Thứ Năm, 3 tháng 4, 2008

Phòng thủ trước Internet

Hàng ngày, bạn thường vào Internet để truy cập thông tin, lướt web, viết blog...nhưng có thể bạn chưa biết rằng những mối hiểm hoạ đang rình rập bạn như: đánh cắp thông tin mật khẩu của tài khoản cá nhân. Hãy xem những cách phòng thủ dưới đây để giảm bớt các nguy cơ nguy hiểm đến mình trước Internet:

1. Sử dụng các hệ điều hành mới và luôn luôn cập nhật các bản vá lỗi của hệ điều hành mà bạn đang dùng:

  • Nếu như hệ thống máy tính của bạn đủ đáp ứng của Windows Vista, bạn hãy nâng cấp nó để có được các công nghệ bảo mật mới nhất từ Microsoft. Trong thời gian gần đây (tháng 3 năm 2008) Microsoft đã phát đưa ra bản SP1, hãy nâng cấp Windows Vista của bạn lên SP1.
  • Nếu như như bạn đang sử dụng Windows XP, hãy nâng cấp nó đến phiên bản SP2 và nâng cấp toàn bộ các bản vá lỗi phát hành đều đặn hàng tháng của Microsoft. Mọi tính năng cập nhật cho Windows XP (và cả Vista) đều có trong chức năng Windows Update, hãy bật tính năng tự động cập nhật này.
2. Sử dụng tường lửa (Firewall) để bảo vệ trước hiểm hoạ Internet.
  • Khái niệm “tường lửa” (tiếng Anh: Firewall) có lẽ là rất mới lạ đối với nhiều người, nhưng nó được sử dụng rất nhiều trong Internet - hầu hết những người sử dụng Internet một cách thành thạo thường không thể thiếu hiểu biết về nó. Nếu bạn chưa hiểu biết về nó, xin hãy hiểu một cách sơ lược nhất rằng nó được thiết kế để bảo vệ bạn trước Internet.
  • Các hệ điều hành mới của Microsoft đều tích hợp sẵn các tường lửa này (từ Windows XP trở đi), do đó nếu bạn không sử dụng một phần mềm tường lửa nào của hãng thứ ba thì bạn đừng vô hiệu hoá nó trong Windows.
  • Ngoài ra, cần chú ý đến các firewall bằng phần cứng mà bạn đang có: Các modem ADSL ngày nay đa phần được tích hợp tường lửa. Hãy bật nó (enable) trong tuỳ chọn của modem (thông thường chế độ tường lửa của modem mặc định lại bị tắt đi).
3. Sử dụng các phần mềm bảo vệ và liên tục cập nhật nó. Định kỳ sử dụng nó.
  • Các phần mềm bảo mật bao gồm: Phần mềm chống virus, chống spyware hoặc các phần mềm tích hợp chúng (bao gồm cả phần mềm “tường lửa” đã nêu ở mục trên).
  • Bạn cần sử dụng tối thiểu một phần mềm diệt virus kết hợp với chống spyware nhằm ngăn chặn ngay sự lây nhiễm của chúng vào máy tính của mình.
  • Luôn luôn cập nhật cơ sở dữ liệu cho nó một cách định kỳ để các phần mềm này có khả năng nhận biết và phát hiện các loại virus, spyware mới nhất.
  • Định kỳ quét virus và spyware toàn bộ ổ cứng của bạn. Thời gian có thể hàng tuần hoặc hàng tháng tuỳ theo mức độ và phạm vi truy cập Internet của bạn.
4. Cảnh giác với các file đính kèm và các emai lạ
  • Luôn luôn cảnh giác với các file đính kèm: Nếu là người quen biết hoặc có hẹn trước: hãy tải file xuống ổ cứng và quét virus. Nếu file đính kèm của một người lạ - đừng bao giờ mở nó, bởi nó có thể chẳng chứa một điều gì hay ho cả.
  • Không bấm vào các đường link trong các email của người không quen biết. Các liên kết này có thể đưa bạn đến một trang web chứa mã độc hại.
5. Sử dụng mật khẩu mạnh và thường xuyên thay đổi nó.
  • Đối với các mật khẩu, cho dù dành cho bất kỳ một tài khoản nào trên Internet, hãy cố gắng sử dụng các mật khẩu mạnh, khó đoán và khó có thể sử dụng các phần mềm dò tìm chúng một cách dễ dàng.
  • Mật khẩu mạnh thường bao gồm các yếu tố sau: Có không nhỏ hơn 8 ký tự. Các ký tự bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, các ký tự không theo bảng chữ cái (như ~!@#...), và các con số.
6. Không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau
  • Nếu một mật khẩu sử dụng chung cho rất nhiều tài khoản khác nhau sẽ khiến cho bạn dễ dàng bị lộ thông tin. Một số các website lừa người sử dụng có thể lợi dụng thói quen có hại của người sử dụng để đánh cắp mật khẩu, truy cập vào các tài khoản tại các địa chỉ khác của bạn.
7. Hạn chế sử dụng mạng Internet không dây - tạo sự an toàn khi sử dụng mạng không dây (wireless)
  • Các điểm truy cập Internet không dây có nguy cơ tiềm tàng về sự an toàn cho máy tính. Thông thường để đạt được sự kết nối dễ dàng nhất mà không cần đến mỗi sự cấu hình, thiết lập lại các máy tính cho phiên kết nối nên các kết nối không dây thông qua wireless không thiết lập mức an toàn cao.
  • Nếu như máy tính của bạn thiết lập các thư mục chia sẻ, kết nối wireless sẽ tương tự như mạng nội bộ trong công ty của bạn. Máy tính có thể bị lây nhiễm các loại virus tự nhân bản khi tìm thấy các thư mục được phép ghi. Hoặc một ai đó tò mò và sao chép các dữ liệu quan trọng của bạn.
  • Nếu như ở gia đình bạn sử dụng một modem hoặc router không dây, bạn luôn nhớ rằng chúng có thể phủ sóng đến một khoảng cách khá xa, đủ để những người hàng xóm của bạn có thể dùng chung kết nối Internet hoặc đột nhập vào máy bạn nếu họ xấu tính. Trong trường hợp này, hãy thiết lập các chế độ an toàn giữa thiết bị không dây và máy tính của bạn.

8. Hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân

  • Các thông tin cá nhân nếu bị rò rỉ hoặc được cung cấp một cách tự nguyện do người sử dụng không lường hết được hậu quả của nó có thể khiến cho họ gặp nhiều rắc rối trong tương lai. Nếu như bạn để lộ một địa chỉ email chuyên để dùng cho công việc, bạn có thể nhận được rất nhiều thư spam, thư chứa mã hiểm độc. Nếu để lộ danh tính, bạn cũng có thể gặp phiền phức, một ví dụ thú vị là: bạn có thể bị cho rằng lạm dụng thời gian của công ty để làm việc riêng nếu như blog của bạn xuất hiện một số bài trong giờ hành chính...

9. Đăng xuất (Log out) khi kết thúc truy cập Internet công cộng

  • Mọi thông tin như username, password của người sử dụng có thể được lưu lại tại trình duyệt. Do đó cần thực hiện các hành động "thoát" (log-out) khỏi dịch vụ (forum, blog, webmail..) để tránh người sử dụng sau đó có thể sử dụng như chính bạn.
  • Nếu một số dịch vụ cho phép sử dụng cookie (ghi nhớ các thông tin truy cập, sở thích...tự động trên chính máy tính đó, thì bạn không được cho phép điều này. Hãy bỏ chọn ở các mục tương tự như "Nhớ mật khẩu", "Lưu trên máy tính này", "Tự động đăng nhập"...

10. Hạn chế tuyệt đối sử dụng với các tài khoản nhạy cảm tại các điểm truy cập Internet công cộng

  • Ngoài các hình thức tự ghi nhớ thông tin username, password đã được nêu trên, còn một khả năng khác là các phần mềm độc hại có thể lưu lại mọi ký tự mà bạn gõ vào bàn phím, do đó nó có thể dễ dàng ghi lại các username và password của bạn. Điều này có thể không phải do những người chủ dịch vụ truy cập Internet công cộng cố ý thực hiện, nó có thể do máy tính bị lây nhiễm phần mềm hiểm độc, người sử dụng trước đó cài vào máy. Do đó các giao dịch quan trọng liên quan đến tài chính hoặc các thông tin nhạy cảm của bạn, hoặc ngay cả các mật khẩu quản trị web... - bạn không nên thực hiện tại các điểm truy cập Internet công cộng.

Tr Minh Linh.

(Bạn có thể sử dụng bài viết cho mọi mục đích, xin vui lòng ghi lại địa chỉ của blog này khi phân phối. Bài viết này có thể được cập nhật theo thời gian, thỉnh thoảng quay lại đọc nó sẽ có ích hơn^^)

(Lưu ý: Bài này hiện nay chưa hoàn thiện. Nó chỉ hoàn thiện khi dòng này được dời đi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh sự góp ý của bạn cho blog!
- Nếu bạn không có các tài khoản để nhắn tin/bình luận bạn có thể chọn trong "Nhận xét với tư cách" với tài khoản "Ẩn danh" (Anonymous).
- Blog còn có các entry/bài viết khác mà bạn có thể xem qua, chúng được liệt kê tại entry Mục lục.

Cám ơn bạn đã đọc blog! Chúc bạn tìm được nhiều bài viết hay và hữu ích cho mình!