Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2008

Kiếm tiền nhờ blog trên thế giới và ở Việt Nam

TRÊN THẾ GIỚI

Một blogger với phòng ngủ cũng là phòng làm việcHơn hai tuần trước, Russell Shaw, một blogger 60 tuổi chuyên về công nghệ, gửi đến biên tập viên ở trang web ZDNet, nơi ông làm việc một email có nội dung: “Đã có ý tưởng cho bài viết. Bây giờ nghỉ một chút, sẽ viết bài tối nay hoặc ngày mai”. Nhưng ông đã không bao giờ tỉnh dậy để hoàn thành bài viết ấy. Russell Shaw đột tử không lâu sau khi gửi mail.

Trước đó bốn tháng, Marc Orchant, một blogger khác, chết vì nhồi máu cơ tim ở tuổi 50.

Blogger thứ ba, Om Malik, 41 tuổi, sống sót sau một cơn đau tim, nhưng từ nay có lẽ phải giã từ bàn phím. Những cái chết (hoặc chết hụt) của họ đều ít nhiều liên quan đến sự quá tải với blog.

Viết nhiều thì tiền nhiều

Ba cái tên kể trên là những nhân vật “lão làng” trong giới blog tại Mỹ. Theo báo New York Times, có hàng chục ngàn người Mỹ đang say sưa với nghề viết blog. Họ được gọi là người viết tin thời sự trên mạng. Họ “múa phím” trên hầu hết các mảng đề tài, từ thể thao, chính trị, kinh tế đến giải trí. Một số người viết cho vui, nhưng hàng ngàn người đang viết blog với tư cách là nhân viên của các trang web thông tin.

Thông thường, những blogger này được trả công theo từng bài viết, ít nhất là 10 USD một bài. Có blogger được trả tiền dựa trên lượng người đọc blog. Một số trang web như Gawker Media trả “lương cứng” cho blogger, sau đó thưởng thêm tùy theo chỉ số người truy cập, ví dụ thưởng nếu bài viết có trên 100.000 lượt người xem trong một tháng. Sau đó mục tiêu được nâng cao hơn, tương tự kiểu chia hoa hồng trong kinh doanh: càng viết nhiều, càng được nhiều tiền.

New York Times dẫn nguồn những người trong cuộc cho biết mức thu nhập khởi điểm của hầu hết blogger ở những trang web lớn là 30.000 USD/năm, cá biệt có người kiếm được đến 70.000 USD/năm. Một số ít “cánh chim không mỏi” có thể đạt thu nhập hơn sáu con số, và vài doanh nghiệp trẻ đã bắt đầu xây dựng những “tiểu quốc” của riêng mình trên mạng với doanh thu hàng trăm ngàn USD mỗi tháng.

Trả giá bằng sức khỏe

Chưa có nghiên cứu chính thức cho thấy tầm nguy hiểm của việc viết blog quá độ với sức khỏe, nhưng bạn bè và người thân của những blogger từng tử nạn tin rằng cái chết của họ không ít thì nhiều đều do lối làm việc quá tải gây ra. Russell Shaw tử vong tại một khách sạn ở San Jose, nơi ông đến để viết tin về một hội nghị khoa học kỹ thuật. Bạn gái của ông cho biết ông đã chịu áp lực rất lớn, dù đó là áp lực do chính ông tạo ra.

Điều đáng lo ngại là ngày càng nhiều blogger đang đi vào vết xe đổ của Russell Shaw. Nhiều người biến nhà riêng thành phòng làm việc, trang bị đầy đủ đồ nghề từ điện thoại đến máy tính nối mạng 24/24 và tự vắt kiệt sức mình do bị cuốn theo sự cạnh tranh khốc liệt của công việc.

Michael Arrington, người sáng lập và đồng biên tập TechCrunch (blog về công nghệ phổ biến tại Mỹ), là một nạn nhân của sự cạnh tranh trong thế giới blog. Anh đã biến nhà thành văn phòng làm việc cho mình và bốn nhân viên khác. Sau ba năm miệt mài với blog, Arrington tăng gần 14kg và bị rối loạn giấc ngủ trầm trọng. “Không lúc nào bạn không lo lắng có bị sót tin bài không, kể cả khi ngủ. Phải chi các blogger được nghỉ viết từ 20 giờ đến sáng hôm sau nhỉ? Nhưng chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra!” - anh than thở.

Cạnh tranh khốc liệt

Tốc độ là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Một phần ngàn giây đủ quyết định bài viết của ai lên mạng trước, kéo theo là lượt người đọc và phần chia quảng cáo. Vì thế, nhiều blogger thậm chí không dám đi ngủ vì sợ bị sót tin. Matt Buchanan, 22 tuổi, blogger cho Gizmodo, một trang web thông tin chuyên cập nhật tin tức về các sản phẩm điện tử mới, chỉ ngủ khoảng năm giờ mỗi ngày và ăn uống rất thất thường. Chàng cử nhân tốt nghiệp Đại học New York bồi bổ bằng cách pha viên bổ sung protein vào cà phê để uống. Nhiều lần không chế ngự nổi cơn buồn ngủ, anh gục ngay bên bàn phím.

