Sao lưu các nội dung trên blog là một công việc khá quan trọng đối với các blogger tự viết các entry của mình với nhiều thời gian và tâm huyết. Giá trị của một entry nếu không thuộc dạng tin tức để mang tính thời sự tức thời thì chúng sẽ còn tồn tại theo thời gian cho những người đọc khác nhau. Cũng như các thành quả lao động của mình trong công việc mưu sinh thì tôi cũng có thói quen sao lưu các nội dung entry có giá trị cho dù sử dụng bất kỳ một nhà cung cấp dịch vụ nào. Sao lưu dữ liệu là một hành động hạn chế sự rủi ro có thể xảy ra.
Bất kỳ một sự lưu trữ dữ liệu nào cũng chứa các rủi ro, do đó sự sao lưu dữ liệu thành quả của quá trình làm việc luôn là điều cần chú ý. Trong một phạm vi hẹp xung quanh những người tôi biết hoặc các đơn vị tôi gặp thì họ vẫn chưa chú trọng đến sự sao lưu dữ liệu khiến cho khi xảy ra các sự cố thì chỉ còn biết kêu ca và tìm cách phục hồi lại từ các văn bản giấy tờ được in lại. Trên các entry của blog này thì trong lĩnh vực khai thác CNTT phục vụ cho công việc và đời sống thì ngoài sự hướng người đọc tới sự bảo mật, tôi còn luôn chú trọng nhắc nhở đến sự sao lưu dữ liệu.
Mỗi người không chỉ cần chú trọng sao lưu dữ liệu trong công việc chính của mình mà ngay cả trên các thói quen viết nhật ký cá nhân thì cũng nên thực hiện điều này. Ở một blog sử dụng nền tảng Wordpress thì tôi đã thường xuyên trích xuất nội dung blog thành các tập tin dạng *.xml, còn ở nền tảng Blogger thì sao, cũng đơn giản thôi, nhưng chúng lại ở dạng một trang web hoàn chỉnh.
Thủ thuật này được phát hiện ra do sự vô tình của tôi mà thôi, nếu ở đâu đó đã giới thiệu rồi thì cũng không có gì là lạ - bởi vì nó rất đơn giản đến nỗi có thể nhiều người đã từng thực hiện nó với mục đích sao lưu hoặc download một trang web về máy tính của mình.
LỰA CHỌN MỘT NHÀ CUNG CẤP BLOG ỔN ĐỊNH
Cách đây không lâu tôi nhận ra rằng các blog của Blogger có tốc độ truy cập khá nhanh, ổn định và có tính tuỳ biến cũng không đến nỗi hạn chế như một nhà cung cấp blog khác đang được ưa chuộng ở Việt Nam. Đúng thời điểm đó tôi đang phân vân về sự lựa chọn một nơi có thể lưu trữ các entry của mình để đề phòng các trường hợp rủi ro nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định lựa chọn nhà cung cấp blog nào đó thứ hai đối với tôi. Với dự định ban đầu là lưu lại toàn bộ các entry ở blog 1 cung cấp bởi http://sky.vn trên nền tảng Wordpress (blog thứ hai của tôi sau Yahoo!360 trước đây tôi từng sử dụng, nhưng có thể coi là blog chú tâm vào viết đầu tiên) như một sự dự phòng. Trong thời gian này thì tôi đã thử toàn bộ với các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau: Wordpress, Yahoo! 360, Blogger, và thậm chí cả một vài mạng xã hội nổi tiếng khác mới hỗ trợ tiếng Việt nữa... để xem nơi nào là phù hợp nhất để đặt một blog cho mục đích sao lưu và dự phòng phù hợp với mình.
Cùng với ưu thế về tốc độ thì tôi cũng dần nhận ra rằng Blogger cho dù chỉ được đánh giá đứng thứ hai sau một nền tảng của blog được coi là chuyên nghiệp nhất - đó là Wordpress nhưng Blogger đã được hỗ trợ bởi gã khổng lồ Google và cùng với sụ cải tiến không ngừng theo thời gian nên có thể cân sức về sự so sánh với Wordpress ở nhiều góc độ khác nhau.
Sự đánh giá cao cho nền tảng Wordpress thường đối với những người đã có chút thành thạo về công nghệ thông tin và đặc biệt là những người lập trình web, bởi họ có thể tuỳ biến rất tốt blog của họ theo ý riêng chứ không là một khung cố định và cứng nhắc được lập sẵn. So với các nền tảng khác thì tôi nhận thấy có vẻ như nền tảng Wordpress được tối ưu hơn với các bọ web, bot của các search engine (thậm chí theo quan điểm cá nhân thì nó còn tối ưu hơn chính Blogger trong thời điểm hiện tại). Với một người có kiến thức về CNTT bình thường thì việc sử dụng Blogger là đủ cho nhu cầu sử dụng của họ (giao diện bằng tiếng bản địa, hỗ trợ rất tốt với nhiều tiện ích nhúng vào (gadget) sẵn có hoặc cho phép người dùng tự xây dựng tiện ích riêng, cho phép sử dụng với tên miền riêng, băng thông cao...).
Chính vì nhận thấy như vậy, kết hợp với khả năng chuyên môn bình thường của mình mà tôi đã lựa chọn Blogger cho mục đích của mình và ngày càng nhận ra sự thích thú với nó để có thể chuyển hầu như toàn bộ các entry tâm đắc từ blog ban đầu sang đây. Sau khi qua một thời gian sử dụng và với các nhu cầu về sao lưu dữ liệu trên blog về máy tính của mình mà tôi đã nhận ra một thủ thuật để có thể viết những dòng này chia sẻ kiến thức với bạn. Xin kể lại sự phát hiện ra thủ thuật bắt đầu từ sau khi tôi mở cửa blog này vào ngày 01/8/2008 (trước đó thì blog chỉ hiển thị đối với riêng mình tôi để cập nhật các entry).
(Ngoài hai nền tảng blog này thì không thể không nói đến Yahoo!360 đã từng được rất nhiều người sử dụng làm blog, nhưng đối với sự cứng nhắc trong thay đổi các giao diện thì thường khó hấp dẫn đối với tôi nên chúng đã không xuất hiện trong cuộc so sánh và lựa chọn của cá nhân này)
BLOGGER: MỘT TRANG CÓ THỂ CHỨA HÀNG TRĂM ENTRY
Khá hài lòng với nền tảng Blogger, tôi đã quan sát blog mới của mình khi lựa chọn thử các giao diện khác nhau, và rồi nhận thấy lề trái của blog có chứa các liên kết đến sự tập hợp hàng loạt các entry trên blog trong một khoảng thời gian nào đó.
