Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Xả stress: Sếp và nhân viên quản trị mạng

Tự nhiên sếp vui tính khác thường nên đã đi thăm hỏi các nhân viên của mình một cách rất cởi mở. Đến phòng của nhân viên quản trị mạng của công ty, sếp hỏi:

- Thế nào, mấy cái máy này làm việc hiệu quả không? Tôi phát ngán vì mấy thằng B kiểu vi tính ngành bọn cậu, giá cả gì mà cứng nhắc, cứ phải theo báo giá, mệt với bọn nó...

- Thưa chú, hiệu quả lắm ạ, tất cả các máy đã dùng các phần mềm quản lý tốt. Mạng rất an toàn, cháu kiểm soát hết thông tin vào ra của cơ quan mình nhằm đảm bảo không rò rỉ thông tin kinh doanh mật chú ạ.

- Thế cơ à...Tốt tốt, mấy vụ đấu thầu lần trước tôi cũng đau đầu lắm, không biết anh nào cấp tin cho thằng X ở bên Y, rồi đến thằng Z ở bên G nó kêu. Xem nào, thế cậu làm thế nào mà kiểm soát được đấy?

- Chú nhìn đây ạ, đây là toàn bộ các kết nối vào ra, email vào ra, ai kết nối với IP nào, xem web gì. Cuối tuần cháu sẽ gửi báo cáo chi tiết cho chú ạ, nhân viên công ty hay làm việc riêng nhiều lắm ạ.

- Ô thế à...(rồi nhìn vào hai màn hình với các dòng chữ nhảy múa). Thế là thế nào đây? - Sếp ngạc nhiên:

- Đây ạ, chú xem, đây là IP của chị Trang, chị đang vào "Tạp chí làm đẹp U40", vào bốn lần. Đây là IP của anh Tuấn, anh đang xem báo "Cá cược" suốt từ sáng...Cháu nhớ hết các IP cấp cho từng người này. - Anh nhân viên giải thích.

Sếp ngạc nhiên: "Chế thật, thế mọi người hay làm việc riêng thế, để họp tới tôi chấn chỉnh lại. Làm việc kiểu này thì chết thật" - Chợt sếp chú ý đến một địa chỉ web khác thường - Thế ai đã vào trang web xxx kia lúc một giờ trước đây? Mà lại còn vào nhiều nữa chứ?

- Dạ, cháu không biết....nhưng mà hình như IP này của máy tính của chú. - Anh nhân viên lúng túng đỏ mặt, gãi đầu gãi tai

- À, tôi nhớ ra rồi, tôi đã xem trang web đó, nó đang hot nên đang khảo sát xem mức độ hấp dẫn để đặt quảng cáo cho công ty mình. Thôi thế này nhé, các việc kiểm soát khác thì làm, nhưng kiểm soát truy cập này thì cậu bỏ đi nhé, anh em làm việc căng thẳng thì thỉnh thoảng phải giải trí cho nó khuây khoả chút, cũng phải tìm hiểu xem thế giới nó làm sao chứ, nhưng cũng vừa vừa thôi nhé. Cậu đặt cho tôi các nhân viên chỉ được xem với tốc độ chậm thôi, số còn lại chuyển cho máy của tôi. Dạo này hay phải xem giới thiệu sản phẩm qua video, chậm quá.

Rồi sếp đi ra, trước khi đóng cửa phòng, sếp dặn lại: "Nhớ là bỏ cái kiểm soát ai truy cập vào đâu nhé!"

Tr Minh Linh (31/5/2008)

Nếu...thì...

Nếu "anh yêu em", thì: "chiều nay trời sẽ mưa to"; Ha ha ha ha.

Nếu "Tôi muốn ăn thịt chó", thì: "Hùng và Hằng sẽ hôn nhau". Hừm, không được hay cho lắm...

Đó là một trò chơi mà tôi đã gặp lần đầu tiên ở phòng CÁN BỘ KỐP (trong hồi ký Lênh đênh... của tôi) mà tôi thấy rất thú vị, muốn chia sẻ với những người muốn cười thoải mái trong các buổi sinh nhật, dã ngoại.

Trò chơi này được thực hiện như sau: Số người chơi phải là số chẵn, và càng nhiều người chơi thì càng tốt. Để chuẩn bị chơi thì mỗi người cần có một cây bút, còn giấy thì cắt các loại giấy thành khổ nhỏ (tầm như kích cỡ một đồng tiền giấy chẳng hạn).

Khi tham gia trò chơi, cần phân thành hai nhóm riêng biệt (cứ gọi là A và B cho dễ viết trong bài này). Một người nào đó chủ chòm nên phân tách theo vị trí ngồi cho dễ nhớ.

Người chơi sẽ được phát một tờ giấy cho mỗi lượt chơi (hoặc phát nhiều mẩu giấy để có thể chơi cho lượt sau). Người chủ chòm bắt đầu quy ước cho nhóm A là "nếu", nhóm B là "thì" cho lượt chơi đầu tiên (lượt thứ hai lại đổi lại, A là "thì", B là "nếu" chẳng hạn).

Người nhóm "nếu" sẽ viết một vế đầu của một câu có cấu trúc "nếu-thì". Ví dụ như một câu sau được coi là hoàn chỉnh trong cấu trúc này "Nếu trời mưa thì tôi ở nhà". Như vậy là trong trò chơi này thì người viết Nếu sẽ chỉ viết dòng "trời mưa".

Người nhóm "thì" sẽ viết vế sau của một câu cấu trúc "nếu-thì", có nghĩa là tương đương như trên, nhưng chỉ việc viết "tôi ở nhà".

Và mỗi người tự viết đoạn của mình, viết một cách bí mật (như bỏ phiếu kín) và bằng loại chữ chung chung, không mang tính đặc trưng để ai cũng có thể nhận ra, tốt nhất là cùng viết hoa.

Sau khi hai nhóm hoàn tất, hai người nào đó của từng nhóm sẽ thu tất cả lại, và họ bắt đầu xóc lên để toạ sự ngẫu nhiên, rồi đọc. Người nhóm "nếu" lấy ngẫu nhiên một tờ để đọc trước, người nhóm "thì" cũng lấy ngẫu nhiên một tờ để đọc kế theo sau.

Từ đây, sự mâu thuẫn hoặc hài hước trong một câu có cấu trúc "nếu-thì" sẽ làm người nghe cười phá lên, hoặc là sẽ không có cảm tưởng gì khi mà câu đó chẳng ăn nhập vào nhau ví dụ như trích dẫn của tôi ở trên. Trên thực tế thì trò chơi này xuất phát rất nhiều câu vô nghĩa, phi lý nhưng lại khá buồn cười. Rồi có thể các đoạn hội thoại sau sẽ xảy ra:

- Được, câu này hay, để nó lại.

- Đứa nào viết câu ấy đấy - khai mau, sao lại đưa tao vào đây.

Sau mỗi lượt đọc, mọi người tự nhận xét và quyết định rằng câu đó có được đánh giá là suất xắc hay không. Nếu xuất sắc sẽ được lưu riêng ra để cuối buổi đọc lại một lần cuối cùng để tổng kết.

Đừng hi vọng sẽ được cười 100% trong các câu ghép, trên thực tế thì tôi thấy có khoảng 60% là đáng hài hước, trong đó có khoảng 10% là đáng để lưu lại.

***

Với tôi, cảm nhận rằng trò chơi này rất hay, tuy nhiên việc áp dụng nó lại đòi hỏi một tập thể vô tư, vui vẻ và hơi có tính hài hước một chút. Quả thực là cũng có đôi lần tôi phổ biến trò chơi này trong một số cuộc vui, tuy nhiên không thể nào lấy lại được không khí vui nhộn như đã từng cùng chơi với phòng CÁN BỘ KỐP năm ấy. Cũng có lẽ bởi vì không có những nhóm tập thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn để chơi trò chơi này. Ví dụ như bạn đang áp dụng nó vào một buổi sinh nhật, có quá nhiều đôi đang sốt ruột chờ được ra về với những khoảng không gian riêng của họ - thì họ sẽ chẳng có tâm trạng nào mà chơi nó.

Nhưng, tôi nghĩ rằng trò chơi này sẽ phù hợp với những bạn đang học phổ thông, và nếu như trong những ngày chia tay nhau sắp tới - sử dụng trò này cũng là khá thú vị đấy. Chỉ sợ các bạn buồn cười quá mà không khóc được trong lúc chia tay thôi^^.

Tr Minh Linh (31/5/2008)

Dân ép xung với sở thích kỳ quặc

Bài này đã được chuyển sang blog mới của tôi tại địa chỉ:

http://tman75hd.blogspot.com/2008/05/dan-ep-xung-voi-so-thich-ky-quac.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2008

Làm MC ngày chia tay cuối cấp

Hôm nay là ngày đầu tiên các nhóc bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp, xin chúc các nhóc có kết quả tốt trong kỳ thi này. Đang định viết về cái nóng, lại được đọc một bài viết trên blog về ngày chia tay, lại nhớ lại mất rồi.

Lũ chúng tôi đều là những đứa ưu tú, chẳng biết có ưu tú thực sự hay không, nhưng đều là những đứa đã không phải học lớp 9 theo sự chuyển đổi giữa hệ cải cách giáo dục lần đầu tiên ở nước ta, để thi lên học luôn lớp 10, những đứa nào kém quá thì phải ở lại học lớp 9 mà thôi.

Trường Trung học của chúng tôi nằm ở một thị trấn nhỏ trung tâm huyện. Cả huyện chỉ có hai trường THPT nên trong bán kính khoảng 10 Km thì đều phải về đây học cả, thế nên không như cấp hai, ở các lớp cấp ba thì sắp xếp lộn xộn các học sinh giữa các vùng miền theo những quy luật nào đó mà chỉ có các thầy cô mới hiểu. Trường duy nhất có hai lớp chọn, là lớp A chuyên khối A (Toán-Lý-Hoá) và lớp B chuyên về Văn-Sử-Địa. Việc nhặt vào các lớp chuyên như vậy thông qua một kỳ thi sát hạch được tổ chức sau khi có kết quả thi đỗ vào cấp ba.

