Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Google Knol vs Wikipedia

Ngày 23/7/2008 Google Inc đã chuyển dự án Google Knol sang giai đoạn open beta, có nghĩa là mở đối với những người viết knol tự do. Có thể nói sự ra đời của Google Knol sẽ làm nảy sinh một cuộc chiến cạnh tranh với bộ "bách khoa toàn thư mở" Wikipedia trên lĩnh vực chia sẻ kiến thức qua Internet.

Google Knol ra đời bản thử nghiệm từ cuối năm 2007 với một số ít những người thử nghiệm được mời, từ đó cho đến thời điểm hiện nay đã là một khoảng thời gian đủ dài để chuyển sang giai đoạn open beta. Cũng như nhiều người khác thì tôi đã chờ đợi nó và thử nghiệm, tôi nhận thấy rằng Knol có một số điểm nổi trội hơn Wikipedia nhưng hiện nay thì nó chưa hấp dẫn người viết bằng tiếng Việt.

Cảnh báo: Toàn bộ phần entry này là các ý kiến của cá nhân. Một số ý kiến được dựa trên sự nhận thức của cá nhân về tính cách, thói quen của một số người Việt Nam là các wikipedian, blogger hoặc tham gia trên các diễn đàn nên có thể chưa hợp lý đối với đa số mọi người ở đủ tầng lớp xã hội ở Việt Nam, hoặc những người nước ngoài.

Knol là thế nào?

Knol_main

(Hình: Ảnh chụp màn hính chính của Knol của Google - ngày 25/7/2008)

Knol có thể được hiểu như: "unit of knowledge" (đơn vị kiến thức). Khi Google Knol lần đầu tiên được giới thiệu đưa thử nghiệm với giới hạn người viết vào khoảng cuối năm 2007[1] thì đã có những ý kiến rằng chúng ra đời để cạnh tranh với Wikipedia. Cho đến giai đoạn open beta - tức là "mở cho mọi người đều có thể viết các knol"[2] thì nhiều người bắt đầu quan tâm đến nó. Trên wikipedia (các phiên bản ngôn ngữ khác nhau) ở mục từ "Knol" cũng đã cập nhật các thông tin mới nhất về sự kiện này[3].

Vậy thì Knol là gì? Knol là các đơn vị kiến thức do một cá nhân đưa lên tương tự như mỗi một người tự viết về một chủ đề nào đó. Một số nhận xét rằng nó giống như các blog[11], (như vậy thì Knol cũng có vẻ giống như các entry có kèm tag "Tự viết" trên blog này của tôi nhưng cụ thể hoá hơn đối với các chủ đề), được cho phép mọi người bình luận khen chê, được người viết đóng các bình luận ở bất kỳ thời điểm nào. Sự khác biệt ở chúng là người ta có thể đặt các quảng cáo của Google vào các bài viết của mình để thu được một phần lợi nhuận từ sự quảng cáo đó bởi Google.

Giao diện soạn thảo của Google Knol

(Giao diện soạn thảo của Knol rất gần gũi và giống các trình soạn thảo thông dụng thường gặp, chúng cho phép soạn thảo theo chế độ trực quan hoặc với các mã HTML, một mặt khác người sử dụng có thể nhập các tài liệu, văn bản từ tập tin định dạng thông dụng vào Knol như DOC, PDF. Trong khi việc soạn thảo ở Wikipedia thì khác thường, phải mất một thời gian làm quen nhất định)

My_knol_(test)

(Hiển thị sau khi soạn thảo)

Họ đã nói gì về nhau? Google và Wikipedia ấy

Jimmy Wales một trong những người sáng lập ra Wikipedia - Ảnh: Theo Vietnam Net

Jimmy Wales có lo lắng?

Ảnh: theo Vietnam Net

Bởi vì cả Knol và Wikipedia cùng do mọi người đóng góp kiến thức, do đó thì việc sử dụng kiến thức như một sự tham chiếu sang nhau có được hay không? Sự phát triển của nó như thế nào? Tầm ảnh hưởng ra sao giữa Knol và Wikipedia?

Cedric Dupont, giám đốc của Knol đã tự tin nói với phóng viên Cnet đại ý rằng "Nếu như Knol thành công thì nó sẽ giúp đỡ cho Wikipedia, knol sẽ là nguồn tham khảo cho Wikipedia", cuối cùng thì ông ta cũng nói rằng "Mục đích cuối cùng của Knol là cải thiện kết quả tìm kiếm"[4].

Jimmy Wales[8], một trong số những người sáng lập ra Wikipedia, cho rằng bây giờ vẫn còn quá sớm để nhận định Knol có khả năng cung cấp một lượng thông tin lớn đủ sức cạnh tranh với Wikipedia hay không. Ông ta nói: "Knol giống như một dạng nền tảng blog hợp tác chứa nhiều ý kiến cá nhân hơn là một cuốn từ điển bách khoa"[4].

Qua những lời phát biểu ở trên thì ông Cedric Dupont có vẻ hơi tự tin về sự làm nguồn dẫn cho Wikipedia, điều này có thể đúng trong thời gian hiện tại (khi các knol đang có chất lượng cao trong quá trình chuẩn bị), nhưng trong tương lai thì số lượng các knol nhiều hơn, chất lượng không còn đồng đều và khó có thể có đủ uy tín để tuân theo điều kiện làm nguồn dẫn cho các mục từ trên Wikipedia.