Đầu tiên là thử với liên kết "tháng tám". Ồ! blog hiển thị ra toàn bộ các entry được viết trong tháng tám (năm 2008) trên một trang duy nhất. Thế này thì hay quá rồi! Tôi có thể xem toàn bộ các entry được viết trong tháng 8 của mình trong một thời điểm để có thể phát hiện ra các sai sót nào đó mà sửa ngay.
Tiếp đến, tôi bấm vào liên kết "2008" ở cột bên trái, liên kết này khá dài và cụ thể là:
http://minhlinh36.blogspot.com/search?updated-min=2008-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&updated-max=2009-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&max-results=50
Click vào đó, và...không có gì ngạc nhiên cả, bởi vì blog đã duyệt ra toàn bộ các entry của tôi trong năm 2008. Có gì lạ đâu! Vừa lạ ở trong liên kết tháng tám rồi thì liên kết ngày rõ ràng là dành cho cả năm chứ còn gì nữa. Ai lại ngạc nhiên nhiều đến lần hai mà không tư duy ra được rằng nó phải như thế.
Nhưng mà hình như là không phải lắm, tôi thấy có gì đó thiêu thiếu.
Lăn lăn bánh xe của con chuột xuống phía dưới (nếu loại chuột nào dùng núm thì bạn miết cái núm về phía mình nhé) để đến dòng cuối cùng của trang, tôi nhận thấy rằng các entry đã không phải hiển thị trong toàn bộ năm 2008. Không đủ rồi, rõ ràng rằng entry cuối lẽ ra phải có tên là "Ác mộng" cơ mà, tôi vẫn nhớ như in điều đó bởi vì những entry đầu tiên khi tôi viết blog là khoe các sản phẩm của mình trong hơn chục năm về trước!
Và tôi nhìn thấy có một liên kết "Bài đăng cũ hơn". Click vào đó thì đúng là còn lại một số entry khác nữa thì mới đến entry cuối cùng của trang (tức là entry đầu tiên của năm 2008 bởi vì cứ mới hiển thị trên, cũ hiển thị dưới. Hihi, "ác mộng" đây rồi!).
Chợt nhận ra phần nội dung của liên kết có một con số cuối cùng là 50. Mà dài hơn khỏi con số 50 một chút nữa là: max-results=50. Ồ, vậy là biết ngay rằng Blogger đã giới hạn ở 50.
Thế thì không biết rằng Blogger có giới hạn ở đúng con số 50 này không nhỉ? Giả sử muốn thay thành 100 có được không? Chưa biết được, phải thử thôi chứ suy đoán thì không chính xác, mà việc thử này cũng không cháy nhà chết người được, không có sản phẩm nào đó để bị bắt đền được phải không, hihi.
Vậy là tôi thay luôn 50 bằng 100 để liên kết này thành như thế này:
http://minhlinh36.blogspot.com/search?updated-min=2008-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&updated-max=2009-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&max-results=100
Thật tuyệt vời, sau một chút thời gian chờ đợi thì blog của tôi cũng hiện đủ cả các entry tôi viết vào năm 2008. Đến thời điểm hiện tại thì chỉ có 92 entry (nhỏ hơn giới hạn vừa đặt là 100) nên nó đã hiển thị đầy đủ tất cả các entry. Nếu sau này trong năm nay con số dưới 100 entry sẽ vượt lên trên 100 thì có lẽ tôi lại thử với những tham số 150, rồi 200 để làm sao cho chúng lớn hơn số các entry thực để hiển thị toàn bộ các entry trên blog này.
À, bây giờ thì ở tham số 100 tôi đã nhìn thấy entry đầu tiên của năm 2008 đối với blog này: entry "ác mộng", đồng thời thì phần "Bài đăng cũ hơn" cũng không còn tồn tại nữa, điều đó có nghĩa rằng toàn bộ các entry trên blog đã được hiển thị trên một trang duy nhất. Lại phải thốt lên "Thật tuyệt".
Tuy rằng điều trên thì rất hữu ích cho việc lưu lại toàn bộ các entry của tôi trên máy tính của mình, nhưng có vẻ nó sẽ quá thừa đối với bạn? Đúng vậy, bởi vì tôi không biết là bạn thích đọc những thứ gì nên giới thiệu việc lưu lại toàn bộ các entry trên blog nào đó là không cần thiết đối với bạn (tôi không bao giờ nghĩ rằng bạn lại có những ý nghĩ, sở thích và sự quan tâm giống như tôi - do đó tôi đã nói những điều đó). Vậy thì ví dụ bạn chỉ thích một chủ đề nào đó mà thôi thì sao?
Đoán biết điều này nên tôi đã thiết lập cho blog hiển thị tính năng "Nhãn", nó giúp cho mỗi người có thể tuỳ chọn đọc các entry được gán theo nhãn nào thì họ mở các trang theo nhãn đó mà thôi. Thật phù hợp phải không :)
Tôi lấy một ví dụ về sự quan tâm của bạn đến các entry viết về phần cứng máy tính (tôi đã nhận thấy nhiều người đọc entry này của tôi thông qua Google Analytics thống kê được), nó có nhãn là "Hardware" và bạn chỉ cần bấm vào nó là sẽ liệt kê ra toàn bộ các entry được tôi gắn nhãn "Hardware".
LƯU CÁC BLOG SỬ DỤNG BLOGGER VỀ MÁY TÍNH
Phần ở trên mới nói đến liên kết và bạn có thể làm hiển thị ra rất nhiều entry trên một trang blog này, và bây giờ thì tôi muốn trình bày cách lưu lại trang blog chứa đầy đủ các entry đó lên trên máy tính của bạn.
Thủ thuật này và mục đích của entry này không nhằm mời bạn lưu lại đối với đúng blog này (tức là blog của tôi), mà tôi muốn giới thiệu nó giúp bạn lưu các blog khác có dạng http://abcd.blogspot.com (trong đó abcd là dãy ký tự bất kỳ), có nghĩa là bất kỳ blog nào được Blogger cung cấp ở dạng nguyên bản (riêng phần sử dụng domain riêng thì sẽ trình bày riêng ở mục dưới). Thực sự thì tôi rất muốn lấy một blog khác để làm ví dụ cho sự minh hoạ bằng các hình ảnh, tuy nhiên điều đó phải giải thích nhiều lần, comment qua lại với chủ nhân blog đó (người ta lại hiểu nhầm ý này ý nọ thì cũng mệt) nên tôi sử dụng hình ảnh của blog này làm minh hoạ, bạn có thể thử hoặc không đối với blog này thì đó là do quyết định của bạn - bạn có thể sử dụng với các blog khác trên nền Blogger để tự kiểm chứng những điều này.
Cũng phải lưu ý rằng việc lưu lại thì đã có nhiều phần mềm thực hiện hoặc một số add-on của trình duyệt web có thể cho phép thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, nhưng thực tế thì đa phần là người đang đọc có thể chưa hiểu được cách sử dụng chúng nên tôi đã trình bày phần này một cách đơn giản nhất.
