Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

Những cái nhìn khác về "Bản quyền"

Nhân đọc bài "Từ thành kiến chống lại lợi ích xã hội" nói về vấn đề "bản quyền" trên báo VnEconomy, tôi cũng có vài suy nghĩ ở một hướng mà tôi cho rằng nó khác so với bài này.

Phần dưới đây nguyên văn bài viết trên VnEconomy, được báo điện tử Dân Trí và Quản Trị Mạng đăng lại.

Khi thành kiến chống lại lợi ích xã hội

Từ vụ Harry Potter Ngay sau khi tập 7 Harry Potter được xuất bản, đã có một cuộc đua dịch lại truyện này sang các thứ tiếng khác nhau trên mạng. Tại Trung Quốc, 12 bản dịch khác nhau xuất hiện. Có những bản dịch xuất hiện chỉ vài ngày sau khi bản tiếng Anh ra mắt. Nhiều fan hâm mộ tại Chile cũng chia nhau dịch cuốn truyện ra tiếng Tây Ban Nha. Một thiếu niên dịch truyên này ở Pháp đã bị bắt, tuy nhiên sau đó được thả ra với lời cảnh cáo không phát tán… Không riêng gì NXB Trẻ của Việt Nam mà rất nhiều NXB khác trên thế giới, như Pháp, Trung Quốc,… đã ký mua bản quyền độc quyền cuốn truyện ăn khách này đều tỏ ra tức giận. Một điều thoạt nhìn có vẻ khá hài hước là trong khi các nhà xuất bản làm rầm rĩ về việc bản quyền thì chính tác giả lại tỏ ra rất thờ ơ. Đại diện của J.K. Rowling, tác giả bộ truyện này, đã nhiều lần tuyên bố họ không thể và không có ý định ngăn cản bạn đọc dịch truyện Harry Potter vì động cơ thưởng thức riêng tư, nếu như các bản dịch không được công bố rộng rãi cho công chúng. Rõ ràng đây chỉ là một cách nói khéo rằng tuy không nói là ủng hộ, thì tác giả cũng đồng thời tỏ rất rõ lập trường đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa các fan cuồng nhiệt của bộ truyện và NXB. Rõ ràng, đại diện của nữ nhà văn này thừa biết sẽ chẳng có lợi lộc gì nếu chẳng may làm mất cảm tình của những fan hâm mộ cuốn sách. Mà công chúng đỏng đảnh thì chẳng thế nào đoán trước được hậu quả, và thực sự phiền toái nếu đột nhiên có một chiến dịch tẩy chay tác phẩm của bà.