Jimmy Wales cho rằng đó chỉ là những blog với những ý kiến cá nhân thì tôi nghĩ rằng có thể ông ta chưa xem một số knol, ở đó chúng được đầu tư một cách khá kỹ lưỡng. Ví dụ một knol do hai tác giả Tom LueAlan Shindel viết có tựa đề Female Sexual Function and Dysfunction, đã sử dụng rất nhiều dẫn chứng, hình ảnh và được chỉnh sửa nhiều lần (cho đến thời điểm tôi viết thì nó có 59 dẫn chứng hoặc chú thích, chỉnh sửa 37 lần). Ví dụ về knol này cho thấy chúng có thể tương đương với các bài chọn lọc ở Wikipedia[14].

Tôi thì không rõ rằng Google đưa ra Google Knol này có nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Wikipedia trên thị trường tìm kiếm sắp tới hay không, bởi vì Wikipedia thì cũng có các tham vọng nhảy vào lĩnh vực tìm kiếm với cơ chế kết quả do người sử dụng đánh giá, và được Jimmy Wales tự tin rằng sẽ hiệu quả hơn cả Google và Yahoo[17][18]. Cho dù hiệu quả của các công cụ tìm kiếm của Wikipedia có đúng như mong đợi hay không thì nó cũng gây ra sự lo ngại cho Google.

Một cách nhìn trong cuộc chiến Google Knol và Wikipedia

Ở đây thì tôi chỉ so sánh giữa Google Knol và Wikipedia trong thời điểm hiện tại, nếu như sau này thấy nhiều người đọc tiếng Việt chưa hiểu về Knol và kết hợp ở đâu đó đã nói nhưng chưa đúng ý mình suy nghĩ thì sẽ viết một entry giới thiệu về Knol một cách cụ thể hơn.

Knol thì tôi mới thử đăng ký để phục vụ cho entry này, còn Wikipedia thì tôi đã có một kinh nghiệm khá lâu với nó trước khi ngừng viết để lập ra blog này. Sự dừng lại không có nghĩa là tôi có nhiều mâu thuẫn với Wikipedia để có thể nói xấu về nó trong các sự so sánh dưới đây.

Hỗ trợ ngôn ngữ

Knol_languageKnol hiện nay chưa hỗ trợ nhiều ngôn ngữ như Wikipedia, do đó chúng khó có các tham chiếu các phiên bản ngôn ngữ khác nhau để có thể xem các mục từ trên ngôn ngữ này với các ngôn ngữ khác để có thể cập nhật, bổ sung các mục từ lẫn nhau.

Do có các liên kết tham chiếu sang các mục từ khác nên các wikipedian[10] thông thạo ngoại ngữ sẽ có thể dịch từ ngôn ngữ khác sang phiên bản viết bằng tiếng bản địa của mình. Ở phiên bản tiếng Việt thì rất nhiều mục từ được dịch nguyên văn từ phiên bản tiếng Anh.

Trong thời điểm hiện tại thì Knol chỉ hỗ trợ chính thức các knol ở giới hạn một số ngôn ngữ. Thực tế thì bạn có thể viết các knol bằng tiếng bản địa (như hình phía trên mà tôi lấy làm minh hoạ về giao diện soạn thảo), tuy nhiên chưa chắc knol đó đã được nhiều người đọc - một mặt khác thì sự quảng cáo thông qua tài khoản Google AdSense có thể sẽ không tạo lập được nếu bạn ở một số ngôn ngữ/quốc gia chưa được hỗ trợ (hình bên phải).

Như vậy, về sự hỗ trợ các ngôn ngữ khác nhau thì hiện nay Knol không bằng Wikipedia.

Tính mở

Ở đây thì ai cũng viết được một chủ đề nào đó, do đó thì cả hai đều có tính mở rất tốt! nhưng giữa Wikipedia và Google Knol có những sự khác biệt ở tính mở như thế này:

  • Knol: Một người viết một đơn vị kiến thức, những người khác đóng vai trò phản biện khi comment vào đó. Người viết đó có vai trò là một người biên tập, và do đó sẽ cải thiện chất lượng của tri thức. Tất nhiên là còn có các vấn đề khác nữa về comment: Nếu như sự phản biện đó không phù hợp với ý kiến của chủ nhân thì họ sẽ không có sự điều chỉnh lại, hoặc nếu có sự điều chỉnh lại mà không viết vào bài viết rằng đã thay đổi do có sự phản hồi từ comment nọ, kia thì phần comment góp ý/phản biện đó lại trở thành thừa thãi và người ta rất có thể coi comment đó là ngớ ngẩn. Tất nhiên là việc sửa đổi và ghi lại đó phụ thuộc vào người viết knol đó, mà không có cách nào bắt buộc họ phải làm như vậy - chỉ có thể có các lời khuyên từ những người quản lý Knol mà thôi. Xét về khía cạnh phản ứng của người đọc knol thì rất có thể sau khi đọc một knol chất lượng không tốt, có những ý kiến trái ngược thì người đọc sẽ tự viết một knol khác tương đương chủ đề để "cạnh tranh", do đó dẫn đến có nhiều các knol đồng thời nhau.
  • Wikipedia: Một người khởi xướng một mục từ, những người khác bắt đầu viết bổ sung cho nó khiến cho nó trở lên hoàn hảo. Đây là lý thuyết của Wikipedia và nó có vẻ rất đúng, mở và hợp lý. Nhưng thực tế nó chứa rất nhiều mâu thuẫn trong lý thuyết đóng góp tri thức này: Các tranh cãi nổ ra liên miên và cần đến sự khoá các mục từ nhằm tránh phá hoại hoặc khoá các wikipedian nhũng nhiễu.