Để đơn giản thì tôi chia thành các bước sau đây, chúng có vẻ như hơi hài hước một chút, nhưng nếu bạn đã từng đọc các entry khác nữa thì sự hài hước này có vẻ ẩn hiện ở các entry. Nào bắt đầu thôi.
Bước 1: Truy cập vào blog
Điều này thì rất đơn giản phải không? Chỉ việc tìm kiếm một blog quen thuộc nào đó trên Blogger rồi mở nó ra, thế thôi!
Với tôi thì nó không hề đơn giản một chút nào cả. Việc truy cập vào một blog hay một website thì quả là đơn giản, nhưng chọn để đọc một website hay blog nào mới là điều không đơn giản. Bạn thấy rằng trong cuộc sống hiện tại - khi mà thời gian đang được tính bằng giờ, bằng phút thì việc dành một khoảng thời gian để đọc những thứ gì có giá trị với mình là một điều khó và bắt buộc cần phải lựa chọn và còn khó hơn nữa nếu như lựa trong các website/blog của mình đọc cho người khác
Ví dụ như như những sự lựa chọn của tôi thương khắt khe về các tiêu chí: nguồn gốc nội dung (thường tự viết, nếu là sưu tầm thì ghi rõ nguồn lấy...), sự ổn định về nội dung (Cho dù là nội dung gì, nhưng chúng thường xuyên không thay đổi chủ đề quá nhiều để lẫn sang sự giới thiệu khác. Sự ổn định về nội dung còn quan trọng hơn nữa để đảm bảo rằng nội dung mới không bị thay đổi quá đột ngột khiến người đọc có thể sốc (bình thường rất nghiêm chỉnh tự nhiên "trái gió trở trời" thế nào bỗng nhiên xuất hiện một entry rất mát mẻ chẳng hạn :D) - điều này do sự tự động hiển thị trên blog nên tôi không phải lúc nào cũng có mặt kịp thời để kiểm soát và loại bỏ đi sự giới thiệu chưa hợp lý), các nội dung quá khứ (đảm bảo người đọc có thể đọc toàn bộ website/blog được giới thiệu mà không bị lạc đi so với mong muốn hướng tới của tôi) và tính nhân văn...
Chính những điều trên đã khiến cho nhiều nơi ở Việt Nam có các cuộc thi, lựa chọn về các entry hay nhưng lại không bao giờ ghi lại địa chỉ blog đó để người đọc có thể đọc thêm các entry khác một cách chính thống. Họ ngại rằng sau khi viết một vài entry để trên mặt báo chính thống có thể giới thiệu đến một blog mà blog này chưa rõ rằng tình trạng các entry trong quá khứ hoặc tương lai đã và sẽ như thế nào. Đó là sự chính thống, nhưng việc tìm kiếm một vài từ khoá trong entry đặc biệt được lựa chọn đó thì dễ tìm ra được entry của người dự thi (hoặc dự sự lựa chọn).
Nói thế chứ với bạn thì hãy thoải mái lựa chọn một blog nào đó cho bước này đi - thử nghiệm mà, và cũng vì rằng bạn có thể thích đọc blog nào là do cảm nhận của bạn (^_^).
Nếu như bạn vô tình biết được một blog nào đó trên Blogger thông qua các máy tìm kiếm, bạn có thể đọc thêm vài entry khác nữa trước khi bắt đầu tiến hành lưu lại. Hãy chú ý đến phần nhãn (tag) để có thể biết được rằng thế mạnh (hoặc điểm chính) của blog đó là gì, có phù hợp hay không. Tôi giả sử bạn là một người chỉ nghĩ đến chơi bời, hưởng thụ bằng tiền của những người đã "biếu" cha mẹ họ thì khi gặp blog của tôi sẽ khó mà chấp nhận được (nhưng điều giả sử này lại không thực tế lắm, bởi vì những từ khoá tìm kiếm của những người đó lại không "lạc" vào blog này ^_^).
Việc truy cập này đơn thuần chỉ là vào trang chính của blog thôi đấy nhé, đừng bấm vào liên kết gì nhé, còn lại là những việc của các bước sau rồi.
Bước 2: Sửa đổi liên kết
Bây giờ bạn cần tìm đến một mục có liên kết các entry trong một năm ở bên lề (hoặc phía trên, phía dưới tuỳ sự thiết đặt) để mở nó theo một năm. Nhưng điều này chưa chắc đã thực hiện được bởi vì bạn tìm quanh quẩn mà chẳng thấy cái liên kết đó ở đâu cả - chắc là chủ nhân blog đã không thiết đặt để nó hiện diện ra rồi.
Vậy cũng chẳng khó, hãy nhận ra một blog của Blogger luôn có dạng địa chỉ sau: http://abcde123.blogspot.com trong đó abcde123 là ký tự nào đó tuỳ thuộc vào blog ấy. Bây giờ bạn chỉ việc copy dòng này: /search?updated-min=2008-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&updated-max=2009-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&max-results=100 để dán vào phía sau địa chỉ blog đó là được thôi (lưu ý rằng dấu "/" có khả năng sẽ xuất hiện hai lần, nếu nó là hai thì bỏ đi một nhé). Nó sẽ thành: http://abcde123.blogspot.com/search?updated-min=2008-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&updated-max=2009-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&max-results=100
Quan sát, phân tích các ký tự trong url trên tì bạn có thể nhận thấy các quy luật của nó để có thể phục vụ cho riêng mình. Chẳng hạn như bạn có thể nhìn thấy thời điểm giới hạn đầu tiên của năm (2008-01-01) và giới hạn thời điểm cuối cùng của năm đó (2009-01-01). Nhờ quy luật này mà bạn có thể sửa đổi chúng theo ý thích của mình: Chẳng hạn không những giới hạn trong một năm mà còn giới hạn trong vài năm chẳng hạn. Hoặc là giới hạn chỉ trong một giai đoạn nào đó của một năm, hoặc là không nhất thiết phải là từ đầu năm cho đến cuối năm...
Những sự giới hạn này có thể áp dụng linh hoạt đối với các blog khác nhau chứ không riêng gì với một blog cụ thể nào. Chẳng hạn bạn nhận thấy một blogger có thể gặp các vấn đề tâm lý trong giai đoạn nào đó để xem ảnh hưởng của tâm lý đến việc viết các entry như thế nào (hơi tò mò phải không, nhưng điều đó cũng giúp bạn có thêm những bài học cho chính mình - chẳng hạn như thất tình thì không nên viết blog chẳng hạn, vì nhìn cái gì nó cũng ra đen tối âm u hết ^^). Hoặc chẳng hạn các tin tức, diễn biến các entry, diễn biến tâm lý, nhận thức nội dung... trong một giai đoạn nào đó liên quan đến tình hình gì đó (kinh tế, chính trị, xã hội) v..v..
