Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2008

Phỏng vấn: Người làm đường

Internet đã làm xoá nhoà ranh giới của những khoảng cách không gian và thời gian. Tôi đã đi như một người Di-gan lang thang đi khắp nơi tìm đất sống. Không gian vô định, thời gian cũng trở thành vô nghĩa với tuổi tác của những người mà tôi gặp trên con đường độc hành của mình. Đi, và rồi đi mãi, để càng nhận ra mình bé nhỏ trước đại dương mênh mông của thế giới Internet, và càng nhận ra mình đơn độc. Có thể chăng, mình đã không tìm thấy một người đồng hành ? Có thể ta càng đi một mình giữa con đường khuya thì lại càng cảm thấy mình cô đơn giữa mênh mông của trời đất đêm khuya ?

Con đường nào rồi cũng đến một bến đỗ - ấy là quy luật. Vậy mà chẳng có bến nào tôi muốn dừng lại, có thể chăng là tôi chưa tìm thấy bến đó phù hợp với mình chăng ? Tôi đã đến những nơi tưởng chừng như là bờ bến cho mình, nhưng khi nghỉ chân, chợt nhận ra rằng vẫn chưa thấy sự đồng cảm. Các nhân viên sân ga chỉ làm việc như một cỗ máy được lập trình sẵn, họ niềm nở chào khách, hướng dẫn khách, và cảm ơn khách, tạm biệt khách. Rồi một sân ga như thế, rồi nhiều sân ga như thế, để rồi vẫn mãi chưa tìm ra một sự đồng cảm với nơi nào cả.

Rồi một hành khách đã chờ một chuyến tàu để tiếp tục cuộc hành trình của mình, chờ mãi chờ mãi mà chuyến tàu đó chưa đến. Tôi vẫn biết, những chuyến tàu ấy thường đày ắp những hành khách, đầy đến nỗi chật chội, bức bối, khiến nó quá tải, ì ạch mãi mà không tới bến. Có ai thấu hiểu những cảm giác của những người chờ tàu tại bến, và cũng như một lẽ thường tình là họ muốn tìm cho mình một phương tiện thay thế. Cho dù họ rất thích đi tàu, nhưng mỗi chuyến thường nhật luôn luôn đến chậm thì không thể bám lấy một niềm yêu thích được ! Họ phải đi thôi - những hành khách đó.

Rồi hành khách cũng dần rời khỏi sân ga bơ vơ hưu quạnh ấy, rời bỏ những chiếc máy bán vé tự động, những hành khách trẻ tuổi hiếu động đã từng làm náo loạn sân ga mỗi khi có những chuyến tàu đến rồi đi...

Ảnh giao diện phần mềm AnyTime Online (ảnh sưu tầm không rõ nguồn gốc)
Bởi tôi không có một chiếc ru-bic để xoay trong thời gian ấy, tôi đã tự tìm thấy cho mình một phương tiện khác khi mà nó bị khuất lấp giữa vô vàn màu mè, ồn ã của tranh dành khách, của những mưu toan tầm thường.

Tôi đã gặp một hành khách cũng đang ngắm nghía phương tiện mà mình sắp đi:

- A, chào anh, một người hành khách ?

-Vâng, chào anh, nhưng tôi không đơn thuần là một người hành khách (cười) !

-Thế ư ? tôi vẫn chưa hiểu lắm ?

-Thế này, có phải anh đang đứng trên mặt đất ?

-Đúng ! (tôi khẳng định điều này một cách chân thật)

-Anh đang đứng, và một thời gian khác, anh sẽ đi ?

-Đúng, tôi đam mê những con đường vì chúng đã đưa tôi đi, tôi thích vẻ đẹp của thiên nhiên, tôi thích những vẻ hoang sơ, và thích cả những gì tôi nhìn thấy, dù nó bị con người can thiệp, đó là những toà cao ốc, chúng đẹp như trong ảo ảnh, dù chúng đã cướp đi sự hoang sơ mà tôi thích, và dù chúng đã làm đổi thay bản tính con người sống trong chúng.

-Còn tôi, tôi cũng đi trên con đường ấy, nhưng tôi lại thích tạo ra những con đường.

-Thế ư ? (Tôi thực sự ngạc nhiên)

- Vâng, tôi muốn đi trên con đường để thấy những sự tươi đẹp của cuộc sống. Nhưng tôi lại muốn tự mình tạo ra con đường của mình sẽ đi.

-Có nghĩa là anh trải thảm cho con đường của mình (Tôi cười) ?

-Không, anh hiểu sai ý tôi rồi. Tôi không trải thảm con đường đó, tôi làm ra một con đường, con đường ấy không theo một lối mòn quen thuộc của những người thường đã làm !

-Tôi vẫn chưa hiểu ?