Do đó, tôi nhận thấy tính mở của Knol có vẻ thực tế hơn Wikipedia.

Hạn chế về chủ đề-nội dung

Tính mở đã nói ở trên vẫn còn một yếu tố nữa cần nhắc đến: Đó là rào cản về mặt chủ đề và nội dung của nó (tức là cái ý chính của mỗi Knol hay các mục từ trên Wikipedia).

Ở Wikipedia thì các nội dung chúng của một mục từ phải thoả mãn các điều kiện nhằm đảm bảo rằng chúng phù hợp với một bộ bách khoa toàn thư. Tuy nhiên các chủ đề còn có các điều kiện phụ khác như: Số lần xuất hiện trên các kết quả tìm kiếm của Google, hoặc như các điều kiện về sự ầm ĩ khác. Chính những điều này đã khiến cho bộ bách khoa toàn thư không mang tính chất giáo dục, chạy theo thị hiếu người đọc, nhưng lại rất mâu thuẫn nhau trong phương thức hoặc mục đích phát triển. Ví dụ một sự kiện ầm ĩ về một cô diễn viên bị lộ đoạn video sinh hoạt tình dục riêng tư có thể xuất hiện trên phiên bản wikipedia bản địa nhưng những người anh hùng khác của dân tộc đó lại có thể không đủ điều kiện xuất hiện một mục từ riêng - cho dù có nhiều wikipedian thích viết về điều đó.

Knol theo tôi nhận xét có vẻ như không bị các rào cản đó ngăn các người viết, họ có thể viết những gì họ thích, nhưng được người đọc chấp nhận hay không, có đánh giá cao hay không lại là một chuyện khác.

Vậy thì về điểm này Knol có ưu thế hơn nhiều so với Wikipedia.

Giá trị lợi nhuận cho người viết và tổ chức hỗ trợ

Tôi nhận ra điều này: "Sự nhiệt tình hoặc lợi nhuận sẽ tạo ra sự bền vững của Knol hoặc Wikipedia - Nếu không có nhiệt tình thì cần đến lợi nhuận và ngược lại. Khi trẻ người ta nhiệt tình, nhưng khi già hơn người ta nghĩ đến lợi nhuận nhiều hơn. Chỉ có hai điều đó mới có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng."

Knol đã được hứa trả các khoản lợi nhuận cho người viết bằng nguồn thu từ quảng cáo của Google đặt trên các knol theo cách hiệu quả đạt được, đây rõ ràng là sự khuyến khích rất lớn cho người viết. Nhưng ở Wikipedia thì tổ chức hỗ trợ đã không trả tiền cho bất kỳ người viết nào, ngay cả những sysop (tương tự như các admin ở các diễn đàn) cũng không được nhận thù lao. So sánh điều này với Wikipedia thì các wikipedian (người viết) không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào về mặt kinh tế thì Knol đã hấp dẫn người viết hơn tuy rằng không phải ai viết ở Knol cũng có thu nhập. Quỹ Wikimedia dành cho Wikipedia thì hoàn toàn là do mọi người đóng góp, tuy rằng nó cũng có nguồn thu từ việc bán các đĩa quang chứa nội dung Wikipedia và các mặt hàng lưu niệm khác liên quan, nhưng nguồn thu này không thể so sánh được với nguồn thu từ quảng cáo ở Knol.

Nếu như một knol được viết ra để quảng cáo rõ ràng cho một sản phẩm hay một doanh nghiệp thì sao nhỉ? điều đó có thể mang lại giá trị cho chủ thể được nhắc đến bởi knol, nhưng nếu sự quảng cáo đó là vô lý hoặc không được chấp nhận bởi người đọc (ít người đọc thì hiệu quả quảng cáo không cao) hoặc là sẽ mọc ngay một knol khác viết đúng hơn, chính xác hơn và có thể phản biện lại knol này. Một mặt khác cho dù có đạt hiệu quả bằng số người đọc knol đó, nhưng nếu như Google đã không đặt nó ở những trang đầu của kết quả tìm kiếm thì nó cũng sẽ kém hiệu quả (vì người biết đến các knol không nhiều bằng người tìm kiếm trên Internet), do đó một ai đó muốn viết các knol quảng cáo thì vẫn phải trả tiền cho Google để đặt nó lên những trang đầu tiên của danh sách kết quả tìm kiếm.

Về mặt lợi nhuận cho tổ chức đã đứng ra thành lập một nơi để cho những người viết kiến thức (ở đây là Google Inc và Wikipedia) thì nhận thấy rõ ràng Google đã hưởng lợi hơn rất nhiều so với Wikipedia. Knol được lập ra với một sự rõ ràng rằng dùng cho quảng cáo và cải thiện các kết quả tìm kiếm. Wikipedia thì hoàn toàn do lòng hảo tâm của người đọc khuyên góp[9], hoặc như những thông báo khuyên góp được đặt trên mỗi đầu trang khiến cho chính những wikipedian lại bị tâm lý và tự khuyên góp cho sự tồn tại của nó.