Lúc đầu thì cũng lạ lẫm đối với nhau lắm, từng cụm trường riêng lẻ ở cấp hai mới tập trung vào nói chuyện với nhau thôi, phải mất vài tuần chúng tôi mới quen và nhớ hết tên nhau. Khi ấy, cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn, tựa như các lớp khác cả, thế nên hầu như nó không để lại ấn tượng gì nhiều để có thể nhớ lại. Nhưng có lẽ, ngày chia tay ra trường lại là ngày ấn tượng đối với chúng tôi nhất.

Buổi chia tay không phải bột phát, mà chúng được định hướng từ trước. Có bánh kẹo, hoa, phông chữ, loa đài phục vụ cho việc phát biểu và ca nhạc cho rôm rả. Tôi được phụ trách phần loa bởi vì là thằng nghịch ngợm về loa đài nhất trong lớp. Thằng lớp trưởng thì mang đến một chiếc đài băng mà thời đó là rất đỉnh - chiếc Sharp 939 có hai thùng loa và hệ thanh gạt điều tần 10 băng tần.

Trường THPT Chí Linh lúc đó chỉ có một khu nhà hai tầng là xịn nhất, các khu lớp học còn lại đều thuộc loại nhà cấp 4. Học sinh lớp 12 được ưu tiên lên nhà tầng học, các lớp thấp hơn phải học ở các nhà cấp 4 mà thôi. Khi thiết kế thì nhà này khá xịn: Có điện, cửa kính, cửa chớp phía ngoài đàng hoàng, nhưng đến khi chúng tôi học thì tất cả chỉ còn lại là tàn dư hình ảnh đủ để nhận ra chúng đã từng như vậy.

Tóm lại là không có điện lưới. Thế là phải tìm cách xin điện từ một nhà gần trường nhất để lấy điện phục vụ loa đài. Thật may là nhà cô Phương, thầy Trinh ở gần nhất so với lớp chúng tôi lại là các giáo viên trong trường, nên việc xin điện sử dụng cho loa đài không mấy khó khăn, chỉ việc nối các đoạn dây điện sao cho tới nhà cô là được. Về cái khoản điện đóm, loa đài này thì tôi thành thạo nên mọi điều cũng suôn xẻ (hí, quảng cáo chút, môn vật lý là môn ruột của tôi, nhất là khoản tự lắp radio, amply đã thực hiện từ lớp 11, đồng thời thì năm lớp 11 cũng đạt giải cao cao của tỉnh, hình như nhất thì phải, năm lớp 12 không được cao cao như thế, hình như giải ba thì phải^^).

Hết buổi chia tay chính thức thì chúng tôi đứa nào về nhà đứa đó, những đứa ở xa thì thường là trọ học gần trường nên cũng về nhà, chỉ còn một vài đứa ở lại trông loa đài hoặc các đồ đạc đắt tiền mà thôi, hẹn nhau tối đến tiếp.

Không biết có phải là bọn lớp B cũng tổ chức vào ngày hôm đó hay không, bởi vì tôi nhớ rằng gặp mấy đứa ở cổng trường, mắt đứa nào cũng rơm rớm. Gặp tôi, chúng nó dấu vội những dòng nước mắt bằng cách quệt vội rồi chào nhau với vẻ che dấu, nhưng những đôi mắt đỏ hoe không thể dấu được chúng nó vừa khóc. Lúc ấy, tôi cũng thấy nao nao.

Tối, được hẹn trước, chúng tôi đều xin phép gia đình cho được đi qua đêm. Bố mẹ rất ngạc nhiên và lo lắng. "Đi qua đêm", tôi bảo "Con trai mà, sợ gì", lý lẽ có vẻ hay, tôi được chấp nhận lần đầu tiên đi qua đêm như vậy.

Có lẽ chúng nó đã vội vàng nên đến sớm trước tôi, đã mở nhạc ầm ĩ rồi. Ở đâu đó cuối lớp cũng có mấy đứa túm lại viết lưu bút cho nhau, có lẽ là những dòng cuối cùng trong các cuốn sổ ghi đầy những dòng lưu bút, từ đơn giản cho đến cầu kỳ, có ảnh cũng như không, và còn cả những tiêu bản lá khô đầy tính nghệ thuật nữa. Những cuốn lưu bút này đã rục rịch được truyền nhau vượt ra khỏi giới hạn trong lớp từ mấy hôm trước rồi, có lẽ đây chỉ còn là những ai chưa viết thì viết cho nhau mà thôi.

Đến lúc này, tôi chưa thấy đứa nào khóc cả. Bọn lớp A có vẻ suốt ngày đánh vật với các môn tự nhiên, có lẽ thế mà chúng nó khô khan chăng? Hay là tôi cảm thấy thế, hic, chẳng hiểu cái thằng nào đặt biệt danh cho tôi là "tồ", thế là suốt ngày chúng nó gọi tên tôi như vậy (sau này tôi còn bị đặt là "mèo" bởi bọn nhóc nhỏ hơn ở cơ quan, có lẽ chúng nó moi đâu ra cái tin tôi thích mèo, và kệ cho con mèo chui vào chăn trong mùa đông mà không đuổi nó ra, thôi thế thì vẫn hay hơn là "tồ"). Lúc đó chắc là tôi tồ lắm, nên có phải chăng là như vậy mà không nhận ra điều gì chăng.

Tôi chẳng nhớ ý tưởng ghi âm lại buổi chia tay bắt đầu từ lúc nào, và có thực hiện việc ghi âm lại những lời phát biểu trước đo hay không, nhưng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đối với những ai đi ngang qua tôi lúc đó. Cái đài băng Sharp 939 có chức năng ghi âm, thế nên tôi đã thực hiện được việc vừa ghi âm, vừa phát lên loa như một MC trong một chương trình vậy (hồi đó chưa có khái niệm MC trên các chương trình TV). Giờ nghĩ lại thấy chẳng hiểu làm sao mà mình đã thực hiện được như thế.

Vì điều này không nằm trong chương trình, do đó tôi làm MC bột phát với cách thức như sau: Đầu tiên là phát lên loa tường thuật về tình trạng của cuộc chia tay đã thành nhóm ở từng bàn trong lớp, chúng nó ngẩng lên nghe. Rồi cứ thế, tóm được đứa nào là quay sang phỏng vấn luôn. Nói tóm là bởi vì tầm hoạt động của dây micro có giới hạn bởi chiều dài dây cắm (giá có loại micro không dây thì tốt). Có đứa còn tóm một đứa khác đẩy lên chỗ tôi để thực hiện các phỏng vấn.

Thế mà cũng ghi âm được kha khá, phỏng vấn được khôi khối. Sau này tôi sao ra nhiều băng khác để phân phát cho những đứa có nhu cầu giữ làm kỷ niệm. Nhưng rồi qua nhiều năm thì cũng thất thoát hết. Một phần do băng hỏng, mốc, một phần khác thì nghe lại mãi cũng nhàm, rồi chẳng để ý nữa nên nó biến đâu mất.

Không phải đến bây giờ mới tiếc, mà sau một thời gian khoảng năm năm sau đó tôi chợt nhớ, rồi tìm lại cuộn băng nhưng không thấy, hỏi đứa nào thì cũng không còn giữ nữa. Tiếc thật, giá như có máy tính thì số hoá chúng luôn để đưa lên Internet lưu trữ ở vài nơi có phải ổn không.

...

Gần đến thời điểm 10 giờ thì tôi đã thấy có vài đứa con gái kéo nhau sang lớp B ở bên cạnh. Thấy chúng nó bắt đầu sụt sùi. Gớm, bọn con gái lắm chuyện. Chia tay là chia tay thôi cho nó có ý nghĩa, còn gặp nhau suốt mà. Rồi thì một số đứa con gái cũng phải đi về, chắc do chúng không xin phép phụ huynh được phép đi qua đêm.

Những đứa còn lại vẫn tiếp tục các trò vui. Tôi nhớ là đến khoảng 11 giờ đêm thì nhà chủ cắt điện của chúng tôi, lại phải đi xin lại với điều kiện: Cấm ồn ào, cấm bật nhạc. Vậy là chỉ còn bóng điện mà thôi.

Đến khoảng 1 đến 2 giờ đêm thì chúng nó bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài, rồi bắt đầu ngủ vạ vật trong phòng học. Cuối cùng thì cũng đều tìm chỗ mà ngủ hết, chẳng đứa nào thức được thâu đêm cả.

***

Tiếc là đến giờ thì mặc dù cố gắng ghép mối lại các hình ảnh, lục tìm ký ức, nhưng cũng không nhớ được nhiều chi tiết để có thể lưu lại trên blog. Tệ là tôi chỉ nhớ mỗi hành động làm MC của tôi một cách chi tiết. Chắc phần nào cũng là cái tính ích kỷ của mỗi con người.

Giờ thì những đứa bạn bè chúng tôi mỗi đứa một nơi, đứa trong Nam đứa ngoài Bắc, đứa ở thành thị đứa ở nông thôn, nhưng có vẻ tất cả đã đều thành đạt. Ngần ấy năm mỗi đứa đã đi quá nửa cuộc đời rồi.

Sau này lên học đại học, tôi không có khi nào còn cảm giác thân quen nhau như hồi học cấp ba, ngay cả ngày chia tay ra trường ở đại học có quy mô và hoành tráng gấp nhiều lần so với ở phổ thông, nhưng cũng không thể nào chứa đựng những cảm xúc như thời trước đó được.

***

Trong một bài bình luận ở trên một blog của sky này, tôi muốn gửi đến thông điệp đến các bạn trẻ còn đang học lớp 10, 11 đại ý rằng: "Các bạn hãy hình dung ra ngày chia tay cuối cấp này sẽ thấy mình quý trọng nhau hơn trong những ngày vẫn còn được ở bên nhau"

Lời cám ơn:

Xin cám ơn Mr.Rolek trong bài BD_T( from Z-records) ft. Cwalk - my school đã làm tôi xuất phát ý tưởng viết lại hồi ký này

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2008

Hát trong...mũ bảo hiểm

Tôi thường đi làm bằng xe máy, tức là chưa sử dụng các phương tiện công cộng đang sẵn có ở ngay gần chỗ ở của mình. Một phần vì thường là bận bịu buổi sáng đến nỗi không thể đi làm sớm hơn 30 phút, phần vì việc chờ 15 phút cho mỗi chuyến xe buýt làm cho tôi chán ngán mà chẳng biết làm gì. Phần vì cũng không muốn rời xa cái vật yêu quý đã đồng hành với tôi bao nhiêu năm trời, đó là cái mũ bảo hiểm.