Rồi bạn có thể sửa lại chữ số có ba con số cuối cùng là 100 thành một số nào tuỳ thích lớn hơn nữa để có thể chứa đầy đủ số lượng entry trong năm đó trên blog. Tôi gợi ý bạn hãy thử với một số lớn: 200 chẳng hạn - bởi vì cho dù bạn chon 200 với một blog có 2 entry thôi thì nó cũng chỉ hiển thị như vậy: 2 entry.
Nhưng có vẻ như vị trí để thay đổi 100 thành 200 thì bị khuất vì liên kết quá dài? Không sao, bạn bấm chuột lên vị trí bất kỳ của phần địa chỉ hiển thị, bấm phím End trên bàn phím thì con trỏ chuột lúc này sẽ nhấp nháy ở vị trí cuối cùng của thanh địa chỉ, ở đây bạn xoá ngược lại bằng phím Backspace để thay con số bạn chọn vào đó.
Xin vui lòng chờ đợi bước này hoàn thành hẳn thì mới tiếp tục thực hiện bước sau - có nghĩa rằng bạn nên chờ đợi trình duyệt có thể nạp toàn bộ các nội dung (bao gồm các dạng text, hình ảnh hoặc các phần tử khác nếu có) để hiển thị đầy đủ trên trình duyệt web của bạn. Sau khi thực hiện hoàn thành bước một thì bạn có thể thực hiện tiếp các bước tiếp theo một cách dễ dàng hơn.
Bước 3: Ghi lại
Khoan đã, đừng ghi ngay, hãy thử chờ đợi trình duyệt tải toàn bộ nội dung trước khi ghi. Điều này có thể giúp bạn sơ bộ biết được bạn có nên ghi lại hay không.
Trong phần File thả xuống, bạn chọn "Save Page As..". Có lẽ rằng lựa chọn này đã quen thuộc với nhiều người sử dụng máy tính văn phòng, nó là bạn mở một tập tin văn bản (hoặc dạng tập tin khác) rồi lại muốn chỉnh sửa để thành một tập tin khác mà không muốn làm thay đổi đi nội dung của tập tin ban đầu.
Ở Firefox thì trong trường hợp này cũng chỉ có duy nhất một lựa chọn "Save Page As..." mà thôi, bởi vì bạn không thể tìm được nút Save khi mà Firefox thì đang duyệt trang blog này trực tiếp trên Internet. Nếu bạn không tìm thất nút trên thì có thể bấm tổ hợp phím "Ctrl"+"S" để thực hiện nhanh hơn.
Sau khi chọn Save as thì bạn sẽ thấy một khung hình sau mở ra, đó chính là lựa chọn vị trí mà bạn muốn lưu lại blog (tức là các phân vùng, thư mục nào đó).
Đặt tên cho một tập tin cũng là một ... bí quyết (hay nói văn một chút thì "là một...nghệ thuật"). Nếu như bạn có nhiều tập tin dạng cùng một dạng, nhưng lại có thời điểm khác nhau sẽ thay đổi thì tôi lại mách bạn một bí quyết nhỏ sau đây nếu bạn chưa biết chúng.
Tên tập tin (file) tốt nhất là cùng chứa vào đó một dấu hiệu nhận biết về thời gian. Ví dụ như cách đặt tên như hình minh hoạ của tôi: 7xnoigi_2008-08-20-2040+7 sẽ bao gồm cac phần sau theo quy ước của tôi:
- 7xnoigi: Tóm tắt nội dung dễ nhớ, viết như thế này tôi biết ngay đó là blog 7x nói gì. Nếu như sau này tôi ghi lại các blog khác thì tôi cũng đặt một cái tên như vậy.
- _: phân tách nội dung và thời gian.
- 2008-08-20: ngày xuất phát của tập tin.
- 2040+7: có ý nghĩa về thời gian: Tức vào lúc 20h40' GMT+7.
Cách đặt tên này phụ thuộc vào tuỳ từng sự sao lưu và mức độ quan trọng khi ảnh hưởng theo thời gian. Nếu như mỗi ngày sao lưu một lần blog và ít có sự thay đổi thì có thể bỏ phần giờ đi cũng chẳng sao.
Mục đích của việc đặt tên như vậy nhằm giúp cho bạn có thể tìm thấy chúng một cách nhanh nhất sau này. Bạn có thể nói rằng chọn xem thuộc tính của tập tin cũng có thể biết được ngày giờ tạo ra nó? Đúng là làm như vậy được, nhưng mất thời gian hơn nhiều so với cách này. Cách đặt tên này cũng được sử dụng nhiều trong các cơ sở dữ liệu của các phần mềm nhằm nhận dạng chúng một cách thuận tiện nhất.
Tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng mà có cách đặt tên khác nhau theo tóm tắt trước hay thời gian trước. Tôi ví dụ như đối với các dạng tập tin quan trọng, mang tính thời sự và thay đổi hàng ngày thì nên đặt thời gian trước, nội dung sau. Trong ví dụ như thế này thì tên tập tin sẽ là: 2008-08-20-2040+7_7xnoigi chẳng hạn.
Cách đặt cũng còn phụ thuộc vào sự tự quy ước ở mỗi người, ví dụ như có thể tối ưu hơn thành 0808202040, chuỗi này cũng hoàn toàn đủ ý và ngắn gọn (tôi cũng thích thế, tuy nhiên về mặt truyền đạt thì chúng không được trong sáng cho lắm, giống như việc đào tạo một phần mềm lập trình lần đầu tiên cho học sinh, sinh viên thì người ta luôn chọn Turbo Pascal (mà hiếm thấy sau này họ sử dụng nó) bởi sự trong sáng của nó trong tư duy lập trình bước đầu là như vậy).
Mất thời gian vào cái đặt tên này nhỉ, thôi tôi tiếp tục này...
Sau khi đặt tên tập tin ghi lại ở mục File name, bạn chọn kiểu dạng tập tin lưu lại ở phần "Save as type", hãy chọn kiểu "Web Page, complete" như hình minh hoạ trên. Sau đó bấm vào nút Save
Quá trình ghi lại blog có thể không thành công nếu như trong một giai đoạn nào đó trình duyệt thông báo lại rằng "Không thể ghi lại được website này" (hoặc các thông báo nào đó tương tự như vậy). Bạn hãy kiểm tra lý do mà xuất phát ra thông báo như vậy.
Nếu như có liên quan đến các java script trên blog đó thì bạn có thể thực hiện lại quá trình ghi lại từ bước 2 nhưng với thiết lập lại chế độ bảo mật của trình duyệt web ở mức cao hơn (an toàn hơn).
