DVD, khởi động lại máy tính và lựa chọn sử dụng thử mà không cài đặt.
Lưu ý rằng bản này có hỗ trợ tiếng Việt, nếu như bạn lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt thì một số giao diện sử dụng sẽ hiển thị bằng tiếng Việt. Điều đó giúp cho bạn có thể dễ dàng làm quen hơn, đặc biệt là đọc một số phần hỗ trợ (help) của hệ điều hành - tuy nhiên nó chưa được đầy đủ lắm. Còn việc gõ Tiếng Việt là một phần khá quan trọng khi sử dụng máy tính nhưng nó chỉ được thực hiện tốt khi bạn cài đặt lên ổ đĩa cứng. Tôi sẽ dần dần giới thiệu với bạn trong các bài sau.
Còn bây giờ, trước khi thử nó - hãy tìm hiểu nó trên Internet trong khi chờ tải về tập tin ISO, rồi ghi ra đĩa (burn) để có một đĩa Ubuntu cho bạn thử nghiệm. Nhưng đừng vội cài đặt ngay lên ổ cứng nếu như bạn chưa tìm hiểu kỹ càng về nó. Nếu bạn không vội vàng, có lẽ tôi sẽ tìm các bài để viết lại và đăng tải lại giúp bạn thuận tiện hơn.
Tôi nghĩ rằng: Mình là người mới bắt đầu sử dụng Ubuntu, vậy thì những gì mình thực hiện sẽ rất giống với những gì bạn đang chuẩn bị thực hiện, bởi vì nó có sự gần gũi và hiểu về các nhu cầu của chính người mới bắt đầu. Và có lẽ là dễ dàng hơn so với một bài viết nào đó dành cho người đã hiểu biết cơ bản rồi (họ sẽ không nhắc lại những gì cơ bản nữa), còn tôi thì lại mới bắt đầu - và tôi biết mình cần tìm gì, học gì và thực hiện những gì.
Chú thích:
1. Ubuntu: phiên bản Linux gặt hái nhiều thành công nhất, Văn Vượng (theo BBC) đăng trên Thông tin Công nghệ, 23/4/2008.
Liên kết:
- Trang chủ của Ubuntu; (để tìm hiểu thêm về Ubuntu).
- Trang đặt đĩa CD Ubuntu miễn phí phiên bản mới nhất (mất vài tuần) hoặc tải về tập tin ISO.
Xem thêm:
- Mục từ Ubuntu trên Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh;
Cám ơn các nguồn tài liệu sau:
- Có những phiên bản Linux nào được dùng nhiều?, bài trên Softvnn.com, đã cho thấy đường dẫn của hình ảnh các nhánh phát triển Linux.
Tr Minh Linh (25-26/5/2008)
(Tình trạng: Đang hoàn thiện)
hi anh,
Trả lờiXóaem cung dang co y dinh tim hieu them ve Linux nen bai viet nay rat hay cho em, thx anh heng :)
Thanks for Your blog !
Trả lờiXóa