Cái mũ của tôi thì không được xịn cho lắm, là loại của Việt Nam sản xuất, hãng AZURA gì đó. Nó là loại mũ "có hàm", có nghĩa rằng khi đội vào là nó giống y như cái nồi cơm điện ở trên đầu vậy, nặng, khó quan sát rộng nhưng lại có cảm giác rất an toàn khi sử dụng. Tôi không còn nhớ rằng đã mua chiếc mũ này từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng nó rất cũ, rất lâu đời rồi.Thời luật chưa bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, tôi đã có thói quen đội mũ bảo hiểm mỗi khi đi lại trên các tuyến đường dài, cứ phải đi đường dài mà khoảng cách chỉ cần 10 Km là đã sử dụng mũ. Cái lợi của đội mũ thì không ai còn phải nói lại nữa: An toàn, chống bụi, tạo cảm giác vững chãi, và...thời trang.

Lại nói đến mũ bảo hiểm thời trang, hôm trước có lần tôi đi lên thành phố, thấy có điều là lạ: Bộ đội ở thành phố bây giờ được trang bị quân trang đẹp quá. Nhìn kỹ, lại thấy giàu quá, giầy xịn, đi xe xịn, đeo vàng lủng liểng nặng tay, xệ cổ. Chẳng là thấy một anh bộ độ mang mũ sắt rằn ri, mặc bộ đồ rằn ri nên nghĩ vậy. Đi một lúc lại thấy một anh bộ đội khác đội mũ sắt, nhưng lần này màu sắc chỉ xam xám giống mũ sắt thời chiến tranh thế giới thứ II, nhưng anh này ăn mặc không có quy củ gì cả, chắc cũng nghèo hơn anh kia. Rồi đi một lúc nữa lại thấy một cô bộ đội mặc váy. Hic, bây giờ bộ đội chẳng giống gì ngày xưa, hay là bộ đội ở quê tôi gì cả. Mãi sau tôi mới biết đấy là những cái mũ bảo hiểm biến thể thành giống như mũ sắt của bộ đội trong chiến tranh. Đúng là lạ thật. Tác dụng của mũ bảo hiểm là bảo vệ cho chính sự an toàn của người sử dụng, nhưng họ lại tỏ ra thờ ơ với nó, coi thường chính sự an toàn của mình, để đến nỗi phải bắt buộc mới đem ra sử dụng. Việc sử dụng lại mang nhiều biến thể như một sự đối phó, hoặc mang tính thời trang nhưng không hiệu quả.

Đội mũ bảo hiểm trước đây bị coi là khác thường trong giao thông đô thị. Có lần tôi đi từ nhà lên thành phố, đến lúc về thì trở một số thứ lỉnh kỉnh (case, màn hình máy tính), đội một cái mũ bảo hiểm to tướng, đi ngông nghênh trong thành phố thì bị mấy chú cảnh sát giao thông phạt. Tội thì là do tôi nhìn đi từ xa đến ngã ba Trung Tự (đoạn siêu thị) thì đoàn xe máy phía trước do tắc nên đi chậm quá, đến lúc xe tôi đến thì nó đang là đèn vàng, sang được bên đường, đã có mấy chú đứng đợi giữ lại và bảo vượt đèn đỏ, ờ, ngó lên thì nó đèn đỏ từ lúc nào. Sau kể chuyện lại với mấy thằng bạn, nó bảo "Chắc tại mày đội mũ bảo hiểm, ông nào đội mũ trong thành phố thì đúng là lớ ngớ ở nhà quê mới lên, nên dễ bị để ý nên dễ bị tuýt lắm". Chắc không phải. Ai lại thế.

Mũ bảo hiểm cách điệu, ảnh VnExpress

Đến nay, nhìn mọi người đội mũ đồng loạt, lại thấy việc không đội mũ mới là khác thường. Gớm, đúng là đủ sắc màu. Thế có phải là an toàn cho chính người đội mũ, lại thể hiện sự văn minh trong khi tham gia giao thông. Dù sao thì việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng đã đi vào quy củ, nhưng lại nhớ đến cái thời bắt đầu tuyên truyền người dân đội mũ bảo hiểm thì thấy có nhiều ý kiến trái ngược lên mặt báo. Người ta lấy những lý do như không tiện lợi, khó có chỗ để mũ để rồi viết thành bài báo như một ý kiến trái chiều cho việc này, những lý do đó rất nhỏ nhặt, chưa có tính thuyết phục so với lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm mang lại[1][2][3]. Có lẽ rằng lợi ích thực tế chính là câu trả lời cho những ý kiến trái chiều này khi mà sau một năm áp dụng người ta đã nhận thấy rõ lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm thông qua những bằng chứng thống kê xác thực[4].

Quên mất, đang nói đến cái mũ của mình lại cứ nói linh tinh đi đâu. Bạn biết không, tôi đi làm cách xa nhà 10 Km nhưng lúc nào cũng cảm thấy đoạn đường đó quá ngắn, chỉ vì...cái mũ bảo hiểm.

Lần đầu tiên (cũng lâu lắm rồi), khi tôi đang đi xe máy thì phải nói chuyện với người ngồi sau, tôi phát hiện ra rằng loại mũ "có hàm" khi nói thì nó truyền âm sang tai rất tốt. Điều này hồi nhỏ mỗi khi bị gửi cho ông bà ngoại, tôi thích chui đầu vào cái chum chứa nước hứng từ cây cau để...nói luyên thuyên mà nghe những tiếng ồm ồm vọng lại. Tôi thấy cái mũ bảo hiểm có cằm cũng tạo hiện ứng tương tự, thật thú vị.

Thế là mỗi chuyến đi xa bằng xe máy, tôi liền...hát trong cái mũ đó. Bởi vì nó truyền âm sang tai như hiệu ứng phòng thu ở các studio cho các ca sĩ chuyên nghiệp vậy. Bạn có tin không, hãy thử đi, rất hiệu nghiệm. Hát trong mũ với điều kiện chụp kính xuống làm cho đoạn đường đến chỗ làm như ngắn lại. Có lúc đến nơi rồi, đến cổng nhà xe rồi mà bài hát vẫn chưa hết, tôi tiếc rẻ "sao đoạn đường không dài thêm một chút cho nó hết bài đi".

Có thể những điều này làm bạn cho rằng "ngớ ngẩn", nhưng tôi thấy nó thật hay, khi mà bạn có thể gặp rất nhiều những phiền muộn, bực mình trong cuộc sống của mình, bạn có thể hát, nó sẽ làm bạn giải toả rất nhiều sự phiền muộn của bạn. Nó làm bạn yêu đời hơn, thú vị hơn với đầy rẫy những áp lực, bực dọc xung quanh mình.

Trong cái mũ đó, bạn chẳng phải ngại ngùng gì cả, bạn có thể hát to, thoải mái và thậm chí còn thử giọng với vài bài cao giọng kiểu như opera nữa.

***

Một hôm, có người quen hỏi tôi:

- Mày đi đường thế quái nào mà tao gặp cứ ngơ đi, lại còn lẩm bẩm gì đó?

Tôi đáp:

- Ăn kẹo cao su.

Chú thích

1^. Đội mũ bảo hiểm trong thành phố khó khả thi, ý kiến của Hùng Vương trên VnExpress, 10/7/2007.

2^. Có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường?, đăng trên Vietnam Net.

3^. Đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường: ý kiến nhiều chiều, Nhiều ý kiến, đăng trên VnExpress, 14/5/2007

4^. Nón bảo hiểm, lợi ích càng rõ, BS Hoàng Hoa Hải (Bệnh viện Chợ Rẫy), đăng trên Tuổi Trẻ Online, 01/2008.

Xem thêm

- Sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm cách điệu, trên VnMedia, 23/5/2008 (để biết thêm tác hại của mũ bảo hiểm cách điệu thường thấy như một sự đối phó luật hiện nay)

- Sẽ có MBH thời trang đạt chất lượng?, trên VnMedia, 26/5/2008.

Tr Minh Linh (27/5/2008)

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2008

Tại sao tôi chuyển sang dùng Linux

Phải nói rằng Windows của Microsoft đối với tôi là một hệ điều hành ruột, từ thời biết cái máy tính lần đầu tiên, tôi đã được biết về DOS với những lệnh loằng ngoằng khó nhớ bằng tiếng Anh. Cho đến nay đã chừng hơn chục năm với nó, để rồi trở thành người rất am hiểu về nó. Thế thì tại sao tôi lại chuyển sang sử dụng Linux?

Biết máy tính, và biết Windows

Trong chương trình học tập của mình, tôi được dạy một môn học về lập trình Pascal, mọi thứ diễn ra bình thường như các môn học khác cho đến một hôm lớp chúng tôi có tiết thực hành. Được báo trước chuẩn bị đĩa mềm, mỗi đứa đi mua một chiếc đĩa to bằng cái đĩa ăn hàng ngày, vỏ nó mềm mềm đến nỗi uốn nắn được, giá thì chẳng rẻ chút nào. Mua xong rồi để đó, ngắm nghía nó và chờ đợi đến ngày được đi thực hành máy tính. Cảm giác là chờ đợi, háo hức như sắp được bay lên vũ trụ vậy.

Trong ký túc có mấy thằng được đi thực hành trước, chúng tôi xúm xít quanh bọn nó để hỏi han. Nó bảo: Đĩa đã có phần mềm chưa? Chưa! Thế thì đợi đấy, đừng có hòng được làm. Ơ, thế thầy bảo tao mua đĩa, thì đã mua rồi còn gì. Cấm cãi!. Rồi chúng tôi thấy sợ hãi. Thế biết phím nào với phím nào chưa? Chưa. Thế thì chỉ có mà bị ăn chửi. Chết, chúng tôi lại càng sợ hãi. Chúng nó bảo, thấy X ở đấy ghê lắm.