... đến âm nhạc số Vấn đề hoàn toàn tương tự khi bước sang địa hạt âm nhạc. Cho đến giờ, những nguời đấu tranh mạnh nhất trong việc đòi bản quyền các bản nhạc trên mạng lại hiếm khi là ca sĩ, nhạc sĩ mà xem ra đều là những đại diện của công nghiệp ghi âm. Hơn nữa, các tác giả hay ca sĩ có lý khi hoài nghi sự xâm phạm của internet với tác quyền của họ. Xét cho cùng, không gì có sức lan tỏa nhanh và tạo ra fan hâm mộ hiệu quả bằng internet. Mà việc tác phẩm của mình tiếp cận được rộng rãi công chúng xét cho cùng cũng là mong muốn của tất cả những người làm nghệ thuật. So với các nhà văn, các ca sĩ còn cẩn thận với các fan hâm mộ hơn nhiều, vì hơn ai hết, họ hiểu các fan đóng một phần quan trọng trong sự nghiệp của mình. Những nhà sản xuất tại sao lại tức giận? Về cơ bản, các nhà xuất bản hay các hãng ghi âm cho rằng, việc phân phối tự do nội dung trên mạng đã tước đi một phần lợi nhuận của họ từ những người lẽ ra đã mua sản phẩm của họ nếu chúng không xuất hiện trên mạng. Thực ra cũng khó mà chứng minh được một người xem bản “mềm” Harry Potter trên mạng rồi sẽ không có nhu cầu mua bản in Harry Potter nữa. Hoặc chí ít cũng có cơ sở để tin rằng số người bị mê hoặc với nội dung truyện từ việc đọc bản mềm mà quyết định mua bản cứng cũng đông chẳng kém những người không mua. Trừ phi anh ta không đủ tiền mua hoặc anh ta thực sự không có nhu cầu đọc sách. Cả hai trường hợp thì đằng nào anh ta cũng sẽ không mua Harry Potter, và như vậy là nhờ có internet mà tác giả K.Rowling có thêm một độc giả. Rất khó để chứng minh rằng nếu không tiêu dùng các sản phẩm truyện/nhạc trên mạng internet thì người ta sẽ chuyển qua tiêu dùng các sản phẩm này trong những dạng thông thường của nó. Có cả một hệ thống rào cản từ việc quảng bá, phân phối những sản phẩm này cho đến quyết định sử dụng. Có một khả năng khác là sự phân phối qua mạng thực tế đã mở rộng thị trường những người tiêu dùng nhu cầu nghe/đọc. Trên thực tế, các nhà xuất bản và các hãng ghi đĩa tức giận vì một nguyên nhân khác. Với việc phân phối các sản phẩm trên một môi trường mới và tự do sao chép, các nhà xuất bản mất đi vị thế độc quyền của họ trong việc phân phối các tác phẩm đến công chúng, theo cả hai chiều: với độc giả và với tác giả. Việc người tiêu dùng có thêm lựa chọn tiêu dùng khác sẽ không cho phép các nhà sản xuất nội dung nâng giá lên quá cao. Việc tác giả/ca sĩ có thêm một kênh phát hành khác cũng mang đến nguy cơ các nhà sản xuất không được trả cho họ quá thấp - đặc biệt với những tác giả/ ca sĩ không thuộc loại quá ăn khách. Với lĩnh vực âm nhạc thì sự khác biệt có tinh tế hơn. Sự ra đời của các loại máy nghe nhạc, các loại điện thoại di động thông minh thực sự đã tạo ra một lớp người nghe với nhu cầu mới, quay lưng với các đĩa nhạc truyền thống. Rõ ràng mang theo một chiếc iPod hay một chiếc máy nghe nhạc mp3 nhỏ xinh của Sony có thể chứa được vài nghìn bài hát thì dễ chịu hơn nhiều so với việc phải kè kè chiếc máy nghe đĩa to tướng trước kia, mà cho dù người ta đã làm nó nhỏ đến mức tối đa thì vẫn phải nhỉnh hơn chiếc đĩa. Đâm ra nền kinh doanh âm nhạc thế giới có thể sẽ phải đứng giữa hai lựa chọn: hoặc loại bỏ hết iPod, hoặc trong chừng mực nào đó, lờ đi cái thứ gọi là “bản quyền”.

Bản quyền bảo vệ người giàu hay người nghèo Những quy định ngặt nghèo về bản quyền, trên thực tế là không bảo vệ hoặc không nhất thiết bảo vệ quyền lợi của tác giả mà đúng ra nó bảo vệ lợi nhuận của người phân phối. Về cơ bản đó là một công cụ bảo hộ hai mặt. Một mặt nó khuyến khích và tạo động lực cho các nhà xuất bản/ghi âm phân phối tác phẩm đến công chúng. Mặt khác, chính nó cũng giới hạn khả năng phân phối tự do ra khắp xã hội thông qua việc cấm sao chép. Bhawati, Stiglizt, những kinh tế gia hàng đầu về toàn cầu hóa, từng lớn tiếng đòi phải đưa luật sở hữu trí tuệ ra khỏi các điều khoản thỏa thuận của WTO. Là những nhà kinh tế, hai nhà khoa học này hiểu rõ bản chất bảo hộ của luật bản quyền. Việc cố gắng sử dụng các biện pháp hạn chế các hình thức phân phối, sao chép trên thực tế là một sự thỏa hiệp của việc gia tăng lợi ích xã hội với lợi nhuận của nhóm kinh doanh các sản phẩm này (nhà xuất bản, hãng ghi đĩa) để họ phân phối tác phẩm ra công chúng. Ít nhất trong quá khứ, đây là hình thức chuyển tải duy nhất nội dung đến bạn đọc. Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam có nhận xét rằng “Không có nước giàu nào trả tiền sở hữu trí tuệ khi họ bắt đầu công nghiệp hoá. Nhật Bản thì nhập khẩu và sao chép công nghệ của Đức. Hàn Quốc thì nhập và chép công nghệ của Nhật. Mỹ thì nổi tiếng là “cóp” ý tưởng của Anh khi mới lập quốc, và bây giờ họ muốn các nước đang công nghiệp hoá phải chi tiền. Điều đó sẽ vô cùng đắt và ngăn cản Việt Nam tiếp cận công nghệ. Nhưng Mỹ rất chú ý bảo vệ sở hữu trí tuệ vì những công ty lớn của họ đang kiếm lãi từ đó” Như vậy bản quyền không tốt và cũng không xấu. Đơn giản là nên đặt nó nằm ngoài phạm trù đạo đức mà nhìn nhận nó như một công cụ bảo vệ của một mô hình kinh doanh. Cần một mô hình kinh doanh mới Trong khi sự tranh cãi về mức phí bản quyền tập trung vào giá của từng bài hát, có vẻ như những người lên tiếng cho bản quyền quên mất rằng lợi nhuận thu được không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào số lượng người chi tiền. Mức phí quá cao sẽ thu hẹp kích thước thị trường của tác phẩm. Trong trường hợp này tổng lợi ích xã hội sẽ suy giảm trên mọi phương diện. Tổng lợi nhuận thu được cũng xsẽ đồng thời giảm cùng với sức lan tỏa của tác phẩm. Từ phía khác, những nhà cung cấp nội dung có lẽ cũng cần suy nghĩ về một mô hình kinh doanh mới tương thích với môi trường kinh doanh đặc thù này. Thách thức đặt ra là một mắt mô hình đưa ra vẫn phải chấp nhận sự phát triển của internet và các thiết bị kỹ thuật số, mặt khác phải có cơ chế tạo ra được nguồn thu cho các tác giả, ca sĩ… Sẽ là vô nghĩa khi chống lại thực tại. Mà thực tại của ngành kinh doanh nội dung là không gian số hóa: internet, điện thoai di dộng… Lịch sử kinh doanh nội dung hẳn sẽ còn phải nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi muộn màng tuy dũng cảm của ông chủ Warner Music khi đã bỏ qua những nhu cầu có thật của người dùng Internet. Cần sớm gạt bỏ những thành kiến (conventional wisdom) về vấn đề đạo đức của bản quyền, và trả nó về đúng phạm trù kinh doanh. Cần những nghiên cứu và cái nhìn thấu đáo, những hội thảo chuyên ngành để cân bằng quyền lợi các bên, trên nguyên tắc chung tổng lợi ích xã hội phải tăng.