Nếu như liên quan tới một số hình ảnh trên blog không thể hiển thị được ngay cả trong quá trình hiển thị blog thì bạn cũng nên thực hiện lại từ bước 2 - nhưng hãy chờ trình duyệt tải toàn bộ nội dung thành công rồi mới tiếp tục quá trình ghi lại. Điều này có nghĩa rằng chờ đợi trạng thái đọc blog không còn thông báo tình trạng đang tải. Lúc này các hình ảnh hầu như đã được lưu lại ở cache của trình duyệt web nên quá trình ghi lại sẽ đảm bảo sự thành công tốt hơn.
Ở một số blog mặc dù viết trên nền tảng Blogger, nhưng chúng lại có các cách hiển thị nội dung dạng khác nhau (Ví dụ sử dụng các Flash) thì có thể quá trình ghi lại cũng khó thành công. Lúc này bạn có thể tìm các cách ghi khác thông qua các add-on của trình duyệt hoặc các phần mềm download. Với những blog này thì người bình thường (theo mục tiêu mong muốn của entry này) có thể khó thực hiện được.
Ghi xong rồi, vậy xem dung lượng của nó là bao nhiêu đây. Tôi tìm đến thư mục chứa tập tin được lựa chọn ngay ở phía trên thì thấy rằng kết quả của sự ghi lại blog đã bao gồm một tập tin và một thư mục. Để tìm hiểu tổng dung lượng là bao nhiều thì bạn có thể làm theo các bước theo hình minh hoạ sau:
Và kết quả nó như thế nào? Tôi nhận thấy chúng có dung lượng khoảng 12,8 MB. Thật ngạc nhiên, tưởng chừng hơn 90 entry nó nhiều lắm nhưng mà hoá ra vẫn còn bé. Thế cũng tốt, càng thuận tiện cho quá trình lưu trữ.
Bạn có thấy ở nền của thư mục này có thấp thoáng các tập tin nào đó có cái tên wordpress.2008-MM-DD không? đó là các tập tin được tôi trích xuất lưu lại nội dung blog 1 của tôi. Sự sao lưu này là luôn cần thiết để đề phòng các rủi ro có thể xảy ra (máy chủ đột nhiên hỏng các ổ cứng, đột nhiên bị hack, đột nhiên bị gì đó mất hết...hay như đột nhiên cảm thấy cung cấp dịch vụ không có lãi nữa thì bỏ rơi, ngừng cung cấp, nhà cung cấp vào giai đoạn phá sản...vv..).
Trên cùng một nền tảng Wordpress nên những tập tin được trích xuất này có thể được nhập vào blog trên wordpress.com của tôi một cách rất thuận tiện, tuy nhiên do tốc độ truy cập vào wordpress từ Việt Nam thường chậm (thậm chí một số blog còn không thể truy cập được trong một số thời điểm) nên tôi đã không lựa chọn chúng cho mình.
Wordpress có cơ chế xuất blog và nhập blog, tôi đã xuất các tập tin lưu trữ dạng *.xml của blog http://minhlinh36.sky.vn rồi nhập vào blog http://minhlinh36.wordpress.com một cách rất đơn giản: toàn bộ các entry, comment, tag đều được chuyển sang hết.
Bước 4: Kiểm tra lại tập tin đã ghi được
Rồi, bây giờ mở nó ra xem thế nào đây.
Lúc đầu bấm một cái là nó ra luôn một trình soạn thảo web!, chờ một lúc nó mới nạp xong (cái này là do tôi tự liên kết các tập tin với phần mềm đó chứ không phải với các trình duyệt web).
Lần thứ hai chọn mở tập tin đó với Firefox thì nó hiển thị nội dung tập tin trên một cửa sổ trình duyệt giống như hình hiển thị ở ngay phía trên.
Nghe chừng không ổn lắm khi nhìn dòng đầu tiên nó đã lỗi. Một mặt khác thì chính sự lưu lại blog dưới dạng một tập *.htm và một thư mục chứa các ảnh của nó đã khiến tôi không thích thú cho lắm bởi vì chúng sẽ tạo ra nhiều thư mục làm rối mắt và khó khăn cho sự phân loại đối với việc quản lý nội dung với các thư mục.
Bước 5: Không ổn rồi, tìm cách ghi lại khác thôi
Thế thì không ổn lắm, tìm một cách khác để ghi lại blog thôi. Tôi đã nghĩ đến Internet Explorer 7 để thử xem nó có được tốt hơn hay không. Phần trình bày ở phía trên cũng có vẻ sơ sài, nên nhân tiện việc viết lại lần này thì tôi có thể hướng dẫn kỹ hơn một chút nữa về cách ghi lại blog và hiệu quả của nó.
Mở ngoặc một chút về việc sử dụng hai trình duyệt đồng thời. Tôi thấy nó có nhiều mặt lợi hại khác nhau như thế này: Soạn thảo hoặc đăng nhập trên một trình duyệt thôi (Firefox - với sự quản lý mật khẩu chung của trình duyệt này) và mở xem thành quả bằng cả hai trình duyệt xem sự hiển thị thế nào đối với các trình duyệt web khác nhau. Đa số người viết blog đều không biết hoặc không để ý rằng blog của họ hiển thị trên các trình duyệt khác nhau như thế nào, trên các màn hình có độ phân giải khác nhau thì ra sao. Vậy thì đây cũng là một cách mà tôi nhắc mọi người nên chú ý đến chúng.
IE7 trước đây chỉ có thể cài đặt trên các máy tính cài hệ điều hành Windows XP có bản quyền, cơ chế xác thực sẽ ngăn chặn hành động cài đặt nếu như tiến trình nhận ra rằng hệ điều hành đó không có bản quyền sử dụng chính thức. Sau này thì IE7 được mở cửa cho tất cả các hệ điều hành Windows XP bản SP2 mà không cần đến sự xác thực bản quyền hệ điều hành nữa, điều này có nghĩa rằng nếu bạn dùng một phiên bản Windows không có bản quyền thì vẫn có thể cài đặt được IE7.
Để tải về IE7, bạn có thể truy cập vào trang download IE (Get Internet Explorer 7) của Microsoft để có thể tải về cài đặt trên hệ điều hành của mình nhằm giúp bảo mật hơn. (Tuy tôi rất muốn khuyên bạn dùng Firefox, nhưng nếu quả là bạn chưa hứng thú về nó thì vì sự bảo mật tốt hơn cho bạn, tôi đành khuyên bạn dùng cả IE7 nữa mà thôi)
Ở Internet Explorer thì cũng tương tự như là Firefox (thực ra thì IE ra đời và được sử dụng nhiều hơn, nói ngược lại mới đúng ^_^). Bạn cũng vào File, thả xuống Save as... thế là xong rồi, lại đến phần lựa chọn thư mục, tên tập tin cần lưu, thế là xong thôi.