Đến giờ G, không phải, mà sớm hơn giờ G khoảng một tiếng, chúng tôi tập trung ở tầng 3 nhà C1, chẳng nhớ rõ là phòng nào, nhưng nó thuộc cầu thang phía bên phải nếu nhìn từ phía đường Đại Cồ Việt vào. Vì là đến sớm nên chưa đến lượt được vào thực hành, thế là mấy thằng sinh viên (trong ký túc xá là nhiều) đến sớm cứ thò cổ qua hai lớp kính (còn một cái hành lang nữa) để nhìn vào. Thấy mấy thầy đang có vẻ mắng mỏ một cậu, lại thấy sợ thêm, nhưng lại thấy một cậu đeo kính gõ gõ bên cái màn hình xanh lè, lại thấy thích thích. (Cái cảm giác vừa sợ, vừa thích này về sau này tôi cũng gặp một lần, đó là lần chúng tôi đi bắn đạn thật ở Yên Sở. Lúc đầu thằng nào cũng sợ, nhưng đi đến gần thì thấy súng nổ lẹt đẹt - mà nó không ùng oành như tưởng tượng, nên lại thấy thích thích, thằng nào cũng chỉ mong đến lượt hàng mình vào bắn. Tôi lúc đó lại là lớp trưởng (cũng làm một kỳ, thay Tuệ nghỉ học). Thầy bảo: Lớp cậu còn lâu, mà cậu thì tôi xếp bắn cuối cùng, cậu cầm cái cờ với còn này canh ở đầu kia, không cho dân đi vào nơi bắn. Hic, cụt hứng, lại còn sợ thằng nào nó ngắm chim, tên bay đạn lạc vào đúng mình thì toi - Vì chuyện này thấy vui vui nên ké đoạn này vào đây)

Cũng đến lúc bọn trước lục đục đi ra, lớp mình đi vào thì thấy một thầy quát "Ai cho các anh vào", mấy thằng chưng hửng ra ngoài. Rồi đến lúc bọn kia ra hết, qua giờ giải lao giữa tiết, một thầy ra bảo: "Các bạn đã có đủ đĩa mềm chưa?" cả bọn nhao nhao, có đủ. Rồi thầy mời vào, chúng tôi ùa vào, học được vài điều từ bọn đi trước, tôi tìm tránh một cái máy mà chúng nó bảo hỏng bàn phím.

Những chiếc máy tính cổ lỗ sĩ, màn hình 14" đây rồi, nhìn chúng cũ nhưng lại mới đối với chúng tôi. Bàn phím long lay như răng bà lão, bấm mãi mới được. Rồi cũng vẫn phải chờ, chờ các thầy tạo đĩa boot và copy mấy tập tin chạy DOS và Pascal, chờ hướng dẫn từng ly từng tí một trong những giọng gắt ngỏng. Cuối cùng.. là cả một buổi chúng tôi mới làm được hiển thị lên màn hình dòng chữ "Hello word". Hồi đó gõ một chữ là lại phải tìm xem chúng nằm ở đâu trên bàn phím "Quái, rõ ràng là nó phải có chữ P mà hình như cái bàn phím này không có".

Bây giờ gõ bàn phím bằng hai tay, không cần nhìn bàn phím, gõ rất nhanh, nghĩ lại thời đó thấy thật ngớ ngẩn. Nhưng mà bắt đầu làm quen thì phải như thế, có ai sinh ra mà không học lại biết được đâu.

Từ lần đầu tiên biết máy tính là như thế, với một hệ điều hành DOS, rồi sau đó đến Windows 3.11 với sự diệu kỳ của con chuột có thể điều khiển hầu như tất cả. Windows 95 ra đời trước đó, nhưng mãi sau chúng tôi mới có điều kiện tiếp cận. Win98, Me, và sự hào hứng khi bản Windows 2000, đến giờ là XP.

Mày mò, học hỏi, đọc, truyền tay nhau những tài liệu photocopy cũ nát đã khiến tôi trải qua các hệ điều hành đó. Rồi trở lên thành thạo với nó, không phải là biết tất cả, nhưng cũng đủ dùng đối với một người sử dụng bình thường. Sau này, tất cả các sự học tập và truyền bá kiến thức của tôi cũng chỉ với họ Windows.

Định hướng Linux

Linux, là những gì khó hiểu nhất đối với tôi thời đó, mà cho đến tận gần đây. Những bài viết trên Wikipedia của tôi thường lé tránh đến những gì tôi chưa biết. Hầu như phần nhiều đều được gắn một cái biển "Sơ khai", có nghĩa rằng bài đó đang được hoàn thiện chứ chưa phải mức hoàn thiện (có một lúc nào đó, ở một bài nào đó tôi sẽ nói rõ hơn điều này).

Lần đầu tiên tôi biết được Linux là do một người bạn cùng lứa tuổi với em tôi học khoa Tin trường Tổng hợp hay Sư phạm gì đó trọ cùng nhà chủ với tôi. Nó cài đặt Linux như một sự bắt buộc của môn học nào đó. Tôi thấy nó gõ đủ thứ lệnh loằng ngoằng giống như là DOS, nhưng vừa làm vừa vò đầu bứt tai mà cũng không được công việc của nó. Có lần tôi đưa sang một đĩa mềm để nhờ copy một phần mềm gì đó, tôi thấy nó loay hoay hàng giờ mà vẫn không copy được.

Rồi thì cũng quên nhanh với Linux, bở vì với tôi ngày ấy không coi nó là một hệ điều hành, mà coi nó là một phần mềm chuyên ngành thì đúng hơn. Sau này khi cũng loáng thoáng thấy nhiều người nói tới Linux thì tôi chợt dạ nhớ ra nỗi ám ảnh của thằng bạn ngày xưa đã vò đầu bứt tai để sử dụng như thế nào. Rồi thì cũng thử tìm hiểu xem nó ra làm sao, cái chuỗi dữ liệu nói đến Unix, hệ điều hành dành cho máy chủ, tôi lại nghĩ "À, cái này dành cho máy chủ, chẳng cần thiết phải tìm hiểu thêm, cái này chỉ dành cho các quản trị mạng thôi".

Ngày càng nghe nói nhiều đến các hệ điều hành và phần mềm mã nguồn mở, tôi lại bắt đầu thử xem nó thế nào, nhưng kết quả vẫn thế, đọc một loạt thứ rối mù, trái với các tư duy thông thường của tôi với Windows. Nó lại làm tôi thất vọng để rồi chê bai "cái thời làm việc bằng chuột này mà cứ bắt đánh máy với lại nhớ hàng đống lệnh thì ai mà chịu nổi.

Khi tôi viết blog, động chạm nhiều đến các vấn đề sở hữu trí tuệ như một sự cổ xuý cho việc tôn trọng bản quyền. Tôi lại giật mình vì mình cũng chưa tôn trọng được bản quyền cho lắm khi mà hàng ngày vẫn phải sử dụng một số phần mềm chưa thực sự tôn trọng điều này. Với Windows thì vẫn có bản quyền bởi vì nó được bán kèm với máy tính, nhưng những gì còn lại, mặc dù không sử dụng nhiều, nhưng có một phần là không có bản quyền chính thức.

Ở một nơi nào đó, tôi đã từng bình luận rằng "Rồi sẽ đến lúc tình trạng dùng phần mềm vi phạm bản quyền cũng sẽ được thắt chặt lại một cách đúng nghĩa và triệt để, những hãng sản xuất phần mềm sẽ có các công cụ làm cho người dùng không thể dùng chùa được, cho dù đó là 3 năm, hay 5 năm tới thì việc này cũng sẽ xảy ra". Lúc đó hoặc là phải bỏ tiền ra mua các phần mềm, hoặc là chuyển hướng sang sử dụng các phần mềm mã nguồn mở với chi phí thấp cho các ứng dụng thông thường. Một người đã cho rằng "Cũng có thể rằng thời điểm đó mức lương của VN tăng cao đến mức mỗi hệ điều hành chỉ có giá bằng 1/20 của mức lương tôi nhận được nên tiếc gì không mua phần mềm bản quyền", nhưng tôi cho rằng điều này là quá lạc quan, không những thế, những người còn lại sẽ không thể nhận được mức lương đồng đều đến vậy để có thể tât cả dùng Windows - chẳng hạn những người nông dân thì họ có tiền để mua bản quyền hay không?

Nếu tương lai có người sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở thì có nghĩa là có những người cần sự giúp đỡ. Và cho dù tôi có nhiều tiền để thoải mái sử dụng hệ điều hành và các phần mềm tương thích với họ Windows thì vẫn có người cần sự giúp đỡ về hệ điều hành mã nguồn mở. Vậy thì tại sao ta không đi trước một bước, dùng hệ điều hành mã nguồn mở đi, để đến lúc đó thì khả năng đã thông thạo về nó, sẵn sàng có thể giúp đỡ mọi người vì nó? - Và điều lợi hơn với chính mình rằng: Sẽ không cần thiết cứ phải đi mua một vật gì đó để dùng khi mà đã có một vật khác gần như biếu không lại có tính năng tương đương.

Thử lần đầu tiên: Không cần cài đặt Linux

Sơ đồ các nhánh phát triển của Linux

Mặc dù rối bời về những phân nhánh phức tạp của Linux, nhưng cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy một hình ảnh về sự phát triển/phân phối Linux theo các hướng khác nhau, hình ảnh này có thể cho thấy thời điểm bắt đầu, thời điểm ra đời các phiên bản Linux khác nhau để có một cái hình dung dễ hơn về hệ điều hành mã nguồn mở này. (lưu ý rằng hình có thể được phóng lớn để nhìn rõ hơn khi bạn tải hình ảnh này về). Tuy nhiên, hình ảnh này không phải là đầy đủ, và chúng cũng không nhắc đến một số phiên bản Linux được bản địa hoá (ví dụ Việt hoá bởi các các nhân và công ty ở trong nước cũng như các Việt kiều ở nước ngoài).

Thế thì cái gì dễ nhất để bắt đầu? Chắc chắn rằng tôi sẽ không thích một bản phân phối nào chỉ toàn sử dụng các dòng lệnh như nỗi ám ảnh trước đây của tôi (sau này sẽ cần đến nó, nhưng hiện tại thì chưa bởi vì tôi cần một sự thử nghiệm sử dụng trực quan nhất).

