Thứ Năm, 19 tháng 6, 2008

Bởi vì tôi muốn là người trí thức

Tôi sinh ra ở nông thôn, một vùng đất nghèo. Bố tôi là kỹ sư, còn mẹ của tôi là giáo viên. Họ có những tấm bằng đại học bọc bằng nỉ đỏ, có nhiều trang, nhìn rất đẹp...thế nên, tôi mong muốn được như bố mẹ tôi để có được cái bằng đó (thời ấy, những người họ hàng của gia đình tôi đều bảo rằng bố mẹ tôi đều là những người trí thức).

Chắc là lúc ấy tôi muốn làm người trí thức?.

***

Hồi nhỏ, ở thị trấn nơi tôi ở có một cái thư viện của quân đội trên đường tôi đi học. Mỗi lần đi qua tôi nhìn thấy người cầm sách vào, rồi lại cầm sách ra, tôi nhìn họ và thấy có vẻ gì đó rất...trí thức. Rồi tôi cũng đã đánh bạo vào trong thư viện đó, và thật may rằng tôi đã biết ai cũng có thể mượn sách ở đó nếu như có các giấy giới thiệu bảo lãnh. Về nhà, tôi nằng nặc đòi xin giấy giới thiệu của cơ quan mẹ tôi, và cuối cùng tôi cũng có một tấm thẻ thư viện cho trẻ em.

Trẻ em thì chỉ được mượn và trả sách vào thứ Năm hàng tuần, mỗi tuần chỉ được mượn ba cuốn, thế cũng là quá tốt. Tôi đã được đọc những cuốn sách rất đẹp và rất hay bắt đầu từ đó. Bắt đầu là các sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam, rồi đến các sách thiếu nhi của NXB Cầu Vồng được in ở nước ngoài rất đẹp. Loáng thoáng đến nay còn nhớ là đã đọc từ thư viện ấy những truyện: "Dế mèn phưu lưu ký", "Túp lều của bác Tôm", "Trên sa mạc và trong rừng thẳm"...

Rồi thì tôi cũng đọc hết sách của trẻ em. Tôi cố gắng thuyết phục cô giữ thư viện cho tôi đọc sách của "người lớn". Thật lạ kỳ, tôi đã được chấp nhận đổi sang Thẻ bạn đọc của người lớn mà không gặp khó khăn nào cả. Thẻ bạn đọc của người lớn thì có thể đọc bất kỳ lúc nào trong tuần, lại còn có thể mượn đến 5 cuốn một lần. Từ đó tôi được đọc các cuốn sách về khoa học, về vũ trụ của nước ngoài, hoặc ngay thỉnh thoảng còn mượn cả truyện và thơ của Puskin về đọc tạm khi sách khoa học bị người khác mượn hết...

Cô thủ thư có lần bảo tôi "Những cuốn sách này rất quý, cháu phải cẩn thận, mất không tìm đâu để đền được đâu, cháu cứ như những người trí thức khi mượn những cuốn như thế này". Tôi rất sung sướng khi nghe nhận xét như vậy.

Chắc là hồi ấy tôi muốn làm người trí thức?

***

Khi lớn lên, tôi cũng đọc được ở đâu đó rằng một người trí thức phải biết rất nhiều lĩnh vực, không biết sâu như chuyên môn chính của mỗi người được đào tạo, nhưng phải biết đến xã hội, văn học, nghệ thuật và tính cách của một con người. Cũng có lúc tôi thấy lối sống của những người nước ngoài tại các quốc gia tiến bộ, tôi thấy thật đáng khâm phục khi làm việc, giải trí và cảm nhận nghệ thuật.

Chính vì vậy, ngoài chuyên môn chính của mình, tôi đã cố gắng tìm hiểu về văn học, nghệ thuật hay nói một cách khác là kiến trúc thượng tầng của xã hội.

Về mặt văn học, thời gian học đại học trước đây, tôi thường lang thang tại những nơi bán sách cũ như ở Cầu Giấy, hoặc cả ở vỉa hè đường Giải Phóng, hoặc một hiệu sách cũ ở đường Bà Triệu (tất cả địa danh này ở Hà Nội), thật vui vì đã mua nhiều sách cũ về văn học với giá rẻ. Còn có lần, tôi may mắn vớ được một mớ báo Văn Nghệ còn nguyên vẹn, hoặc cả các tạp chí đóng quyển như Văn nghệ Quân đội nữa. Mua và để đó, rỗi lại đọc, rỗi lại đọc.