So sánh về mặt cơ sở hạ tầng đang có sẵn: Wikipedia ngày càng đối mặt với nguy cơ quá tải bởi nhiều người tra cứu. Có rất nhiều thời điểm mà người tra cứu gặp thông báo về hiện trạng quá tải kèm theo đề nghị khuyên góp nếu có thể. Google chắc chắn rằng đã có một hệ thống máy chủ hoàn toàn có thể đáp ứng được sự viết các knol và tra cứu đồng thời.

Do đó, về mặt lợi nhuận cho cả cá nhân và tổ chức bảo hộ nó thì Knol lợi thế hơn so với Wikipedia.

Tính đúng đắn của tri thức

Sự quan trọng nhất là giá trị của tri thức mang lại như thế nào? Đó chắc chắn là điều quan trọng nhất mà người đọc quan tâm đến ở mỗi đơn vị tri thức hoặc các mục từ. Đây là vấn đề đáng thảo luận, bàn cãi trong sự phát triển của cả Knol và Wikipedia.

Ở Knol có vẻ như không có sự ràng buộc nào về tính đúng đắn của tri thức mang lại, có nghĩa rằng chúng hoàn toàn có thể do ý kiến chủ quan của người viết ra các knol, trong khi đó thì Wikipedia lại luôn đòi hỏi những nguồn dẫn có uy tín.

Vậy thì ở đây Knol hay Wikipedia đáng tin cậy?

Nếu như các knol là thể hiện sự tích luỹ, kinh nghiệm hoặc nhận thức của người viết thì chúng khó có thể tạo ra sự tin tưởng như ở Wikipedia. Nhưng với một nguyên tắc không có điều nào là sáng tạo mới, chỉ có thể là "viết theo cách hiểu của mình từ các nguồn tài liệu, tin tức có uy tín" thì Wikipedia có thể chứa các tri thức lỗi thời hoặc phụ thuộc vào tính đúng đắn của các nguồn được thừa nhận rằng có uy tín chứ Wikipedia không chú trọng tính đúng đắn[10] (khá hài hước là ngay cả Jimmy Wales cũng khuyên rằng đừng tin Wikipedia[16]. Nhiều người cũng cho rằng Wikipedia không đáng tin cậy vì ai cũng sửa đổi được - nhưng đó không phải là lý do, bởi có các công cụ quản lý đối với từng người vết để có thể sửa chữa lại những sửa đổi phá hoại. Bạn hãy thử xoá hoặc viết linh tinh vào một mục từ? Chỉ sau vài phút sau chắc chắn nó sẽ được hồi sửa trở lại[20][21]. Chính do đó sự sửa đổi tri thức đúng hay sai là do một số wikipedian kiểm soát theo khả năng của họ). Chính điều này giúp cho Wikipedia hạn chế những sự tranh cãi bất đồng, nhưng nó đã làm nản chí không ít các wikipedian mong muốn đóng góp tri thức đúng đắn nhưng lại không có nguồn nào nói đến điều đó. Nếu phóng đại một chút thì tôi có giả thuyết một câu chuyện như thế này: Tôi có thể viết một mục từ mà trong đó nói rằng "một cộng một bằng ba" miễn là có một nguồn uy tín nào đó nói điều đó, không ai cãi được (nhưng thực tế thì người ta không thể chịu được điều này - thế nên mới có những bất đồng liên miên).

Do đó có thể có mâu thuẫn khi nói đến tính đúng đắn ở cả Knol và Wikipedia, người đọc cần tự kiểm định bằng các nguồn tham khảo.

Đối với Knol, điều gì khiến bạn sẽ tin tưởng rằng một ai đó đã viết tri thức đúng? Tôi nghĩ rằng tuỳ thuộc vào chức danh, học hàm/học vị hay như sự uy tín đã có của người viết mà knol đó có thể tạo ra được sự tin tưởng. Như vậy thì có vẻ như Knol không chấp nhận những người viết bình thường? Điều này có thể đúng trong tình trạng hiện nay: Tôi nhận thấy đa số những người viết đều ở các trường đại học có uy tín, hoặc có các chức danh nào đó, hoặc có tên tuổi. Đây là các cảm nhận của tôi bởi thực tế thì tôi không hiểu được các tên tuổi đó hay như các nơi họ làm việc đã là có uy tín hay chưa. Sự phán đoán này có lẽ xuất phát từ ý nghĩ rằng Google Knol vừa trải qua giai đoạn thử nghiệm hẹp bởi một số người được mời, mà những người này chắc chắn không phải là những người ngẫu nhiên, vậy họ là những người có uy tín. Sự ra mắt với cộng đồng thì chắc chắn rằng phải có ít nhất những khơi mào đầu tiên đủ để người ta tin tưởng rằng đây là một nơi có thể tập hợp những người có uy tín.

Bây giờ là lúc cần nói đến sự phát triển dài hơi hơn của Knol. Nó đã mở, có nghĩa là bắt đầu chấp nhận những người viết bình thường (như những người bình thường đang viết cho Wikipedia). Vậy thì những người bình thường đó có đáng tin cậy khi viết các knol hay không?