Trong quá trình tìm kiếm một bản Linux nào đó thuận lợi nhất cho tôi dùng thử thì tôi thấy có nói nhiều về Ubuntu, một phân nhánh phân phối trong cái gốc Linux chung và được dùng nhiều nhất trên thế giới, cũng thành công nhất[1], dễ sử dụng nên đã đã bắt đầu tìm cách thử dùng nó.

Việc dùng thử mà không cần cài đặt sẽ phần nào cho phép người sử dụng nhận thấy hệ điều hành này có phù hợp với cấu hình máy tính của mình hay không, giao diện của nó có quen thuộc hay không. Đa phần là sẽ phù hợp vì phiên bản mới nhất đã hỗ trợ nhiều loại phần cứng máy tính hơn. Có điều, có thể bạn không được hưởng các hiệu ứng đồ hoạ của Ubuntu bởi vì việc chạy thử trên CD đã không cho phép cài đặt và bật hiệu ứng đồ hoạ, còn lại rất tốt: sẵn sàng kết nối Internet, sẵn sàng một phần mềm để chat tương thích với tất cả các nick của Yahoo!, MSN, ...

Ngày đầu tiên tôi sử dụng Ubuntu được bắt đầu vào ngày nghỉ lễ của Việt Nam, bởi vì tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thời gian để sửa chữa nếu như có một điều gì đó bất ổn xảy ra trong quá trình thử sử dụng và cài đặt hệ điều hành này. Tôi đã tải bản đó về dưới dạng một tập tin iso, có nghĩa là chúng dùng để ghi ra thành một đĩa CD của hệ điều hành này. Cái hay nhất của nó là tính năng cho phép người sử dụng dùng thử nó trước khi cài đặt chính thức. Chỉ cần đặt đĩa CD-ROM chứa Ubuntu vào khay đĩa CD/DVD, khởi động lại máy tính và lựa chọn sử dụng thử mà không cài đặt.

Lưu ý rằng bản này có hỗ trợ tiếng Việt, nếu như bạn lựa chọn ngôn ngữ tiếng Việt thì một số giao diện sử dụng sẽ hiển thị bằng tiếng Việt. Điều đó giúp cho bạn có thể dễ dàng làm quen hơn, đặc biệt là đọc một số phần hỗ trợ (help) của hệ điều hành - tuy nhiên nó chưa được đầy đủ lắm. Còn việc gõ Tiếng Việt là một phần khá quan trọng khi sử dụng máy tính nhưng nó chỉ được thực hiện tốt khi bạn cài đặt lên ổ đĩa cứng. Tôi sẽ dần dần giới thiệu với bạn trong các bài sau.

Còn bây giờ, trước khi thử nó - hãy tìm hiểu nó trên Internet trong khi chờ tải về tập tin ISO, rồi ghi ra đĩa (burn) để có một đĩa Ubuntu cho bạn thử nghiệm. Nhưng đừng vội cài đặt ngay lên ổ cứng nếu như bạn chưa tìm hiểu kỹ càng về nó. Nếu bạn không vội vàng, có lẽ tôi sẽ tìm các bài để viết lại và đăng tải lại giúp bạn thuận tiện hơn.

Tôi nghĩ rằng: Mình là người mới bắt đầu sử dụng Ubuntu, vậy thì những gì mình thực hiện sẽ rất giống với những gì bạn đang chuẩn bị thực hiện, bởi vì nó có sự gần gũi và hiểu về các nhu cầu của chính người mới bắt đầu. Và có lẽ là dễ dàng hơn so với một bài viết nào đó dành cho người đã hiểu biết cơ bản rồi (họ sẽ không nhắc lại những gì cơ bản nữa), còn tôi thì lại mới bắt đầu - và tôi biết mình cần tìm gì, học gì và thực hiện những gì.

Chú thích:

1. Ubuntu: phiên bản Linux gặt hái nhiều thành công nhất, Văn Vượng (theo BBC) đăng trên Thông tin Công nghệ, 23/4/2008.

Liên kết:

- Trang chủ của Ubuntu; (để tìm hiểu thêm về Ubuntu).

- Trang đặt đĩa CD Ubuntu miễn phí phiên bản mới nhất (mất vài tuần) hoặc tải về tập tin ISO.

Xem thêm:

- Mục từ Ubuntu trên Wikipedia tiếng Việt, tiếng Anh;

Cám ơn các nguồn tài liệu sau:

- Có những phiên bản Linux nào được dùng nhiều?, bài trên Softvnn.com, đã cho thấy đường dẫn của hình ảnh các nhánh phát triển Linux.

Tr Minh Linh (25-26/5/2008)

(Tình trạng: Đang hoàn thiện)

Lưu ý về máy phát điện dân dụng

Bài viết này đã được chuyển sang blog mới của tôi tại:

http://tman75hd.blogspot.com/2008/05/luu-y-ve-may-phat-dien-dan-dung.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

Lênh đênh

Thỉnh thoảng, ký ức lại hiện về trong tôi rõ mồn một khiến tôi không thể nào quên đi mà không viết về nó. Lần này là bài "Lênh đênh" của Hồng Đăng, nó thấp thoáng trong những con chữ trong dòng web đã khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm ngày trước.

...Tôi yêu thực sự khi đang còn là sinh viên. Đúng là phải nói chữ "thực sự", bởi vì sự thật thì tôi cũng đã có cảm tình với một người từ hồi còn học cấp 2, lúc đó tôi cho rằng mình cũng đã "yêu", nhưng sau này mới nhận ra rằng không phải - đó chỉ là những rung động đầu đời.

Người yêu tôi không cùng học ở cùng địa phương tôi học, mà ở tận Hưng Yên, mỗi lần ghé thăm lại phải đi xe buýp đến Gia Lâm, rồi nhảy xe khách đến Hưng Yên. Đường 38 gồ gề ngày ấy khiến cho những chiếc xe khách cổ lỗ sĩ nhảy chồm chồm, bò mỏi mệt. Người đi xe cũng mệt mỏi vì những chiếc ghế sắt khô cứng, phần đệm cũ mòn, toả mùi khăm khẳm của những món hàng từ miền quê mang lên Hà Nội để bán, để cho, để làm quà...còn rớt lại. Tôi thì chỉ tiếc bộ cánh tươm tất, lúc nào cũng sẽ bị bẩn và đượm mùi đặc trưng ấy.

Giai đoạn tôi yêu thì người yêu tôi cũng đã học xong chương trình trung học, sang đến học thêm về cao đẳng. Giáo viên cấp I nhưng học cao đẳng cấp 1, nhưng lại chỉ có hai nghành chính: hội hoạ và âm nhạc. Người yêu tôi thì học hoạ, nhưng lại ở chung phòng với nhóm học Nhạc, cái phòng ấy được lấy tên là phòng "CÁN BỘ KỐP". Giảng dạy là các thày cô ở trường Cao đẳng Nhạc hoạ HN về dạy - không phải giáo viên của trường.

Tôi thì không hiểu "CÁN BỘ KỐP" được xuất phát từ đâu, chỉ biết rằng nó được dán chữ trang trọng giữa phòng. Lúc nào cũng vậy, kỳ học nào cũng thế, được viết to trên một tờ giấy dán ở giữa phòng. Cửa phòng thì viết nguệch ngoạc, viết hoa, viết to CÁN BỘ KỐP.

Vì là lớp đào tạo hệ cao đẳng, học theo chế độ tại chức nên những người học ở đây thì lứa tuổi dài trải rộng. Người đã đi dạy vài năm, người vừa mới đi dạy, người vừa học xong hệ trung học tiếp tục học lên cao đẳng. Thế lên lứa tuổi không giống nhau, chị già, em trẻ...nhưng rất vui.

Sân trường có một cái hồ, giữa hồ có một cái đảo nhỏ mà chủ đạo là một cái tháp hay tượng gì đó mà tôi không còn nhớ, chỉ nhớ rằng có cầu bắc đến giữa đảo giống như cầu Thê Húc với đền Ngọc Sơn ở Hà Nội vậy - nhưng hồ thì nhỏ xíu chứ không nghư Hồ Gươm. Mỗi tối, mà cũng phải nhấn mạnh rằng tối nào cũng vậy, cứ ăn cơm xong là phòng lại tập hợp ra chiếm đảo để ngồi hóng mát và hát. Có lẽ vì là CÁN BỘ KỐP nên các chị rất ngầu, đứa nào đang học hệ trung học còn lảng vảng quanh đảo là các chị tìm cách đuổi khéo để chiếm cái đảo ấy cho riêng mình cho mỗi buổi tối vui vẻ. Đàn organ thì có nhiều trong phòng, nhưng nó phải dùng điện, phức tạp nên chỉ chơi đàn ghi-ta được thôi. Vậy là hai cái đàn phập phừng giữa hồ làm náo động cả một góc của trường Trung học Sư phạm Hưng Yên (bây giờ, sau khi tách tỉnh ra khỏi Hải Hưng, trường đó gọi là Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên thì phải).

Lúc nào cũng thế, bài đầu tiên bao giờ cũng là bài "Lênh đênh" của nhạc sĩ Hồng Đăng. Nó có thể như một bài hát truyền thống của phòng CÁN BỘ KỐP vậy. Bất kỳ cuộc vui nào, bất kỳ lúc nào khi các chị cất lên giọng hát, thì đều là bài hát này. Tôi biết và thích bài hát này từ đó.

Lúc nào tôi cũng có thể hát bài hát đó, nó bắt đầu từ một đoạn khởi đầu trầm lắng, rồi cứ thế cao dần, cao dần, rồi lại chầm xuống: "Có một con đường, như...đợi một con suối. Có một ngọn gió, bay...tìm một ngọn núi. Có một cánh rừng...chờ, một cánh chim đêm. Tiếng hát lênh đênh, mong...một phút bình yên"...phải nói rằng bài này trải rộng cao độ chứ không như các bài hát khác, tôi thì không học về âm nhạc, cũng không hiểu biết nhiều về âm nhạc - nhưng cảm nhận vậy. Khi cùng hát chung với các chị, có chị bảo: Mày phải hát thấp đi một chút, tao không theo kịp. "Theo" ở đây là về cao độ, khi nam và nữ hát cùng nhau thì giọng nữ bao giờ cũng phải cao hơn một chút...