Nhưng tôi vẫn muốn lưu ý lại một đôi chút về thông số lựa chọn lưu lại bởi vì ở đây đang là IE chứ không phải là Firefox, chúng vẫn có sự khác nhau đấy:
Thông số lựa chọn như sau (lưu ý rằng những điều này có thể chỉ đúng với IE7 bởi tôi đang dùng nó, còn các phiên bản cũ hơn thì chưa rõ thế nào, có chính xác đúng như hình minh hoạ hay không):
- File name: Như ở phần nói về Firefox đã nói rồi.
- Save as type: Kiểu tập tin: Web Archive *.mht: Bởi dạng này chỉ tạo ra một file duy nhất nên rất dễ quản lý. Thực ra thì tôi không rõ về mặt ưu và nhược của định dạng này lắm nếu nhìn trên quan điểm của những người thành thạo về lập trình web như thế nào, nhưng tôi thấy thích chỉ đơn giản là tập tin gọn lại nên rất dễ quản lý chúng trong các thư mục.
- Encoding: Lựa chọn là Unicode (UTF-8) là an toàn nhất. Nhưng đối với các blog chỉ viết bằng tiếng Anh hoặc thứ tiếng gì đó không có dấu, mũ thì bạn không cần phải chọn Unicode, mà nó cứ hiện sẵn cái gì thì ghi lại với kiểu đó.
Xong rồi, bấm vào nút Save thôi.
Bạn có nhận thấy hình bên trái này có gì đó mâu thuẫn không nhỉ? Địa chỉ blog mà tôi lấy làm minh hoạ là http://minhlinh... cơ mà, sao lại thấy http://gizmodo.. gì đó ở đây? có bị lừa sang một site mã độc hại nào không đấy? Không đâu, có lẽ rằng một hình ảnh nào đó mà tôi sử dụng trên blog đã nằm tại địa chỉ trên, do đó thì việc chúng kết nối với site đó là không đáng lạ nếu biết được điều đó.
Một thủ thuật đơn giản khác là bạn có thể sử dụng các hình ảnh ở các máy chủ khác nhau trên Internet cho các entry của mình. Khi duyệt web thì phần tải nội dung text thì rất nhanh, nhưng chậm hơn là việc tải các hình ảnh. Sự lưu trữ ảnh ở các nơi khác nhau khiến cho trình duyệt web của máy tính duyệt blog sẽ đồng thời kết nối với các máy chủ khác nhau để tải ảnh về cho việc hiển thị.
Tuy nhiên việc chứa nhiều hình ảnh ở các máy chủ khác nhau có thể dẫn đến tình trạng một entry có lúc thiếu một vài hình ảnh nào đó do sự kết nối chậm hoặc sự đáp ứng truy cập hình ảnh trên một máy chủ nào đó là không thực hiện được. Những điều này có thể khiến cho quá trình lưu lại blog bị kéo dài thời gian hơn bình thường, do đó bạn nên lựa chọn những nơi cho phép lưu trữ hình ảnh một cách chuyên nghiệp: Ví dụ như Picasa, Flickr và Photobucket
Và...bây giờ thì quá trình ghi lại đã hoàn tất, (không biết đối với bạn thì mất bao nhiêu lâu, nhưng nó đã khác nhau theo từng ISP, thời điểm...tình trạng lưu cache của trình duyệt đối với blog ... đối với tôi thì quá trình này với blog của mình mất khoảng hai phút)
Lại làm như trên, bây giờ thì xem rằng dung lượng của tập tin mới này được tạo ra bởi IE có khác gì so với hệ thống được tạo bởi Firefox không nào. À, tôi thấy dung lượng được tăng lên đáng kể, nhưng không sao, bởi vì ngày nay các thiết bị lưu trữ dữ liệu đã có dung lượng rất lớn rồi.
Tập tin duy nhất đó được mở bằng chính IE đã khá ổn, tôi chỉ hơi khó chịu khi thấy nó cảnh báo một dòng bằng tiếng Anh khó hiểu hiển thị ở phía đầu trang web thôi. Có vẻ như dòng chữ này nói rằng để bảo mật cho bạn thì IE đã ngăn chặn sự hoạt động của script và ActiveX có thể gây hại cho máy tính của bạn (chả rõ có đúng không, đoán mò vậy thôi). Nhưng thông báo này thì không đáng ngại, mà ngược lại thì bạn có thể vui mừng rằng các loại mã độc hại đã bị ngăn chặn lại nếu chúng được vô tình (hay cố ý) nhúng vào các blog mà bạn đã tải nội dung về.
Lưu ý: Sau khi ghi lại tập tin, muốn mở lại thì có hai trường hợp có thể xảy ra như sau:
- Mở tập tin khi máy tính vẫn kết nối Internet: Tập tin mặc dù ở chế độ offline nhưng vẫn có thể có kết nối đến Internet. Một số blog có thể sử dụng các java script hoặc các mối liên hệ đến các máy chủ.
- Khi mở tập tin ở chế độ offline - có nghĩa là máy tính của bạn hoàn toàn không kết nối với Internet thì bạn có thể lựa chọn chế độ offline trên trình duyệt để có thể hạn chế sự kết nối vô tình có thể xảy ra (ví dụ bạn bấm vào một liên kết nào đó) khiến cho trình duyệt mở trang mới (nhưng lại không kết nối được) nên có thể trang trình duyệt trở thành một trang không có nội dung). Cách chuyển chế độ trình duyệt thành Offline: Vào File (phía trên, bên trái của trình duyệt), rồi lựa chọn vào ô Work Offline. Lưu ý rằng sau khi kết nối Internet trở lại thì bạn cũng cần chọn lại mục Work Offline một lần nữa để bỏ qua chế độ này (nếu không thì bạn có thể không duyệt được các website khi online trở lại).
Bước 6: Tìm blog khác để ghi lại
Bước này thì hoàn toàn không có gì đáng giới thiệu thêm, bởi vì bạn có thể tìm thấy cá blog khác trên nền Blogger, và nếu thấy hay thì lưu lại để có thể đọc về sau này. Đó chính là nội dung của bước 6 này, và nó thật đơn giản (một thủ thuật đơn giản là bạn có thể đến được các blog khác bằng cách xem thông tin cá nhân, sau đó tìm các chủ nhân có cùng sở thích để thấy các blog của họ).
Bây giờ thì bạn đã biết cách ghi lại một blog trên Blogger rồi, vậy thì các blog khác trên nền tảng Blogger thì có làm được không khi mà người ta sử dụng các domain khác, định dạng khác đi?