____

Phần dưới đây là những suy nghĩ của tôi - của một người. Những suy nghĩ này chỉ đơn thuần là nhìn từ một hướng khác cho bài trên - nó không phải là tổng thể vấn đề hay những giải pháp toàn diện cho vấn đề.

Nhìn theo một cách khác

Tại sao tác giả, ca sĩ... lại không phê phán vi phạm bản quyền

Một mặt khác toàn bộ bản quyền của bà đã giao phó cho nhà xuất bản, như vậy sau khi nhận được các khoản thanh toán với nhà xuất bản thì không còn một khoản lợi nhuận nào được sinh ra hoặc mất đi khi những người hâm mộ bà đọc những cuốn sách chính thống hay đọc những bản dịch trên Internet.

Trường hợp này cũng giống như ca sĩ với hãng phát hành đĩa hát. Thường thì các ca sĩ ở Việt Nam chưa tự thành lập một hãng riêng của mình để có thể thực hiện toàn bộ các công đoạn cho việc kinh doanh giọng hát của mình. Nếu phụ thuộc vào các nhà xuất bản thì toàn bộ vấn đề liên quan đến tác quyền (với nhạc sĩ sáng tác) sẽ do nhà xuất bản đứng ra lo liệu. Một mặt khác, với sự xuất hiện quá đông các ca sĩ hiện nay thì việc làm thế nào để được chú ý hơn so với các ca sĩ khác lại là điều mong muốn nhất của họ. Có thể những điều đó khiến cho các ca sĩ không bao giờ phàn nàn về vấn đề bản quyền.

Còn đối với nhạc sĩ thì sao, một số nhạc sĩ có phong cách nhạc sĩ đúng nghĩa với âm nhạc, họ coi thường danh vọng, tiền bạc để cho ra các tác phẩm bất hủ. Các nhạc sĩ khác có thể sống đúng nghề thường sẽ được các nhà xuất bản âm nhạc mua đứt bản quyền (độc quyền sử dụng), do đó cũng đa phần họ không có nhiều ý kiến về tác quyền. Những nhạc sĩ mới, chưa có danh tiếng thì có lẽ sẽ hiểu rằng nên để các tác phẩm của mình đến công chúng nhiều hơn là bắt đầu thu lợi từ tác phẩm.