...Lênh đênh ở bài hát, lênh đênh trong tình yêu, lênh đênh trong cuộc đời...tôi cảm thấy nó hay có lẽ cũng vì thế. Rồi, tôi đã viết đến đây như những dòng hồi ký, lại nhớ đến một lần, tôi đã hát bài hát đó một mình. Câu chuyện là thế này

Chuyện về chuyến đi không hẹn trước

Cũng có lần, vì không hẹn trước, tôi đi đến Hưng Yên như dành một sự bất ngờ cho người yêu (hồi đó gọi điện thoại cũng rất khó khăn, ở đây phải gọi hai cuộc, cuộc đầu để đi gọi người, cuộc sau thì mới nói chuyện được nếu người nghe ở phòng, còn đi đâu thì coi như mất luôn hai cuộc chẳng được gì) . Ý định bắt đầu nảy sinh muộn để tôi đến bến xe Gia Lâm thì không còn chuyến nào về Hưng Yên nữa. "Xe vừa đi xong...để anh đưa đưa đuổi theo cho", một anh xe ôm mời mọc khi biết sự tình. Tình yêu và người yêu vẫy gọi tôi, và tôi đồng ý lên chiếc xe 81 cà tàng của anh xe ôm với mục đích đuổi theo xe khách ấy. Đuổi mãi, đuổi mãi mà không kịp, đến Phố Nối vẫn chẳng thấy đâu, hai anh em dừng xe uống vội một cốc bia hơi rồi tiếp tục...đuổi theo xe khách. Tận gần Hưng Yên mới thấy chiếc xe ọc ạch đang bò phía trước, hic, thôi, đã thế thì đi nốt cho xong.

Đi xe ôm đến tận cổng trường, nhưng chẳng thấy người yêu tôi và phòng CÁN BỘ KỐP đâu cả, tôi chẳng biết làm sao cả. Còn tắm giặt thì làm thế nào đây? Tôi lại đi bộ mất khoảng hai cây số mới thấy một nhà chở xe ôm, đi vào thị xã, kiếm cái nhà nghỉ nào cho qua đêm, chứ giờ này mà về Hà Nội thì có mà điên (cũng tầm muộn muộn rồi, khoảng 17-18h tối gì đó).

Thị xã Hưng Yên hồi đó bé tẹo như cái kẹo, cả thị xã không có đến một cái nhà nghỉ nào cả. Tôi lang thang quanh hồ bán nguyệt như ôn lại những kỷ niệm cũ rồi cũng quay về trường Trung học Sư phạm như mong tìm lại được một người quen.

Vẫn chẳng thấy gì cả, tôi nghĩ rằng đêm nay có lẽ phải ngủ vạ vật ở đâu đó rồi. Ý nghĩ sắp xếp của tôi là kiếm một cái phòng học nào đó không bị khoá cửa để vào ngủ. Nhưng đến lúc ngủ được thì còn xa, nên lang thang ở đảo, nhớ lại, và hát bài lênh đênh...không to, nhưng cũng đủ để nghe thấy khi ở gần, bởi cái bài hát này có đoạn cao cao nên nó phải vậy, không hát thầm được.

...Có tiếng khúch khích ở đâu đó, rồi thì tôi cũng nhận ra có một đôi đang ngồi tâm sự ở phía khác của đảo. Ối giời, họ im quá đến nỗi tôi không nhận ra. Hic, xấu hổ...

Rồi thì họ cũng quay ra hỏi tôi tôi với một sự trêu đùa "bạn thất tình hay sao mà ra đây hát?", tôi đã nói chuyện với họ, kể lại sự tình, và...anh chàng kia đã nhiệt tình tạm xa người yêu để dẫn tôi về phòng của mình, chỉ cho tôi chỗ tắm.

Nhanh chóng làm quen với cả phòng đó, tôi và họ đã có các câu chuyện rất vui vẻ. Ngay khi tắm xong, như một thành viên trong phòng, tôi cởi trần, mặc quần đùi và xúm vào cùng nói, cùng chơi, cùng vui với họ. Một người thốt lên "Lâu mới nghe nói người Hà Nội tự nhiên, thấy anh hôm nay thì đúng vậy", tôi trả lời "Ấy, không, tôi cũng như các bạn, đến từ một miền quê, tôi chỉ đang học ở đó thôi".

Đến khoảng 10 giờ tối thì thấy vài người trong phòng bắt đầu đi đâu đó, lát sau xách về một gói mì tôm, loại một cân đóng chung vào một túi bóng. Cả phòng hì hụi xục điện vào cái xô, rồi đổ mì tôi vào đó nấu. Tôi hỏi: "Ô, thế ngày nào cũng ăn thế này thì sao không mua cái nồi cho nó tiện?", họ trả lời "Đâu có, hôm nay hơi đặc biệt mới vậy". Đúng là không có sự chuẩn bị thật, đến lúc ăn thì không có đũa đâu cả, nhìn quanh, thấy cái chổi chít liền bẻ ra làm đũa. Cứ thế ăn, vui lắm. Kể ra thì cũng mất vệ sinh thật, cái xô có thể chứa các dính cặn xà phòng với đủ thứ chất xám của mọi người khi tắm, cái chổi chít có thể suốt ngày tay người cầm vào, rồi bụi bặm. Nhưng tôi chẳng thấy gì hết, cũng không thấy lợm giọng khi ăn. Mà chỉ thấy cái ngon của sự đoàn kết, ấp áp bao dung, tôi biết rằng, họ đã không có những bữa ăn như vậy - chỉ hôm đó có tôi - một người khách lạc đường.

Phải nói rằng hôm đó tôi được uống một loại rượu ngon nhất trong đời. Cũng có thể loại rượu của một làng quê gần Phố Nối thực sự ngon vậy, cũng có thể nó chứa chan tình người, cũng có thể thực hơn một chút là ở KTX BK chúng tôi toàn phải uống thứ rượu được pha chế bằng cồn viên....Hay là cái khung cảnh chai rượu cắu bẳn, từng người tu trực tiếp vào miệng, truyền nhau lần lượt, lái bằng mì tôm gói trong ánh điện đỏ quạch, lờ nhờ vì thấp áp làm lên cái ngon của nó. Chúng tôi uống và nói chuyện về hôm nay, về ngày mai và về tương lai. Những cái đầu hôm qua còn hoe nắng vì mặt trời chói chang trên bình trâu nay đã chụm vào nhau dưới ánh điện, những đôi chân đạp dưới bùn mong tìm từng con cá còn sót lại trong mỗi lần tát ao để mang về cải thiện bữa ăn nay đang học tập để sắp sửa bước lên bục giảng...Những hình ảnh này có lẽ rằng không phải đi theo tôi, nhưng mỗi khi cầm cái chổi chít, mà lại thấy bát mì tôm là có thể tôi lại nhớ đến.

Sáng hôm sau, mấy người trong phòng dẫn tôi đi ăn sáng và tiễn tôi ra bến xe ngược về Hà Nội.

Vài lần có viết thư cho nhau, những bức thư cũng chẳng nói điều gì rõ rệt - cái chủ yếu là không có cái hồn để viết, hỏi thăm vu vơ về tình hình cuộc sống, tình hình học tập như những lệ thường, rồi cũng hết. Dù sao thì tôi vẫn nhớ tới họ, cho dù chẳng nhớ tên như các chị ở phòng CÁN BỘ KỐP được, nhưng tôi hiểu rằng trong số những gì tích luỹ chuẩn bị trong cuộc đời của mình, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những gì đã nói, đã nghe và đã cảm nhận từ bữa rượu ấy, và tôi tin rằng một vài người trong số họ cũng sẽ vậy.

***

Rồi. Viết đến đây thì tôi quên phéng là đang giới thiệu về bài hát, cảm nhận bài hát. Nhưng thôi, có lẽ cũng đăng tải dần dần những hồi ký của mình. Nếu là giới thiệu một bài hay trên blog của người khác viết, tôi sẽ nói đến vài lời cảm nhận, chẳng hạn như: "Câu chuyện cho ta thấy đến dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể vượt qua khó khăn" - nếu như đang muốn triết lý về cuộc sống hay kinh doanh. Còn nếu như với người đang yêu, tôi lại cảm nhận "Tình yêu vượt qua mọi không gian, thời gian, chỉ có đến với nhau và đến với nhau, cho dù thời ấy 60Km đi xe ôm có thể đủ tiền ăn cho nửa tháng của sinh viên, nhưng họ vẫn đến với nhau, dành cho nhau điều bất ngờ". Hic, cảm nhận của mỗi con người ở từng giới hạn nhận thức về cuộc đời, từng hoàn cảnh cuộc sống, từng nỗi éo le của họ là sẽ rất khác nhau, nên lời nói không nhất quán nhau thì chẳng có gì là lạ cả bởi mục đích cuối cùng là sẻ chia với họ với cảm nhận đồng cảm mà thôi.

***

Thôi, viết câu cuối để lại sắp một tuần làm việc mới với những bộn bề lo toan: "Chị Thư, chị Hạnh, chị Vân, bạn Dung...ơi, tôi vẫn nhớ đến mọi người, bài hát Lênh đênh, và phòng CÁN BỘ KỐP ngày ấy".

Tr Minh Linh (23-24/5/2008)

_________________________________

Mặc dù chẳng liên quan đến hồi ký này của tôi, nhưng xin gới thiệu một phần của một bài viết tôi thấy được trong khi tìm kiếm lời bài hát này trên Internet. Có lẽ đây là kết quả duy nhất đối với tôi mà được coi là "gần chính xác".