-Thế này nhé: ví dụ anh ra nước ngoài anh thấy người ta làm đường cao tốc, anh về nước cũng làm đường cao tốc, có thể anh cải thiện đi hơn người ta: anh làm 16 làn, làm các cầu cạn....thế nhưng đó vẫn là đường cao tốc mà sẵn có một form nhất định rồi, anh chỉ việc làm, như một bàn ăn dọn sẵn để anh chỉ việc bê thức ăn đến và nhấc đũa (cười).

-Thế có nghĩa là sao ? Có nghĩa là anh không làm đường cao tốc nữa ? Anh cũng không làm đường sắt, đường thuỷ, đường không ? (thực sự tôi vẫn chưa hiểu lắm nên hỏi lại)

-Thế thì không phải, anh để ý đến những con đường. Chúng đều có những đặc điểm giống nhau nhất định nào đó như: chiều rộng, độ cao, tốc độ cho phép, và chúng đều là vật chất, nên phải tuân theo mọi định luật vật lý trên đó. Như vậy không thể làm được một con đường siêu tốc với tốc độ ánh sáng để đi được. Con đường của tôi cũng chỉ phụ thuộc vào vật chất, vậy nó tuân theo mọi chân lý của các định luật. Ví dụ thế này: gia tốc trọng trường ở Việt Nam ta khác với ở các nước khác chẳng hạn, thì con đường của tôi vẫn phải phụ thuộc mạnh vào cái đại lượng g đó, ta không thể tiến g đến 0 hoặc ra vô cùng. tất cả đều phụ thuộc vào g mà thôi (lại cười).

-À, g thì tôi biết, có thể thay đổi được nó mà !

-Đúng, thay đổi được nếu ta tiến lên phía Bắc hoặc lùi xuống phía Nam.

-Trở lại con đường, tôi không hiểu còn con đường nào khác ngoài những con đường tôi đã liệt kê trên ? (tôi vẫn không muốn rời xa vấn đề này nên hỏi thêm).

-(Cười) Anh có vẻ là người biết khai thác thông tin (lại cười)

-À, đâu có, tôi chỉ muốn tìm hiểu, bởi tôi thấy vấn đề này mới lạ quá !

-Thế này nhé. Lúc trước tôi đã nói rằng không thể rời xa những quy luật, nhưng cũng không phải là động đũa vào bàn ăn dọn sẵn....

-Ngắt lời chút, có bàn ăn nhưng cũng phải chế biến món ăn chứ, người đầu bếp đâu có phải ai cũng giỏi hết, các nhà hàng chẳng phải mời các đầu bếp kinh nghiệm, và biết chế tạo các món ăn ngon là gì, đâu phải cứ biết nấu là đầu bếp !

-À há, thôi, tôi công nhận như vậy với anh...

Câu chuyện đến đây ngắt quãng vì có một người mới đến. Người đối thoại với tôi quay sang xin phép và trao đổi với người kia những điều gì đó mà tôi chưa hiểu lắm về những thuật ngữ..chắc là của những người làm đường ! trong lúc đó, tôi tranh thủ thăm quan phương tiện mới này. Rồi nó rùng rùng chuyển động, hơi chậm, hơi xóc và chỗ ngồi chưa được đẹp cho lắm...

Nhìn lại, đã thấy người kia đi từ lúc nào, tôi quay sang hỏi:

-Ai đó ? Một hành khách à ?

-Không, đó là xã trưởng...(cười), trước là xã trưởng, bây giờ cũng là xã trưởng...

-À, tôi thấy quen lắm, quen lắm đó... để tôi nhớ xem... à, à...

-Bác í có vai trò chủ chốt với con đường này, và bản thiết kế con đường cũng là của bác í, bác í là...

Bác ấy theo lời người đối thoại với tôi là ai, và người đối thoại với tôi là ai, và người tháng tư là ai ? Có thể một số người có thể đã hiểu. Tôi phải tạm dừng cuộc trò chuyện, cũng như những điều tôi muốn nói tại đây, bởi vì đã đến giờ tôi phải đến nơi mà nhờ đó tôi tồn tại.

....

Chúng ta vẫn thường đi trên những con đường, chúng ta vẫn luôn luôn đòi hỏi con đường ấy phải thông thoáng, rộng rãi để có thể đi được nhanh. Muốn có hoa ở giữa đoạn phân làn để được thấy đẹp, muốn có đèn về đêm để sáng. Chúng ta chỉ biết đòi hỏi, để rồi được đi trên con đường ấy rồi, lại quên không nhớ tới những người làm đường, những người ngày đêm vất vả, mò mẫm để hoàn thành. Thực sự, có khi nào bạn đi trên một con đường to đẹp, bạn có nhớ tới những người làm đường ?

Tôi không có chuyên môn để làm những con đường ấy, nhưng có vẻ tôi là người hay đòi hỏi về những con đường tôi đi. Có lẽ, đó cũng là đòi hỏi của mọi người đi đường. Thế thì có điều gì khác đâu ? Không. Chẳng có điều gì khác ? Bình thường. Không khác.