Tôi nghĩ là vẫn có khả năng thực hiện được nếu như các blog đó vẫn sử dụng các giao diện được thiết kế sẵn. Nhưng đối với các đã cá nhân hoá giao diện lại (như ví dụ mà tôi trình bày ngay dưới đây) thì vẫn có thể thực hiện được bởi vì nền tảng Blogger sẽ có những thứ chung nhất định nào đó. Nếu không ghi được các entry một cách đầy đủ nội dung như blog của tôi thì ít nhất cũng ghi lại được phần giới thiệu/tóm tắt để rồi từ đó có thể lựa chọn cho mình các entry phù hợp để đọc. Tôi thấy Blogger giới hạn số bài viết mới trong RSS chỉ là 25 entry, do đó phương thức này sẽ thuận tiện hơn so với phương thức lựa chọn các entry phù hợp thông qua các công cụ quản lý RSS nào đó.
Xin tiếp tục bằng một mục cụ thể như sau:
Đầu tiên là tôi thử với một blog mà tôi đã từng nhắc tới trên một entry khác ở blog này - đó là blogger Phan Minh Hiền Trang. Tôi biết rằng địa chỉ của blog này là: http://trangchiasenhatky.moohay.com, và bây giờ thì qua một số dấu hiện khác nữa mà tôi nhận ra rằng blog được sử dụng trên nền Blogger.
Để nhận biết được blogger PMHT sử dụng nền tảng Blogger thì tôi dựa vào các thông tin như sau:
- Link của entry có vẻ giống như tạo bởi Blogger. (tức là có dạng: phần domain+/2008/08/+tên rút gọn của tiêu đề entry)
- Khi thực hiện lệnh ping với "ping trangchiasenhatky.moohay.com" tôi nhận được thông tin về IP là: 72.14.235.121, tra cứu thì IP này của Google. (tại thời điểm ngày 21/8/2008).
Bạn có thể thử lại ở Windows bằng cách: Chọn Vào Start > Run > gõ lệnh cmd chọn OK (hoặc bấm Enter), trong khung ô màu đen đen này thì bạn thấy con trỏ nhấp nháy ở đâu thì gõ lệnh ping trangchiasenhatky.moonhay.com rồi bấm enter, nếu bạn kết nối được với Internet thì chắc rằng có một 3 dòng hiển thị ra, cứ thấy cái số nào chấm rồi đến số nào đó như kiểu 72.14.235.121 đã nói trên thì đó là IP. Bạn có thể ping với các site khác nữa. Được IP rồi thì bạn vào trang này http://samspade.org/whois và điền địa chỉ IP vào cái ô trong đó, bấm Whois thì bạn sẽ được thông tin liên quan đến IP đó.
Chính vì vậy mà tự tin để thử nghiệm trong thời điểm hiện tại (tháng 8/2008). Lưu ý rằng có thể sau này blogger PMHT sử dụng blog riêng thì điều này không đúng nữa.
Qua đây bạn có thể nhận ra điều gì không? Bạn có thể lập một website, blog thông qua nền tảng của Blogger, sử dụng máy chủ của Google một cách miễn phí mà không có một điều gì dính dáng tới Google. Blog không có thanh trạng thái của Blogger khiến bạn khó chịu. (Nhưng bạn nên ghi rõ rằng sử dụng nền tảng Blogger thì lịch sự hơn - ai lại vô ơn đến vậy nhỉ)
Vậy là tôi tự tin tiến hành hành thử áp dụng thủ thuật này với blog nói trên.
Cũng là theo các bước, tôi ghép lại địa chỉ của blog PMHT với phần đuôi của url phía trên (như tôi đã trình bày) với tham số bao nhiêu entry được lấy là 100 sẽ được một liên kết như thế này (phần màu đen là địa chỉ của blog nguyên bản, phần màu xanh phía sau là url ghép vào)
http://trangchiasenhatky.moohay.com/search?updated-min=2008-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&updated-max=2009-01-01T00%3A00%3A00%2B07%3A00&max-results=100
Ôi giời! blog này nhiều entry quá nên phải chờ một lúc thì trình duyệt mới có thể hoàn thành việc tải về toàn bộ các entry trong năm 2008.
Và bây giờ thì tôi nhận thấy có một điều khác với blog của mình: Blog này đã không hiển thị hoàn toàn đầy đủ các entry, nếu muốn đọc thì phải bấm thêm vào một liên kết nữa và như thế thì tôi nhận thấy rằng đó là một sự hợp lý hơn đối với các blog muốn giới thiệu một phần nội dung nào đó trước, rồi người đọc lựa chọn các entry mong muốn đọc thực sự để mở entry đó ra bằng liên kết cung cấp - Nó cụ thể ở đây là nút "Read More..." (đọc tiếp). Đây là phần lý giải đối với thủ thuật này thôi, còn sự cung cấp thông tin thì với riêng blogger này tôi sẽ nói ở vài dòng phía dưới.
(lưu ý rằng trong hình minh hoạ này thì nội dung, hình thức có thể đã bị thay đổi khi bạn kiểm chứng)
Nếu chẳng may vì các lý do nào đó mà sự truy cập trực tiếp đến các blog có tên chung kiểu như có gắn một phần .blogspot.com vào phía sau như blog của tôi bị khó truy cập ở một vài ISP nào đó? Khi ấy tôi bắt buộc phải sử dụng tên miền riêng, và nếu vẫn giữ thiết đặt như thế này thì việc áp dụng thủ thuật này sẽ không giống như blog đang dẫn làm ví dụ ở trên. Có nghĩa rằng chúng vẫn sử dụng được với một số blog có thiết đặt giống như nguyên bản.
Có một vài phương thức khác cũng có thể cho phép hiển thị hàng loạt entry trên một trang duy nhất, ví dụ như hình thức "tìm kiếm blog" trên Blogger. Chẳng hạn bạn có thể tìm một từ ngắn ngắn như "và" (mà chắc rằng thường xuyên sử dụng trên các entry), khi đó thì kết quả tìm kiếm cũng sẽ liệt kê ra hàng loạt entry sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Ngoài từ khoá "và", bạn có thể tự phát hiện ra nhiều từ khoá khác (có thể là sử dụng nhiều, có thể là sự giới hạn lại nội dung mong muốn), hoặc là có thể tìm thấy quy luật của từng chữ trong một url để có thể phục vụ mục đích của mình.
Bước 7: Có thấy áy náy gì với thủ thuật này không nhỉ?
Mặc dù với mục đích ban đầu rằng mong muốn sao lưu lại toàn bộ các entry thành một tập tin để đề phòng các rủi ro có thể xảy ra - ngay cả với một nhà cung cấp dịch vụ blog được coi là uy tín (bởi vì tôi tiếc công sức soạn ra những entry này lắm, giả sử tôi đi copy nội dung cho các entry thì cũng có thể sẵn sàng không tiếc - ví dụ như blog 1 của tôi nếu có rủi ro mất dữ liệu, mất kiểm soát...), nhưng tôi vẫn e ngại rằng một số người nghĩ thủ thuật này làm hại đến blog của họ, vậy tôi phải bày tỏ thêm một số quan điểm nữa giống như là triết lý về cái sự viết blog như thế này...