Lời bài hát:

Lênh đênh

Có một con đường như đợi một con suối Có một ngọn gió bay tìm một ngọn núi Có một cánh rừng chờ một cánh chim đêm Tiếng hát lênh đênh mong một phút bình yên . Có hai nỗi nhớ xôn xao gió triền đê Có hai con tim chung một lối đi về . Đời xanh thế,...trời xanh thế ...Lênh đênh những vì sao xa . ....Lênh đênh những vầng mây xa . Hai đứa như hai vầng mây xa Trôi trên sóng bồng bềnh bồng bềnh Bao tháng năm đã từng trôi qua Mà sao vẫn lênh đênh lênh đênh

Anh đã đi suốt dọc chân mây Xa xôi lắm mặt trời, mặt trời Câu hát xưa đã từng mê say Chiều nay gió đưa đi ra khơi . Hai đứa như hai vì sao xa Mà đâu có lại gần, lại gần Bao tháng năm đã từng trôi qua Đời như vẫn bâng khuâng, bâng khuâng

. Hồng Đăng

Một đoạn sau giới thiệu về các tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng:

“Có một con đường như đợi một con suối. Có một ngọn gió bay tìm một ngọn núi. Có một cánh rừng chờ một tiếng chim đêm. Có hai nỗi nhớ xôn xao gió triền đê, có hai con tim chung một lối đi về”, đó là một đoạn của “Lênh đênh” – một trong những bài hát lãng mạn, trữ tình tiêu biểu của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Đó là phong cách thể hiện giai điệu êm dịu, giàu chất thơ, ngọt ngào; ca từ trong sáng chuyển tải những rung động thực sự của nhạc sĩ. Chẳng hạn như “Hoa sữa” đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ và sống cùng thời gian với những ca từ thiết tha say đắm: “Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng, như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng. Em vẫn từng đợi anh, trên những chặng đường quen, tiếng hát ai như xao động, thoáng mùi hương êm đềm”. Hồng ĐăngThuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành sau 1954, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có một “gia tài” khá đồ sộ hơn 1.000 tác phẩm, có nhiều tác phẩm lớn thuộc nhiều thể loại nhạc nhẹ, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu...

Trong đó, dấu ấn Hồng Đăng nổi rõ ở các ca khúc về quê hương đất nước, ca ngợi con người, cuộc sống, những làng quê, những thành phố mà nhạc sĩ đã đi qua trong hơn 50 năm sáng tác. Sức sống của những thành phố trẻ đã được toát lên qua giai điệu nhịp nhàng, nồng nàn và tinh nghịch của “Thành phố tuổi thơ”, “Không gian xanh”, “Cơn lốc”, “Thành phố lại bình yên”; hay sự tĩnh lặng, êm đềm mà vẫn cuồn cuộn sức sống của những vùng quê trong “Đường đi có nắng mặt trời”, “Quà tháng năm”, “Lửa rực cháy”...

Đặc biệt, những sáng tác tiêu biểu về biển của nhạc sĩ đã trở thành những tác phẩm không thể thiếu trong các chương trình hát về biển ở nước ta. Đã mấy mươi năm qua, khán giả vẫn xúc động khi ca sĩ hát lên bài “Biển hát chiều nay” trong “Con đường âm nhạc” tháng 8: “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao. Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào. Môi cười rất xinh lung linh màu áo. Mây trắng gợi lên những cánh chim hải âu. Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm mà đến nay vẫn ngọt ngào. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.

Một đoạn nội dung lấy từ:

- Nhạc sĩ Hồng Đăng – “…như hoa từng đợi nắng”, M.H đăng trên VAVToday.com (theo Báo Cần Thơ), 11/9/2007

- Phim Đời Hát rong, mục từ trên forum viết bởi thành viên tuntun trên Web Trẻ Thơ, 06/7/2006

Ổ SSD (Solid-State Drive)

Bài viết đã được chuyển sang blog mới của tôi tại địa chỉ:

http://tman75hd.blogspot.com/2008/05/o-dia-ssd-solid-state-drive.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2008

Phân tách dữ liệu của bạn khỏi Windows XP

Bài viết này đã được chuyển sang blog mới của tôi tại địa chỉ:

http://tman75hd.blogspot.com/2008/05/phan-tach-du-lieu-cua-ban-khoi-windows.html

Thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này!

Ngôn ngữ SMS, IM không ảnh hưởng đến ngôn ngữ thực

Mặc dù không hứng thú với việc chat thông qua các phần mềm IM, nhưng đôi khi để vẫn giữ liên lạc với những người bạn ảo cũ, thỉnh thoảng lại phải chat. Tuy nhiên, chỉ sau vài câu thăm hỏi xã giao, tôi tự thấy chán ốm, rồi cũng tìm cách nào đại loại như “Thôi mình đi ngủ nhé, bi bi” rồi thoát khỏi phần mềm này.

Không phải là lứa tuổi thích chat và cũng chưa từng thích thú đến mức nghiện nó, nhưng tôi không phản đối chat. Nếu như mọi người coi các phần mềm IM là kẻ thù thì có lẽ họ mới chỉ nhìn nhận vấn đề được coi là “tệ nạn” đối với những người nghiện chat mà thôi. Trên thực tế, chat là một hình thức nhắn tin cho nhau một cách nhanh chóng nhất, nó có thể được sử dụng trong công việc, nhưng cũng có thể bị lạm dụng để tạo ra các cuộc tán ngẫu kéo dài liên miên như một thứ bệnh nghiện vừa nêu.

Không thích không có nghĩa là không chat. Tôi đã chat với những người bạn trên mạng ảo trong một thời gian trước đây bằng phần mềm không thông dụng, và có lẽ phải nói rằng nó chưa được tung ra thị trường. Đó là ATOL (có lẽ nó được viết tắt từ: AnyTime Online), một phần mềm tích hợp đủ thứ trong một trong giai đoạn thử nghiệm của anh Đặng Minh Tuấn (còn gọi là “bác Tỳn”) cùng nhóm Vietkey Group và Việt Khang JSC phát triển phần mềm này có lẽ rằng dự định mang dự thi “Trí Tuệ Việt Nam” hồi đó. Tôi không phải là thành viên trong nhóm cũng như của Việt Khang, mà chỉ là một người tình nguyện thử nghiệm, phát triển cộng đồng.

Có thể nói ATOL là phần mềm có tính năng chat đầu tiên bằng tiếng Việt hoàn chỉnh ở Việt Nam, lúc đó Yahoo cũng hỗ trợ chat bằng Unicode, nhưng mã unicode lại khác, khiến cho chỉ có một vài phần mềm gõ tiếng Việt hồi đó như Vietkey, Unikey mới có thể chat bằng tiếng Việt trên Yahoo được. Nhưng tôi chưa hề gặp ai chat bằng tiếng Việt trên YM hồi đó để hiển thị một cách đầy đủ dấu cả, họ thường dùng mã VIQR, có nghĩa là quy ước là chính, ví dụ như nói: “Tôi viết tiếng Việt” thì được hiển thị đầy đủ bằng VIQR là “To^i vie^’t tie^’ng Vie^.t”, nhưng trên thực tế thì mọi người đã không viết chính thống như vậy mà viết tắt đi rất nhiều.

Khi chat, tôi nhận thấy nhiều điều kỳ lạ. Lạ nhất là có người bắt đầu viết “2″ với tôi. Lúc đó tôi không thể hiểu vì sao, sau đó lại còn viết hàng tràng dài “222222222″. Tôi cũng không hiểu nốt, tệ một nỗi là tôi chưa bao giờ khá tiếng Anh cả nên lúc đó tôi không thể biết rằng 2 chính là “Hi” và có nghĩa là chào vui vẻ. Rồi sau đó các biểu tượng biểu cảm như kiểu cười mỉm, cười nhe răng, cười to …hoặc mếu, khóc, thè lưỡi…làm tôi thú vị. Không thú vị làm sao được khi muốn bày tỏ trạng thái tâm lý một cách dễ dàng đến thế.

Suốt một thời gian khoảng vài tháng, tôi chat với những ký tự lạ lùng, loằng ngoằng và các biểu tượng như vậy, cả trên YM và ATOL (nhưng sau này vẫn không nghiện). Xuất hiện trên các chat room chỉ để giả vờ viết thử vài chữ tiếng Việt, vài người thấy lạ, liều quay sang hỏi (kiểu như: “u vi’t ba`ng ca’ch zi` za^y ?”), tôi đã chỉ bảo về cách sử dụng Vietkey để chat tiếng Việt, rồi mời sang dùng thử ATOL. Họ không sang thì thôi, nhưng vẫn miệt mài mời mọi người sử dụng YM có thể gõ tiếng Việt một cách chính thống, rõ ràng, đầy đủ.

Mặc dù đã có nhiều người đã gõ tiếng Việt trên YM những ngày hôm nay, nhưng vẫn không phải là tất cả! Tuy ATOL không còn tồn tại, YM viết bằng đủ thứ biến thể, nhưng vẫn cảm thấy vui vui vì mình cũng là những người đầu tiên mong muốn một sự trong sáng hơn cho tiếng Việt.

Dù mọi người đã viết bằng đủ thứ ký hiệu viết tắt, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng đó chỉ là những cách viết để thuận tiện nhất cho việc truyền tải thông tin một cách nhanh nhất. Nó sẽ không thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ nói của họ, bởi vì khi nói, không thể làm thế nào nói được số 2 là hi để hiểu là chào, mà họ sẽ nói “Hai” có nghĩa là người hiểu ngay theo tiếng Anh là chào. Hoặc cũng không thể diễn tả các biểu tượng thành thái độ như thế giới ảo, họ thay cho nét mặt sẽ nhanh hơn nhiều. Có lẽ chính vì muốn viết thật nhanh, gõ thật nhanh nên với các cách bỏ dấu đầy đủ sẽ làm cho người ta gõ vào bàn phím chậm đi, nên tiếng Việt vẫn chưa được hiển thị đầy đủ là vậy.