Tôi lấy ví dụ về tôi và blog này: Bạn có tin tôi không? Chưa đâu!, sau khi đọc nhiều entry của tôi, bạn có tin tôi không? Cũng có thể chưa, hoặc phân vân! Sau một năm nữa mà tôi vẫn viết như thế này thì bạn có tin tôi không? Có thể lắm chứ! Đó là một sự sai lầm của bạn! Lúc nào đó tôi làm bạn tin thì nếu tôi là một kẻ xấu có thể gây ảnh hưởng đến những suy nghĩ của bạn, hướng bạn đến những điều tôi mong muốn hoặc đưa tới bạn những tri thức sai lầm bởi nhận thức hẹp của tôi.(Nếu như vậy thì chẳng có gì là đáng tin, hoặc là chúng ta sẽ trở lên luôn luôn có sự nghi ngờ? Không, nhận thức luận Phật giáo về chân lý đã chỉ ra một cách: "luôn tự mình tìm hiểu mọi vấn đề và tin tưởng vào mình").

Như vậy thì tôi thấy rằng ở sự đúng đắn của tri thức thì ở cả Google Knol và Wikipedia là ngang bằng nhau, ở phần thương hiệu để tạo ra sự tin tưởng ban đầu thì Wikipedia đã đi trước nên hiện nay đang dành được nhiều hơn lợi thế.

Sự nhũng nhiễu hay phá hoại

Môi trường mở sẽ luôn có sự nhũng nhiễu trong bất kỳ một hình thức nào: Knol hay Wikipedia.

Sự nhũng nhiễu ở Wikipedia xuất phát từ chính nguyên tắc của hoạt động của nó: Tất cả nội dung chứa trên các mục từ đều dựa trên các quy định và sự đồng thuận. Ví dụ các mục từ về các đảng phát chính trị, chế độ xã hội, tôn giáo...thì do quan điểm khác nhau của các người viết mà chúng đã trở lên có nhiều tranh cãi, bất đồng. Chính điều đó đã tạo ra các sự bất đồng liên miên. Các wikipedian không giải quyết được sự đồng thuận, bất đồng nên đã gây ra ấm ức và hoặc là bỏ đi, hoặc là ngầm quay lại gây nhũng nhiễu, phá hoại, làm nản chí những wikipedian khác.

Đối với Knol thì có thể ít xảy ra sự bất đồng và nhũng nhiễu này. Giả sử xảy ra các tranh cãi về các niềm tin tôn giáo hoặc chính trị thì chắc rằng người phản đối một ý knol được nhận xét tốt sẽ viết một knol khác để thu hút sự chú ý. Nếu như có các bất đồng đến mức đỉnh điểm thì có thể sẽ tạo ra ba phe: Đồng ý một quan điểm, phản đối một quan điểm hoặc là trung lập (không nghiêng theo bên nào). Có thể sẽ xảy ra vài trường hợp: Tạo ra các báo cáo phản hồi giả về chất lượng của một knol trái quan điểm. Để đối phó với điều này thì cần đến nhóm điều hành hoặc quản lý hiểu biết và trung lập.

Vậy thì ở điểm này thì Google Knol lại có ưu thế hơn.

Nhóm điều hành và sự bền vững của dự án

Ở đâu có sự điều hành, điều phối hay chịu trách nhiệm về các đơn vị kiến thức giữa Knol và Wikipedia? Theo lý thuyết hoặc sự công bố của cả hai đưa ra thì đều không có những sự điều hành - tức là không có sự can thiệp vào quá trình viết các đơn vị kiến thức mở. Trên thực tế thì không có sự điều hành, quản lý và kiểm duyệt nội dung cho dù ở một mức độ nào đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và nhũng nhiễu bởi các quan điểm bất đồng. Lý do thật đơn giản là môi trường mở không thể chỉ bao gồm những người có nhận thức đúng, tri thức cao và có ý thức tốt.

Knol có vẻ như có một nhóm theo dõi và giải quyết các phản hồi của các knol. Sự thuận lợi ở sự điều hành Knol là không cần thiết phải lộ mặt và điều chỉnh lại các knol một cách thô bạo. Do đó sự bất đồng có thể chỉ hướng với các knol với nhau chứ không phải với Google. Nhóm điều hành của Google Knol là các nhân viên của hãng, do đó họ được hưởng lương từ những sự quản lý này - đây là một điều bình thường mà bạn tưởng chừng nói ra là vô nghĩa, nhưng nó lại rất có ý nghĩa khi so sánh với Wikipedia.

Wikipedia giải quyết bất đồng dựa trên đồng thuận giữa các wikipedian, nếu quá căng thẳng thì các sysop xử lý (ví dụ: khoá mục từ không cho phép sửa đổi, cấm thành viên....) Theo triết lý của Wikipedia thì sysop là những wikipedian bình thường được cộng đồng bầu chọn thêm một số quyền như xoá mục từ, cấm thành viên trong thời gian nhất định và một số quyền khác can thiệp vào hệ thống. Lý tưởng nhất là các sysop hiểu được quyền hạn và trách nhiệm của mình đến đâu để tránh lạm dụng quyền hạn đó, nhưng thực tế thì nhiều sysop không đạt được mức độ như vậy nên càng gây ra sự nhũng nhiễu ở Wikipedia.