Tình trạng ngủ quên bên bàn phím của nhân viên đã trở thành chuyện thường đối với Brian Lam, biên tập viên trang Gizmodo. “Nếu tôi không nghe động tĩnh gì từ cậu ấy, tôi sẽ nghĩ ngay: Matt lại lăn quay rồi! Chuyện đó xảy ra cũng đã 4-5 lần” - Brian Lam chia sẻ.

Làm quản lý với thu nhập cao hơn blogger, Brian cũng phải chịu nhiều áp lực hơn. Anh nổi tiếng là chuyên gia thức khuya tại văn phòng - nhà của mình ở San Francisco để tổ chức tin bài cho trang web. Brian nói nếu không nhờ kinh nghiệm làm vận động viên boxing trước đây thì anh cũng đã quị từ lâu dưới sức ép công việc hiện nay. Anh cũng rất lo lắng cho đội ngũ nhân viên blogger của mình, thường khuyến khích họ nghỉ ngơi, đi du lịch. Nhưng anh cũng thừa nhận các blogger chịu rất nhiều sức ép, không chỉ về tài chính mà còn về tiến độ công việc.

Theo Brian, chính sự tiến hóa của nền kinh tế “trả tiền cho từng cú nhấp chuột”, chứ không phải các tiêu chuẩn báo chí, đã tạo sức ép về lượng người đọc và doanh thu. Điều đó đã hút các blogger lao vào viết điên cuồng, bất chấp việc đánh đổi sức khỏe, thậm chí mạng sống của chính mình.

Xuất bản blog thành sách

Blog bookPenguin đã từng trở thành nhà xuất bản đầu tiên nhất gia nhập trào lưu nói trên với việc mua lại bản quyền xuất bản cuốn nhật ký trực tuyến “La Petite Anglaise” của Catherine Sanderson - một người bị sa thải chỉ vì viết blog. Vụ mua bán này đã trở thành một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất tại Hội chợ sách Frankfurt trong năm 2006.

“Chúng tôi đã xem xét mọi bài viết của Sanderson và nhận thấy rằng đó là những bài viết thực sự tốt,” Katy Follain – một chuyên gia của Penguin – cho biết. “Chính vì thế chúng tôi đã đi đến quyết định ký hợp đồng mua lại bản quyền blog của Samderson để xuất bản thành sách. Samderson Blog sẽ được xuất bản thành hai tập sách”.

Giá trị của bản hợp đồng giữa nhà xuất bản Penguin và Catherine Sanderson không được tiết lộ, nhưng các chuyên gia trong ngành dự đoán khoản tiền mà Penguin bỏ ra có thể lên tới 6 con số. Dự báo này đã gây không ít ngạc nhiên bởi chỉ có những tác giả có những cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất (best selling) mới được trả một khoản tiền như vậy. Dự kiến cuốn sách blog “La Petite Anglaise” sẽ chính thức có mặt trên thị trường vào mùa xuân năm 2008.

“Tôi không dám chắc về giá trị của bản hợp đồng giữa Penguin và Catherine Sanderson, nhưng chúng ta hãy thử giả dụ con số đó là 500.000 bảng Anh (khoảng 942.700 USD). Điều này đồng nghĩa với việc để thu về khoản đầu tư đã bỏ ra thì Penguin phải bán được ít nhất 1 triệu bản sách La Petite Anglaise” Richard Charkin - Chủ tịch điều hành của MacMillan Richard Charkin - nhận định trên chính blog của ông.

Ở VIỆT NAM

Đó là các cách kiếm tiền của các blogger trên thế giới, còn ở Việt Nam các blogger có thể kiếm tiền hoặc ít nhất là tìm cách mang lại lợi ích cho họ về mặt kinh tế được không?

Dự định của một nhà cung cấp

Hiện nay, các dịch vụ blog ở VN chưa có chế độ trả tiền cho blogger. Theo ông Vòng Thanh Cường, phụ trách sản phẩm mạng xã hội Yobạnbè, thì trong năm nay, Yobạnbè có thể sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể để tính nhuận bút cho các blogger. Theo đó, những blogger có các bài viết có giá trị, đem lại thông tin thiết thực và hữu ích cho cộng đồng sẽ được tính nhuận bút. Cách tính có thể dựa vào mức độ quan tâm của người đọc thông qua số lượng người truy cập (page view) hoặc các lời bình luận (comment) đối với các bài viết.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một dự định của nhà cung cấp đối với các blogger có khả năng, số còn lại khó có thể được trả tiền nhờ các bài viết chưa đạt tầm ngắm của nhà cung cấp dịch vụ. Viết blog dễ cho chính cá nhân đó nhưng cũng là khó nếu đạt được mức độ được đa phần công chúng chấp nhận. Chỉ có các blog thoả mãn rất nhiều yếu tố mới có thể đảm bảo được lựa chọn của các nhà cung cấp dịch vụ blog theo như ý định nói trên.