Để củng cố về mặt nghệ thuật, hội hoạ thì những lúc đi bộ lên Bờ Hồ, tôi thường hay ghé thăm các phòng triển lãm tranh nghệ thuật (thường vắng khách), và cố hiểu xem những bức tranh ấy vẽ gì theo cách hiểu của tôi: hiện thực? trừu tượng?...Về mặt âm nhạc thì cũng cố nghe một số chương trình âm nhạc giao hưởng/thính phòng và nhất là có một chương trình phân tích các tác phẩm kinh điển bằng lời. Quả thực là những thứ này rất khó hiểu, nhưng dần dần cũng quen quen và cảm được một phần nào đó khi nghe, chứ nó không lùng bùng như thời đầu tiên. May mắn là cũng có thể do có chút năng khiếu nào chăng nên gặp một bản nhạc quá quen thuộc bị đánh sai (ở phòng của người yêu tôi), tôi cũng có thể nhận ra (có thể là do nhớ theo kiểu "thuộc lòng" mà thôi).

Chắc là tôi muốn trở thành người trí thức?

***

Khi tôi đã lớn và đủ để hiểu biết nhiều kiến thức (trong giới hạn của mình), tôi bắt đầu tiếp nhận và chia sẻ những kiến thức.

Tôi nghĩ rằng mình là một mắt xích trong sự tiếp nhận và truyền bá các kiến thức, tiếp nhận và truyền bá sẽ được nhân lên với những người khác nữa, cứ thế nhân lên, nhân lên đến nhiều người. Không để các mắt xích bị đứt, cho dù có mệt mỏi về thể xác cũng như trong tinh thần.

Khi tôi thấy một bài báo hoặc một entry chưa đúng với suy nghĩ của tôi, tôi cố gắng tìm hiểu về nó, điều chỉnh nó trong những nhận thức của mình hoặc/và phát biểu lại về những suy nghĩ của mình về điều đó. Ở đây có thể là một bài báo hoặc chỉ là những entry (tôi bắt buộc phải dùng từ này, bởi vì nói là một "tập hợp nhiều chữ trong một mục ở blog" là một "bài viết" là điều có thể chưa đúng đối với sự khó tính của tôi về điều này) trên các blog.

Bởi vì tôi đọc được rằng: Người trí thức luôn mong muốn truyền bá đến tất cả mọi người những kiến thức khoa học cũng như kiến thức xã hội, những điều hay, lẽ phải mà mỗi con người cần có[1].

Phải chăng tôi đã tự nhận mình là người trí thức?

***

Bạn chưa có nhiều nhận thức về tri thức? Có thể bạn còn trẻ để có thể tiếp nhận được nhiều tri thức, nhưng nó sẽ dần đến với bạn.

Bạn chưa dám viết các entry theo đúng với tâm sự của mình, suy nghĩ của mình bởi vì sợ nó không hay? Có thể đó chỉ là những ý nghĩ của bạn mà thôi.

Hoặc là bạn không dám viết về những kiến thức mà bạn đã có bởi ngại rằng nó không đúng? Không sao, những người đọc nhiệt tình sẽ cố gắng trao đổi với bạn qua các comment, chỉ ngại rằng bạn sợ những sự trao đổi đó mà thôi. Tất cả phải tự điều chỉnh có phải không.

Và, bạn có thể bắt đầu tiếp nhận và viết ra những kiến thức đó cho mọi người. Tôi còn kém bạn nhiều bởi khi ở tuổi của bạn tôi đã không làm được những điều đó.

Có phải tôi xúi giục gì bạn không? Không. Bởi những người trí thức luôn mong muốn rằng có thêm nhiều người trí thức khác, cũng như một người Việt Nam luôn mong muốn rằng người Việt Nam sẽ tự học hỏi để vươn lên, để không hèn kém trước bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Cũng chắc chắn rằng tôi không nhận được lợi lộc gì khi mong muốn bạn học tập tốt, nhưng cả một dân tộc hay cả một thế hệ hiện tại và sau này sẽ luôn mong nhận được những kiến thức của bạn.

Phải chăng bạn cũng muốn trở thành người trí thức?

Chú thích

1^. Trí thức là ai, Nguyễn Quang A, đăng trên Vietnam Net.

Tr Minh Linh (19/6/2008)

2 nhận xét:

  1. Chia sẽ những suy nghĩ của Bạn, mình dành một số báo nhà để giới thiệu Minhlinh36. Có ngộ nhận gì Linh góp ý nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Xin cám ơn tranhung09. Nếu tôi góp ý có lẽ là sẽ không trung lập lắm bởi tự mình nhận xét mình thường hay chủ quan (^_^).
    Xin lỗi vì hồi âm muộn, đúng là do tết thật!

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!