Ở Wikipedia thì sysop làm việc dựa trên tinh thần tự nguyện và không được hưởng bất kỳ một khoản lương nào. Nhiều người ngạc nhiên về điều này, nhưng đúng như vậy! Tri thức nói chung thì cần sự đóng góp tự nguyện mới có khả năng bền vững và không thiên vị, không vụ lợi. Thực tế thì triết lý này hợp lý với số ít người nhưng phần đông còn lại thì coi điều này là không bền vững. Trên thực tế thì những người trẻ tuổi sẽ còn hy vọng về danh vọng và họ hăng hái, nhưng khi đối mặt với mưu sinh thì ít người còn tiếp tục đóng góp nhiều được nữa - mà với đặc điểm về nhận thức tri thức của người trẻ thường có "cái tôi" cao, ít chịu tìm hiểu nên có phần nào giới hạn trong việc chia sẻ kiến thức.

Một nhược điểm nữa ở Wikipedia là các sysop sống rải rác trên thế giới mà không có sự liên quan nào về mặt tổ chức, do đó về mặt tổ chức của một phiên bản nào đó là hoàn toàn ... "vô tổ chức", các sysop có thể mâu thuẫn với các thành viên trong cách giải quyết một vấn đề nào đó hoặc mâu thuẫn giữa chính các sysop khác nhau. Wikipedia không khuyến khích sự thành lập các nhóm, hội và các cách thức nào đó làm cho sự đoàn kết giữa các thành viên để hạn chế tạo ra các phe cánh hoặc những người ủng hộ một quan điểm...do đó chính những sysop cũng không có bất kỳ một hành động giao lưu, liên lạc nào với nhau ngoại trừ các trường hợp quen biết từ trước. Với mô hình tất cả đều là người quản lý cho Wikipedia và không có sự coi trọng về thành viên cũ và mới, kinh nghiệm hay không, có học vấn hoặc không ... trên tinh thần đồng thuận nên nó chứa nhiều những mâu thuẫn và xung đột tiềm tàng. Chính vì không có sự điều hành như vậy nên chúng thiếu sự bền vững.

Như vậy thì về mặt tổ chức Wikipedia rất mất điểm so với Knol (nếu như không muốn nói là số điểm rất thấp)

Vinh danh người đóng góp tri thức

Knol_Name_VerificationMột yếu tố rất quan trọng để phát triển mở rộng tri thức ra cộng đồng là sự vinh danh hoặc thừa nhận tác giả của các tri thức đó. Đây có vẻ là một ý nghĩa phụ và không đáng quan tâm trong đa số những người trí thức trên thế giới - nhưng có điều là không phải ai cũng suy nghĩ đúng như vậy.

Sự coi trọng tác quyền ở Wikipedia có vẻ bị giới hạn ở chiều nhận các kiến thức từ các nguồn sẵn có rồi ghi lại cho mọi người sử dụng nhưng lại không ghi nhận công sức của những người đóng góp một cách rõ ràng trên mỗi chính các mục từ bởi vì có rất nhiều người đóng góp. Xu thế chung hiện nay là người đọc ngày một khó tính, hay đòi hỏi và có vẻ ít chú ý đến ai là người đóng góp tri thức hơn, do đó một phần nào những người đóng góp thường cảm thấy chán nản vì công sức của họ chưa được ghi nhận. Ở Wikipedia thì sự ghi nhận được hiển thị tại mỗi "Lịch sử trang" của mục từ, tuy nhiên ở đây có chữa đồng đều thông tin của rất nhiều người soạn (trong đó có cả các con bot chuyên sử sửa chính tả và tạo thêm các liên kết đến phiên bản ngôn ngữ khác) đã khiến cho sự ghi nhận đóng góp nhiều/ít không rõ rệt, mà điều này phần nào làm nản chí các Wikipedian. Thực tế thì số người xem các trang thành viên là rất ít, xem thảo luận ở mỗi trang thảo luận của mục từ hoặc xem lịch sử trang không phải là một con số đáng kể so với một mục từ[10].

Còn ở Knol thì mỗi bài viết đều được ghi rõ tác giả (hoặc nhóm tác giả của nó), trên những sự phản hồi, phản biện và đóng góp cho hoàn thiện cũng được ghi nhận người tham gia. Những knol được đánh giá bởi sự bình chọn sẽ là động lực cho những người viết tốt hơn ngoài số lợi nhuận mà có thể họ kiếm được từ quảng cáo. Đây tuy không là sự quan trọng đối với một số người viết đã qua giai đoạn thích danh vọng, nhưng ít nhất nó cũng có ích với những người trẻ hơn đang đến với sự chia sẻ tri thức mở.

Knol cho phép chứng thực những tác giả theo số điện thoại hoặc thẻ tín dụng, mặc dù điều này là không bắt buộc (xem hình), nhưng nó là một yếu tố xác thực những con người thực thông qua các tham số đối chiếu cụ thể. Mục đích có vẻ như để tạo sự tin cậy và trách nhiệm thực sự đối với các knol, hoặc là dành cho sự chuyển các khoản lợi nhuận thu được đến đúng với người viết knol đó mà không phải một người khác tự nhận. So sánh với điều này thì ở Wikipedia danh tính các wikipedian hoàn toàn phụ thuộc vào sự khai báo thành tâm của họ mà không có bất kỳ sự xác thực nào. Do điều này mà các wikipedian không có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý để chịu trách nhiệm cho các hành động vi phạm bản quyền vốn được coi trọng ở Wikipedia, hoặc là người ta lợi dụng sự dễ tính này cho các tài khoản đăng ký để gây nhũng nhiễu, phá hoại mà nếu bị cấm hay khoá thì đều không ảnh hưởng gì bởi họ tiếp tục đăng ký một tài khoản khác. Wikipedia tiếng Việt thường xuyên gặp các trường hợp như vậy khiến cho các sysop hầu như bất lực bởi không thể xác định danh tính chính xác các tài khoản của wikipedian thông qua các địa chỉ IP của họ[19].

