Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Nếu...thì...

Nếu "anh yêu em", thì: "chiều nay trời sẽ mưa to"; Ha ha ha ha.

Nếu "Tôi muốn ăn thịt chó", thì: "Hùng và Hằng sẽ hôn nhau". Hừm, không được hay cho lắm...

Đó là một trò chơi mà tôi đã gặp lần đầu tiên ở phòng CÁN BỘ KỐP (trong hồi ký Lênh đênh... của tôi) mà tôi thấy rất thú vị, muốn chia sẻ với những người muốn cười thoải mái trong các buổi sinh nhật, dã ngoại.

Trò chơi này được thực hiện như sau: Số người chơi phải là số chẵn, và càng nhiều người chơi thì càng tốt. Để chuẩn bị chơi thì mỗi người cần có một cây bút, còn giấy thì cắt các loại giấy thành khổ nhỏ (tầm như kích cỡ một đồng tiền giấy chẳng hạn).

Khi tham gia trò chơi, cần phân thành hai nhóm riêng biệt (cứ gọi là A và B cho dễ viết trong bài này). Một người nào đó chủ chòm nên phân tách theo vị trí ngồi cho dễ nhớ.

Người chơi sẽ được phát một tờ giấy cho mỗi lượt chơi (hoặc phát nhiều mẩu giấy để có thể chơi cho lượt sau). Người chủ chòm bắt đầu quy ước cho nhóm A là "nếu", nhóm B là "thì" cho lượt chơi đầu tiên (lượt thứ hai lại đổi lại, A là "thì", B là "nếu" chẳng hạn).

Người nhóm "nếu" sẽ viết một vế đầu của một câu có cấu trúc "nếu-thì". Ví dụ như một câu sau được coi là hoàn chỉnh trong cấu trúc này "Nếu trời mưa thì tôi ở nhà". Như vậy là trong trò chơi này thì người viết Nếu sẽ chỉ viết dòng "trời mưa".

Người nhóm "thì" sẽ viết vế sau của một câu cấu trúc "nếu-thì", có nghĩa là tương đương như trên, nhưng chỉ việc viết "tôi ở nhà".

Và mỗi người tự viết đoạn của mình, viết một cách bí mật (như bỏ phiếu kín) và bằng loại chữ chung chung, không mang tính đặc trưng để ai cũng có thể nhận ra, tốt nhất là cùng viết hoa.

Sau khi hai nhóm hoàn tất, hai người nào đó của từng nhóm sẽ thu tất cả lại, và họ bắt đầu xóc lên để toạ sự ngẫu nhiên, rồi đọc. Người nhóm "nếu" lấy ngẫu nhiên một tờ để đọc trước, người nhóm "thì" cũng lấy ngẫu nhiên một tờ để đọc kế theo sau.

Từ đây, sự mâu thuẫn hoặc hài hước trong một câu có cấu trúc "nếu-thì" sẽ làm người nghe cười phá lên, hoặc là sẽ không có cảm tưởng gì khi mà câu đó chẳng ăn nhập vào nhau ví dụ như trích dẫn của tôi ở trên. Trên thực tế thì trò chơi này xuất phát rất nhiều câu vô nghĩa, phi lý nhưng lại khá buồn cười. Rồi có thể các đoạn hội thoại sau sẽ xảy ra:

- Được, câu này hay, để nó lại.

- Đứa nào viết câu ấy đấy - khai mau, sao lại đưa tao vào đây.

Sau mỗi lượt đọc, mọi người tự nhận xét và quyết định rằng câu đó có được đánh giá là suất xắc hay không. Nếu xuất sắc sẽ được lưu riêng ra để cuối buổi đọc lại một lần cuối cùng để tổng kết.

Đừng hi vọng sẽ được cười 100% trong các câu ghép, trên thực tế thì tôi thấy có khoảng 60% là đáng hài hước, trong đó có khoảng 10% là đáng để lưu lại.

***

Với tôi, cảm nhận rằng trò chơi này rất hay, tuy nhiên việc áp dụng nó lại đòi hỏi một tập thể vô tư, vui vẻ và hơi có tính hài hước một chút. Quả thực là cũng có đôi lần tôi phổ biến trò chơi này trong một số cuộc vui, tuy nhiên không thể nào lấy lại được không khí vui nhộn như đã từng cùng chơi với phòng CÁN BỘ KỐP năm ấy. Cũng có lẽ bởi vì không có những nhóm tập thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn để chơi trò chơi này. Ví dụ như bạn đang áp dụng nó vào một buổi sinh nhật, có quá nhiều đôi đang sốt ruột chờ được ra về với những khoảng không gian riêng của họ - thì họ sẽ chẳng có tâm trạng nào mà chơi nó.

Nhưng, tôi nghĩ rằng trò chơi này sẽ phù hợp với những bạn đang học phổ thông, và nếu như trong những ngày chia tay nhau sắp tới - sử dụng trò này cũng là khá thú vị đấy. Chỉ sợ các bạn buồn cười quá mà không khóc được trong lúc chia tay thôi^^.

Tr Minh Linh (31/5/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!