Bạn nghĩ gì về thủ thuật này? Nếu bạn áp dụng nó cho blog này thì có gây cho tôi thất vọng không nhỉ? Chắc là cũng thất vọng chứ(?), khi mà bạn không truy cập vào blog của tôi mà lại đọc các nội dung trên một tập tin trên máy tính của mình. Nhưng không phải, nó không làm tôi thất vọng. Có nghĩa rằng khi nhìn nhận thủ thuật này như một số người viết blog bình thường khác thì đúng - nhưng đối với tôi thì (tôi tự cho rằng) không đúng.
Có vẻ áp dụng thủ thuật này thì số page view tăng lên nhanh chóng? Không phải. Google Analytics đã chỉ đếm page view theo đường link, bởi vì mã nhúng vào chỉ đặt tại mỗi cuối của trang hiển thị, do đó dù trang đó có hiển thị bao nhiêu entry thì nó chỉ đếm là 01 page view mà thôi.
Vậy thì có lợi gì? Chỉ thấy hại thôi! Nếu bạn ngại như vậy thì có nhiều cách có thể chống lại thủ thuật này, nhưng mà tôi thì...không nói ra :) nếu bạn muốn, bạn có thể tự tìm được cách. Nhưng...có bao giờ bạn tự hỏi rằng "mình viết blog để làm gì?": Nổi tiếng hoặc có nhiều lượt truy cập? nhật ký cá nhân nhưng lại muốn người khác phải nghe theo mình? kiếm tiền? ... đưa kiến thức đến mọi người? cổ động cho sự học tập và những điều tốt đẹp khác? Đối với tôi thì đã lựa chọn hai lý do cuối cùng, và nếu ở đâu đó tôi có tự quảng cáo cho mình cũng nhằm thực hiện hai mục đích đó mà thôi. Do đó tôi đã viết entry này mà không e ngại sự tạo ra bất lợi cho tôi.
Vậy thì việc giúp mọi người đọc được các entry một cách thuận tiện, dễ dàng hơn thì có gì là hại? Cũng có đấy - tôi không rõ rằng sự thống kê của Google Analytics có đếm các entry như thế nào để có thể điều chỉnh hoặc lưu ý hơn với các entry được quan tâm nhiều để cập nhật chúng thường xuyên.
Còn thủ thuật này áp dụng đối với các blog chỉ hiển thị phần trích dẫn thì chúng còn giúp cho người đọc có thể lựa chọn các entry phù hợp hơn cho mình (như đã nói ở phần ví dụ minh hoạ khi áp dụng ở blog của PMHT), sự phù hợp này là cần thiết bởi vì chúng ta thường nghĩ rằng một entry được viết ra là mọi người sẽ lao vào đọc, nhưng không phải như vậy, người đọc luôn lựa chọn cho mình các entry phù hợp với họ. Ở đây tôi cũng cần mở ngoặc thêm rằng blogger PMHT đã cho phép đọc đầy đủ nội dung các entry trong phần RSS của mình tại địa chỉ http://trangchiasenhatky.moohay.com/feeds/posts/default (ở thời điểm đến ngày 22/8/2008 thì hiển thị các entry một cách đầy đủ nội dung, chưa rõ sau này có thay đổi đi không nếu điều này là một sự vô tình, chưa hiểu sự hiển thị này). Thiết đặt này đã làm tôi không cần thiết phải đọc trên blog, mà đọc trong Google Reader, và điều này thì có thể rằng trong thời điểm hiện tại blogger này không coi trọng các thống kê đối với mình.
Vừa nhắc đến Google Analytics phải không nhỉ?, với một hình ảnh minh hoạ sự thống kê trên chiính blog này thì tôi phán đoán rằng khi mọi người sử dụng thủ thuật đã nói các thông số dưới đây sẽ thấp đi (thống kê ngày 20/8/2008)
Có sao đâu, như dòng trên hình minh hoạ tôi đã viết rằng: Cái lợi lớn nhất là bạn có thể đọc kỹ được các entry trên các blog vì không bị hạn chế bởi thời gian online. Nói điều này vì tôi thấy một số người đọc các entry một cách hời hợt, thoảng qua (hoặc thậm chí là chỉ nhìn những tiêu đề mà thôi) để rồi vội vã comment với phản đối những nội dung không có (?!). Như vậy thì mục đích đọc một entry để làm gì? - thà không đọc, không comment thì còn hơn. Bản thân tôi thì không coi trọng các comment ít giá trị (một vài dòng ngắn ngủi thể hiện rằng đã đọc nhiều hơn là tính xây dựng hoặc có các ý kiến trái chiều) có lẽ bởi vì tôi không phải là lứa tuổi còn thích ồn ào nên có thể nghĩ rằng đối với nhiều người khác cũng có ý nghĩ như vậy chăng?
Bước 8: Bây giờ có thể thoải mái đọc blog offline rồi
Và tôi hi vọng rằng thủ thuật này sẽ khiến bạn sưu tầm được nhiều blog hay hơn. Nếu bạn không có điều kiện thuê bao kết nối vào Internet thường xuyên thì bạn có thể sử dụng Internet ở một tụ điểm truy cập công cộng nào đó, rồi lưu lại, mang về nhà để đọc dần. Trước đây tôi cũng từng làm như thế - nhưng chỉ với các bài riêng lẻ, và chứa trên các đĩa mềm 1,38 MB mà thôi.
Việc lưu lại các blog trên máy tính còn giúp bạn tra cứu, tìm kiếm các thông tin mà chưa phải thực hiện ngay trong thời điểm hiện tại, có thể trong tương lai bạn sẽ cần thông tin nào đó khi có nhu cầu, lúc đó nếu như không kết nối với Internet thì chỉ cần sử dụng một phần mềm tìm kiếm trên máy tính nội bộ (chẳng hạn như Google DesktopSearch) là bạn có thể may mắn tìm được câu trả lời đã được lưu lại trước đó.
Bạn nên thực hiện việc lưu lại các blog trên nền Blogger trong khoảng thời gian một vài tuần một lần, khi đó chắc rằng chúng cũng đã xuất hiện các entry mới hoặc có những sự cập nhật, sửa chữa các entry cũ (đối với các blog hiển thị toàn bộ nội dung, đối với các blog chỉ hiển thị một phần tóm tắt thì nên sử dụng các RSS của nó theo một tiện ích quản lý online nào đó chẳng hạn như Google Reader mà tôi đã có dịp giới thiệu trên một entry ở blog này).
Chúc bạn luôn thành công hơn với con đường học tập, học hỏi để phục vụ cho chính bạn.
Tr Minh Linh (23/08/2008)