Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2008

Thêm một bộ từ điển công nghệ trên nền Media Wiki

Cùng một xu thế chung của cộng đồng những người mong muốn chia sẻ kiến thức và sự phát triển tri thức viết bằng tiếng Việt, một nhóm các thành viên của dự án Wikipedia tiếng Việt đã tự ra mắt một bộ "từ điển công nghệ" với phương châm "mở" như đã từng thành công với bộ từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng bàn về bộ từ điển này.

Tác giả Tạ Xuân Quan viết trên báo Thanh Niên Online: "Đây là kết quả từ sự cộng tác của chính các độc giả khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các độc giả có kiến thức chuyên môn về các ngành công nghệ mà từ điển đề cập tới. Là dự án vì cộng đồng, phi lợi nhuận và thuộc dạng từ điển mở, bất kỳ ai cũng có quyền đóng góp kiến thức của mình để biên tập, sửa chữa, bổ sung,... một thuật ngữ, một khái niệm nào đó. Tuy nhiên để đảm bảo tính đúng đắn và khoa học thì các thông tin này đều phải qua kiểm duyệt, phân loại bởi đội ngũ quản lý"[1]. Tuy nhiên tác giả này cũng chưa nói rõ rằng "đội ngũ quản lý" hiện nay của bộ từ điển này có bao gồm những người có chuyên môn về từ điển hay không(?), làm việc được trả lương hay dựa trên tinh thần tựnguyện, hoặc như từ điển được một tổ chức nào hỗ trợ, chịu trách nhiệm về nội dung hay chỉ là sự đóng góp tự nguyện...Những điều này rất ảnh hưởng lớn đến sự hoạt động và phát triển của từ điển sau này.

Để tìm hiểu về bộ từ điển này, tác giả tự tìm đến theo địa chỉ đưa trong bài viết, và sơ bộ có các nhận xét, đánh giá như sau:

Định hướng về nội dung

"Từ điển công nghệ" có thể bao gồm hai hướng phát triển:

  • Bộ từ điển giải thích về các từ thuộc vào công nghệ.
  • Bộ từ điển nói về các vấn đề công nghệ mang tính "bách khoa" - có nghĩa nó giải thích rất rộng cho nghĩa ở một từ.

Tuy nhiên ở đây chưa có một giải thích cụ thể và rõ ràng nào về bộ từ điển này. Nếu chỉ để giải nghĩa từ thì khó có thể cạnh tranh đối với các bộ từ điển tra từ khác (ví dụ: Baamboo, Wiktionary...), còn nếu định phát triển thành một từ điển mang tính bách khoa trong mỗi mục từ thì những bài cụ thể hiện nay chưa nói lên điều đó.

Cho đến hiện nay, theo lời giới thiệu trên chính website thì "Từ điển công nghệ" là một cuốn từ điển tự do liệt kê các thuật ngữ thường được dùng trong các ngành công nghệ (trước mắt là công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông), là kết quả của sự cộng tác của chính các độc giả từ khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các độc giả có hoạt động chuyên môn hoặc có hiểu biết về các ngành công nghệ mà "Từ điển công nghệ" đề cập tới. Đây là một định hướng đúng khi giới hạn nội dung, nó tránh được nhiều sự phiền toái và tranh cãi, bất đồng xảy la liên miên giống như ở Wikipedia nói chung và Wikipedia tiếng Việt nói riêng về các vấn đề chính trị, tôn giáo và sắc tộc. Công nghệ luôn là điều mà mọi người cùng mong muốn hướng tới - không bị ràng buộc bởi các niềm tin chính trị hay tôn giáo của người tham gia.

Chưa có nhiều người tham gia

Cho đến 10h10 (GMT+7) ngày 13/4/2008 thì bộ từ điển này mới có 345 bài viết, 123 thành viên đã đăng ký tài khoản, trong số đó có 5 thành viên (chiếm 4,07% trên tổng số) là người quản lý [2]. Những sửa đổi bài viết cho thấy rằng vẫn chưa có nhiều thành viên tích cực tham gia sửa đổi tại bộ từ điển này (thậm chí khi tôi đăng ký thử thì là người đầu tiên viết vào ngày 13/4/2008)[3].

Một đặc điểm cần quan tâm là sự ổn định hoạt động, sự bền vững với thời gian, thì chưa tìm thấy một thông tin nào nói về những điều này. Các thành viên có thể sẽ không yên tâm khi mà tích cực đóng góp một thời gian rồi toàn bộ website bị đóng cửa bởi một lý do nào đó ban quản trị không còn tiếp tục hoạt động nữa. Nội dung bài viết và các công cụ làm việc

Đa số các bài hiện tại chỉ là một nội dung rất ngắn, hầu như chỉ là một định nghĩa chưa đầy đủ. Những bài kiểu này tại Wikipedia tiếng Việt được xếp vào loại "Chất lượng kém" và có thể bị xoá nhanh nếu thông tin quá hiển nhiên hoặc xoá sau 7 ngày nếu không được cải thiện. Tuy nhiên đối với bộ từ điển này thì có thể nó được ban quản lý chấp nhận vì trong giai đoạn đầu phát triển, hoặc định hướng của từ điển chỉ là giải thích từ một cách thông thường.

Những công cụ, tiêu bản phục vụ cho việc viết bài và để quản lý hiện nay vẫn chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Thật nguy hiểm nếu như một người phá hoại nào đó tạo ra hàng loạt bài với nội dung thô tục hoặc phá hoại, xoá bài mà chúng không được ngăn chặn hoặc xoá đi một cách kịp thời.

Điều đáng chú ý hơn là các hướng dẫn cách viết bài, cách trình bài trong bộ từ điển chưa được xây dựng. Mặc dù theo cách viết ở các dự án Wiki thường đơn giản hơn so với phải làm quen với các mã HTML, nhưng hầu như những người mới biết đến từ điển này lần đầu mà chưa làm quen với wiki thì sẽ rất khó khăn để trình bày một bài. Đây là những cản trở đầu tiên và dễ gây nản chí ở các thành viên mới đăng ký.

Các thông tin khác

  • Địa chỉ: http://tudiencongnghe.com
  • Địa chỉ server của bộ từ điển trực tuyến này được xác định là 208.113.24.95 được đặt tại Hoa Kỳ[4].
  • Bộ từ điển này không có liên kết đến các tập tin hình ảnh, âm thanh tại dùng chung tại Commons, muốn sử dụng hình ảnh trong bài thì các thành viên phải tự tải liên các hình ảnh đó.

Lời kết

Dù sao thì bất kỳ dự án nào cũng có điểm bắt đầu với những nội dung sơ sài, nhưng cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi giới thiệu rộng rãi ra cộng đồng. Việc giới thiệu hiện nay ra đông đảo người sử dụng trên một báo điện tử đã có uy tín như Tuổi Trẻ Online trong thời điểm này là hơi vội vàng.

Chú thích: - (1) Từ điển công nghệ trực tuyến, bài củaTạ Xuân Quan trên Thanh Niên Online, 17:29:54, 12/04/2008.

- (2) Đặc biệt: Thống kê - trên Từ điển công nghệ mở, số liệu tính đến 10h10 (GMT+7) ngày 13/4/2008.

- (3) Đặc biệt: Thay đổi gần đây- trên Từ điển công nghệ mở, số liệu tính đến 10h10 (GMT+7) ngày 13/4/2008.

- (4) Xác định thông tin về IP 208.113.24.95

Tr Minh Linh (13/4/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!