Trong cuộc sống, có nhiều người đã sử dụng những từ tiếng Anh để bồi vào trong câu nói của mình như một sự hiểu biết, như một sự thông thạo ngoại ngữ, nhưng không phải là tất cả. Một số bài báo đã thể hiện sự báo động về tình trạng xuống cấp của ngôn ngữ, nhưng tôi vẫn thấy bình thường. Vậy thì tại sao họ kêu như vậy? Bởi xung quanh các công sở, trong giới trẻ thành thị người ta bắt đầu thể hiện sự thông thái, hiểu biết ngoại ngữ đến nỗi dùng nó thay thế cho các từ thông dụng hằng ngày. Nhưng nói nó xuống cấp là chưa thực sự nhìn ra xung quanh vùng công sở đó: những người ở nông thôn đâu có nói như vậy? Mà nông thôn lại chiếm số nhiều. Do vậy, đây cũng không phải là điều đáng ngại. Nếu thực sự là những điều này ảnh hưởng đến một cộng động dân cư ở đâu đó, thì sự ảnh hưởng này cũng chỉ như một sự nhất thời, cục bộ tại một địa phương mà thôi. Khi ra ngoài địa phương đó, họ tự thấy điều đó là khác thường và phải điều chỉnh lại chính hành vi của họ.

Viết báo thì không khó, với một vài nhận định cá nhân, thêm vài dẫn chứng kiểu như thằng cháu tôi nó thế này, cô bạn kia nói thế nọ chỉ để lấy ra làm ví dụ như một nguồn dẫn chứng một chiều, rồi sau đó đưa ra kết luận như một nhận định mới được công bố. Tôi thì chẳng tin tưởng những điều này lắm, nó giống như những câu chuyện tình yêu-hạnh phúc mà nhiều khi mang đầy tính hư cấu, đăng trên các tạp chí với đầy quảng cáo về mỹ phẩm (vì tôi là đàn ông nên có khắt khe khi nhận xét như vậy). Để nhận xét, đánh giá về xã hội, không chỉ cần mất vài tiếng, viết một bài, đăng lên báo để lấy nhuận bút vài trăm ngàn là xong, phó mặc bài viết được đồng ý, phản đối rồi sao chép chuyền nhau như những phát kiến mới. Mà muốn đánh giá điều đó, phải có các nghiên cứu một cách nghiêm túc trên một phạm vi nào đó (xin hãy đọc bài báo tôi trích dẫn ở phần dưới, nó mới là các phương pháp nghiên cứu về xã hội).

Còn tôi, trong một chừng mực nào đó thì vẫn sử dụng các biểu tượng này như một cách hài hước vui vẻ, chẳng hạn chế tác một kiểu cười độc đáo, sử dụng sự vui vui của đôi mắt đang cười theo kiểu tít mắt (giống như mấy nhân vật trong chuyện tranh quá) như thế này ^^ hoặc là ^_^ (có cả miệng) hay là cười “he he” nghe đêu đểu, hay là “ha ha” khoái chá, nhạo báng.

Nhưng tôi không thấy trong lời nói của tôi bị ảnh hưởng bởi điều đó.

Có thể rằng việc mọi người sử dụng các cách ngắn viết ngắn gọn, sử dụng biểu tượng thì luôn phải tư duy xem thực hiện như thế nào để thể hiện điều đó, có nghĩa rằng lý trí phải suy nghĩ xem nên viết thế nào, nên không ảnh hưởng đến ngôn ngữ thể hiện ở đời thực được. Nếu như thế giới ảo chiếm suốt thời gian một con người: ví dụ liên tục chơi game online, chat quá 2/3 thời gian một ngày thì có lẽ nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sức khoẻ, tâm lý của họ. Thực tế thì số người này không nhiều, và nếu có, họ có thể không đủ tầm để ảnh hưởng đến xã hội xung quanh mà gây lây nhiễm bởi hai lý do: họ là người không có thời gian cho người thực xung quanh để giao tiếp, hoặc là họ chỉ là người tầm thường để tiếng nói không có trọng lượng ảnh hưởng đến xung quanh. Chưa ai hứng thú nghe một người cứ nói bằng ngôn ngữ lạ thường như người ở nước khác cả.

Không phải ngẫu nhiên tôi viết nhật ký bày tỏ thái độ của mình trước những “báo động” về suy thoái ngôn ngữ trên blog của mình. Bởi vì tôi không đồng ý với những báo động đó, và cũng vì tự nhiên lại đọc được một bài viết trên báo điện tử VietNam Net mà tôi cảm thấy đây là một công trình nghiên cứu của họ.

Xin giới thiệu bài viết này.

Việc người dùng thường xuyên sử dụng tin nhắn SMS và dịch vụ chat IM không gây tác động tiêu cực đến kỹ năng ngôn ngữ cơ bản của họ, nghiên cứu mới nhất tại Canada kết luận. Theo các chuyên gia của Đại học Toronto, hiện tượng người dùng sử dụng các ký hiệu và cụm từ viết tắt chỉ phản ánh “một sự mở rộng ngôn ngữ tự nhiên mà thôi”. “Chúng khiến cho ngôn ngữ trở nên sinh động, phong phú và gần gũi với cuộc sống hơn - chứ không phải những ký tự khô cứng trên mặt giấy”, hai chuyên gia Sali Tagliamonte và Derek Denis tuyên bố. Thậm chí, dịch vụ chat IM còn cho phép giới teen “hòa trộn hài hòa, linh hoạt giữa ngôn ngữ chính thống với văn phong thông tục”. Trong công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí New Scientist số mùa xuân 2008, dưới tiêu đề “Ngôn ngữ nước Mỹ″, các tác giả cho rằng: “Hoàn toàn trái ngược với định kiến phổ biến, IM không hề phá hủy khả năng giao tiếp của giới trẻ. Vẫn chính thống hơn văn nói Ngược lại, nó còn tạo cho dân teen “cơ hội để chơi đùa, nghịch ngợm và tung hứng với ngôn ngữ”. “IM là cuộc trò chuyện mang nặng tính tương tác giữa những người bạn với nhau. Mặc dù họ sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn phi chính thống, nhưng dù gì nó vẫn là giao diện viết - tức là vẫn “chỉn chu” hơn so với khi nói chuyện đãi bôi”, Tiến sĩ Denis chia sẻ. Ông và cộng sự Tagliamonte đã tiến hành phân tích hơn 1 triệu từ thường gặp trong giao tiếp IM - được sử dụng bởi 72 người trong độ tuổi từ 15 đến 20. Sau đó, họ phát hiện ra rằng: Mặc dù IM có chia sẻ một số mẫu câu với văn nói, song từ vựng và ngữ pháp của nó vẫn “mang xu hướng bảo thủ và truyền thống”. Những từ viết tắt chỉ chiếm vẻn vẹn 2,4% số từ vựng phổ thông của IM mà thôi - đây là tỷ lệ được các tác giả mô tả là “cực nhỏ” trong nghiên cứu. Từ viết tắt duy nhất được ưa chuộng hơn hẳn so với “từ gốc” là “U”, với tần suất sử dụng cao gấp 9 lần so với “you”.

Tuy nhiên, tôi không vỗ tay cổ suý cho việc sử dụng quá nhiều những từ lóng, viết tắt hoặc

Phần trích dẫn lấy tại:

Nhắn tin không ảnh hưởng đến ngôn ngữ, Trọng Cầm (Theo VNUnet) đăng trên Việt Nam Net, 20/5/2008

Tr Minh Linh (20/5/2008)

____________

Mở rộng:

Một số ý nghĩa của biểu tượng trên phần mềm Yahoo! Messenger thường được sử dụng như sau:

Biểu tượng

Mã tương ứng

Ý nghĩa

:)

vui vẻ

:(

buồn thiu

;)

nháy mắt

:D

cười nhe răng

;;)

long lanh ánh mắt

>:D<

ôm một cái

:-/

bối rối

:x

yêu thế

:”>

thẹn thùng

:P

lè lưỡi

:-*

chụt chụt

=((

tan nát cõi lòng

:-O

ngạc nhiên

X(

nổi cáu

:>

vênh mặt

B-)

sành điệu

:-S

lo lắng

#:-S

phù… toát mồ hôi

>:)

đồ quỷ sứ

:((

khóc nhè

:))

cười ngoác miệng

:|

chịu thôi

/:)

nhíu mày đăm chiêu

=))

cười ngã lăn

O:-)

thiên thần

:-B

mọt sách

=;

đủ rồi

:-c

gọi điện nhé

:)]

đang bận điện thoại

~X(

hết cách

:-h

tạm biệt

:-t

hết giờ

8->

mơ giữa ban ngày

I-)

buồn ngủ

8-|

đảo mắt một vòng

L-)

yếu mà ra gió

:-&

không chịu nổi

:-$

suỵt, bí mật nhé

[-(

giận rồi

:O)

làm mặt hề

8-}

ặc ặc

<:-P

bị thổi còi

(:|

ngáp dài

=P~

thèm nhỏ dãi

:-?

suy nghĩ

#-o

trời!

=D>

hoan hô

:-SS

gặp tình huống khó

@-)

bị thôi miên

:^o

được khen

:-w

đang đợi đây

:-<

thở dài

>:P

phbbbbt

<):)

cao bồi

X_X

sợ quá đi thôi

:!!

nhanh lên nào

\m/

yeah!

:-q

không đồng ý

:-bd

đồng ý cả hai tay

^#(^

không phải tôi

:ar!

hải tặc (chỉ có ở YM trên web)

:o3

cún con

:-??

ai biết đâu

%-(

không nghe nữa đâu

:@)

lợn con

3:-O

ụm bò

:(|)

khỉ gió

~:>

gà tồ

@};-

hoa hồng

%%-

chúc may mắn

**==

quốc kỳ

(~~)

bí ngô

~O)

cà phê

*-:)

ý kiến hay

8-X

nguy hiểm

=:)

con bọ xấu xí

=:)

người ngoài hành tình

:-L

bực quá

[-O<

lạy trời

$-)

thấy tiền lóa mắt

:-”

huýt sáo

b-(

muốn gây sự à

:)>-

hòa nhé

[-X

không được đâu

\:D/

vui quá

>:/

có giỏi thì đến đây

;))

hi hi

:-@

nói liên hồi

^:)^

đa tạ

:-j

ồ thôi mà

(*)

tỏa sáng

o->

người hùng Hiro

o=>

cậu bé hoạt hình Billy

o-+

cá tháng tư

(%)

âm dương

:bz

chú ong chăm chỉ

[..]

người máy biến hình (chỉ có ở YM trên web)

Nguồn lấy (phần mở rộng): Cách dùng biểu tượng khi chat, Vũ Anh Tú (theo Yahoo)