Hướng kinh doanh nào hài hoà cho việc phát kiến rộng rãi ra công chúng các bản nhạc, bài hát nhưng lại đảm bảo vẫn có thể kinh doanh? Ta có thể dễ nhận biết rằng một dàn âm thanh chất lượng cao (cả trong dân dụng và máy tính) sẽ không phát nhạc online bởi hầu hết các phần mềm nghe nhạc trực tuyến khó điều chỉnh âm sắc theo sở thích người nghe, một mặt khác chất lượng đường truyền khó đảm bảo có thể truyền được đầy đủ chất lượng. Nếu như hiểu được rằng đĩa audio có chất lượng cao hơn nhiều lần so với các loại nhạc số (đã được lược bớt để giảm kích thước tập tin âm thanh - theo chế độ lấy mẫu) và sự phát triển trong công nghệ âm thanh thì các đĩa DVD audio còn có thể cho ra các chất lượng cao hơn nữa. Vậy nên những người nghe nhạc thực sự, chú tâm đến chất lượng sẽ mua các đĩa nhạc chứ không tải nhạc về nghe - họ khác hẳn với những người nghe nhạc online. Do đó mà nên chăng quy định mức giá cho nhạc online thấp hơn, và có một quy định về chất lượng âm thanh thấp hơn (giả sử các tập tin âm thanh ở 64 Kbps) là thoả mãn cả hai đường. Nếu như vậy thì nhạc online chính là một hình thức tiếp thị, như một bản demo cho bản nhạc chính với chất lượng cao hơn.

Còn nếu như cho phép tải toàn bộ một bản nhạc với chất lượng cao mà không muốn phải trả tiền cho tác giả, ca sĩ hay hãng băng đĩa nếu đã mua trọn bản quyền? Lúc đó, hãy nghĩ đến bản quyền.

Chỉ vì YouTube hoặc iPod để nói không với bản quyền?

Internet có buồn tẻ nếu không còn website chia sẻ video số 1 thế giới YouTube? Thực tế là không, nó vẫn vui vẻ như trước khi YouTube xuất hiện, hoặc chí ít chỉ buồn tẻ đối với một số người coi nó là số 1, người thích thưởng thức các đoạn phim ngắn, các video cá nhân. Các tác phẩm điện ảnh vẫn được chiếu trong rạp với chất lượng cao, hoặc trên các đĩa Blu-ray để người dùng có thể thưởng thức trên các hệ thống giải trí gia đình.

iPod có lỗi thời và đáng vất đi? Ý tưởng về chiếc máy nghe nhạc xuất phát từ việc số hoá các bản nhạc đã được mua (theo các đĩa nhạc, hoặc mua trực tuyến) để mang theo mình và nghe bằng tai nghe (cho riêng mình) một cách thuận tiện. Tuy nhiên không phải ai cũng thích những thiết bị giải trí di động như vậy, do đó nó không phải lý do để nói không với bản quyền.

Bản quyền với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung?

Đối với tri thức, kiến thức, công nghệ cơ bản sẽ không có khái niệm "bản quyền". Sự phát triển của khoa học - công nghệ được đưa đến như một tri thức chung mà không ai có thể ngăn cấm được, cũng không ai nắm giữ nó, đăng ký nó. Ví dụ: nguyên lý của động cơ hơi nước, động cơ diezen...chẳng ai giữ cả. Toán học, vật lý, hoá học...thì chẳng có khái niệm "bản quyền".

Những cái gì có - Đó là bí mật công nghệ. Chúng ta thừa hiểu nguyên lý của nhà máy điện hạt nhân, về vệ tinh ...hay đơn giản hơn: nguyên lý một chiếc ô tô, xe máy - nhưng chúng ta không làm được. Hoặc ngay như một nhà máy nhiệt điện đầu tiên do một công ty lắp máy ở Việt Nam làm tổng thầu, về các bí mật công nghệ thì đã có các nhà thầu phụ cung cấp cả nguyên lý lẫn thiết bị, nhưng rồi cũng đã lâu lâu mà chưa đạt công suất, đó không phải lỗi tại công nghệ, bí mật gì cả.

Đối với công nghệ thông tin, bản quyền lại là một vấn đề lớn khi muốn tuân thủ nó, chủ yếu là phần lớn người sử dụng không muốn đổi thói quen để mò mẫm đi lại từ đầu với các hệ điều hành miễn phí, phần mềm miễn phí. Nếu như dự án OLPC cài hệ điều hành Windows thì khác, nhưng nếu từ đứa trẻ đã tiếp xúc với các hệ điều hành mở thì có thể những đứa trẻ ấy sẽ chẳng bao giờ muốn học lại cách dùng Windows nếu như người ta cho nó một cái máy tính cài sẵn và có bản quyền như vậy. Do đó bản quyền không không ngăn cản, mà chính nhận thức và thói quen của chúng ta đã và sẽ ngăn cản sự phát triển nếu sống chung với bản quyền.