Ngẫu nhiên và tự định hướng

Một số blogger tự tìm lấy hướng đi của mình khi đã được một số báo giấy và báo điện tử chú ý, họ có thể nhận được các hợp đồng từ các báo này một cách vô tình. Một số nhà báo cũng từ nhu cầu viết blog đã trở thành cộng tác viên của nhiều báo.

Blogger Cô gái Đồ long (phóng viên báo CA TP.HCM), “khoe” rằng blog của cô một ngày có trung bình 10.000 người xem, hôm nào có bài hay đến 15.000 người vào xem. Thấy vậy, một tờ báo đặt hẳn cô viết 4 trang blog mỗi số. Khi hỏi nhuận bút có bằng với các bài viết trên báo không, cô cười: “Cũng cao… cao”.

Một số blogger lại nghĩ ra cách kiếm tiền bằng cách cung cấp các dịch vụ nho nhỏ trên blog của mình cho các blogger khác, chẳng hạn như nhận trang trí blog, thiết kế hình nền, thiết kế font chữ, viết thông tin quảng cáo…

Một blogger cho biết, xu hướng sắp tới, sẽ có nhiều blogger khai thác kinh doanh ngay trên blog của mình. Quan trọng là các bài viết của họ có chất lượng và đủ sức hấp dẫn để “lôi kéo” các nhà tài trợ nhảy vào quảng cáo. Chỉ cần vài hợp đồng là các blogger có thể sống khoẻ.

Quảng cáo trên blog và những mâu thuẫn

Quảng cáo trên blog là một ý tưởng dễ nhìn thấy bởi các blogger dày kinh nghiệm, tuy nhiên lại có nhiều mâu thuẫn và sự ràng buộc về thoả thuận sử dụng giữa blogger với nhà cung cấp dịch vụ của họ.

Để một blog được nổi tiếng, trước hết blog đó phải được nhiều người biết đến. Xuất phát tốt nhất thường là các nhóm blogger trên cùng một nhà cung cấp dịch vụ và có các hoạt động trao đổi qua lại (bởi các comment) với nhau mang tính cộng đồng. Bằng tài năng của chủ nhân, có thể blog đó trở nên nổi trội hoặc được sự quan tâm của nhiều người đọc dẫn đến lượt truy cập hàng ngày lớn. Khi đó có thể blogger này sẽ nhận được một lời mời đặt quảng cáo hoặc tự liên hệ với nơi có nhu cầu đặt quảng cáo. Mâu thuẫn xuất hiện từ đây: Nhà cung cấp dịch vụ blog mong muốn mình nhận được tiền quảng cáo, còn chủ nhân blog lại tin rằng chính họ mới có quyền đó.

Để tránh sự mâu thuẫn này, nhiều blogger đã tự mua domain để làm blog mà không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào. Nếu cách này nếu thực hiện từ đầu thì lại được ít người biết đến blog đó, và do đó thường là có những sự đi vòng: Tức là đăng ký và tham gia ở một nhà cung cấp dịch vụ nào đó cho đến khi đủ uy tín thì tách ra thực hiện blog riêng, kéo theo một số thành viên khác quen biết cùng hợp sức khi muốn duy trì số lượt truy cập hàng ngày để nhận được các hợp đồng quảng cáo.

Tuy nhiên không phải blogger nào cũng có thể “ra ở riêng” được, họ gặp nhiều phiền toái quanh việc mua domain, thuê chỗ lưu trữ trên server, đối phó với sự phá hoại từ hacker nghịch ngợm hoặc tư cách pháp nhân với luật pháp sở tại về cung cấp và công bố thông tin… Những phiền toái này thường được nhà cung cấp dịch vụ chịu hết khi họ cùng ở dưới một mái nhà chung.

***

Vẫn là 1001 chuyện về blog, tôi nghĩ rằng đã là blog thì cần phải có người xem - nếu không muốn ai xem thì không cần viết blog, mà đánh các dòng chữ vào một trang Word còn đỡ phải phụ thuộc vào tình trạng Internet.

Nếu như ai đó không coi blog là một cuốn nhật ký mở như ban đầu nữa, mà biến nhu cầu nói nên cảm xúc của mình thành sự kiếm lợi nhuận thì nên đọc lại phần đầu bài viết này.

THAM KHẢO, NGUỒN LẤY

Sống với blog, chết cũng vì… blog!, bài của Thanh Trúc trên Tuổi Trẻ Online, 10/4/2008

Xuất bản blog thành sách: Trào lưu khoe mẽ?, bài của Trang Dung trên Vietnam Net, lấy theo Reuters, 10/10/2006

Kiếm tiền, kiếm việc từ blog, bài của Phương Nhi đăng trên Lao Động số 189, 16/08/2007

Tr Minh Linh (tổng hợp, nhận định)

11/4/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!