Và do đó đối với sự ghi nhận người đóng góp tri thức thì Knol đã có lợi thế hơn Wikipedia.

Ý tưởng: Ai trong số chúng ta làm điều này...

Một ý tưởng về sự tập hợp

Tôi chưa thấy nói đến rằng Google Knol có thể tập hợp một số entry trên blog lại thành các knol theo dạng liên kết. Có nghĩa là Knol chỉ như một sự giới thiệu đến với một entry trên blog nào đó. Điều này khiến cho tôi phát sinh ý tưởng về sự tập hợp các entry trên blog có giá trị về mặt kiến thức với cách làm của Google đối với Knol: Có nghĩa rằng chúng cũng có sự quảng cáo và chia một phần lợi nhuận cho các blogger thông qua lợi nhuận của sự quảng cáo.

Cho dù ở đâu đó ở Việt Nam đang có các nơi tập hợp các blog lại[13], tuy nhiên chúng vẫn chưa thể hiện tính chuyên nghiệp hoặc đơn thuần là các mục lục giống như một bookmark trên máy tính của người sử dụng, hay như đăng ký và so sánh. Những trang web này vẫn thể hiện sự lựa chọn mang tính phù hợp với sở thích của người đọc mà không chú trọng vào tập hợp phân tích các nhóm tri thức theo từng chủ đề, hoặc hoàn toàn không mang tính khuyến khích và định hướng cho cộng đồng người viết. Một số trang web đó thực hiện với hàm ý kinh doanh do đó chúng càng chú trọng vào thị hiếu người đọc mà đây là sự phát triển có vẻ ổn định ở thời điểm hiện tại nhưng lại thiếu sự bền vững lâu dài.

Nếu bạn muốn thực hiện điều đó

Đó không phải là một ý tưởng dễ thực hiện bởi vì tôi nhìn thấy còn nhiều vấn đề với nó. Nhưng nếu bạn muốn làm điều đó thì có một vài suy nghĩ gợi ý của tôi về điều này:

  1. Thực hiện như Google Knol nhưng tập hợp các entry theo tiếng bản địa (tiếng Việt). Đừng đi theo lối mòn rằng tạo lập một cái gì đó tương tự như Knol (bởi nó cũng như hàng loạt diễn đàn đang tồn tại) để mong rằng mọi người đến trang web của bạn để viết các đơn vị tri thức. Phương thức này thực hiện hoàn toàn giống như trang "Một trăm độ"[13] đang thực hiện nhưng ở hình thức như tôi đã nói ở đầu mục này.
  2. Tốt nhất là liên kết với các đơn vị hoặc doanh nghiệp nào đó có sự ổn định cao nhằm đảm bảo rằng nơi tập hợp này có thể tồn tại lâu dài theo thời gian. Điều này tạo ra niềm tin rằng nơi này sẽ tồn tại lâu dài và tạo sự hứng thú đăng ký với các blogger chuyên nghiệp hoặc các blog mong muốn viết các đơn vị tri thức để phổ biến. Đó là sự tài trợ về tài chính của các đơn vị ổn định, đó là thương hiệu của đơn vị liên kết, là tập thể những người quản lý đã có những uy tín nhất định một cách chính thống...
  3. Luôn khéo léo với các blogger chuyên nghiệp bởi thường những người viết được các đơn vị tri thức có chất lượng và hợp lý lại là những người thường coi thường danh vọng nên đừng mong họ sẽ phải nhờ cậy hoặc phụ thuộc vào bạn để khuếch chương blog của mình. Đồng thời luôn luôn khuyến khích các blogger trẻ để có thể thi đua, cạnh tranh với các blogger thành công hơn họ. Đây là những yếu tố tâm lý rất hay bị bỏ qua mà dẫn đến sự không thành công nếu không hiểu biết.
  4. Đừng bao giờ hy vọng cạnh tranh với Wikipedia hoặc Google trong thời điểm này, bởi bạn không đủ sức làm điều đó. Sau một thời gian, khi bạn đã được ủng hộ từ nhiều người đọc, nhiều blogger viết bằng ngôn ngữ bản địa thì bạn có mơ ước đến sự cạnh tranh đó.
  5. Lưu ý đến một số nơi đang có hơi hướng thực hiện những điều tương tự như ý tưởng này, ví dụ như trang "một trăm độ", trang tìm kiếm bằng ngôn ngữ bản địa "Xa lộ"...nên rất có thể họ sẽ tạo ra những phần mục tương tự. Bạn phải sử dụng tập hợp những người có chuyên môn và tri thức nếu muốn thực hiện những sự cạnh tranh có thể xảy ra. Đây là một ý tưởng mở đối với bạn và cũng đối với những đối thủ của bạn - chỉ có ai chiến thắng được thời gian là chiến thắng mà thôi :)

Bạn có thực hiện điều đó không? Hì! hãy đừng quên báo cho tôi, bởi vì tôi sẽ tư vấn giúp bạn thêm theo khả năng của mình một cách bất vụ lợi. Tôi thì luôn mong rằng dân tộc Việt Nam sẽ không phải là nhỏ bé trước các dân tộc khác - đó cũng là tư tưởng xuyên suốt theo blog này - nên tôi mong ý tưởng này thành hiện thực bởi vì tri thức sẽ làm vinh danh dân tộc Việt Nam.