Nhưng...hôm nay tôi đến, lặng lẽ trồng một cây xanh, cây xanh ấy sẽ lớn và toả mát cho người làm đường, và cho cả những người đi đường - những người mới đến, mới đi trên con đường còn gập ghềnh đá sỏi này.

Còn bạn ? Dù bạn là ai, dù bạn là người có trách nhiệm thế nào với một con đường, hay bạn là những người sẽ đến định cư sinh sống, hay thương mại qua những con đường, hoặc bạn chỉ là một người hành khách và rồi nhận ra con đường đó là nhà của mình như tôi ? Thì tôi mong muốn bạn trồng thêm những cây xanh mới. Một cây, hai cây..một ngàn cây như hiện tại đã có, và nhiều hơn nữa. Tôi sẽ nhớ đến bạn, và cả những người đi sau đó cũng vậy - Bởi mỗi cái cây đều được khắc tên người trồng lên nó....

Tr Minh Linh (2002)

Đây là một topic cũ của tôi với tên nguyên gốc là "Người làm đường - Nhân vật tháng Tư" trên mạng chia sẻ kiến thức (thử nghiệm) ATOL mà có dịp tôi đã nói một chút về nó. Cũng giải thích thêm một chút về ý nghĩa của topic này: Đây là nói đến sự phát triển một "sân chơi" cho những người sử dụng Internet có tên là ATOL sau khi Mạng Phương Nam không còn hoạt động nữa. Con đường ở đây là mạng ATOL, nhân vật ở đây là những người lập trình phát triển ATOL, còn một đoạn nói đến bác xã trưởng là anh Đặng Minh Tuấn (tác giả Vietkey) - là người điều hành, trưởng dự án ATOL. "Xã trưởng", "Tỳn" đều là biệt hiệu của anh Tuấn. Có thể vẫn còn các kết quả trên Internet khi tra cụm từ này bằng Google.

Đoạn nói về gia tốc trọng trường được hiểu rằng tốc độ của Internet tại thời điểm đó. Gia tốc trọng trường "g" là một đại lượng dùng để xác định trọng lượng, theo tính chất vật lý thì g thay đổi theo vĩ tuyến, có nghĩa rằng ở xích đạo và ở gần các cực của trái đất thì chúng có giá trị xa nhau. Nếu như hiện nay chúng ta đa số sử dụng các đường Internet tốc độ cao thì thời bấy giờ chủ yếu là kết nối Internet thông qua dail-up với tốc độ khoảng 56 Kbps. Anh Tuấn đã từng nghĩ sử dụng ATOL bằng cách quay số cố định để kết nối vào mạng ATOL giống như là chúng ta có một mạng Intranet riêng vậy.

Trong thời điểm viết đoạn trên thì ATOL đã tập hợp được khoảng 1.000 bài viết, tôi đã gọi chúng là các "cây xanh". Mỗi bài viết đóng góp trong giai đoạn thử nghiệm đều là nguồn động viên cho nhóm phát triển ATOL. Anh Tuấn là người giỏi, và cũng như nhiều người giỏi khác, có thể anh ghét sự hời hợt, giả dối nên cũng có thể anh không được lòng mọi cư dân thử nghiệm ATOL nói chung, do đó mục đích bài này ngoài phần lớn động viên những người viết phần mềm thì còn một phần cổ vũ cho sự viết bài trên ATOL.

Trong khi thử nghiệm thì tôi là người đã góp ý rất nhiều cho ATOL khiến cho những người viết phần mềm này có thể rất mệt mỏi khi phải sửa đổi chúng cho tốt hơn. Tôi thể hiện sự góp ý đó trong đoạn trên bằng sự "đòi hỏi ở con đường"...:D

Hồi đó mỗi tháng tôi có viết một topic kiểu phỏng vấn như thế này. Có lẽ rằng cách viết này là do sự ảnh hưởng của đọc một số báo có các đoạn phỏng vấn các nhân vật tưởng tượng. Cách thức viết phỏng vấn sẽ không dành cho một nhân vật nào cụ thể nhưng nó có thể đại diện cho một số người nhất định. Trên blog gần đây thì cách viết kiểu vay mượn ý tưởng này cũng đã được tôi sử dụng một lần trong entry "Phỏng vấn: 7X nói gì".

Nhưng tiếc rằng ATOL đã chưa bao giờ trở thành chính thức để nhân vật "Tôi" dừng lại đó làm bến đậu như những lời tự bạch trong cuộc phỏng vấn này. Những nhân vật "Người làm đường" của cuộc phỏng vấn thì lâu lâu rồi tôi cũng không trao đổi tin tức gì cho nhau nữa bởi tôi vốn không muốn hỏi thăm chỉ vì muốn giữ lại một sự liên lạc. Cái gì hiện tại thì trân trọng, cái gì qua đi thì cũng chỉ giữ lại như những kỷ niệm mà thôi.

Tr Minh Linh (2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!