Do đó, về mặt công nghệ, chúng ta không lo lắng rằng bản quyền sẽ làm rào cản cho nó cho sự phát triển.

Bản quyền không phải là thứ gì ghê gớm

Bản quyền không phải những thứ gì quá ghê gớm, quá xa vời như một số người nghĩ. Nó nhiều khi đơn giản chỉ là ghi nhận công sức bỏ ra của các tác giả...Nếu không dùng từ "bản quyền", mà dùng từ "sở hữu trí tuệ" chúng ta sẽ cảm thấy nó thân thiện hơn.

Bản quyền cũng là động lực cho các tác giả nghiên cứu để sở hữu bài viết, yêu cầu các đơn vị cung cấp thông tin phải trả tiền cho công sức của họ. Hiểu đơn giản, tiền nhuận bút của bài viết cũng là tiền bản quyền. Bài viết đó cùng với vô số các bài viết khác được đưa lên mạng không phải là cho không người đọc, mà người đọc đã phải xem quảng cáo. Thực sự thì tôi cũng chưa thấy một tờ báo nào trả tiền bản quyền mà không tìm nguồn thu từ quảng cáo cả. Còn báo giấy thì sẽ không bán được tại các địa phương có thể truy cập Internet một cách rộng rãi, dân trí đa số chưa biết đến mạng Internet, hoặc chỉ bán cho những người mong muốn cầm tờ báo để hít hà mùi mực như một thói quen thời CNTT chưa phát triển.

Thử hình dung, các bài viết trên các báo được copy của nhau mà không nêu rõ nguồn lấy, điều đó khiến người đọc phân vân không biết nó xuất phát từ đâu, nó có uy tín hay không?. Lúc đó sẽ chỉ còn là sự ngang bằng, một bài viết trên blog cũng như một bài viết trên báo chính thống. Cũng thử hỏi nếu tác giả nào viết các bài phê phán đòi hỏi bản quyền lên các báo chí mà không nhận được nhuận bút - thì họ có mạnh mẽ phê phán như thế không?

Bản quyền vẫn là động lực cho các hãng phần mềm có thể viết các phần mềm tốt hơn. Hãy hình dung, nếu không có bản quyền, bạn sẽ chẳng được sử dụng một phần mềm nào nữa, không được nghe một bản nhạc nào nữa...bởi người viết phần mềm, người viết bài hát không chỉ có thể hít khí trời để sống. Lúc đó, chúng ta lại hi vọng rằng sẽ nhận được các phần mềm miễn phí từ các dự án phi lợi nhuận - nhưng chẳng thèm đếm xỉa đến ai là người đã viết phần mềm đó - hay nói cách khác không chăm chút cho cái nhu cầu về "danh vọng" của họ - mà một phần nào đó thì cũng thúc đẩy họ viết phần mềm hoặc cùng tham gia các dự án mở.

Đừng xấu hổ khi nói đến bản quyền

Thực tế là trên 80% các máy tính ở các nước mới phát triển đều vi phạm bản quyền về phần mềm, thậm chí các cơ quan báo chí, các hãng viết phần mềm cũng vi phạm bản quyền, những tác giả phê phán vấn đề vi phạm bản quyền...cũng đều vi phạm. Điều đó làm chúng ta thấy xấu hổ, rồi căm thù hai từ này. Nhưng đừng vì thế mà dè dặt khi nói đến nó, điều tốt hơn là hãy định hướng dần dần khái niệm này, ý thức này đến mọi người để hài hoà giữa người cho và người nhận, người giàu và người nghèo...

Thoả mãn những yêu cầu bản quyền không thể thực hiện một sớm một chiều, nhưng thà muộn còn hơn không.

Tham khảo, nguồn lấy: - Khi thành kiến chống lại lợi ích xã hội, bài đăng trên Dân Trí (lấy theo VnEconomy), 16/4/2008.

- Bản quyền trên mạng: Đi tìm nguyên nhân cơn giận dữ, bài đăng trên Quản Trị Mạng (lấy theo VnEconomy), 16/4/2008.

Tr Minh Linh (17/4/2008)

(Bản quyền: Tôi cho phép sử dụng mục thứ hai của bài "Nhìn theo một cách khác" cho mọi mục đích, với điều kiện ghi rõ lấy từ blog này)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!