Chú thích

1^. Google làm bách khoa thư cạnh tranh với Wikipedia, Việt Toàn (theo AP), đăng trên VnExpress, 17/12/2007.

2^. Knol is open to everyone, trên blog của Google.

3^. Wikipedia nói về "Knol" của Google: phiên bản tiếng Anh, và Phiên bản tiếng Việt (các entry này khá trung lập).

4^. Google's Wikipedia rival, Knol, goes public, Elinor Mills đăng trên CNET, 23/7/2008. (en)

5^. Google Knol - đối thủ Wikipedia - chính thức xuất hiện, T.DŨNG (Wall Street Journal) đăng trên Tuổi Trẻ Online,

6^. Google thử nghiệm dịch vụ tương tự Wikipedia, Thanh Hải (theo Electronista, Google Blog) đăng trên Thông tin Công nghệ, 14/12/2007

7^. Wikipedia sẽ cạnh tranh với Google? Vietnam Net theo VnMedia. 30/7/2007.

8^. Jimmy Wales được nhiều người nghĩ rằng là ông tổ, hay là cha đẻ của Wikipedia, nhưng thực ra thì điều này vẫn còn có nhiều tranh cãi. Jimmy Wales cho rằng ông là người đề xuất ra ý tưởng bách khoa toàn thư mở, nhưng ban đầu nó đã được phát triển bởi một người khác.

"Bách khoa toàn thư mở" cũng là một cách dịch đã được tranh cãi nhiều bởi các thành viên đầu tiên tham gia Wikipedia tiếng Việt, trước đó chúng đã được dịch ra bằng các nghĩa khác hơn. Nếu như chúng được chấp nhận thì có lẽ đến nay chúng ta đã quen gọi Wikipedia là một từ khác. Điều này cho thấy rằng việc dịch các từ, các khái niệm mới... sang tiếng Việt để được chấp nhận rộng rãi không phải là một điều đơn giản và theo ý thích của người dịch.

9^. Giới thiệu Wikimedia, trên Wikimedia.

10^. Wikipedia hoạt động như thế nào? (Phần I), bản dịch trao đổi của Andrew McAfee (PGS, Khoa Quản lý Công nghệ và Sản xuất - ĐH Harvard - Hoa Kỳ) đăng trên tuanvietnam.net.

11^. Knol Is Googlepedia, trên SEO Tuts. (en)

12^. Tôi đã kiểm chứng kết luận này thông qua một công cụ thống kê sự đọc các trang như vậy như ở entry này.

13^. Ví dụ: Một trăm độ, một nơi tập hợp các entry được coi là hay bởi những người điều hành nhằm gắn kết các blogger, phổ biến entry của mình đến mọi người hơn. hoặc như TopBlogViet chỉ đơn thuần lựa chọn các blog lại thành một trang mục lục và các comment nhận xét (tính đến ngày 27/7/2008).

14^. Bài chọn lọc là các mục từ được cộng đồng các wikipedia bình chọn là có chất lượng tốt. Ví dụ: Từ khi ra đời đến nay Wikipedia tiếng Việt có 174 bài chọn lọc, phiên bản tiếng Anh có khoảng 2156 bài chọn lọc (tính đến ngày 29/7/2008)

15^. Wikipedia:Thông tin kiểm chứng được, trên Wikipedia tiếng Việt. Có đoạn nói rằng: "Điều kiện cho việc đưa thông tin vào Wikipedia là khả năng kiểm chứng được chứ không phải tính đúng đắn, nghĩa là, người đọc phải có khả năng kiểm tra rằng nội dung được đưa vào Wikipedia đã được xuất bản bởi một nguồn đáng tin cậy, chứ không phải việc chúng ta có cho rằng nội dung đó là đúng hay không"

16^. Đừng tin ở Wikipedia, Văn Cương (Theo VnMedia) đăng trên bantincongnghe.com.

17^. Wikipedia phát triển công cụ tìm kiếm, Vũ Anh Tú (theo InformationweekMacworld) đăng trên VTC News, 27/12/2006.

18^. Wiki sẽ cạnh tranh với Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Văn Hân (Theo quantrimang), 30/12/2007.

19^. Vì Việt Nam thường cấp các IP động cho người sử dụng Internet nên việc xác định danh tính khó khăn hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Mời bạn xem thêm entry tôi nói một chút về điều đó.

20^. Ví dụ: thông qua trang "Thay đổi gần đây" ở Wikipedia tiếng Việt mà các wikipedian (không nhất thiết phải là các sysop) có thể hồi sửa lại các thay đổi phá hoại hoặc viết các thông tin sai lầm.

21^. Ví dụ ngẫu nhiên vào thời điểm tôi lấy dẫn chứng cho entry này. Mục từ "Trận Điện Biên Phủ" đã được sửa đổi theo sự so sánh gữa các phiên bản như thế này.

Xem thêm:

Vài suy nghĩ về Google Knol, Hải Nam (theo TechCrunch) đăng trên Thông tin Công nghệ, 17/12/2007.

Tr Minh Linh (28/7/2008)

1 nhận xét:

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!